Vụ cháy KCN Vân Trung: Trách nhiệm của doanh nghiệp với công nhân bị thương ra sao?

Quyền lợi của công nhân khi bị tai nạn lao động

Vụ hỏa hoạn tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nhựa xốp EPS chống cháy SINU Vina ở Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vừa qua đã thiêu rụi toàn bộ khu nhà xưởng. Ngoài con số thiệt hại 60 tỷ đồng, vụ cháy cũng đã làm một công nhân bị thương. Để làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với công nhân bị thương ra sao, phóng viên Cuocsongantoan.vn đã có buổi trao đổi với luật sư Lê Văn Hoan, đại diện Công ty luật Lê Văn để làm rõ trách nhiệm.

Vụ cháy KCN Vân Trung: Trách nhiệm của doanh nghiệp với công nhân bị thương ra sao?

Công đoàn luôn đứng bên cạnh bảo vệ quyền lợi của người lao động. Do vậy, tham gia vào tổ chức Công đoàn là điều vô cùng quan trọng đối với công nhân, người lao động.

Phóng viên: Vừa qua tại Công ty TNHH SINU Vina, KCN Vân Trung có xảy ra một vụ cháy nhà xưởng làm 1 công nhân đang làm việc bị bỏng phải nhập viện cấp cứu. Vậy, theo ông, trong trường hợp này pháp luật quy định trách nhiệm của công ty với người lao động bị thương như thế nào?

Luật sư Lê Văn Hoan: Điều 144, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do Bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.

Vụ cháy KCN Vân Trung: Trách nhiệm của doanh nghiệp với công nhân bị thương ra sao?

Người công nhân bị bỏng trong vụ cháy tại Công ty TNHH SINU Vina, KCN Vân Trung vừa qua. Ảnh: Minh Minh

Vụ cháy KCN Vân Trung: Trách nhiệm của doanh nghiệp với công nhân bị thương ra sao?

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Phóng viên: Với mức độ thương tật sức khỏe được bệnh viện xác định 20% do bị bỏng của người công nhân này, việc đền bù cụ thể sẽ như thế nào, thưa ông?

Luật sư Lê Văn Hoan: Việc bồi thường cho người lao động bị tại nạn được quy định tại Điều 145 Bộ luật Lao động.

Theo đó, luật pháp quy định rõ về quyền lợi của người lao động bị tai nạn lao động:

1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Việc chi trả có thể được thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.

3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại Khoản 3 Điều này.

Ngoài ra, Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do Bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại Khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;

10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các Khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

11. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết các Khoản 3, 4 và 5 Điều này

Vụ cháy KCN Vân Trung: Trách nhiệm của doanh nghiệp với công nhân bị thương ra sao?

Không chỉ có nguy cơ cháy nổ, còn nhiều hiểm họa tai nạn lao động khác luôn rình rập trong mỗi doanh nghiệp, nhà xưởng đối với công nhân trong quá trình vận hành máy móc.

Phóng viên: Đề nghị ông cho biết cách để người lao động đòi hỏi quyền lợi của mình; thủ tục các bước như thế nào?

Luật sư Lê Văn Hoan: Nếu người sử dụng lao động không giải quyết các chế độ cho người lao động thỏa đáng thì người lao động có thể làm đơn tới hòa giải viên lao động. Nếu vụ việc vẫn chưa được giải quyết thì khởi kiện ra tòa án để đòi quyền lợi.

Như vậy, đối với trường hợp của công nhân bị thương trong vụ cháy tại KCN Vân Trung, Bắc Giang, Công ty SINU Vina có trách nhiệm hỗ trợ thanh toán chi phí thăm hỏi, điều trị trong suốt quá trình công nhân nằm viện, theo đúng như pháp luật đã quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012.

Thực hiện: Tùng Nguyễn