e magazine
16/12/2022 10:33
Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh và phát triển đoàn viên trong bối cảnh mới

16/12/2022 10:33

Vần đề xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; thu hút, tập hợp người lao động (NLĐ) và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng trở nên cấp thiết. Đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP, phê chuẩn Công ước 87, Công ước 98 của ILO.

XÂY DỰNG TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN VỮNG MẠNH VÀ PHÁT TRIỂN ĐOÀN VIÊN TRONG BỐI CẢNH MỚI

Vần đề xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; thu hút, tập hợp người lao động (NLĐ) và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng trở nên cấp thiết.

Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP, phê chuẩn Công ước 87, Công ước 98 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về tự do thành lập, tự do thương lượng về các vấn đề liên quan đến lao động, việc xuất hiện tổ chức đại diện NLĐ trong doanh nghiệp tất yếu sẽ xảy ra. Do vậy, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS), chăm lo, bảo vệ quyền lợi đoàn viên không chỉ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà còn mang tính sống còn của tổ chức Công đoàn.

Công tác đoàn viên giữ vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động công đoàn. Công tác đó thể hiện từ việc phát triển đoàn viên, chăm lo lợi ích đoàn viên, nâng cao chất lượng đoàn viên đến việc làm thế nào để tạo cơ hội, điều kiện cho đoàn viên được tham gia bàn bạc, bày tỏ ý kiến, quan điểm, tham gia quyết định và giám sát những việc làm, vấn đề liên quan đến tổ chức, đến quyền lợi của đoàn viên.

Thu hút, tập hợp NLĐ và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam
Nhiều năm liên tục, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh tham mưu tổ chức chương trình đối thoại giữa người đứng đầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh với cán bộ công đoàn và công nhân lao động. Ảnh: THC

Đánh giá việc thực hiện công tác đoàn viên theo Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam

Kết quả đạt được

Những năm qua, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh luôn xác định công tác thành lập CĐCS, phát triển đoàn viên là nhiệm vụ trọng tâm, là cơ sở để thực hiện chức năng cốt lõi của tổ chức Công đoàn (chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn vững mạnh).

Từ năm 2018 đến tháng 6/2022, các cấp công đoàn của tỉnh Bắc Ninh đã phát triển 61.973 đoàn viên (đạt 106% kế hoạch Tổng LĐLĐ Việt Nam giao, tăng 2,7 lần so với kết quả nhiệm kỳ trước); thành lập 520 CĐCS (tăng 3,3 lần so với kết quả nhiệm kỳ trước, trong đó có 283 CĐCS trong doanh nghiệp có từ 25 NLĐ trở lên, đạt 232% so với kế hoạch Tổng LĐLĐ Việt Nam giao).

Với một nửa thời gian trong nhiệm kỳ, hoạt động công đoàn diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm, thu nhập và đời sống của hàng trăm nghìn NLĐ. LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo triển khai nhiều mô hình hoạt động mới chăm lo cho đoàn viên, NLĐ thích ứng với tình hình thực tiễn, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ nhân lực, vật lực và nguồn tài chính vào hoạt động: Tết Sum vầy, Ngày hội công nhân, Phiên chợ nghĩa tình (được tổ chức với quy mô lớn tại các khu công nghiệp có đông CNLĐ) nhân dịp tết Nguyên đán, Tháng Công nhân. LĐLĐ tỉnh tổ chức ATM gạo miễn phí; vận chuyển những túi đồ nhu yếu phẩm hỗ trợ NLĐ đến tận phòng trọ; “Gian hàng 0 đồng”, gian hàng miễn phí trong các khu công nghiệp nhằm đồng hành NLĐ vượt qua đại dịch Covid-19. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chăm lo cho 1,7 triệu lượt đoàn viên với tổng số kinh phí 750 tỷ đồng; ký kết hợp tác với 38 đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ưu đãi cho đoàn viên; tham mưu tổ chức đối thoại giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh với cán bộ công đoàn và CNLĐ vào dịp Tháng Công nhân.

