e magazine
15/11/2020 16:07
Vụ nhiễm độc thiếc ở Hải Dương: Không đồng ý “hỗ trợ chi phí và không khiếu tố”

15/11/2020 16:07

Các công nhân và gia đình công nhân nhiễm độc thiếc không chấp nhận ký vào biên bản thoả thuận về việc hỗ trợ chi phí và không khiếu tố do Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam đưa ra hôm 3/11.

Vụ nhiễm độc thiếc ở Hải Dương:

không đồng ý “hỗ trợ chi phí và không khiếu tố”

Các công nhân và gia đình công nhân nhiễm độc thiếc không chấp nhận ký vào biên bản thoả thuận về việc hỗ trợ chi phí và không khiếu tố do Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam đưa ra hôm 3/11.

Vụ nhiễm độc thiếc ở Hải Dương: Thoả thuận “hỗ trợ chi phí và không khiếu tố”

Công nhân gửi đơn đề nghị giúp đỡ bồi thường tới các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương

Trước đó, vào 17/10/2020, ông Lee Yi Hsi – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam ký công văn số 20201017-KFV/CV về việc thông báo hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh đối với người lao động bị nhiễm độc thiếc.

Công văn nêu: “Sự cố nhiễm độc thiếc xảy ra đối với một số người lao động đã từng làm tại công ty chúng tôi trong thời gian vừa qua là sự cố vô cùng đáng tiếc, lần đầu tiên xảy ra trong tập đoàn chúng tôi và cũng là lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Công ty chúng tôi vô cùng bất ngờ khi nhận được thông tin về sự cố, đồng thời lãnh đạo công ty là người Đài Loan không thể sang được Việt Nam do dịch Covid diễn biến phức tạp, dẫn đến những chậm trễ, lúng túng trong quá trình xử lý sự cố”.

Nội dung công văn cũng cho biết, công ty đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng để tìm hiểu nguyên nhân và làm theo hướng dẫn của các cơ quan trong việc khắc phục sự cố. Và mặc dù chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm độc thiếc, công ty mong muốn được hỗ trợ chi phí khám và điều trị bệnh của các công nhân lao động.

Theo đó, từ đầu tháng 10/2020, Công ty Quảng Phong đã liên lạc với các công nhân và gia đình họ, mời gửi giấy tờ, chứng từ chi phí khám, điều trị tại các bệnh viện và số tài khoản để công ty chuyển khoản.

“Bằng công văn này chúng tôi mời các anh chị đã cung cấp giấy tờ, chứng từ chi phí khám và điều trị cho chúng tôi, nhận chi phí hỗ trợ bằng hai cách sau đây: Cung cấp thông tin tài khoản cho công ty chúng tôi để chúng tôi chuyển khoản; Đến công ty chúng tôi để nhận tiền mặt”, công văn nêu.

Vụ nhiễm độc thiếc ở Hải Dương: Thoả thuận “hỗ trợ chi phí và không khiếu tố”

Các công nhân gửi đơn đề nghị giúp đỡ bồi thường tới Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương

Ngày 3/11/2020, các công nhân được mời tới Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam để trao đổi về thoả thuận hỗ trợ. Theo nội dung biên bản thoả thuận được Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam soạn thảo, sau khi công ty chi trả cho công nhân số tiền hỗ trợ chi phí khám và điều trị nhiễm độc thiếc theo hồ sơ khám chữa bệnh, “tất cả quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên đã kết thúc, không còn liên quan đến nhau”.

