e magazine
19/05/2022 14:03
Bình minh Cồn Cỏ

19/05/2022 14:03

Kéo hồi còi dài kiêu hãnh, chào đất liền, chào ngày mới, tàu cao tốc của UBND huyện Cồn Cỏ đưa du khách ra thăm đảo.
Bình minh Cồn Cỏ

Kéo hồi còi dài kiêu hãnh, chào đất liền, chào ngày mới, tàu cao tốc của UBND huyện Cồn Cỏ đưa du khách ra thăm đảo.

Trước mênh mông của biển trời, những thanh âm về biển cứ tự khắc vang lên trong tâm trí: “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam. Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng. Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương...”.

Cồn Cỏ được nhắc đến là hòn đảo tiền tiêu, nhưng với thế hệ sinh ra và lớn lên thời hậu chiến như bọn mình, Cồn Cỏ không chỉ có quá khứ của chiến tranh mà là đảo nhỏ bình yên trong “Tiếng gà trưa Cồn Cỏ” của nhà văn Trần Hoài. Để cảm nhận đảo như một làng quê thanh bình nào đó trên mảnh đất hình chữ S này, mình đã mang theo sự dịu dàng khi “biển lại hát tình ca” ra với đảo, tận hưởng sự bình yên đến trong trẻo của Cồn Cỏ.

Bình minh Cồn Cỏ

Tàu ngược sóng, lướt băng băng. Từ xa đã thấy Cồn Cỏ trong nắng mai như một con tàu vững chãi giữa trùng khơi. Quãng đường không dài và biển không quá cồn cào nên chỉ đủ làm cho du khách có một chút chếnh choáng dư vị tàu biển. Tháng 5, bắt đầu mùa của đặc sản Quảng Trị. Gió Lào tạo ra những con sóng, thứ sóng thú vị đủ để làm cho du khách biết được thế nào là rung lắc, bồng bềnh của một chuyến hải hành viễn dương.

Chưa đầy một giờ đồng hồ vượt quãng đường hơn 30 cây số, tàu đã cập đảo. Vẫn sự nhộn nhịp trên bến, dưới thuyền như thường thấy. Tàu từ đất liền ra nên mang theo rau và trái cây, những thứ hơi khó để trồng trên đảo. Nếu như đã thân quen hơn, có lẽ mình đi bộ thay vì ngồi xe điện để được nhẩn nha dạo bước và cảm nhận gió biển phóng khoáng đón chào.

Cồn Cỏ bây giờ, dẫu nhộn nhịp hơn nhưng hơi na ná của Côn Đảo khoảng hơn 15 năm về trước khi trên đảo chỉ có 2 nhà khách nhỏ của UBND huyện và Huyện đội. Tuy nhiên, nhờ sự đơn sơ, mộc mạc ấy lại làm cho du khách có những cảm nhận khó quên.

Bình minh Cồn Cỏ

Cồn Cỏ được hình thành từ nham thạch núi lửa nên không có nhiều bãi tắm với cát trắng trải dài như những hòn đảo khác.

Lần này đi cùng phóng viên Trần Quang Minh của VTV, ra đảo làm tin bài về những địa đạo còn sót lại ở Quảng Trị. Hai anh em được ưu tiên nghỉ tại nhà khách UBND huyện. Nhà khách giản đơn nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Vậy là mình khá may mắn vì nghe nói những lúc “cao điểm”, hai nhà khách nhỏ và mấy hộ gia đình bố trí kiểu “homestay” không đủ chỗ cho đoàn lớn vài chục người.

Huyện bố trí xe điện, nhưng hai anh em quyết định đi bộ để vừa thăm quan và tác nghiệp. Việc đầu tiên, Minh leo lên đồi 37, thắp hương ở đài tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ và xin cho chuyến công tác được hoàn thành. Tham gia cùng là Duyên, tốt nghiệp học viện báo chí tuyên truyền, hiện đang công tác tại phòng văn hóa huyện.

Bình minh Cồn Cỏ

Đời sống người dân trên đảo Cồn Cỏ.