Thành lập đoàn công tác liên ngành tổ chức thăm và làm việc với các doanh nghiệp có đông công nhân, chia sẻ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tăng cường mối quan hệ, đồng hành cùng chăm lo ngày càng tốt hơn cho NLĐ. Tổ chức trăm lớp bồi dưỡng kỹ năng đối thoại, thương lượng ký kết TƯLĐTT cho cán bộ CĐCS. Hướng dẫn, chỉ đạo CĐCS ký mới 305 bản TƯLĐTT, nâng tổng số lên 906 bản, đem lại lợi ích cho 185.877 NLĐ. LĐLĐ tỉnh đã đàm phán, thương lượng ký kết thành công 87 bản TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc với 15 nội dung cao hơn quy định pháp luật, có lợi hơn cho hơn 80.000 NLĐ (ký ngày 24/4/2021).

Ứng dụng công nghệ thông tin rất hiệu quả từ chỉ đạo, điều hành của các cấp công đoàn, đến việc tiếp nhận và chuyển tải thông tin giữa công đoàn với đoàn viên, NLĐ; tư vấn pháp luật cho NLĐ… Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền: Thiết lập các kênh truyền thông trên mạng xã hội; chương trình “Sau giờ thứ 8” phát định kỳ trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, chia sẻ kỹ năng, tuyên truyền kiến thức pháp luật và xử lý các tình huống trong thực tế để bảo vệ quyền lợi đoàn viên, NLĐ bằng hình thức sân khấu hóa; cấp Báo Lao động, Tạp chí Lao động và Công đoàn cho những CĐCS có từ 200 đoàn viên, NLĐ trở lên.

Thu hút, tập hợp NLĐ và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam

Toàn cảnh Đại hội đại biểu CĐCS Công đoàn Tập đoàn KHKT Hồng Hải lần thứ IV (nhiệm kỳ 2022 - 2027). Ảnh: CĐ

Hạn chế và nguyên nhân

Về mặt hạn chế, phương thức tập hợp NLĐ chưa thực sự đảm bảo quyền của NLĐ. Việc thành lập CĐCS trong doanh nghiệp chủ yếu thành lập theo phương pháp truyền thống do công đoàn cấp trên tiếp cận, tuyên truyền, vận động NLĐ gia nhập; thuyết phục lãnh đạo doanh nghiệp thành lập CĐCS.

Theo phương pháp này: NSDLĐ gần như giữ vai trò quyết định trong việc thành lập CĐCS. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện thành lập CĐCS là chưa đúng thẩm quyền theo Điều lệ Công đoàn, chưa đảm bảo được quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của NLĐ. Tuy nhiên, công đoàn cấp trên không đứng ra tuyên truyền, vận động thì NLĐ không thể đứng lên thành lập Ban vận động thành lập CĐCS, không dám tham gia BCH nếu không được lãnh đạo doanh nghiệp đồng ý.

Hầu hết việc lựa chọn nhân sự BCH lâm thời còn chịu sự can thiệp của NSDLĐ, trong nhiều trường hợp đã làm sai lệch bản chất tính đại diện của BCH CĐCS vì xu hướng giới thiệu người thân tín của lãnh đạo doanh nghiệp để dễ bề chi phối hoạt động công đoàn, thao túng việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Có trường hợp Chủ tịch CĐCS được bầu trên cơ sở tín nhiệm của NLĐ, hoặc bảo vệ tốt cho quyền lợi của NLĐ đã chịu rất nhiều thiệt thòi về việc làm, thu nhập, cơ hội thăng tiến trong chuyên môn, thậm chí là mất việc làm.

Kết quả thành lập CĐCS theo phương pháp mới rất thấp, do NLĐ sống trong nhiều khu nhà trọ, cư trú tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Số lượng cán bộ công đoàn cấp trên ít, khó phát hiện nhân tố nòng cốt, nhiệt tình, uy tín, có năng lực tổ chức các hoạt động phong trào trong số NLĐ của doanh nghiệp.

