e magazine
15/03/2022 10:29
Vỡ mộng “sàn chứng khoán quốc tế”: Công nhân điêu đứng vì nợ nần

15/03/2022 10:29

Nghe theo lời mời chào ngon ngọt từ các “chuyên gia đọc lệnh”, nhiều người nạp tiền đầu tư vào cái gọi là Sàn chứng khoán quốc tế Scope Markets với hy vọng sẽ đổi đời. Thế nhưng giờ đây, thứ mà họ nhận về là một khoản nợ ngập đầu và những tháng ngày “không thiết sống”...
Vỡ mộng “sàn chứng khoán quốc tế”: Công nhân điêu đứng vì nợ nần

Vỡ mộng “sàn chứng khoán quốc tế”: KỲ 1- Công nhân điêu đứng vì nợ nần

Nghe theo lời mời chào ngon ngọt từ các “chuyên gia đọc lệnh”, nhiều người nạp tiền đầu tư vào cái gọi là Sàn chứng khoán quốc tế Scope Markets với hy vọng sẽ đổi đời. Thế nhưng giờ đây, thứ mà họ nhận về là một khoản nợ "ngập đầu" và những tháng ngày không thiết sống...

Video: Vỡ mộng “sàn chứng khoán quốc tế” - Công nhân điêu đứng vì nợ nần.

ĐANG THẤT NGHIỆP GẶP "CHUYÊN GIA"

Đầu tháng 06/2021, giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, anh N.V.H (SN 1986) – công nhân đóng tàu, quê Hải Phòng, rơi vào cảnh mất việc. Đứa con thứ ba lại sắp chào đời khiến người đàn ông này xoay xở đủ đường để trang trải cuộc sống.

Một ngày, anh H. nhận được cuộc điện thoại của người phụ nữ tự xưng là “chuyên gia môi giới chứng khoán”, giới thiệu cơ hội đầu tư tại Sàn chứng khoán quốc tế Scope Markets có trụ sở tại Anh quốc. Người này giới thiệu đây là một kênh đầu tư tốt đang phổ biến, nói rằng nhiều người đã tham gia và đổi đời.

Trong cuộc nói chuyện, anh H. bảo mình là công nhân, chẳng hiểu biết gì về đầu tư nên thẳng thắn từ chối. Thế nhưng, vị “chuyên gia” vẫn tiếp tục gọi điện giới thiệu. Chỉ sau hai cuộc điện thoại, anh H. đồng ý kết bạn zalo với “chuyên gia”, được gửi nhiều thông tin về những người đã, đang tham gia đầu tư tại Sàn Scope Markets với lợi nhuận từ vài chục đến vài trăm đô la mỗi ngày.

“Đã vậy, nhân viên của sàn còn nói là anh không cần phải giỏi về đầu tư chứng khoán, cũng không cần thiết phải nắm rõ thị trường vì bên em đã có hỗ trợ 1:1 (chuyên gia tư vấn đọc lệnh cho nhà đầu tư - PV) cho các anh rồi”, anh H. thuật lại lời mời chào của vị “chuyên gia” và nói rằng đây là lý do khiến anh quyết định nạp tiền để đầu tư.

Vỡ mộng “sàn chứng khoán quốc tế”: Công nhân điêu đứng vì nợ nần

Đơn thư phản ánh các công nhân, người lao động gửi đến Tạp chí Lao động và Công đoàn. Ảnh: SỸ CÔNG - Ý YÊN

Tương tự, anh B.V.V (SN 1989), công nhân KCN Thạch Thất (Hà Nội) vừa thất nghiệp do dịch bệnh cũng lao vào đầu tư chứng khoán tại Sàn Scope Markets dù nhiều lần từ chối lời mời chào.