Mấy anh em đi bộ qua những triền dốc, men theo con đường nhỏ ven biển. Từ cung đường yên tĩnh này có thể cảm nhận được biển trời như đang hòa vào nhau. Đắm chìm trong màu xanh bất tận “Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển. Xanh trời… xanh của những ước mơ” để lắng nghe biển dịu dàng hát khúc tình ca.

Chuyến đi của Minh lần này để tìm kiếm những địa đạo còn sót lại ở Quảng Trị. Sau hơn 1 tuần lăn lộn ở “làng hầm” Vĩnh Linh, Minh đã vào được những địa đạo mà ngay cả những người sống ở địa phương lâu năm cũng không biết. Háo hức với thông tin một địa đạo dân sự ở Cồn Cỏ còn sót lại, hai anh em quyết định ra đảo. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với các anh đang sống trên đảo mới biết được thông tin tất cả các địa điểm muốn vào quay phải có sự đồng ý của cơ quan quân sự.

Bình minh Cồn Cỏ

Hoàng hôn trên đảo Cồn Cỏ.

Trước Minh có nhiều năm làm chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” nên ngay trưa hôm đó đã nỗ lực gọi cho các đơn vị quân sự trên địa bản tỉnh, nhưng do thời gian có hạn nên vẫn chưa có được sự chấp thuận. Trên đường đi bộ lang thang, dựa vào những thông tin được cung cấp trước đó, mọi người dễ dàng phát hiện hai cửa lớn được cho vào địa đạo, ở ngay cạnh bến Nghè. Địa đạo đang được ngành Văn hóa tỉnh làm hồ sơ để xin công nhận làm điểm du lịch. Nếu được khai thác, địa đạo này sẽ là một điểm nhấn không thua kém gì địa đạo Vịnh Mốc vì qui mô và tính lịch sử.

Ngoài cột cờ, đài tưởng niệm, bến Nghè mọi người gợi ý nên vào thăm hầm quân y. Đây là một hang đá tự nhiên, khá đẹp, được tận dụng làm nơi cấp cứu và chữa trị cho thương, bệnh binh và người dân trong chiến tranh. Kết hợp với địa đạo, thì trên đảo có thể thiết kế thành một gói nhỏ du lịch hoài niệm, thăm di tích lịch sử, thăm chiến trường xưa trong hành trình ra với đảo.

Bình minh Cồn Cỏ

Có thể với những người trẻ, khám phá những danh thắng thiên nhiên, thưởng thức ẩm thực đặc sắc là mục đích không thể thiếu trong mỗi chuyến du lịch. Cồn Cỏ được hình thành từ nham thạch núi lửa nên không có nhiều bãi tắm với cát trắng trải dài như những hòn đảo khác. Thay vào đó là những bãi đá dài tuyệt đẹp, chạy xa tít tắp như đang đuổi nhau với những con sóng bạc đầu.

Biển ở đây rất xanh, xanh ngăn ngắt. Dưới làn nước trong văn vắt là cả một hệ sinh thái san hô vô cùng phong phú và đa dạng. Trải nghiệm lặn biển, ngắm san hô cũng là một hoạt động thú vị trên đảo. Tình cờ gặp một nhóm thanh niên vừa lặn biển ngắm san hô vừa hái được một túi to rong biển. Đặc sản rất quí ở đất liền.

Bình minh Cồn Cỏ

Khung cảnh trên đảo Cồn Cỏ.

Với diện tích không lớn, có hơn 70% là diện tích rừng nguyên sinh, Cồn Cỏ là một số ít nơi tại Việt Nam có hệ sinh thái rừng nhiệt đới được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Trong những trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua khi đến thăm Cồn Cỏ là tham quan khu rừng nguyên sinh giữa biển khơi, tận hưởng bầu không khí trong lành.

Đáng nhớ nhất của chuyến đi khi được trèo lên ngọn hải đăng. Đây là một trong những địa chỉ tham quan không thể thiếu của du khách khi đặt chân lên đảo. Trèo lên những bậc thang “uốn lượn” theo hình xoắn ốc để đặt chân lên điểm cao nhất của đảo. Ngày mới bắt đầu là… bình minh.

