|
“Trân trọng những gì ta có, ngay cả những niềm vui bé nhỏ và cảm tạ với tất cả những gì ta được nhận”, lời cảm ơn từ Hà Thị Lành, một công nhân sống trong tâm dịch Bắc Giang. |
Hà Thị Lành (SN 2002) là người dân tộc Nùng, quê ở Lạng Sơn. Gia đình khó khăn, vừa đủ tuổi lao động, Lành một mình xuống các khu công nghiệp tìm việc làm để trang trải cuộc sống và phụ giúp bố mẹ. Lành xuống Bắc Giang làm việc tại Công ty TNHH Luxshare-ICT (KCN Vân Trung) được 5 tháng thì dịch bệnh bùng phát. Từ tháng 4, nhiều chuyền sản xuất thuộc chi nhánh Vân Trung của công ty đã dừng hoạt động, hàng trăm lao động bị chấm dứt hợp đồng. Thu nhập của Lành bấp bênh theo từng tháng, ăn bữa nay nghĩ bữa mai. Lành với cô bạn tên Chi thuê chung phòng trọ tại Ao Cầu Đông, khu 7, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên. Dịch bệnh khiến họ không thể đi làm thêm, nghĩ đến tiền phòng cuối tháng, hai nữ công nhân chỉ biết nhìn nhau... Một hôm, điện thoại của cả hai cùng nhận được tin nhắn từ cô Dung - chủ nhà trọ: "Vì tình hình các công ty cắt giảm giờ làm, anh chị em bị giảm thu nhập nên nhà trọ Dung Xuân giảm 50% tiền thuê phòng trọ cho tất cả các em, các cháu". Khu nhà trọ của 21 công nhân bị cách ly. Tôi hỏi cảm giác lúc nhận tin thế nào, Lành xúc động nói: “Như người chết vớ được cọc chị ạ. Em với Chi hét lên vì không tin vào mắt mình rồi ôm nhau mà khóc. Cô chú giảm những 50% tiền phòng. Hai đứa em đỡ được hẳn 600.000 một tháng.” Bớt được phần nào nỗi lo về tiền trọ, sang đến tháng 5, Lành đi làm được mấy hôm thì thông báo dán đầy ở bảng tin về việc Bắc Giang liên tiếp phát hiện các ca nhiễm mới tại các KCN. Vài ngày sau, công ty chính thức xác nhận có hai ca dương tính, nhà máy đóng cửa để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Lành và các công nhân khác được yêu cầu thực hiện cách ly y tế tại nhà. Lành sợ. Cô mới chỉ 19 tuổi, một mình ở Bắc Giang, không có người thân bên cạnh. Nếu mắc bệnh, cô không biết phải đối mặt thế nào. Tự cách ly ở phòng trọ, chốc chốc cô lại sờ tay lên trán. Mỗi lần lên xuống cầu thang, cơ thể nóng một chút là cô lại lo lắng. “Cả năm nay em chỉ đọc tin bệnh nhân Covid-19 trên mạng, không thể tin được có ngày lại là đồng nghiệp của mình và thậm chí có thể là cả mình nữa. Những ngày đầu cách ly, tâm trí em loạn lắm. Đọc báo thấy biến thể mới của virus, người chết ở Ấn Độ nhiều không có cả chỗ chôn, em cứ nghĩ nhỡ mà trúng phải mình thì bố mẹ ở quê biết làm sao. Nghĩ thôi mà có những hôm em nằm khóc”, giọng Lành nghẹn ngào bên đầu dây điện thoại. May mắn thay, sau hai lần xét nghiệm, Lành và 20 anh chị em công nhân trong khu trọ đều có kết quả âm tính. Bước đầu vượt qua nỗi lo mắc bệnh, Lành và mọi người tiếp tục tuân thủ yêu cầu cách ly tại khu trọ. Nhưng lúc này, họ lại phải đối mặt với thực trạng không có nhu yếu phẩm do không thể ra ngoài. “Em biết sẽ sớm có viện trợ từ Nhà nước và các nhà hảo tâm nhưng chờ thì có khi cũng phải chịu đói vài bữa vì còn vận chuyển rồi phân chia nữa. Nhưng số em may mắn khi ở trọ tại đây. Tháng trước cô Dung (chủ trọ - PV) giảm tiền