Do thiếu hiểu biết về pháp luật, sợ mất việc làm, sợ ảnh hưởng tới thu nhập của bản thân nên trong sinh hoạt công đoàn cũng như làm việc, nhiều đoàn viên, NLĐ chưa dám bày tỏ quan điểm hoặc đề xuất nguyện vọng chính đáng với BCH công đoàn để đàm phán với lãnh đạo doanh nghiệp giải quyết. Khi quyền lợi chính đáng bị xâm phạm cũng không dám lên tiếng, không dám ký đơn kiện doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi bản thân. Có những NLĐ đòi hỏi những lợi ích phi lý, quá khả năng tài chính của doanh nghiệp, chưa thực sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhất là trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dễ bị lôi kéo, kích động, tham gia đình công trái pháp luật. Trong quá trình giải quyết ngừng việc tập thể, cũng vì thiếu hiểu biết nên NLĐ sợ bị trù dập đã tự ý thôi việc, khiến quyền lợi của bản thân không được bảo vệ. Trong quá trình đàm phán, thương lượng ký kết TƯLĐTT, một số đoàn viên không dám đề xuất nguyện vọng, đóng góp ý kiến vào dự thảo bản TƯLĐTT. Vì vậy, nhiều bản TƯLĐTT còn sao chép luật, mang tính hình thức, chưa thể hiện được nguyện vọng, tiếng nói của đoàn viên, NLĐ.

Trong quy định và thực tế triển khai công tác chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi đoàn viên, NLĐ chưa có sự khác biệt về lợi ích giữa đoàn viên công đoàn với NLĐ chưa là đoàn viên. Khi quyền lợi của đoàn viên hay NLĐ bị xâm phạm đều được tổ chức Công đoàn đứng ra bảo vệ. Mặt khác, NLĐ chưa nhận thức được đầy đủ vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn, ngần ngại phải đóng đoàn phí, mất thời gian tham gia họp hành và các hoạt động của công đoàn, nên không quan tâm, không tha thiết việc gia nhập tổ chức Công đoàn.

Việc phát triển đoàn viên ở những doanh nghiệp đã có CĐCS thường là: Tuyên truyền, vận động, phát mẫu đơn gia nhập công đoàn cho NLĐ ngay khi mới được tuyển dụng vào doanh nghiệp, cùng thời gian học tập nội quy, quy chế làm việc. Cách làm này có ưu điểm là nhanh, tỷ lệ gia nhập công đoàn đối với NLĐ mới được tuyển dụng gần như tối đa. Tuy nhiên, hình thức tuyên truyền, vận động này còn mang tính áp đặt, NLĐ chưa có thời gian kiểm chứng hoạt động của Công đoàn để tự quyết định tham gia hay không.

Về nguyên nhân, tình trạng doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động liên quan trực tiếp đến quyền lợi NLĐ (nợ lương, nợ BHXH, giải thể, chủ bỏ trốn) còn diễn ra khá phổ biến. Song, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp chưa thường xuyên. Những doanh nghiệp vi phạm chưa được xử lý nghiêm. Chế tài chưa đủ mạnh để xử lý các doanh nghiệp vi phạm, chưa đủ sức để răn đe các doanh nghiệp khác.

Cấp có thẩm quyền chưa ban hành được cơ chế phối hợp giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong quan hệ lao động (QHLĐ) như: Khi doanh nghiệp không có khả năng chi trả lương cho NLĐ, cơ quan nào chịu trách nhiệm ứng ngân sách địa phương chi lương cho NLĐ trong những thời điểm nhạy cảm (như dịp tết Nguyên đán) để đảm bảo đời sống NLĐ. Khi chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn, cơ quan nào chủ trì giải quyết vấn đề nợ lương, nợ BHXH của NLĐ… còn tình trạng các cơ quan chức năng ngầm định đó là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn. Từ những bất cập, tồn tại đó, muốn bảo vệ được quyền lợi của NLĐ phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí không bảo vệ được, khiến cho việc tuyên truyền phát triển đoàn viên, bảo vệ quyền lợi của NLĐ chưa hiệu quả, NLĐ không tha thiết gia nhập tổ chức Công đoàn.

