e magazine
23/10/2023 18:05
Xây dựng văn hóa kinh doanh bắt đầu từ việc chăm lo cho người lao động

23/10/2023 18:05

Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên liên quan để cùng nhau thảo luận, xác định những vấn đề cần cải thiện, đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm thúc đẩy văn hóa kinh doanh Việt Nam theo hướng cạnh tranh và bền vững
Xây dựng văn hóa kinh doanh bắt đầu từ việc chăm lo cho người lao động

Các đại biểu trong phiên thảo luận chuyên gia về Văn hóa kinh doanh Việt Nam trong Thời kỳ thay đổi. Ảnh: ĐVCC.

XÂY DỰNG VĂN HÓA KINH DOANH BẮT ĐẦU TỪ VIỆC CHĂM LO CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

“Người lao động (NLĐ) là một chủ thể quan trọng trong văn hóa kinh doanh nói chung và văn hóa tổ chức nói riêng. Do đó, với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ NLĐ tại Việt Nam, Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên liên quan để cùng nhau thảo luận, xác định những vấn đề cần cải thiện, đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm thúc đẩy văn hóa kinh doanh Việt Nam theo hướng cạnh tranh và bền vững”.

Đó là khẳng định của đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tại Diễn đàn đa phương (MSF) 2023 với chủ đề: “Khai thác sức mạnh văn hóa kinh doanh của Việt Nam hướng tới bền vững và cạnh tranh trong thời kỳ mới” tổ chức ngày 19/10/2023.

MÔI TRƯỜNG KINH DOANH VÀ VĂN HÓA TÁC ĐỘNG ĐẾN THÀNH TỰU KINH TẾ

Năm 2023, thế giới phải đối mặt với những thách thức to lớn xuất phát tình hình thế giới bất ổn và một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài. Mặc dù vậy, Việt Nam đã thể hiện sự bền bỉ đáng kinh ngạc, với mức tăng trưởng đạt 3.28% trong quý I, 4.05% trong quý II và mức tăng trưởng đáng chú ý là 5.33% trong quý III, tính tổng cộng là 4.25% tăng trưởng cho đến tháng 9. Điều này đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia đứng đầu thế giới về mức tăng trưởng.

“Tôi nghĩ rằng thành tựu này có được là nhờ Chính phủ Việt Nam đã điều hành và thực thi các chính sách kinh tế mạnh mẽ trong thời gian qua. Môi trường kinh doanh và văn hóa mà Việt Nam đang sở hữu cũng đã tác động không nhỏ đến thành tựu này”, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam nhận định.

Xây dựng văn hóa kinh doanh bắt đầu từ việc chăm lo cho người lao động
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI. Ảnh: ĐVCC.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: “Văn hóa kinh doanh đã và đang thể hiện vai trò quan trọng vào thúc đẩy hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, cũng còn những vấn đề đặt ra xung quanh việc khơi dậy, phát huy văn hóa kinh doanh Việt Nam như: nhận thức về vai trò, động lực của văn hoá kinh doanh trong hội nhập còn chưa thật sự đầy đủ; còn tình trạng doanh nhân, doanh nghiệp (DN) bất chấp đạo lý, kỷ cương, xâm phạm những chuẩn mực kinh doanh truyền thống của dân tộc; chữ tín trong kinh doanh chưa được coi trọng... khiến văn hóa kinh doanh Việt Nam “chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước” như kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.

Trước thực tế đó, nhằm hướng thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, nhất là tiếp tục đẩy mạnh khơi dậy, phát huy văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới, VCCI, Tổng LĐLĐ Việt nam và Samsung Việt Nam phối hợp đồng tổ chức Diễn đàn đa phương MSF lần thứ 6 với chủ đề của năm 2023 là “Khai thác sức mạnh văn hóa kinh doanh của Việt Nam hướng tới bền vững và cạnh tranh trong thời kỳ mới”.

Xây dựng văn hóa kinh doanh bắt đầu từ việc chăm lo cho người lao động
Đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: ĐVCC.

Chia sẻ quan điểm tại Diễn đàn, đồng chí Phan Văn Anh nhấn mạnh: “Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá đây là một vấn đề hết sức thực tiễn, phù hợp với xu hướng và bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với quốc tế trên mọi lĩnh vực, đáp ứng kỳ vọng và mong mỏi của tất cả các cơ quan, đối tác, DN, NLĐ và tổ chức Công đoàn.

Nếu thực hiện tốt vấn đề này sẽ giúp xây dựng hình ảnh, cải thiện mạnh mẽ khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững của cộng đồng DN Việt Nam, từ đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, sự hội nhập kinh tế thế giới mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho cả DN, NLĐ và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong đó, việc xây dựng văn hóa kinh doanh hướng tới phát triển bền vững là một trong những nội dung hết sức quan trọng và cần được quan tâm đặc biệt.

