
Khoảng 10h30 ngày 16/5, tại công trường suối Tả Páo Hồ (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, Lai Châu), một vụ sạt lở đất đá từ taluy dương xảy ra khi 9 công nhân đang xúc cát nắn dòng chảy để chuẩn bị thi công thủy điện. Họ thuộc Công ty CP Đầu tư xây dựng Dũng Phúc Lộc (trụ sở tại Nghệ An). Tai nạn khiến 5 người tử vong, gồm anh Lương Văn Hà (38 tuổi, Nghệ An), Phàn Lao Lở (16 tuổi), Lý Lao San (17 tuổi), Tẩn U Mẩy (31 tuổi) và Tẩn Sự Mẩy (39 tuổi) – đều quê Lai Châu. Bốn người bị thương còn lại, đều quê Nghệ An, trong độ tuổi từ 40 đến 55. Trao đổi với Tạp chí Lao động và Công đoàn liên quan đến vụ sạt lở đất nghiêm trọng nói trên, ông Vàng A Phừ – Trưởng Công an xã Sì Lở Lầu – cho biết: trong số 4 nạn nhân thiệt mạng có hai cặp mẹ con, gồm em Phàn Lao Lở, sinh ngày 18/6/2008 và em Lý Lao San, sinh ngày 15/3/2008 (cùng 17 tuổi). Cả bốn nạn nhân đều có hộ khẩu thường trú tại bản Lản Nhì Thàng, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ. Theo ông Phừ, hai gia đình này đều thuộc diện hộ nghèo của xã. Hiện phía công ty mới tạm thời hỗ trợ chi phí mai táng ban đầu. Sau khi lo xong hậu sự, giữa công ty và gia đình mới tiến hành bàn bạc, thỏa thuận cụ thể về các khoản hỗ trợ tiếp theo cho các nạn nhân. Về tình trạng học tập của hai em, ông Phừ cho biết, em Phàn Lao Lở hiện đang là học sinh lớp 11A2 tại Trường THPT Dào San, trong khi em Lý Lao San đã nghỉ học sau khi hoàn thành chương trình lớp 9. Cả hai đều không có hợp đồng lao động với công ty bởi đều chỉ đi làm thuê theo ngày. |
Phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn đã có cuộc trao đổi với luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai để làm rõ các khía cạnh pháp lý liên quan đến việc sử dụng lao động chưa thành niên và hợp đồng lao động trong vụ việc này.
![]() |
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NVCC |
Thưa luật sư, ông đánh giá như thế nào về việc sử dụng lao động dưới 18 tuổi tại một công trường xây dựng như thủy điện Tả Páo Hồ 1A?
Luật sư Vũ Ngọc Hà: Theo Bộ luật Lao động hiện hành, người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có thể được tuyển dụng làm việc, tuy nhiên có những giới hạn rất nghiêm ngặt. Cụ thể, người dưới 18 tuổi không được làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Họ chỉ được làm việc tối đa 40 giờ/tuần và phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ. Ngoài ra, doanh nghiệp phải lập danh sách riêng, quản lý riêng nhóm lao động này.
Công trình thủy điện là nơi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao như sạt lở, nổ mìn, vận chuyển vật liệu nặng… hoàn toàn không phù hợp cho người lao động chưa thành niên. Nếu doanh nghiệp biết rõ điều này mà vẫn bố trí thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp sử dụng lao động chưa thành niên trong môi trường nguy hiểm như vậy, doanh nghiệp có thể phải chịu những chế tài pháp lý nào, thưa ông?
Có hai hướng chế tài đó là hành chính và hình sự. Nếu đơn thuần là vi phạm quy định về độ tuổi hoặc bố trí công việc không phù hợp, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính. Nhưng khi đã có hậu quả xảy ra, nhất là tai nạn lao động dẫn đến chết người thì phải xem xét đến trách nhiệm hình sự.
Ở đây cần làm rõ hai yếu tố, một là mức độ vi phạm quy định về an toàn lao động, hai là doanh nghiệp có biết trước nguy cơ nhưng vẫn không có biện pháp phòng ngừa hay không. Nếu có căn cứ cho thấy sự lơ là, chủ quan của doanh nghiệp dẫn đến cái chết của người lao động, kể cả chưa thành niên thì hoàn toàn có thể bị khởi tố theo tội “vi phạm quy định về an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 295 Bộ luật Hình sự.
Về hợp đồng lao động, luật quy định thế nào đối với trường hợp người chưa thành niên?
Mọi quan hệ lao động đều phải có hợp đồng lao động bằng văn bản, bất kể người lao động là thành niên hay chưa thành niên. Riêng với người chưa đủ 18 tuổi, hợp đồng phải có chữ ký đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Thiếu điều này, hợp đồng có thể bị coi là không hợp pháp.