Chia sẻ về quyết định táo bạo của mình, anh V. nói: “Họ giới thiệu các mã sản phẩm, tôi cẩn thận lên mạng tìm hiểu, thấy khớp các nội dung mà họ tư vấn. Sau đó, tôi còn được cho vào nhóm zalo của các chuyên gia, nhà đầu tư. Theo dõi khoảng 1 tuần, tôi thấy nhận định của các chuyên gia rất đúng, một số nhà đầu tư đăng kết quả đầu tư có lãi lên, tâm lý ham làm giàu nên quyết định thử”.

Sau này anh V. mới biết tất cả các thành viên trong nhóm zalo ấy thực chất là một nhóm chơi trò diễn kịch, tung hứng để dụ người tham gia. Thế nhưng, trước khi nhận ra chân tướng của sự thật, người đàn ông này đã “đầu tư” 16 nghìn đô la, tức hơn 360 triệu đồng, hầu hết là tiền đi vay chịu lãi.

Vỡ mộng “sàn chứng khoán quốc tế”: Công nhân điêu đứng vì nợ nần

Trong số các nạn nhân, không ít người là công nhân lao động viết thư phản ánh, rồi lặn lội xe đò hàng trăm cây số tới Tòa soạn Tạp chí Lao động và Công đoàn kể về việc họ bị dụ dỗ “bơm” tiền đầu tư đến nỗi phải đi vay lãi hàng trăm triệu, cùng quẫn muốn tìm đến cái chết... - Ảnh: Sỹ Công

CÀNG THUA CÀNG HAM GỠ

Tài khoản tiết kiệm có hơn chục triệu đồng, anh V. giấu vợ đem đi đầu tư chứng khoán. Như cam kết từ trước, anh V. được tư vấn 1:1, nghĩa là hằng ngày được “chuyên gia” trao đổi gần như 24/24, mách nước đi lệnh mua/bán các mã sản phẩm và thời điểm chốt lợi nhuận.

“Ban đầu giao dịch bị thua, sau đó chuyên gia đọc lệnh và gỡ lại được. Từ đó tôi rất tin tưởng, nghe theo lời của họ, vay lãi để nạp thêm 5.500 đô la”, anh V. kể.

Thế nhưng, anh V. càng đánh càng thua. Cho đến khi tài khoản còn khoảng 500 đô la, “chuyên gia” tiếp tục động viên anh nạp thêm 10.000 đô la với lời hứa sẽ có thêm một chuyên gia cao cấp hỗ trợ anh.

Tâm lý muốn gỡ lại số tiền đã mất, anh V. tiếp tục đi vay nặng lãi. Nhưng chưa đầy 3 ngày được các chuyên gia hướng dẫn đặt lệnh, tài khoản của anh V. gần như hết sạch.

Dù vị “chuyên gia” kia tiếp tục gạ gẫm nạp thêm tiền nhưng lúc này anh V. không thể vay thêm được nữa. Tài khoản sau đó tự “cháy”.

Vỡ mộng “sàn chứng khoán quốc tế”: Công nhân điêu đứng vì nợ nần

Nạn nhân của Sàn chứng khoán quốc tế Scope Markets (phải) trao đổi với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn. Ảnh: SỸ CÔNG

Lý giải việc chìm ngập trong cuộc chơi chứng khoán đến mức từ số vốn ban đầu hơn chục triệu, sau chưa đầy 1 tháng đã rơi vào cảnh nợ nần vài trăm triệu, chịu lãi cao cắt cổ, người đàn ông nói: “Lúc ấy tâm lý chỉ muốn gỡ lại những gì đã mất và tôi vẫn tin họ (chuyên gia – PV) nhiệt tình, tốt với mình. Thực sự lúc ấy đầu óc tôi không còn nghĩ được gì nữa, chỉ biết rằng nếu còn vay được nữa thì vẫn cứ chơi tiếp”.

Đó cũng là tâm lý chung của hầu hết nạn nhân của cái gọi là Sàn chứng khoán quốc tế Scope Markets.

Chẳng thế mà vỏn vẹn chưa đầy 2 tháng, anh N.V.H. đã phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để có thể nạp tiền tới 5 lần, tổng cộng 188 triệu đồng những mong gỡ gạc số tiền đã mất.

