|
Đồng cảm với những người thầy thuốc tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh đang bị nợ lương nhiều tháng qua, hàng chục bệnh nhân đã làm đơn kiến nghị, gửi Ban Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam và Ban Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh với mong muốn các cấp lãnh đạo sớm có chính sách thỏa đáng để các bác sĩ yên tâm chữa bệnh, cứu người. Sau khi đăng tải câu chuyện về chị Lê Thanh Huyền (điều dưỡng Khoa Phụ sản, Bệnh viện Tuệ Tĩnh) trong bài viết “Nữ điều dưỡng ngày mặc áo blouse trắng, tối phải đi bán ... rau”, nhóm phóng viên tiếp tục trở lại bệnh viện này để gặp gỡ và nắm bắt tâm tư người bệnh. Tại Khoa Phục hồi chức năng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với các bệnh nhân, những người đang điều trị tại bệnh viện này. Đa số họ đều đồng cảm với câu chuyện hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế bị nợ lương mà Cuộc sống an toàn đã phản ánh nhiều ngày qua. Video: Bệnh nhân Bệnh viện Tuệ Tĩnh trả lời phỏng vấn của phóng viên Cuộc sống an toàn. Chứng kiến các cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện không thể yên tâm công tác, hằng ngày phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề tay trái, bệnh nhân ngoài việc cảm thông họ cũng có thái độ thẳng thắn, rõ ràng: “Bệnh viện nợ lương, các bác sĩ nản lòng thì chúng tôi cũng rút”, một bệnh nhân nói. Do các y, bác sĩ đang nản lòng, bệnh viện không có bệnh nhân vì người dân không tin tưởng vào công tác khám, chữa bệnh, vậy lãnh đạo Học viện Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam và Bệnh viện Tuệ Tĩnh có "giật mình"? |
|
Ngày 27/10/2021, 15 bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa điều trị Phục hồi chức năng (Bệnh viện Tuệ Tĩnh) đã soạn và ký vào lá đơn kiến nghị, gửi Ban Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam và Ban Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Các bệnh nhân mong muốn, lãnh đạo bệnh viện tạo điều kiện về lương và phúc lợi để kịp thời khích lệ, động viên các y, bác sĩ tập trung vào chuyên môn, điều trị bệnh nhân. |
Bản kiến nghị của các bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa điều trị Phục hồi chức năng (Bệnh viện Tuệ Tĩnh) |
Cụ thể trong lá đơn kiến nghị các bệnh nhân tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh viết: “…Thời gian gần đây khi trao đổi với các bác sĩ chúng tôi được biết có một số vướng mắc, khó khăn về các chế độ về lương, phúc lợi chậm cho nên tư tưởng và tâm lý bác sĩ có những biến động, bức xúc nhất định. Bệnh nhân chúng tôi cũng thấy hoang mang và thiếu yên tâm. Chúng tôi làm bản kiến nghị này xin gửi đến Ban Giám đốc của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam - Bệnh viện Tuệ Tĩnh tạo điều kiện về lương, phúc lợi để kịp thời khích lệ động viên các bác sĩ tập trung vào chuyên môn, điều trị cho bệnh nhân, phù hợp với Luật lao động của Nhà nước ban hành để giúp chúng tôi yên tâm điều trị lâu dài. Điều đó cũng nâng tầm giá trị của bệnh viện và tạo nên sự yên ổn của bác sĩ…” Cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh trong lần "kêu cứu" với phóng viên Tạp chí điện tử Cuộc sống an toàn. Khi được hỏi vì sao viết đơn kiến nghị này, ông Trương Vinh Hải (sinh năm 1964), bệnh nhân đang phục hồi chức năng sau tai biến tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tuệ Tĩnh chia sẻ: “Qua quá trình điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng, tôi nhận thấy các bác sĩ ở đây rất nhiệt tình và trách nhiệm. Cũng nhờ tình cảm gần gũi, thân thiết với người bệnh, chúng tôi được biết các y, bác sĩ tại đây đang bị nợ 50% lương nhiều tháng qua. Đồng cảm với các y, bác