Vụ bé 10 tuổi rơi ống sâu 35m: Vi phạm về an toàn thi công,an toàn lao động

Đã gần nửa tháng bé trai Hạo Nam đáng thương nằm dưới lòng cọc sâu 35m. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã bộc lộ sự lúng túng, thiếu chuyên nghiệp trước một tại nạn chưa có tiền lệ. Điều đó thể hiện ở sự thay đổi phương án cứu hộ liên tục, nhiều lần “thất hứa” về thời điểm hoàn tất công tác cứu hộ, và cả tuyên bố nạn nhân đã tử vong khi còn chưa tìm thấy xác. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động để lắng nghe quan điểm của ông về công tác đảm bảo an toàn đối với các công trình xây dựng hiện nay.

/01

Thiệt hại vô cùng lớn về con người và tài chính

PV: Xin chào ông và xin ông cho độc giả được biết, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu trong việc phòng ngừa nguy cơ rủi ro, gây tai nạn cho người lao động tại các công trình xây dựng?

Ông Nguyễn Anh Thơ: Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, tại Điều 115. An toàn trong thi công xây dựng công trình quy định:

- Chủ đầu tư phải tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng; tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn, có sự cố gây mất an toàn công trình; phối hợp với các nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động (TNLĐ); thông báo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra sự cố công trình, TNLĐ gây chết người.

- Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong quá trình thi công xây dựng công trình, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình; tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp bảo đảm an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình; rà soát biện pháp bảo đảm an toàn định kỳ, đột xuất để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế thi công trên công trường.

Vụ bé trai ở Đồng Tháp: Đã có vi phạm quy định về an toàn thi công và an toàn lao động

Ông Nguyễn Anh Thơ đang phát biểu trong Hội nghị sinh hoạt chuyên đề công tác Đảng tại cơ quan. Ảnh: NVCC

PV: Khi công trường xây dựng không tuân thủ quy định về an toàn lao động thì sẽ dẫn đến nguy cơ sự cố, thiệt hại gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Thơ: Khi chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng không tuân thủ quy định về an toàn thi công, an toàn lao động thì sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ, sự cố khó lường, gây TNLĐ có thể dẫn tới tổn thất, thiệt hại về nghiêm trọng về người, tài sản, thiết bị… của chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người dân sống xung quanh và cộng đồng.

Các thống kê gần đây cho thấy, hàng năm có hàng chục vụ tai nạn đối với người dân, trong đó có nhiều trẻ em trên các công trường xây dựng tiếp giáp với các khu dân cư; số vụ tai nạn lao động chết người trong lĩnh vực xây dựng đang chiếm khoảng 20% tổng số vụ tai nạn lao động chết người ở Việt Nam, thiệt hại về tài sản là hàng trăm tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, nhiều người lao động bị thương nặng phải nghỉ việc, cùng với công trình bị đình trệ thi công nhiều ngày, có khi lên đến hàng tháng, hàng năm để phục vụ điều tra, thiệt hại tài chính là rất lớn. Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế, thiệt hại do Tai nạn lao động, bệnh nghề nhiệp tương đương 4% đến 6% GDP toàn cầu.

Vụ bé trai ở Đồng Tháp: Đã có vi phạm quy định về an toàn thi công và an toàn lao động

Lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn đang nỗ lực giải cứu bé Hạo Nam. Ảnh: CTV

/02

Lỗi thuộc về chủ đầu tư, nhà thầu thi công

PV: Từ vụ việc bé Hạo Nam (ở Đồng Tháp) bị rơi ngã xuống trụ bê tông là móng cọc sâu 35 m tại công trình cầu Rọc Sen, theo ông, việc đơn vị thi công thiếu biển cảnh báo nguy hiểm và thiếu rào chắn vị trí nguy hiểm này, cho các cháu nhỏ ra vào tự do công trường đang thi công có đúng quy định về an toàn lao động trong xây dựng hay không?

Ông Nguyễn Anh Thơ: Trường hợp rất đáng tiếc, thương tâm vừa qua là vụ việc bé Hạo Nam (ở Đồng Tháp) rơi lọt vào lòng cọc bê tông tại công trình Cầu Rọc Sen, là vụ việc mang tính lặp lại các vi phạm về công tác an toàn lao động trên các công trình xây dựng nói chung, đặc biệt là an toàn trong thi công xây dựng cầu đường, công trình công nghiệp, dân dụng, hạn tầng kỹ thuật điện, viễn thông…gần khu dân cư. Thường tại các công trình xây dựng, có rất nhiều các hố móng, móng cọc, đường hào… là vị trí có nguy cơ gây tai nạn cho con người, đặc biệt là các cháu nhỏ.

Theo các quy định về An toàn thi công, an toàn lao động nói trên, rõ ràng chủ đầu tư, nhà thầu thi công đã vi phạm quy định về an toàn thi công, ATLĐ, thiếu các biện pháp bảo đảm an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình như: không có rào chắn khu vực nguy hiểm, thiếu biển cảnh báo nguy hiểm, công tác bảo vệ công trường thiếu trách nhiệm để người không có nhiệm vụ tự do ra vào công trường… gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ bé trai ở Đồng Tháp: Đã có vi phạm quy định về an toàn thi công và an toàn lao động

Ông Nguyễn Anh Thơ (mặc vest) trong chuyến khảo sát an toàn lao động tại Công trường Dự án Cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

PV: Ở góc nhìn của ông, ông có thể lý giải vì sao nhà thầu ở Việt Nam thường chưa chú trọng đúng mức các quy định về an toàn lao động?