Ngoài ra, nội dung hợp đồng phải đầy đủ các yếu tố như thông tin cá nhân, công việc cụ thể, mức lương, thời gian làm việc, điều kiện lao động, chế độ bảo hiểm, quy định về an toàn vệ sinh lao động. Nếu thiếu một trong các nội dung bắt buộc này, hợp đồng đã vi phạm pháp luật.
Voice: Luật sư Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai
Nếu hợp đồng không hợp lệ hoặc không được ký kết đầy đủ, quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Trong trường hợp đó, pháp luật vẫn bảo vệ người lao động bằng cách áp dụng quy định có lợi nhất cho họ. Tuy nhiên, khi tai nạn xảy ra, nếu không có hợp đồng rõ ràng, việc xác định trách nhiệm và bồi thường sẽ rất khó khăn. Gia đình người bị nạn có thể gặp khó trong việc chứng minh quan hệ lao động và yêu cầu các khoản bồi thường hoặc trợ cấp.
Về nguyên tắc, doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm nếu có lỗi. Nhưng việc thiếu hợp đồng hợp lệ có thể dẫn đến tình trạng chối bỏ nghĩa vụ từ phía sử dụng lao động, đặc biệt trong việc đóng bảo hiểm xã hội vốn là căn cứ để người lao động và thân nhân được nhận chế độ tử tuất, mai táng phí, bảo hiểm tai nạn...
![]() |
Các lực lượng thực hiện cứu hộ cứu nạn tại hiện trường vụ sạt lở. Ảnh: Công an tỉnh Lai Châu. |
Trong vụ việc này, nếu người lao động tử vong do tai nạn, gia đình họ có thể được hưởng những chế độ gì?
Có hai nguồn hỗ trợ chính, từ doanh nghiệp và từ bảo hiểm xã hội. Nếu tai nạn là do lỗi của doanh nghiệp, họ phải bồi thường toàn bộ chi phí chữa trị, mai táng và một khoản tiền lớn cho gia đình nạn nhân. Mức bồi thường có thể lên đến 90 tháng lương, cao hơn nhiều lần mức trợ cấp nếu do lỗi của người lao động.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động, thân nhân sẽ được nhận thêm các chế độ như mai táng phí (10 tháng lương cơ sở), tiền tuất hàng tháng hoặc một lần (tùy điều kiện từng thân nhân) và các hỗ trợ dài hạn khác.
Trường hợp doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội, họ sẽ phải tự chi trả tương đương các chế độ mà đáng lẽ bảo hiểm chi trả, đó là nghĩa vụ pháp lý rõ ràng.
Vậy doanh nghiệp và các bên liên quan sẽ phải làm gì sau vụ tai nạn này, thưa ông?
Trước tiên là phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra nguyên nhân vụ việc. Công đoàn cơ sở, Sở Nội vụ và cơ quan thanh tra lao động phải vào cuộc.
Nếu lỗi thuộc về doanh nghiệp, họ phải chịu toàn bộ trách nhiệm bồi thường cho người lao động hoặc thân nhân, đồng thời bị xử lý theo quy định pháp luật. Công đoàn cơ sở cần giám sát chặt chẽ và hỗ trợ gia đình nạn nhân làm các thủ tục yêu cầu bồi thường, nhận chế độ bảo hiểm.
![]() |
Hiện trường vụ sạt lở thủy điện Tả Páo Hồ 1A, Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Thuận |
Theo ông, để ngăn chặn các vụ việc đau lòng như thế này trong tương lai, chúng ta cần có giải pháp gì?
Pháp luật lao động của chúng ta đã khá đầy đủ, vấn đề là thực thi. Các doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ các quy định hiện hành, đặc biệt là trong tuyển dụng và sử dụng lao động chưa thành niên. Tuyệt đối không bố trí họ vào môi trường làm việc có yếu tố nguy hiểm.
Với ngành Xây dựng là lĩnh vực có tỷ lệ tai nạn lao động cao nhất, thì các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất. Đồng thời, cần có chương trình huấn luyện, tập huấn bắt buộc cho đội ngũ phụ trách an toàn lao động ở công trình.
Công đoàn các cấp cũng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động, đặc biệt là nhóm yếu thế như lao động chưa thành niên.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tin mới hơn

Dừng cấp thẻ bảo hiểm y tế giấy từ 1/6: làm gì để không gián đoạn khám chữa bệnh?
Tin tức khác

Chi tiết 12 điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) năm 2024

Bãi bỏ một số quy định về lao động, tiền lương từ ngày 15/2/2025

Cách tính hưởng chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức và cán bộ, công chức cấp xã

Vì sao thời gian nghỉ thai sản không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp?

Cách tính chế độ cho cán bộ nghỉ hưu sớm, thôi việc do sắp xếp bộ máy