Không ít doanh nghiệp không hợp tác, không cho cán bộ công đoàn cấp trên vào doanh nghiệp tiếp cận với NLĐ, tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS bằng nhiều lý do, chủ yếu là doanh nghiệp trong nước, nhằm làm cán bộ công đoàn nản chí. Một số doanh nghiệp có số lượng NLĐ lớn, hưởng nhiều ưu đãi từ cơ chế, chính sách, hoạt động hiệu quả nhiều năm nhưng vẫn không hợp tác thành lập công đoàn. Công đoàn cấp trên phải báo cáo lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền đồng cấp can thiệp.

Một số doanh nghiệp thành lập CĐCS chỉ để đối phó với các quy định của pháp luật, không quan tâm đến hoạt động công đoàn, không phối hợp với công đoàn thực hiện các quy định pháp luật như ký kết TƯLĐTT, xây dựng nội quy, quy chế của doanh nghiệp trong tuyển dụng, xét nâng lương, khen thưởng, đào tạo, bổ nhiệm…

Còn tình trạng doanh nghiệp chưa thành lập CĐCS hoặc đã thành lập nhưng không nộp đúng, nộp đủ kinh phí công đoàn nhưng vẫn được Hội đồng Thi đua khen thưởng xét khen cao (thường rơi vào doanh nghiệp trong nước). Khi công đoàn có ý kiến thì lại được đề nghị công đoàn “châm trước”, tạo điều kiện, ủng hộ vì doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho địa phương.

Số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, cán bộ công đoàn còn thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị của địa phương. Một bộ phận cán bộ công đoàn chưa yên tâm làm việc. Một bộ phận cán bộ còn chưa đủ năng lực, tâm huyết, thiếu kỹ năng để làm tốt vai trò của mình. Cán bộ CĐCS 100% kiêm nhiệm nên hạn chế thời gian dành cho hoạt động công đoàn. Vẫn còn cán bộ công đoàn chưa mạnh dạn đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ, còn chịu sự chi phối, chỉ đạo của lãnh đạo doanh nghiệp.

Sự chuyển dịch lao động giữa các doanh nghiệp vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Việc tổ chức cấp thẻ đoàn viên còn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả việc doanh nghiệp không cho cung cấp dữ liệu về đoàn viên, NLĐ với lý do sợ lộ bí mật thông tin. Việc thuê lại lao động của các doanh nghiệp không đóng trên địa bàn cũng góp phần gây khó khăn trong việc phát triển đoàn viên trong doanh nghiệp.

Thách thức đối với công tác đoàn viên trong thời gian tới

Dự báo thời gian tới khi Chính phủ ban hành hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2019 quy định cụ thể việc thành lập tổ chức đại diện NLĐ trong doanh nghiệp, thì việc thành lập CĐCS, phát triển đoàn viên trong doanh nghiệp theo phương pháp truyền thống sẽ không còn phù hợp. Phát triển đoàn viên tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của NLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam hay các tổ chức đại diện NLĐ khác.

Mặc dù hoạt động của Công đoàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền, được sự bảo hộ của Nhà nước, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhưng nếu hoạt động công đoàn không đổi mới cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hiệu quả, chất lượng chưa thực sự đi vào thực chất, sẽ không đủ sức hút để tạo dựng lòng tin với NLĐ. Thời gian tới sẽ phải chấp nhận việc giải thể một số CĐCS, thậm chí sẽ tạo ra hiệu ứng đám đông, nhiều doanh nghiệp do chưa hiểu rõ hệ quả của việc xuất hiện nhiều tổ chức đại diện trong doanh nghiệp, nguy cơ một số doanh nghiệp lớn sẽ đứng sau một nhóm người với danh nghĩa “đại diện bảo vệ NLĐ”, thành lập tổ chức đại diện NLĐ với cách gọi riêng của doanh nghiệp; số lượng đoàn viên công đoàn sẽ giảm. Việc làm này sẽ là "mảnh đất màu mỡ" cho những thế lực thù địch, những tổ chức chống phá cách mạng lợi dụng danh nghĩa bảo vệ NLĐ, thâm nhập vào doanh nghiệp, lôi kéo NLĐ, thành lập các tổ chức đại diện NLĐ nhằm thực hiện những ý đồ phi truyền thống.

