“Ai khó khăn xin nhận một phần”

Giữa cái nắng “đổ lửa” của những ngày tháng 6, một khoảng sân Trường Tiểu học Tây Hồ (Hải Châu, Đà Nẵng) rộn ràng tiếng nói cười của các thầy cô tham gia chuẩn bị các suất ăn phát cho người lao động khó khăn.

Những yêu thương lan tỏa

Hơn 1 năm qua, hằng tháng, “bếp ăn 0 đồng” của những cô giáo, thầy giáo Trường Tiểu học Tây Hồ lại đỏ lửa 1 lần để mang đến 200 suất ăn trưa cho người lao động khó khăn. Thầy Trương Vĩnh Đặng, người khởi xướng hoạt động này, đã dành nhiều tâm huyết cho bếp ăn.

Thầy Đặng tâm sự: “Khi nhìn thấy những người lao động là cô chú bán vé số, lượm ve chai vất vả mưu sinh, tôi đã luôn mong muốn rằng sẽ góp một phần nhỏ để hỗ trợ, chia sẻ với họ. Nghĩ là làm, tôi trao đổi với các đồng nghiệp khác thì cũng được mọi người ủng hộ. Vì vậy, những bữa ăn trưa hằng tháng cho người lao động khó khăn được ra đời”.

“Ai khó khăn xin nhận một phần”

Đều đặn hằng tháng, mỗi người của ít lòng nhiều lại đóng góp để cùng nhau duy trì hoạt động ý nghĩa này, bất kể dù nắng hay mưa. Ngày thực hiện, ai không bận công việc sẽ phụ chuẩn bị các suất ăn, mọi người cùng nhau lên thực đơn, mua sắm các thực phẩm tươi ngon và “xắn tay áo” đứng bếp để nấu các suất ăn. Nhóm các thầy cô luôn duy trì từ 8 đến 10 người cho hoạt động này mỗi tháng.

“Các thầy cô giáo đều cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia hoạt động, mọi người đều rất vui vẻ, có các cô giáo những ngày nghỉ mang cả con lên cùng tham gia để các cháu hiểu được ý nghĩa của những việc làm giúp đỡ người lao động khó khăn”, thầy Đặng chia sẻ.

“Ai khó khăn xin nhận một phần”

Cũng theo thầy Đặng, kinh phí tổ chức hoạt động trung bình khoảng 5 triệu đồng và thực đơn được các cô thay đổi đa dạng từ bánh cuốn, bánh hỏi, đến mì Quảng, cơm,… Sau thời gian hoạt động, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Tây Hồ đã đồng hành cùng thầy Đặng lan tỏa thêm ý nghĩa của chương trình.

Thực đơn các suất ăn được thay đổi thường xuyên.

“Ai khó khăn xin nhận một phần”

Theo cô Trương Thị Hồng Thanh, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Hồ thì hoạt động này giúp tất cả các Đảng viên cũng như cán bộ, nhân viên nhà trường được chia sẻ, hỗ trợ cho người lao động khó khăn.

“Nhà trường tạo mọi điều kiện về bếp, các vật dụng nấu nướng để nhóm có không gian chuẩn bị cho 200 suất ăn. Cái chính là mỗi người tự nguyện đóng góp, nếu không đủ, chúng tôi vận động thêm các mạnh thường quân khác hoặc một số phụ huynh khi thấy phong trào hay ý nghĩa, họ rất sẵn lòng tham gia”, cô Thanh cho biết.

Mỗi suất ăn giá bằng nụ cười

Sau hơn 1 tiếng tích cực chuẩn bị, các suất ăn được mang ra trước cổng trường để người lao động khó khăn có thể đến mang đi. Cổng trường Tiểu học Tây Hồ trong nhiều tháng qua cũng trở thành “địa chỉ” quen thuộc với các cô chú lao động khó khăn đến nhận cơm.

11h kém, những “vị khách” đầu tiên đến “mua” các suất ăn bằng những nụ cười hiền hậu.

“Ai khó khăn xin nhận một phần”

Chị Nguyễn Thị Út (quê Bình Sơn, Quảng Ngãi) ra Đà Nẵng bán vé số đã nhiều năm. Cuộc sống khó khăn, chị rời quê ra Đà Nẵng với mong muốn sẽ góp thêm chi phí cho 2 con nhỏ (một cháu học lớp 5, một cháu lớp 2) tiếp tục được đến trường. Nhận được sự giúp đỡ của đại lý bán vé số cho ở lại mà chị Út không phải mất tiền thuê trọ. Vậy nhưng với thu nhập mỗi ngày khoảng 100 ngàn đồng, chi phí cho ăn uống còn lại không bao nhiêu để gửi về gia đình. Vì vậy, khi nhận được suất cơm trưa, chị Út nâng niu, cảm kích vô cùng.

“Hôm nay để dành được thêm 20 ngàn tiền cơm trưa nên tôi vui lắm. Chồng và các con ở quê còn khó khăn, mình phải chắt chiu để gửi về cho các con đến trường. Nhận được những sự giúp đỡ nơi đất khách quê người thế này, dù ít, dù nhiều, tôi vẫn rất biết ơn”, chị Út tâm sự.

“Ai khó khăn xin nhận một phần”

Đẩy xe thu gom phế liệu cao hơn người đi ngang qua, bà Đỗ Thị Hồng (68 tuổi), làm nghề nhặt ve chai, xúc động khi nhận được suất ăn từ tay thầy Đặng.

Mỗi ngày, bà đều đẩy chiếc xe này hơn 10km để đi nhặt ve chai, thu nhập tùy thời điểm nhưng cũng chỉ khoảng vài chục đến một trăm ngàn đồng. Bà từng gặp tai nạn nên sức khỏe hạn chế, đôi khi cơ thể bà đau nhức.

“Tấm lòng của những bạn trẻ này thật đáng quý, suất ăn không chỉ làm no bụng mà còn động viên tôi rất nhiều”, bà Hồng chia sẻ.

Trao những suất ăn, các cô giáo lại động viên người lao động lan toả thông tin cho những người khác. Chỉ hơn 30 phút, các suất ăn lần lượt đến tay người lao động.

Đứng trao các suất ăn, tấm áo của các cô giáo và thầy Đặng thấm đẫm mồ hôi. Vậy nhưng, nhận được những nụ cười, ánh mắt xúc động biết ơn của người lao động khó khăn, các thầy cô giáo như được tiếp thêm động lực để cố gắng.

“Ai khó khăn xin nhận một phần”

Trời nắng nhưng các cô giáo, thầy giáo vẫn vui vẻ trao tặng các suất ăn cho người lao động.

Bài viết, ảnh: Xuân Hậu

Đà Nẵng: Ghi nhận 1 ca mắc Covid-19 tại KCN An Đồn Đà Nẵng: Ghi nhận 1 ca mắc Covid-19 tại KCN An Đồn

Chiều 20/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết đã ghi nhận thêm 18 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ...

Cấm chợ tự phát, người lao động lo lắng không thể mua nhu yếu phẩm Cấm chợ tự phát, người lao động lo lắng không thể mua nhu yếu phẩm

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, TP.HCM đã nâng cao mức độ giãn cách. Chợ tự phát đã được yêu ...

Điệu nhảy cổ vũ ở tâm dịch Bắc Giang của những người vận hành “Siêu thị 0 đồng” Điệu nhảy cổ vũ ở tâm dịch Bắc Giang của những người vận hành “Siêu thị 0 đồng”

Giữa nắng nóng lên đến 40 độ C, nhiều người cảm thấy như được tiếp thêm động lực nhờ bài nhảy đáng yêu của ...