nhà, tháng này chưa thấy có hỗ trợ thực phẩm, sợ tụi em không có cái ăn, cô kêu gọi bạn bè, mỗi người một chút rồi gửi vào trong đây gạo, mì, rau, thịt,... đủ cả. 1-2 ngày cô lại gửi đồ ăn. Cô gửi ít một vì sợ để lâu, trời nóng, thức ăn hỏng thì lãng phí”, Lành kể. Thực phẩm hỗ trợ 21 công nhân đang thực hiện cách ly trong khu trọ. Hỏi chuyện cô Dung, cô bảo: “Cô coi các cháu như con cháu mình đi làm xa nhà. Mỗi đứa một hoàn cảnh nhưng đều không phải dân ở đây, phải xa bố mẹ, đến KCN làm công nhân. Vợ chồng cô thương lắm!” Khu trọ của cô Dung có 19 phòng, một phòng cô chú giữ lại để thỉnh thoảng hai vợ chồng qua liên hoan, sinh hoạt chung với mọi người trong khu. Các phòng còn lại đều kín người với tổng 23 nhân khẩu, trong đó có 2 công nhân về quê từ dịp nghỉ lễ nhưng do tình hình dịch bệnh nên chưa quay lại. “Cô chú đều là cán bộ công chức nhà nước. Từ lâu cô ấp ủ một khu trọ khang trang, sạch sẽ cho công nhân. Giờ có được rồi thì lại muốn nơi này không chỉ là phòng cho thuê, sáng đi tối về, phòng nào đóng cửa biết phòng đấy. Cô chú luôn muốn các bạn đến ở sống với nhau như một gia đình”, cô Dung chia sẻ. Trước ngày có thông báo chính thức về việc cách ly y tế tại khu trọ, cô Dung chủ động liên hệ với người thân và bạn bè, chuẩn bị ít thực phẩm cho anh chị em công nhân. “Bắc Giang hiện đang là điểm nóng dịch bệnh. Cả nước đều hướng về nơi đây nhưng cô tự thấy bản thân mình vẫn cần có trách nhiệm trong việc hỗ trợ chính các em, các cháu đang sống tại khu trọ nhà mình. Cô chú tâm niệm làm tốt việc nhà mình là giảm gánh nặng cho xã hội”, cô Dung chia sẻ. Nguồn thực phẩm hỗ trợ 21 công nhân, cô Dung nhờ người quen, những gia đình có ruộng, vườn góp gạo, rau củ và trứng. Cô thay mặt các bạn công nhân kết nối với các đoàn thiện nguyện, nhận thêm đồ cứu trợ nhưng cô hiểu các đoàn ít hỗ trợ thực phẩm tươi sống, chủ yếu là đồ khô vì dễ bảo quản, phân chia. Cô nói: “Các bạn cô nhiều người ở xa, thấy cô kêu gọi ủng hộ nên gửi thêm ít tiền để đổi món, mua thêm đồ tươi cho các em. Mọi người cũng gửi được gần 3 triệu rồi. Hôm trước cô trích ra mua mấy con vịt gửi vào khu, xem qua camera thấy mấy đứa bảo nhau, chia thành từng phần nhỏ cho mỗi phòng mà mình thương rơm rớm nước mắt”. Số tiền mọi người ủng hộ, cô Dung đều công khai trên mạng xã hội và quy đổi thành thực phẩm tươi sống, cải thiện bữa ăn cho các bạn công nhân. Mỗi ngày cô đều tính toán xem nên mua gì ngon, rẻ, dễ bảo quản, chia nhỏ và đổi mới so với những hôm trước để ăn không chán. Lo chuyện bữa ăn hằng ngày của 21 người, cô Dung vẫn thường xuyên cập nhật tin tức mới về dịch bệnh. Cô nhắn tin nhắc nhở trong nhóm: “3 nhiệm vụ chính mà các cháu phải thực hiện: Thứ nhất phải giữ gìn sức khoẻ, đeo khẩu trang và sát khuẩn thường xuyên. Nếu có triệu chứng bất thường phải ngay lập tức báo cho cô; thứ hai, phải theo dõi tin tức về dịch bệnh trên phương tiện truyền thông để chủ động ứng phó với các tình huống nếu cô chú không kịp hỗ trợ; cuối cùng, nếu biết thông tin về các đoàn thiện nguyện ở trên mạng thì nhắn cho cô, cô sẽ kết nối để xin hỗ trợ cho các