Ông Nguyễn Anh Thơ: Qua phân tích nguyên nhân các vụ TNLĐ chết người, các vi phạm an toàn trong thi công công trình thời gian qua, cho thấy các nhà thầu thi công không tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn, không tuân thủ thiết kế thi công và biện pháp an toàn thi công chiếm tỷ lệ cao và là nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn, sự cố trên công trường.

Các nhà thầu chưa chú trọng đúng mức các quy định về an toàn lao động có một số lý do: lãnh đạo các đơn vị, chỉ huy các công trường, cán bộ kỹ thuật, công nhân thi công, cán bộ giám sát… chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm, từ nhận thức tới hành động, có phần xem nhẹ việc thực hiện các biện pháp an toàn trong thi công; Một số nơi còn làm tắt, thiếu các quy trình, công đoạn trong thi công (chưa đầy đủ các biện pháp an toàn vẫn thi công ), tiết giảm các chi phí an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường.

/03

Cần tăng cường giám sát từ các cơ quan quản lý Nhà nước

PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác cứu hộ cứu nạn đối với bé Hạo Nam?

Ông Nguyễn Anh Thơ: Qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông những ngày qua, việc cứu hộ đối với bé Hạo Nam đã để thời gian qua đi quá dài, các phương tiện, thiết bị và nhân lực cứu hộ thiếu chuyên nghiệp, phương án cứu hộ thay đổi nhiều do các điều kiện thực tế cũng như thông tin về địa chất bị động. Có thế nói vụ việc rất hy hữu, lại xảy ra trên địa bàn thiếu các phương tiện chuyên dụng phục vụ cứu hộ, thiếu các đơn vị, doanh nghiệp có lực lượng cứu hộ được huấn luyện, có kinh nghiệm.

Vụ bé trai ở Đồng Tháp: Đã có vi phạm quy định về an toàn thi công và an toàn lao động

Công tác huấn luyện an toàn lao động là rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn tại các công trình xây dựng. Ảnh: CTV

PV: Xin ông cho biết những chỉ dẫn, giải pháp đảm bảo an toàn cho các vị trí nguy hiểm như đề cập ở trên để đơn vị có liên quan đảm bảo an toàn cho người lao động nói riêng và người dân sinh sống xung quanh công trình nói chung?

Ông Nguyễn Anh Thơ: Về tổ chức mặt bằng thi công, theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật an toàn xây dựng ( QCVN 18: 2014/BXD), thì xung quanh khu vực công trường phải được rào ngăn và bố trí trạm gác không cho người không có nhiệm vụ ra vào công trường. Giếng, hầm, hố trên mặt bằng và những lỗ trống trên các sàn tầng công trình phải được đậy kín đảm bảo an toàn cho người đi lại hoặc rào ngăn chắc chắn xung quanh với chiều cao tối thiểu 1m. Đối với đường hào, hố móng nằm gần đường giao thông, phải có rào chắn cao trên 1 m, ban đêm phải có đèn báo hiệu.

Nhà thầu thi công phải trình chủ đầu tư phê duyệt biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công đối với từng hạng mục và khu vực công trường; Biện pháp an toàn cần có nội quy vào - ra công trường, nội quy an toàn, phải chỉ ra được các mối nguy, các giải pháp khắc phục giảm thiểu mối nguy, đảm bảo an toàn cho người lao động và người dân xung quanh trong suốt quá trình thi công công trường.

Cụ thể ở đây công trường cần phải có: nội quy vào - ra công trường, nội quy an toàn; phải có rào chắn khu vực công trường, biển cảnh báo nguy hiểm không tới gần các mối nguy, dụng cụ, phương tiện che chắn các hố móng, chiếu sáng khi thi công đêm, bảo vệ trực 24/24…

Với các nội dung quy định, hướng dẫn an toàn như trên, nếu được thực hiện đầy đủ sẽ đảm bảo căn bản ngăn ngừa các tai nạn, sự cố trên công trường xây dựng.

PV: Theo ông, qua sự việc trên, các cơ quan quản lý nhà nước có cần phải tăng cường sự giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn tại các công trường tại địa phương?

Ông Nguyễn Anh Thơ: Các cơ quan quản lý Nhà nước (các ngành Giao thông, Xây dựng, Lao động TBXH ) tại Trung ương, các địa phương cần tăng cường vai trò, trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm trong phê duyệt các phương án thiết kế, thi công; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất trong suốt quá trình thi công… nhằm phát hiện các sai phạm trong công tác thi công công trình, an toàn vệ sinh lao động, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn về người, tài sản, thiết bị thi công, tránh các vụ việc đáng tiếc, thương tâm xảy ra.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!

Bài viết: HỒNG NHUNG