e magazine
02/01/2021 08:06
Vụ nhiễm độc thiếc ở Hải Dương: Vì sao chưa thể giải quyết bồi thường cho nạn nhân?

02/01/2021 08:06

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB & XH) tỉnh Hải Dương vừa có công văn trả lời Tạp chí điện tử Cuộc sống an toàn về việc tại sao đến thời điểm hiện tại, việc giải quyết bồi thường cho các công nhân nhiễm độc thiếc vẫn chưa được thực hiện.
Vụ nhiễm độc thiếc ở Hải Dương: Vì sao chưa thể giải quyết bồi thường cho nạn nhân?

Vụ nhiễm độc thiếc ở Hải Dương::

Vì sao chưa thể giải quyết bồi thường cho nạn nhân?

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB & XH) tỉnh Hải Dương vừa có công văn trả lời Tạp chí điện tử Cuộc sống an toàn về việc tại sao đến thời điểm hiện tại, việc giải quyết bồi thường cho các công nhân nhiễm độc thiếc vẫn chưa được thực hiện.

Cụ thể, công văn số 3041/SLĐTBXH-TTr ngày 29/12/2020 do ông Vũ Hồng Kiêm, Giám đốc Sở LĐ-TB & XH tỉnh Hải Dương ký, nêu rõ: Về vấn đề giải quyết bồi thường cho các công nhân căn cứ vào Bộ Luật Lao động năm 2012; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH ngày 02/02/2015 quy định hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Do vậy, doanh nghiệp (Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam) phải có trách nhiệm thực hiện chế độ cho người lao động theo quy định sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động và kết luận của cơ quan có thẩm quyền là người lao động bị bệnh nghề nghiệp.

Vụ nhiễm độc thiếc ở Hải Dương: Vì sao chưa thể giải quyết bồi thường cho nạn nhân?

Các công nhân nhiễm độc thiếc được Công an tỉnh Hải Dương đưa đi giám định sức khoẻ tại Viện Pháp y Quốc gia (Bộ Y tế)

Sở LĐ-TB & XH tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế đã thực hiện đo quan trắc môi trường lao động tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam. Kết quả quan trắc môi trường lao động này sẽ là một trong các cơ sở để xem xét điều tra bệnh nghề nghiệp và xác định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động.

Sở LĐ-TB & XH Hải Dương cũng khẳng định trách nhiệm của Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam trong vụ việc này như sau: Tổ chức khám sàng lọc nhiễm độc thiếc cho tất cả người lao động còn lại đã từng làm việc và đang làm việc tại công ty.

Vụ nhiễm độc thiếc ở Hải Dương: Vì sao chưa thể giải quyết bồi thường cho nạn nhân?

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam

Đồng thời, bố trí cho toàn bộ người lao động bị nhiễm độc thiếc đi điều trị và thực hiện việc chi trả kinh phí khám, điều trị cho người lao động theo quy định; khắc phục triệt để các tồn tại về môi trường lao động, vệ sinh an toàn lao động theo quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác minh nguyên nhân vụ nhiễm độc thiếc tại công ty và chịu trách nhiệm về các vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Vụ nhiễm độc thiếc ở Hải Dương: Vì sao chưa thể giải quyết bồi thường cho nạn nhân?Vụ nhiễm độc thiếc ở Hải Dương: Vì sao chưa thể giải quyết bồi thường cho nạn nhân?

Các nạn nhân bị nhiễm độc thiếc trải qua quá trình cấp cứu, điều trị lâu dài, tốn kém

Như Cuộc sống an toàn đã thông tin, tháng 11/2020, tập thể công nhân gồm 10 người từng làm việc tại bộ phận nghiền liệu của Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam (Cụm công nghiệp Ngũ Hùng, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đề nghị giúp đỡ, giải quyết bồi thường sau khi bị nhiễm độc thiếc.

Theo đó, các công nhân làm việc tại bộ phận nghiền liệu của công ty được một thời gian thì xuất hiện các triệu chứng đau đầu, đau mắt, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, không kiểm soát được hành vi… Họ được xác định bị nhiễm độc thiếc cấp tính, trong đó có một trường hợp tử vong, nhiều trường hợp rất nặng, với nồng độ thiếc trong máu và nước tiểu cao gấp hàng chục lần ngưỡng cho phép.

Vụ nhiễm độc thiếc ở Hải Dương: Vì sao chưa thể giải quyết bồi thường cho nạn nhân?

Một công nhân tử vong sau khi bị nhiễm độc thiếc tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam

Mặc dù trải qua quá trình điều trị lâu dài, tốn kém nhưng sức khoẻ của các công nhân chưa ổn định, vẫn xuất hiện các triệu chứng đau đầu, khó thở, giảm trí nhớ, mắt mờ… Tất cả đều chưa thể lao động, và theo chỉ định của bác sĩ, định kỳ hàng tháng họ vẫn phải đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai với chi phí tốn kém.

Liên quan đến vấn đề điều tra, từ 8 - 9/12/2020, Công an tỉnh Hải Dương đã tổ chức đưa 10 công nhân từng bị nhiễm độc thiếc tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam đi giám định sức khỏe tại Viện Pháp y Quốc gia, Bộ Y tế.

Hiện vụ việc vẫn đang được UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở LĐ-TB & XH Hải Dương và các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp giải quyết.

Cuộc sống an toàn sẽ tiếp tục thông tin!

Bài viết: Ý Yên

Xem phiên bản di động