sĩ, ý thức của một công dân nên chúng tôi mong muốn đóng góp tiếng nói nhỏ bé của mình trong việc tạo ra công bằng xã hội. Chính vì vậy, chúng tôi đã gửi một thư kiến nghị tới các cấp lãnh đạo bệnh viện, với mong muốn để các bác sĩ sớm nhận được lương và yên tâm sống bằng nghề". Ông Đinh Công Chiến - một trong những bệnh nhân tại Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Tuệ Tĩnh) Ông Đinh Công Chiến (quê ở Thái Bình) tâm sự: "Mặc dù bị nợ lương, nhiều y, bác sĩ còn phải đi làm thêm với nỗi lo cơm áo gạo tiền nhưng họ làm việc rất tận tâm. Chúng tôi vẫn luôn nhận được sự động viên tinh thần lớn lao từ họ". |
Với mức sống cao như ở Thủ đô, những đồng lương mà các y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh nếu nhận được đủ thì cũng chưa chắc có một cuộc sống ổn định chứ chưa nói đến việc mỗi tháng chỉ nhận 50% lương. Vì thế họ đã phải làm thêm nhiều công việc khác để có thêm thu nhập, từ việc bán rau ngoài chợ, đến làm shipper, bán hàng online,... Chứng kiến sự vất vả đó của các cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện, ông Trương Vinh Hải lo lắng: “Các y, bác sĩ muốn sống được với nghề thì phải có thu nhập. Bản thân người bệnh chúng tôi đều mong họ toàn tâm, toàn ý với công việc. Còn với đồng lương ít ỏi như vậy họ phải tìm thêm những công việc khác bên ngoài. Như vậy thì làm sao tập trung vào chuyên môn được? Và khi các bác sĩ không thể yên tâm công tác thì người bệnh chúng tôi cũng lo lắng. Đến lúc đấy chúng tôi buộc phải rút để ra ngoài tìm một bệnh viện khác hợp lý hơn”. |
Ông Trương Vinh Hải (bệnh nhân Khoa Phục hồi chức năng) trả lời phỏng vấn phóng viên Cuộc sống an toàn. |
Cùng tâm trạng với ông Hải, anh Nguyễn Xuân Chức, một bệnh nhân khác đang điều trị tại bệnh viện này cũng lo lắng trước tình trạng chậm lương, nợ lương kéo dài tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Anh Chức chia sẻ: “Tôi thấy các y, bác sĩ ở đây tận tâm và vất vả quá. Tôi thắc mắc họ đi làm như thế thì sống như nào? Vì cuộc sống có nhiều mối lo, từ chuyện nhà cửa, vấn đề ăn học của con cái và nhiều chuyện khác,... Chúng tôi thấy bệnh viện đang có nhiều bất cập vì mọi người đi làm gần như không có lương. Thông qua lá đơn kiến nghị, chúng tôi mong bệnh viện sẽ có sự quan tâm sát sao tới đời sống của các y, bác sĩ, đặc biệt là về vấn đề lương, thưởng. Khi các bác sĩ yên tâm công tác thì chúng tôi cũng yên tâm hơn về sức khỏe của mình”. Anh Nguyễn Xuân Chức trả lời phỏng vấn với phóng viên Cuộc sống an toàn. Một bệnh viện khó tồn tại nếu như thiếu bệnh nhân và các y, bác sĩ. Thế nhưng, với tình trạng chậm lương kéo dài, không có phương án giải quyết cụ thể như ở Bệnh viện Tuệ Tĩnh trong suốt 6 tháng qua thì thật khó để những người họ tập trung chuyên môn. Người bệnh cũng không thể yên tâm chữa bệnh. Những ngày gần đây, Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã có nhiều phòng bệnh không sáng đèn và nhiều giường bệnh trống trơn. Ngoài lý do dịch bệnh Covid-19, phải chăng Bệnh viện Tuệ Tĩnh sắp phải đối mặt với thực trạng không có bệnh nhân do người bệnh "buộc phải rút ra ngoài" (như lời chia sẻ của ông Hải). |
Nữ Điều dưỡng Khoa Phục hồi chức năng chăm sóc bệnh nhân |
Nữ điều dưỡng ngày mặc áo blouse trắng, tối phải đi bán... rau
Gần 6 tháng qua, hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt ... |
Hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương
Hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam), trong đó có ... |
Cần ngăn doanh nghiệp lợi dụng dịch Covid-19 áp dụng "bừa" Điều 38 Bộ luật lao động
Ngày 25/3, Bộ LĐ-TB-XH có văn bản số 1064 hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong ... |