
Người giữ ngọn lửa nhiệt huyết và trái tim nhân ái |
Tôi – một “số Pi” nhỏ bé trong vòng tay Công đoàn
Pi (còn gọi là 3,14…) là một hằng số toán học quen thuộc, dùng để tính toán trong các chuyển động tròn của động cơ, bánh răng, hay thậm chí là chu kỳ quay của trái đất quanh mặt trời. Khi đọc tên cuộc thi “Vòng tay Công đoàn”, tôi bất giác nghĩ đến con số Pi ấy – tròn trịa, không bao giờ kết thúc, miệt mài chuyển động không ngừng. Và tôi, một người lao động bình thường, một đoàn viên công đoàn, nhận ra rằng hành trình của mình cũng mang hình hài một “số Pi” như thế, không ngừng cố gắng để hòa vào vòng quay bền bỉ của tổ chức công đoàn.
Nghe thì có vẻ khô khan, nhưng tôi tin rằng trong con số Pi ấy là cả một thế giới của sự kết nối, của những giá trị bền vững mà công đoàn mang đến cho người lao động – trong đó có tôi. Từ những chính sách hỗ trợ thiết thực, đến sự thấu hiểu và đồng hành trong những giai đoạn khó khăn nhất, công đoàn không chỉ là một tổ chức – đó là một chiếc “vòng tay” thực sự, rộng mở, bao bọc, nâng đỡ tôi qua những thăng trầm cuộc sống.
![]() |
Công đoàn không chỉ là nơi đại diện quyền lợi mà còn là nơi lan tỏa yêu thương. Ảnh: ĐVCC |
Trước đây, mẹ tôi là công nhân của nhà máy xi măng Yên Bái. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba đứa con còn nhỏ, mẹ không thể tiếp tục làm việc theo ca kíp với quãng đường gần mười cây số. Mẹ quyết định “nghỉ một cục” – cách nói vui của công nhân khi nghỉ việc mà không cần chờ đến tuổi hưu. Nhưng dẫu nghỉ việc, mẹ tôi vẫn giữ liên lạc với các cô chú đồng nghiệp cũ, vẫn gắn bó với họ như những người thân ruột thịt.
Rồi một ngày, cuộc sống chuyển hướng đột ngột. Mẹ tôi qua đời sau một tai nạn giao thông trong thời gian bươn chải mưu sinh tự do. Bố thì không có việc làm ổn định. Tôi lúc đó chỉ là sinh viên năm thứ hai Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình I. Cái chết của mẹ như một hố sụt đen ngòm, kéo sập tất cả hy vọng. Tôi muốn bỏ học đi làm, vì nghĩ rằng sẽ chẳng còn ai lo cho mình nữa. Tôi mất phương hướng, bế tắc, chẳng còn thiết tha bước ra khỏi nhà.
Nhưng trong khoảnh khắc tối tăm ấy, một điều kỳ diệu xảy ra. Những người đồng nghiệp cũ của mẹ, những cô chú công nhân nhà máy xi măng – đã đến tìm tôi. Họ không chỉ động viên, mà còn trao cho tôi sự định hướng. Họ bảo: “Con phải đi học tiếp. Đó là điều mẹ con mong nhất. Con đi học là mẹ con yên lòng.” Câu nói ấy đánh thức tôi. Tôi quyết định quay lại giảng đường – dù biết sẽ phải làm đủ nghề để kiếm tiền ăn học, dù biết con đường phía trước sẽ rất dài.
Tôi học xong cao đẳng. Rồi quyết tâm học tiếp lên đại học – một phần vì ước mơ còn dang dở của mẹ, phần khác vì tôi nhận ra, chỉ có tri thức mới đưa mình đến được những cơ hội tốt hơn. Tôi học cử nhân kế toán, vừa học vừa làm thêm, có lúc chỉ đi xe buýt, bữa cơm chỉ là mì tôm. Đến kỳ học cuối, không đủ tiền đóng học phí, chị Chủ tịch Công đoàn Công ty Bắc Á, nơi tôi làm thêm, đã nhanh chóng báo cáo để công ty tạm ứng lương giúp tôi hoàn tất thủ tục thi tốt nghiệp.
Sự hỗ trợ ấy không chỉ là vật chất, mà là tinh thần, là động lực để tôi tiếp tục tiến lên. Tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, được ký hợp đồng chính thức, rồi kết nạp vào Công đoàn cơ sở Bắc Á thuộc Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm. Khi bước vào môi trường này, tôi mới hiểu rõ: Công đoàn không chỉ là nơi đại diện quyền lợi mà còn là nơi lan tỏa yêu thương, là nơi nuôi dưỡng và định hướng cho người lao động. Tình cảm của những đồng nghiệp cũ của mẹ tôi, sự nâng đỡ từ công đoàn công ty, và những bàn tay âm thầm dìu dắt tôi, tất cả đều là một phần của “vòng tay công đoàn”.
Vòng tròn đồng tâm – Lan tỏa tinh thần Công đoàn
Tại Công ty Bắc Á, tôi cảm nhận rõ ràng nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Cả ngày bận rộn, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi hay lạc lõng. Tình đồng nghiệp, sự động viên từ những người đi trước khiến tôi trưởng thành từng ngày. Và rồi, thật vinh dự, tôi được anh chị em trong công ty tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Công đoàn khi tuổi đời còn khá trẻ.