Ngoài ra “Bên B (công nhân nhiễm độc thiếc - PV) không còn vướng mắc gì, không yêu cầu bồi thường thêm bất cứ khoản nào khác, không khiếu nại, tố cáo Bên A (Công ty Quảng Phong – PV) đến cơ quan có thẩm quyền”; “đối với các đơn thư đã gửi đến các cơ quan, tổ chức thì các đơn đó không còn phản ánh nguyện vọng của Bên B, Bên B cam kết sẽ rút lại toàn bộ các đơn thư đó trong 2 ngày làm việc sau khi bản thoả thuận này được ký kết và cung cấp văn bản chứng minh việc rút đơn cho bên A, nết rút sót đơn thì đơn thư đó cũng không còn hiệu lực”; “Bên B cam kết sẽ không cung cấp các thông tin gây bất lợi, thiệt hại cho Bên A cho bất cứ cơ quan, tổ chức, đoàn thể, báo đài, cá nhân nào, không đăng tải lên các trang mạng xã hội, nếu đã đăng thì lập thức gỡ bỏ…”

Vụ nhiễm độc thiếc ở Hải Dương: Thoả thuận “hỗ trợ chi phí và không khiếu tố”

Anh Nguyễn Kim Cương – công nhân bị nhiễm độc thiếc

Trao đổi với PV Cuộc sống an toàn, chị Nguyễn Thu Thuỷ - vợ anh Nguyễn Kim Cương (SN 1977, công nhân bị nhiễm độc thiếc) cho biết: “Gia đình tôi không chấp nhận cái biên bản thoả thuận mà phía công ty đưa ra. Bên công ty không thể nói là hỗ trợ mà phải chi trả cho chúng tôi toàn bộ tiền viện phí, thuốc men mua ngoài viện, tiền đi lại, chăm sóc và bồi thường sức khoẻ bị giảm sút”.

Anh Cương làm việc tại bộ phận nghiền liệu của Công ty Quảng Phong được 21,5 công thì nghỉ việc do xuất hiện các triệu chứng không bình thường. Đầu óc anh điên loạn, cơ thể suy nhược đến nỗi người làng nghi ngờ anh sử dụng ma tuý đá. Mãi đến khi một đồng nghiệp cùng công ty với những triệu chứng tương tự đã tử vong tại Bệnh viện Bạch Mai, người nhà anh Cương mới đưa anh đi cấp cứu. Hồ sơ bệnh án của anh cho thấy nồng độ thiếc trong máu và nước tiểu cao hơn 50 lần ngưỡng cho phép, tổn thương chất trắng não.

Vụ nhiễm độc thiếc ở Hải Dương: Thoả thuận “hỗ trợ chi phí và không khiếu tố”

Còn anh Vũ Đăng Khoa (SN 1974), làm việc tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam từ tháng 10/2019 đến tháng 5/2020, sau thời gian điều trị nhiễm độc thiếc tại Bệnh viện Bạch Mai, sức khoẻ hiện giảm sút, mắt mờ, thường choáng váng, đau đầu, tức ngực. Là lao động chính của gia đình nhưng với tình trạng sức khoẻ hiện tại, anh vẫn chưa thể đi làm.

Anh Khoa cho biết: “Công ty có gửi công văn về tận nhà, sau đó mời chúng tôi lên làm việc, nhưng họ lại làm một cái biên bản thoả thuận hỗ trợ, và yêu cầu không khiếu tố. Tôi không đồng ý với thoả thuận đó, bởi công ty chỉ hỗ trợ chi phí khám và điều trị nhiễm độc thiếc, mà khoản này tôi đã được bảo hiểm y tế chi trả 80%. Còn toàn bộ tiền thuốc men mua ngoài, chi phí đi lại không có hoá đơn thì không được thanh toán. Ngoài ra công ty cũng không có chính sách bồi thường sức khoẻ bị suy giảm cho chúng tôi”.

Vụ nhiễm độc thiếc ở Hải Dương: Thoả thuận “hỗ trợ chi phí và không khiếu tố”

Một công nhân Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam tử vong do nhiễm độc thiếc

Theo Điều 38, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chi trả toàn bộ tiền lương trong thời gian điều trị và chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người lao động. Ngoài ra, người sử dụng lao động phải giới thiệu người lao động đi giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để làm cơ sở cho việc chi trả chế độ.

Cuộc sống an toàn sẽ tiếp tục thông tin!


Bài: Ý YÊN

Xem phiên bản di động