Cục Hàng hải Việt Nam sẽ lấy ý kiến các cơ quan chức năng về một số chế độ đối với thuyền viên như: mức lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… nhằm thu hút thuyền viên giỏi cho ngành Hàng hải. |
thuyền viên không mặn mà với nghề vì chính sách chưa hấp Dẫn Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, số lượng tàu biển treo cờ Việt Nam là 1.500 tàu với hơn 40.000 thuyền viên. Đây là số thuyền viên sở hữu Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (GCNKNCM) làm việc trên tàu biển. Theo tính toán, số lượng thuyền viên này đủ sức cung ứng cho thị trường vận tải biển trong nước và nhu cầu xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, các hãng tàu và trung tâm cung ứng thuyền viên đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng thuyền viên, nhất là thuyền viên có chuyên môn kỹ thuật cao. Nhiều chủ tàu phải sử dụng thuyền viên có trình độ tay nghề phổ thông để đào tạo và bố trí làm việc trên tàu. |
Nhiều doanh nghiệp đang khó tuyển dụng thuyền viên. Ảnh: ST |
Mặc dù các doanh nghiệp đã tổ chức nhiều cuộc tư vấn, hướng nghiệp và thu hút lao động là sinh viên tại các cơ sở đào tạo nhưng lao động trẻ không mặn mà… “Lý do khiến nghề đi biển không còn hấp dẫn là do tiền lương và đãi ngộ của doanh nghiệp vận tải biển trong nước không thể so sánh được với các hãng tàu nước ngoài. Đơn cử, một chức danh thuyền viên cấp AB (có kinh nghiệm) làm việc trên một tàu mang quốc tịch châu Âu được trả lương 800 - 900 USD/người/tháng. Một số chủ tàu Việt Nam trả cho thủy thủ cấp AB từ 12 - 14 triệu đồng/người/tháng nhưng vẫn không bằng hãng tàu nước ngoài và chưa bằng tài xế công nghệ trên đất liền. Trong khi đó, nghề đi biển thường xuyên xa nhà và vất vả hơn” - anh Nguyễn Danh Chính, từng là một thuyền viên làm việc trên tàu quốc tịch châu Âu cho biết. |
Vẫn còn tình trạng thuyền viên bị nợ tiền lương, tiền công. Ảnh: ST |
Theo đại diện Phòng Đăng ký tàu biển và Thuyền viên (thuộc Cục Hàng hải Việt Nam), tình trạng nợ lương, nợ tiền công của một số chủ tàu khiến thuyền viên suy giảm niềm tin. Chính sách đãi ngộ đối với lao động thuyền viên còn nhiều vướng mắc khiến thuyền viên chưa yên tâm gắn bó. Bộ luật Lao động năm 2019 lần đầu tiên quy định người lao động làm việc trong lĩnh vực hàng hải xếp vào nhóm các ngành nghề đặc biệt, được áp dụng một số chế độ phù hợp về đào tạo, hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc. |
nghiên cứu quy định về mức lương tối thiểu, chế độ bảo hiểm cho thuyền viên Căn cứ vào những quy định mới của Bộ luật Lao động 2019, thời gian tới, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ lấy ý kiến của cơ quan chức năng về việc quy định mức lương tối thiểu. Điều này dựa trên cơ sở tham khảo mức lương tối thiểu thuyền viên mà Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITF) đưa ra. Cụ thể, mức lương tối thiểu quy định đối với chức danh thủy thủ, thợ máy là 618 đô la Mỹ, tương đương trên 14 triệu đồng/tháng. Việc quy định mức lương tối thiểu được dự liệu sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ tàu. Tuy nhiên, việc nâng lương cho thuyền viên sẽ mang lại lợi ích lớn hơn, là điều kiện quan trọng để thu hút nguồn nhân lực thuyền viên cho ngành Hàng hải. |
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất Chính phủ về chính sách bảo hiểm xã hội đối với thuyền viên. Bởi lẽ, thuyền viên làm việc trên tàu từ 6 đến 10 tháng liên tục, sau đó sẽ thực hiện nghỉ dự trữ trung bình từ 2 đến 4 tháng. Mọi thu nhập kể cả tiền làm thêm giờ, tiền phép đều được chi trả trong khoảng thời gian làm việc trên tàu. Thời gian nghỉ dự trữ thường không có bất kỳ một khoản thu nhập nào. |
|
Nhiều thuyền viên có trình độ chuyên môn cao đã lớn tuổi hoặc đã chuyển đổi nghề nghiệp. Ảnh: ST |
Luật Bảo hiểm xã hội quy định thuyền viên là một nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định nghỉ hưu ở tuổi 55. Với thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 6 - 10 tháng/năm thì đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, thuyền viên sẽ không đảm bảo được thời gian đóng bảo hiểm xã hội (dưới 35 năm) để hưởng đầy đủ các quyền lợi về chế độ hưu trí theo quy định hiện hành (75%). Do tính liên tục trong đóng bảo hiểm gần như không có nên rất ít thuyền viên đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm để được nhận lương hưu (trừ khối thuyền viên thuộc biên chế của các công ty lớn). Về vấn đề bảo hiểm y tế, mặc dù thuyền viên có tham gia đầy đủ nhưng do điều kiện làm việc trên biển kéo dài nhiều tháng nên thuyền viên rất ít sử dụng các dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế trên đất liền. Điều này gây thiệt thòi cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển đề xuất, các cơ quan chức năng nên xem xét việc lấy các tháng đóng BHXH (có thu nhập) của thuyền viên chia đều cho 12 tháng trong năm và ưu tiên thuyền viên không phải mua BHYT bắt buộc để tránh chi phí phát sinh cho người lao động. |
Bài viết: Duy Minh Ảnh: ST Thiết kế: Duy Minh |