Thời gian đầu, tôi ngô nghê, xử lý vụ việc còn lúng túng, chuyện gì cũng phải hỏi công đoàn cấp trên. Nhưng qua thời gian, nhờ tham gia các lớp tập huấn, đọc sổ tay công đoàn, được lắng nghe và học hỏi từ những cán bộ công đoàn đi trước, tôi dần hiểu ra ý nghĩa sâu sắc của công việc mình đang làm. Tôi nhận ra “vòng tay công đoàn” không chỉ ôm trọn từng người mà còn gắn kết, tạo thành những vòng tròn đồng tâm lan tỏa. Mỗi người góp một chút, chúng ta tạo nên một sức mạnh lớn lao.
Tôi cùng chị Chủ tịch Công đoàn Công ty nỗ lực tuyên truyền, vận động lái xe – những người lao động có tính cách đa dạng, nhiều người còn cộc tính, để họ thay đổi, tuân thủ luật mới, nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Lúc đầu, mọi thứ không dễ dàng: bị mắng, bị từ chối, thậm chí có người còn dọa bỏ việc. Nhưng chúng tôi kiên trì, nhẹ nhàng phân tích, quyết đoán khi cần. Từng bước, mọi người bắt đầu lắng nghe và thay đổi. Có người báo lại hành khách quên đồ quan trọng như điện thoại, laptop và hoàn trả một cách trung thực, tự nguyện.
Chúng tôi cũng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19. Trong khi xã hội giãn cách, chúng tôi vẫn phải đảm bảo hoạt động vận tải, vừa phòng dịch, vừa phục vụ khách hàng. Sau dịch, lại tiếp tục với các thay đổi trong quy định nhà nước, rồi công cuộc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện để góp phần bảo vệ môi trường.
Chưa kể đến công tác quyên góp thiện nguyện: năm 2024, khi lũ lụt tàn phá các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là quê hương Yên Bái của tôi, Công đoàn cơ sở Bắc Á đã phát động quyên góp trong toàn công ty. Từ quần áo cũ được giặt sạch, xếp gọn, đến đồ ăn, thuốc men, tất cả được đóng gói, dán nhãn cẩn thận theo giới tính, cân nặng. Chúng tôi còn xin được chuyến xe tải 0 đồng, chở đầy yêu thương lên tận vùng lũ. Chiếc xe ấy mang theo cả “vòng tay Công đoàn” Bắc Á đến với đồng bào quê tôi, một hành động nhỏ, nhưng nghĩa tình vô cùng.
![]() |
"I am Pi” – Công đoàn cơ sở Bắc Á. Ảnh: ĐVCC |
Tôi cùng công đoàn công ty cũng nhiều lần góp sức thương lượng để ký kết các bản thỏa ước lao động tập thể với ban lãnh đạo, đảm bảo quyền lợi người lao động. Từ chế độ thai sản, tai nạn lao động, đến trợ cấp khó khăn. Mỗi kỳ hạn báo cáo, dù có muộn đến mấy, chúng tôi đều cố gắng hoàn thành để người lao động không bị bỏ sót trong các chương trình hỗ trợ. Có những tối, tôi gửi báo cáo vào sát giờ chốt danh sách, nhưng Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm vẫn tận tình tiếp nhận vì họ hiểu được sự vất vả và tâm huyết của cán bộ công đoàn ở cơ sở.
Bởi vậy, khi nhắc đến tên cuộc thi “Vòng tay công đoàn”, tôi lại liên tưởng đến con số Pi – tròn trịa, tuần hoàn, không bao giờ dừng lại. Tôi – một cán bộ công đoàn cơ sở, dù chỉ là “một dấu chấm nhỏ” trên đường tròn lớn lao ấy, vẫn luôn cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Được làm một phần của tổ chức công đoàn vững mạnh, được tiếp lửa từ những tấm gương đi trước, tôi cảm thấy vinh dự và tự hào. Đó là động lực để tôi lan tỏa tinh thần công đoàn đến thế hệ mới – những “Pi” tiếp theo, những vòng tay nối dài không ngừng nghỉ.
"I am Pi” – Công đoàn cơ sở Bắc Á.
Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ V do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cổ vũ những trường hợp đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn chăm lo, bảo vệ thiết thực, hiệu quả; nhờ đó có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống. Thông qua bài viết nêu bật nỗ lực của tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi đại diện bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; góp phần khẳng định Công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động. Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: vongtaycongdoan.ldcd@gmail.com |
Tin mới hơn

Người hiệu trưởng truyền cảm hứng từ những điều giản dị

Vòng tay công đoàn trong tâm bão

Công đoàn Z129 – Điểm tựa vững chắc của người lao động trong “làng quân giới”
Tin tức khác

Vòng tay Công đoàn: Chắp cánh khát vọng đường dây 500kV mạch 3

"Mái ấm công đoàn" nuôi dưỡng những trái tim yêu nghề

Những vòng tay không khoảng cách

Người "thắp lửa yêu thương" trong ngôi nhà công đoàn

Sức mạnh đoàn kết từ màu áo xanh công đoàn