Thu hút, tập hợp NLĐ và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam

Bỏ phiếu bầu BCH CĐCS Tập đoàn KHKT Hồng Hải (nhiệm kỳ 2022 - 2027). Ảnh: CĐ

MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐOÀN VIÊN

Một là, đối với công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

Cần tích cực, kiên trì thuyết phục, tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự ủng hộ tạo điều kiện của chính quyền cùng cấp ban hành những chính sách an sinh xã hội đặc thù dành cho đoàn viên công đoàn thông qua hoạt động của tổ chức Công đoàn. Thống nhất quan điểm và hành động: Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, chăm lo cho NLĐ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, không phải là trách nhiệm của riêng tổ chức Công đoàn. Có như vậy mới huy động được sự vào cuộc, hỗ trợ, phối hợp tích cực, chặt chẽ của các ngành, địa phương từ nhân lực, vật lực và nguồn kinh phí. Đồng nghĩa với việc công đoàn đã tạo dựng được chỗ dựa vững chắc, hơn hẳn các tổ chức đại diện NLĐ khác. Khi công đoàn có tiếng nói trong hệ thống chính trị, sẽ hỗ trợ và giúp đỡ được cho doanh nghiệp trên nhiều phương diện, khiến cho doanh nghiệp tin tưởng, tôn trọng, nể phục hơn, sẽ thuận lợi rất nhiều trong việc tổ chức các hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp.

Tham mưu với cấp ủy cùng cấp kiện toàn Ban chỉ đạo thành lập tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở các cấp công đoàn, mời lãnh đạo các ngành, cơ quan cùng cấp tham gia thành viên; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo chuyên môn.

Hằng năm, công đoàn phối hợp khảo sát nắm chắc thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, số NLĐ của các doanh nghiệp để phân loại, xác định nguồn, giao chỉ tiêu cho các đơn vị với mục tiêu phủ kín CĐCS ở những doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập. Đây là chỉ tiêu cứng để đánh giá, xếp loại tổ chức Công đoàn và bình xét thi đua khen thưởng.

Đối với những trường hợp khó khăn, chủ trì thành lập các đoàn công tác, mời lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, Ban quản lý các KCN, cần thiết thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành đến làm việc với doanh nghiệp. Qua đó tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS với phương châm phủ kín CĐCS ở những doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng tập huấn về nội dung, phương pháp, kỹ năng phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp. Trong đó tập trung bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt CĐCS, tổ trưởng công đoàn và cán bộ chuyên trách Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Đảm bảo cán bộ làm công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS phải am hiểu sâu, được trang bị đầy đủ tài liệu, nhuần nhuyễn các kỹ năng: Tiếp cận, tuyên truyền, vận động, thuyết phục.

Đổi mới phương thức tập hợp NLĐ, thành lập CĐCS theo hướng bảo đảm quyền tự do công đoàn của NLĐ, bảo đảm việc thành lập CĐCS thực sự của NLĐ, do NLĐ, vì NLĐ và có trách nhiệm với NLĐ. NLĐ phải là chủ thể vận động phát triển đoàn viên, NLĐ tự do lựa chọn bầu Ban vận động, bầu BCH, thành lập CĐCS và lựa chọn công đoàn cấp trên trực tiếp. NSDLĐ phải có nghĩa vụ tôn trọng, tạo điều kiện và không can thiệp vào quá trình thành lập CĐCS, phát triển đoàn viên, lựa chọn nhân sự BCH; sự hỗ trợ trực tiếp của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

Quy trình lựa chọn, chuẩn bị nhân sự, bầu cử cán bộ CĐCS theo hướng bảo đảm thực sự quyền lựa chọn của NLĐ; thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc bầu chọn/chỉ định BCH, thành lập CĐCS và không chịu sự can thiệp của NSDLĐ; tăng tỷ lệ lao động trực tiếp tham gia vào BCH, giảm cán bộ công đoàn làm lãnh đạo quản lý các bộ phận trong doanh nghiệp để hạn chế sự chi phối của chủ doanh nghiệp. CĐCS phải được quyền quyết định tổ chức các hoạt động trong doanh nghiệp, tự quyết định việc sử dụng, quản lý tài chính công đoàn theo quy định.