VAI TRÒ VÀ ĐÓNG GÓP CỦA NLĐ TRONG XÂY DỰNG

VĂN HÓA KINH DOANH

Tại Diễn đàn, lần đầu tiên một nghiên cứu đương đại về "Nhận diện Văn hoá kinh doanh Việt Nam và hàm ý cho phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh" đã được giới thiệu. Một trong những kết quả đáng chú ý của nghiên cứu là lãnh đạo DN và NLĐ có nhận thức về văn hóa kinh doanh hướng tới bền vững tương đồng, ở mức khá tốt (đa số 5->6).

Các đại biểu tham dự Diễn đàn bày tỏ hy vọng, kết quả của nghiên cứu không chỉ đem lại những góc nhìn mới cho các nhà quản lý, nhà hoạch định trong thúc đẩy văn hóa kinh doanh có bản sắc, hiện đại và mang tính thích ứng cao, mà còn hữu ích cho các DN, tổ chức Công đoàn và NLĐ trong thực tiễn quản trị các mục tiêu của DN thông qua hoàn thiện văn hóa tổ chức và văn hóa DN.

Xây dựng văn hóa kinh doanh bắt đầu từ việc chăm lo cho người lao động

Lãnh đạo DN và NLĐ có nhận thức về văn hóa kinh doanh hướng tới bền vững tương đồng, ở mức khá tốt (đa số 5->6) là một trong những kết quả đáng chú ý của nghiên cứu "Nhận diện Văn hoá kinh doanh Việt Nam và hàm ý cho phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh".

Vấn đề “xây dựng văn hóa kinh doanh bắt đầu từ việc chăm lo cho NLĐ” là chủ đề được các đại biểu và DN bàn luận sôi nổi. Chia sẻ về vai trò và đóng góp của NLĐ trong xây dựng văn hóa kinh doanh bền vững và cạnh tranh, đồng chí Nguyễn An Hải - Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Cổ phần Dệt May Hanosimex cho biết: “Hanosimex tiền thân là Nhà máy Sợi Hà Nội gồm 6 công ty cổ phần và 5 nhà máy thành viên với 4.000 nhân viên. Tổng công ty luôn coi văn hoá DN như một công cụ quản lý và tài sản xây dựng thương hiệu.

Khẳng định giá trị và hành động của từng nhân viên góp phần định hình văn hoá DN tại Hanosimex, Tổng công ty đưa tiêu chí văn hoá DN vào tiêu chuẩn bình xét danh hiệu thi đua của tập thể và gắn liền thi đua với hình thức khen thưởng theo quy định pháp luật”.

Xây dựng văn hóa kinh doanh bắt đầu từ việc chăm lo cho người lao động
Phiên thảo luận “Vai trò và đóng góp của NLĐ trong xây dựng văn hóa kinh doanh bền vững và cạnh tranh”. Ảnh: ĐVCC.

Hanosimex có các chế tài như biểu dương các hành vi văn hoá hoặc phê phán các vi phạm của các cá nhân/tập thể vào đầu giờ làm việc mỗi ngày/tuần trên hệ thống truyền thanh/hoặc công nghệ thông tin nội bộ…

Đặc biệt, để động viên tinh thần làm việc, đơn vị còn thưởng cho cán bộ công nhân viên có thành tích trong sản xuất, hoàn thành vượt mức kế hoạch trong tháng, quý và năm.

Còn tại Samsung Việt Nam - một thành viên của Liên minh DN có Trách nhiệm (RBA), việc bảo vệ và tôn trọng quyền lao động cho cả nhân viên của Samsung và NLĐ tại các công ty đối tác luôn là ưu tiên hàng đầu. Các giá trị cốt lõi của Samsung như "Con người", "Vươn tới đỉnh cao", "Thay đổi", "Tính liêm chính" và "Cùng thịnh vượng" được thấm nhuần ở tất cả các cấp quản lý và nhân viên của Samsung.

Xây dựng văn hóa kinh doanh bắt đầu từ việc chăm lo cho người lao động“Chất lượng tổ chức được đánh giá định kỳ thông qua chỉ số Văn hóa Samsung, với sự tham gia của tất cả các cấp quản lý và nhân viên. Quy trình này giúp chúng tôi xác định điểm mạnh và điểm yếu trong văn hóa tổ chức của mình, tối ưu hóa điểm mạnh và tích cực giải quyết các thách thức tồn tại trong văn hóa DN của chúng tôi.

Samsung đang không ngừng nỗ lực để đảm bảo rằng nhân viên và NLĐ có thể làm việc trong một môi trường làm việc an toàn và tốt nhất, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của xã hội”, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ.

Diễn đàn đa phương 2023 gồm phiên thảo luận toàn thể với chủ đề: “Văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới”, cùng với hai phiên thảo luận song song: “Thực hành tốt trong khai thác tiềm năng văn hóa DN cho cạnh tranh và bền vững”, và “Vai trò và đóng góp của NLĐ trong xây dựng văn hóa kinh doanh bền vững và cạnh tranh”.

HƯNG THỊNH

Đồ họa: Thảo Vân

Xem phiên bản di động