Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa trao kinh phí hỗ trợ đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Công an nhằm động viên tuyến đầu chống dịch. |
Chiều 26/5, ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng của Tổng LĐLĐ Việt Nam nhằm tri ân sự hy sinh to lớn của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã tiếp nhận hỗ trợ. Thông tin với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Công an, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp. Số lượng người nhiễm, cách ly đang tăng. Tính đến trưa ngày 26/5, đã có 1.400 công nhân là F0, 16.000 công nhân là F1, 80.000 công nhân là F2. Riêng tỉnh Bắc Giang có 542 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, kéo theo 196.000 công nhân tạm thời mất việc. |
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật chia sẻ với lãnh đạo Bộ Công an về tình hình công nhân, lao động và hoạt động chăm lo của các cấp công đoàn. |
Với trách nhiệm của mình, các cấp công đoàn đang nỗ lực với quyết tâm cao nhất trong công tác phòng, chống dịch cũng như hoạt động thiết thực chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Đồng thời hỗ trợ 19 đơn vị, trung tâm khám chữa bệnh, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Điểm nhấn là Tổng LĐLĐ Việt Nam đã khởi động chương trình “Triệu liều vắc xin cho công nhân nghèo”. Trân trọng sự hy sinh, đóng góp của lực lượng tuyến đầu chống dịch, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận vai trò quan trọng của Bộ Công an trong công tác phòng, chống dịch góp phần mang lại bình yên cho nhân dân cả nước, trong đó có công nhân, viên chức, lao động. |
Lãnh đạo Bộ Công an thông tin về tình hình tham gia phòng, chống dịch của lực lượng công an nhân dân. |
Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn cảm ơn tình cảm của đoàn viên, người lao động và Công đoàn Việt Nam dành cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Công an nói riêng và cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch nói chung. Thời gian qua, lực lượng công an ở các đơn vị, địa phương đã thần tốc thực hiện truy vết các trường hợp có liên quan đến ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Đồng thời đảm bảo an ninh trật tự tại các chốt, điểm cách ly, cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến tại các địa bàn. Bộ Công an tiếp tục phát hiện và xử lý hoạt động đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội... Trong những ngày tới, Bộ Công an tiếp tục nhận quản lý bệnh viện dã chiến ở Bắc Giang. Lãnh đạo Bộ đã có kế hoạch cử 165 bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ, nhân viên y tế để điều trị cho các bệnh nhân theo chủ trương, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. |
Siêu thị 0 đồng của LĐLĐ tỉnh Bắc Giang cứu trợ công nhân, lao động. |
Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ, làn sóng dịch thứ 4 đã tấn công trực tiếp vào công nhân và khu công nghiệp, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc cách ly số lượng lớn công nhân đã phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Do đó, việc Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất với Thủ tướng Chính phủ bổ sung đối tượng công nhân tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vào danh sách nhóm được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 và khởi động chương trình “Triệu liều vắc xin cho công nhân nghèo” là cần thiết. Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, công nhân có đặc điểm tập trung đông, nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh cao. Trong khi đó, công nhân đóng vai trò mắt xích quan trọng đối với việc duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và sự liền mạch của chuỗi cung ứng. Ở nhiều địa phương, công nhân, lao động đã góp phần to lớn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, trực tiếp tạo nguồn thu cho ngân sách. Do đó, bảo vệ sức khỏe của công nhân là một yếu tố quan trọng để đảm bảo thực hiện thành công “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa giữ vững sản xuất và phát triển kinh tế.
|
Duy Minh Đồ họa: Duy Minh |