Hai là, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của đoàn viên, phát huy vai trò tham gia đóng góp, xây dựng, quyết định và giám sát của đoàn viên với hoạt động công đoàn và thực hiện pháp luật của doanh nghiệp

Đa dạng hóa hình thức tiếp cận, phương pháp tuyên truyền trong doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về pháp luật, kiến thức về xã hội, giúp cho đoàn viên, NLĐ thấy được vai trò, chức năng, lợi thế của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị. Giúp cho đoàn viên hiểu được những lợi ích khi tham gia Công đoàn. Khi quyền lợi bị xâm phạm, đoàn viên, NLĐ phải biết cách đề xuất nguyện vọng với cán bộ công đoàn, với BCH CĐCS để được đại diện, bảo vệ. Nếu NLĐ đơn phương đấu tranh bảo vệ lợi ích cho cá nhân sẽ gặp nhiều bất lợi, khó khăn và yếu thế trước NSDLĐ. Cũng thông qua tuyên truyền, giáo dục, giúp cho đoàn viên được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử để biết cách bảo vệ quyền lợi của bản thân ngay tại nơi làm việc.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập và phát huy tối đa thế mạnh các kênh truyền thông trên mạng xã hội để tuyên truyền, tư vấn pháp luật và tiếp nhận thông tin của NLĐ. Kịp thời phát hiện đối tượng xấu, tuyên truyền, vận động công nhân tham gia biểu tình, đình công, để chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, xử lý nhanh, giải quyết kịp thời, bảo vệ quyền lợi NLĐ, không để ảnh hưởng đến an ninh chính trị trên địa bàn.

CĐCS phải xây dựng được cơ chế thông tin hai chiều giữa đoàn viên và BCH CĐCS thông qua đội ngũ cán bộ công đoàn từ tổ công đoàn trở lên và đội ngũ đoàn viên nòng cốt để nắm được nhanh nhất, nhiều nhất tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, truyền đạt được nhiều nhất, nhanh nhất các mặt công tác công đoàn đến đoàn viên, NLĐ.

Hướng dẫn, hỗ trợ đoàn viên biết cách đề xuất, thuyết phục cán bộ công đoàn tiếp thu những tâm tư, nguyện vọng của mình và số đông đoàn viên. Đoàn viên phải dũng cảm đề xuất ý kiến những nguyện vọng chính đáng, biết tranh luận, đấu tranh đến cùng để được giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Những nhận thức chưa đúng hoặc lệch lạc, những nguyện vọng chưa chính đáng, vượt quá khả năng của tổ chức, của NSDLĐ khi được cán bộ công đoàn phối hợp với NSDLĐ giải thích rõ ràng, công khai, minh bạch, đoàn viên phải biết chấp nhận một cách thoải mái và sẵn sàng chia sẻ. Có như vậy đoàn viên mới yên tâm, tin tưởng vào tổ chức, muốn được gắn bó lâu dài với tổ chức.

Xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa BCH CĐCS với NSDLĐ để kịp thời giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ tại nơi làm việc. Đổi mới cách thức xây dựng, thương lượng TƯLĐTT tích cực, thực chất của NLĐ trong quá trình xây dựng nội dung, thương lượng và thực hiện thương lượng TƯLĐTT.

Nghiên cứu các hình thức động viên khen thưởng phù hợp để kịp thời động viên các tập thể cá nhân tích cực thực hiện công tác phát triển đoàn viên. Khuyến khích các đơn vị có nguồn tài chính công đoàn đảm bảo tự trang trải có hình thức phù hợp khen thưởng hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển đoàn viên...