Thực sự tiếc nếu không ra Cồn Cỏ lần này, thực sự tiếc nếu không được đón bình minh ở trên ngọn hải đăng này. Cơ hội không dễ có trong cuộc đời. Được thu vào tầm mắt là mênh mông của biển cả. Những con thuyền đánh cả bắt đầu ra khơi. Gió phóng khoáng cùng với sóng tạo ra thanh âm chào ngày mới. Hít sâu vào lồng ngực cả buổi sáng trong lành để tự hào mình là người Việt Nam.

Bình minh Cồn Cỏ

Mấy năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Cồn Cỏ vừa mới được khởi sắc cũng phải chịu ảnh hưởng chung như du lịch cả nước. Được biết, tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực xây dựng thêm các sản phẩm mang bản sắc riêng của đảo. Đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng; coi trọng liên kết tour du lịch Cồn Cỏ với các tour du lịch khác cũng như liên kết với các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng phục vụ du lịch.

Rộn ràng vui khi những chuyến tàu du lịch lại náo nức đưa những đoàn khách ra với đảo. Nhưng những số liệu dù khá lạc quan vì số lượng khách du lịch không ngừng tăng lên trong những năm gần đây vẫn là những con số vô cùng khiêm tốn. Làm thể nào để thu hút được du khách đến được với đảo, không chỉ là trăn trở của những lãnh đạo tỉnh nhà mà còn của tất cả những người dân yêu và mong muốn quê hương ngày càng giàu mạnh.

Đến Quảng Trị ngày nay, không nên chỉ đọng lại ấn tượng với một Quảng Trị của những quá khứ hào hùng trong chiến tranh, với những dấu tích của chiến tranh mà hãy để những cảm nhận tươi mới về Quảng Trị của những vẻ đẹp hoang sơ rất riêng mà không thể xuất hiện ở những vùng đất khác. Cồn Cỏ cũng như thế, hãy mài dũa “viên ngọc thô” này bằng những tư duy cởi mở hơn.

Bình minh Cồn Cỏ

Cây bàng đã vượt sóng gió ra với đảo, tồn tại mãnh liệt giữa điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Mình nhớ Phó Bí thư huyện đảo Nguyễn Văn Thành đã chia sẻ tâm tư về du lịch đảo bằng những ví dụ nho nhỏ như “Em thấy đổi tên hầm quân y thành hang quân y. Không cần phải biển hiệu to lớn mà chỉ cần một bảng chú thích nhỏ cho du khách hiểu được địa danh mình đến thăm quan”. Những việc lớn nên bắt đầu từ những tư duy tưởng là nhỏ nhưng rất quan trọng này.

Tạm biệt Cồn Cỏ. Nhớ cây bàng vuông trước cổng UBND huyện. Cây bàng đã vượt sóng gió ra với đảo, tồn tại mãnh liệt giữa điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Đôi lúc những điều tưởng như giản dị lại có sức quyến rũ khó cưỡng, một Cồn Cỏ nguyên sơ, thanh bình nếu được nâng niu như những cây bàng vuông, sẽ cho đời những bông hoa đẹp.

Ngồi ghi những dòng này, vẫn còn vẹn nguyên cảm giác “ngất ngây” xen lẫn niềm tự hào khi đứng trên ngọn hải đăng Cồn Cỏ trong một buổi sáng sớm mai trong lành. "Chân trời rất xanh, gọi nắng xôn xao…".

Bài & ảnh: ĐĂNG NHẬT - QUỐC TUẤN

Đồ họa: NAM TRÂN

Đông Hà mà tôi mến yêu Đông Hà mà tôi mến yêu

Khi lần đầu tiên nghe bài hát "Đông Hà, thành phố tương lai" của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, đứa bé mười lăm tuổi là ...

Du lịch sự kiện: Một góc nhìn từ Huế Du lịch sự kiện: Một góc nhìn từ Huế

Sáng nay (11/5), tại thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) có một hội thảo khoa học mang tên: "Xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành trung tâm ...

Ấn tượng Phố đêm Hoàng thành Huế Ấn tượng Phố đêm Hoàng thành Huế

Từ khi Phố đêm Hoàng thành Huế đi vào hoạt động, lần đầu tiên không gian xung quanh Đại Nội trở nên bừng sáng, sôi ...

Xem phiên bản di động