cháu”. Cô Dung gửi thêm hoa quả để công nhân cải thiện bữa ăn hàng ngày. Gắn bó với từng công nhân thuê trọ, cô biết câu chuyện của từng người. Nhiều công nhân ở đây là người miền núi, đi làm phải gửi tiền về phụ giúp bố mẹ. Lại có gia đình gửi con nhỏ ở quê cho ông bà trông... Biết rõ hoàn cảnh của từng người ở đây, chẳng ai có cuộc sống dễ dàng, ngay từ khi mở khu trọ, cô Dung đã không thu tiền cọc, tiền trọ không đóng đầu tháng. Hai khoản tiền điện, nước và tiền nhà bao giờ cũng được thu xa nhau. “Trong khu có trường hợp Trần Hữu Trường, sinh năm 1982, hiện đang là công nhân tại Công ty SConnect. Nhà Trường có đứa con gái nhỏ gửi ông bà ở Hà Tĩnh nên chẳng mấy khi được về thăm con. Trường có khiếm khuyết về ngôn ngữ nên xin làm ở đâu cũng được một thời gian rồi lại phải chuyển. Ba tháng nay chưa có tiền nhà, hoàn cảnh vậy cô cũng để cho em nó ở. Khi nào có rồi trả cô sau. Nó lớn nhất và cũng vất vả nhất nên các em trong khu ai cũng quan tâm, có cái gì cũng nhớ đến anh Trường”, cô Dung kể về khu trọ. Vẫn còn một trường hợp mà cô Dung lo lắng, đó là chị Phạm Thị Liên, làm việc tại Foxconn. Chị Liên có bầu lại đang vào giai đoạn nghén. Những ngày này không được ra ngoài, chị thèm sữa mà không có cách nào mua được. Cô Dung biết chuyện, tìm cách để xin sữa nhưng nguồn hỗ trợ chủ yếu vẫn là thực phẩm. “Hai vợ chồng Liên cũng khó khăn, vất vả chuyện con cái. Liên nó bầu bí, nghén ngẩm, chẳng ăn được mấy, có khi bỏ bữa. Nó nhắn thèm sữa lắm mà cô chưa mua được, suy nghĩ lắm cháu ạ”, cô Dung trăn trở. Trước khi gác máy, cô nói dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, mình phải học cách thích nghi với nó. Xác định đây là cuộc chiến dài hơi, cô Dung và những người bạn vẫn tiếp tục hỗ trợ công nhân bị cách ly bên cạnh việc duy trì cuộc sống hàng ngày. “Giờ mình phải vững vàng về thể chất, vật chất và tinh thần mới có thể giúp đỡ được người khác. Cô và chú sẽ tiếp tục đồng hành cùng các em và chắc chắn, mai hoặc ngày kia thôi cô sẽ tìm mua được sữa cho Liên”, cô nói. Trò chuyện hồi lâu, cô hẹn tôi một dịp khác vì còn phải chuẩn bị “hàng” cho đợt tiếp tế vào chiều nay. Mỗi bữa ăn của công nhân là công sức của cô chủ nhà trọ. Nhắc đến cô Dung, Lành kể: “Bố mẹ em biết cô chủ nhà trọ hỗ trợ thực phẩm cho công nhân bọn em bị cách ly, dặn em phải chuyển lời, thay bố mẹ cảm ơn cô chú. Từ ngày về đây, em như có thêm một gia đình ở nơi thành phố xa lạ này”. Chia sẻ trên facebook hình ảnh từng túi gạo, từng mớ rau, gói mì được cô chú gửi từ ngoài vào khu trọ, Lành viết: “Trân trọng những gì ta có, ngay cả những niềm vui bé nhỏ và cảm tạ với tất cả những gì ta được nhận”. Câu chuyện về cô Dung và 21 công nhân tự cách ly là một trong số hàng trăm câu chuyện đẹp và tử tế trong cuộc sống này. Tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách đã, đang và sẽ mãi là truyền thống tốt đẹp được nhân dân ta phát huy trong những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo nhất. Trong bóng tối, những trái tim yêu thương sẽ thắp lên ngọn lửa sức mạnh và niềm tin về một ngày mai chiến thắng COVID-19. |