Thu hút, tập hợp NLĐ và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam

Đoàn viên, NLĐ bỏ phiếu bầu tổ chức đại diện. Ảnh: CĐ

Ba là, đối với công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên

Đẩy nhanh việc thu thập thông tin, nhập dữ liệu đoàn viên vào phần mềm quản lý đoàn viên, cấp mã và phát thẻ đoàn viên để tăng cường kênh thông tin trực tiếp đến đoàn viên, gắn với tuyên truyền sâu rộng, triển khai hiệu quả các bản ký kết thoả thuận hợp tác phúc lợi đoàn viên, giúp đỡ, hỗ trợ nhiều đoàn viên được thụ hưởng lợi ích từ chương trình.

Mọi hoạt động của công đoàn phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, phải hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy lợi ích đoàn viên là mục đích tổ chức các hoạt động. Đa dạng hoá các hoạt động, huy động mọi nguồn lực chăm lo thật tốt, hỗ trợ kịp thời đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; từng bước làm rõ lợi ích vượt trội giữa đoàn viên công đoàn với NLĐ chưa phải là đoàn viên công đoàn. Từ đó tạo lòng tin, làm cơ sở thuyết phục NLĐ chưa là đoàn viên tham gia tổ chức Công đoàn. Tận dụng những thời điểm khó khăn, biến nguy thành cơ, linh hoạt, sáng tạo kịp thời tổ chức các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ NLĐ. Qua đó vừa tạo sự gắn bó của đoàn viên với tổ chức, vừa tạo sức hút với NLĐ chưa là đoàn viên, tự nguyện gia nhập.

Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng: đối thoại, đàm phán, thương lượng cho cán bộ CĐCS; hỗ trợ CĐCS củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, từng bước đổi mới nội dung và hình thức hoạt động theo hướng chăm lo trực tiếp đoàn viên, thu hút sự tham gia của số đông đoàn viên và NLĐ. Xác định những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên triển khai các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, giảm bớt những hoạt động không liên quan trực tiếp đến QHLĐ. Những vụ việc phức tạp, LĐLĐ tỉnh trực tiếp tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể, bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Nhà nước cần có biện pháp và chế tài đủ mạnh, yêu cầu các chủ doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các nghĩa vụ đối với NLĐ như: Chế độ tiền lương, BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hộ lao động, điều kiện làm việc.

Bốn là, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn theo hướng chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.

Tăng cường công tác điều hành, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn theo hướng chuyên nghiệp. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo quản lý điều hành, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giữa các cấp công đoàn.

Đổi mới công tác tiếp nhận, tuyển dụng, quy hoạch và quản lý cán bộ công đoàn phải gắn với vị trí việc làm, đảm bảo tính liên thông, ưu tiên cán bộ trưởng thành từ cơ sở, trải qua hoạt động công đoàn. Việc sắp xếp, luân chuyển, điều động cán bộ công đoàn phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, chú trọng nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ có triển vọng, được rèn luyện thực tiễn để chuẩn bị giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo quản lý cao hơn theo yêu cầu.

Các cấp công đoàn phải tăng cường phối hợp với các trường Đại học đi đôi mở các lớp đào tạo với bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ công đoàn nâng cao kiến thức về luật, tài chính, ngoại ngữ, nghiệp vụ hoạt động công đoàn. Mời các chuyên gia bồi dưỡng các kỹ năng giao tiếp, đối thoại và thương lượng với NSDLĐ, đoàn viên, NLĐ theo hướng bắt tay chỉ việc, học đi đôi với thực hành, bên cạnh cung cấp tài liệu bằng văn bản, tài liệu điện tử là các clip video hướng dẫn quy trình triển khai thực hiện.

Mỗi cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn chuyên trách phải tự học tập, tu dưỡng nâng cao trình độ, nhuần nhuyễn các kỹ năng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu: 1 người phải làm được nhiều việc, đáp ứng được yêu cầu ở nhiều vị trí, nhất là kỹ năng, nghiệp vụ về pháp luật lao động, hoạt động công đoàn để thực hiện tốt nhất vai trò, nhiệm vụ.

Thu hút, tập hợp NLĐ và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam
LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh chăm lo Tết cho NLĐ. Ảnh: TTXVN

Bài viết: Nguyễn Thị Vân Hà - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh

Xem phiên bản di động