Theo đơn phản ánh tới Tạp chí Lao động và Công đoàn, anh H. cho biết, tất cả các lần nạp tiền, anh đều gửi vào số tài khoản 0541000197891, tài khoản thụ hưởng: Công ty CP Trung gian thanh toán Ngân Lượng. Sau khi nạp tiền xong, một chuyên gia tự giới thiệu tên Hà Doan hướng dẫn đăng nhập tài khoản trên ứng dụng MT4 (Meta Trader 4) để tham gia đầu tư tại Sàn Scope Markets.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Phạm Ngọc Trâm Anh - người phụ trách truyền thông Tập đoàn NextTech (đơn vị xây dựng và phát triển Công ty CP Trung gian thanh toán Ngân Lượng), cho biết: "Ngân Lượng là 1 tổ chức trung gian thanh toán hoạt động trong 3 lĩnh vực ví điện tử, trung gian thanh toán, thu hộ chi hộ theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước cấp. Ngân Lượng không tham gia bất cứ sàn nào mà chỉ thực hiện chức năng là 1 trung gian thanh toán giữa người mua và người bán".

Đại diện Tập đoàn NextTech nói thêm, cũng như các lệnh chuyển khoản ngân hàng, Công ty Ngân Lượng không thể chặn giao dịch khi không xác định được đó là giao dịch phạm tội trừ khi có các cơ quan chức năng yêu cầu hoặc nội dung giao dịch ghi rõ về việc vi phạm ở Việt Nam.

Vỡ mộng “sàn chứng khoán quốc tế”: Công nhân điêu đứng vì nợ nần

Tin nhắn giữa nạn nhân và chuyên gia Sàn Scope Market. Ảnh: SỸ CÔNG

Anh H. kể: “Các lệnh giao dịch của tôi đều đi theo các chuyên gia đã nêu nhưng đều sai xu hướng dẫn đến thua lỗ. Nếu tôi không đánh theo họ thì họ lập tức gọi điện cảnh báo có thể sẽ còn thua tiếp, thậm chí "cháy" tài khoản. Rồi họ khuyên tôi nạp thêm tiền chơi tiếp để bảo toàn vốn và lợi nhuận”.

“Lần đầu tiên bị "cháy" tài khoản, cảm giác hụt hẫng, chán nản. Lần thứ hai, chỉ nghĩ là người ta thật lòng với mình, sẽ giúp mình gỡ lại số tiền đã mất để về trả nợ. Tôi hy vọng gỡ được thì sẽ thôi không chơi nữa, nhưng càng nạp tiền vào gỡ thì lại càng mất tiền. Về sau họ gạ gẫm nạp nhiều tiền hơn. Lần cuối cùng tôi nạp 5.000 đô la, vừa nạp vào thì bị cắt lệnh, "cháy" luôn tài khoản”, anh H. cho biết.

“NHIỀU LÚC NGHĨ SAO MÌNH KHÔNG CHẾT QUÁCH CHO RỒI!"

Từ ngày “chơi” chứng khoán, cuộc sống của anh H. hoàn toàn thay đổi theo chiều hướng không thể tồi tệ hơn.

Khó khăn và chán chường là hai từ được anh mô tả về tình cảnh của bản thân lúc này. Mất việc, vợ vừa sinh đứa thứ ba, chưa đi làm, gánh nặng kinh tế vốn đè nặng lên vai, lại thêm cảnh nợ nần khiến anh nhiều lúc nghĩ quẩn.

“Hằng ngày cứ cười đấy nhưng mà thực ra nhiều lúc nghĩ đến số tiền đã mất, nghĩ đến vợ con vất vả, tôi như người mất hồn. Nhiều lúc nghĩ sao mình không chết quách đi cho rồi!”, anh H. trải lòng.

“Cảm giác rất chán nản vì lúc nào cũng nghĩ đến khoản nợ. Dịch bệnh đang phức tạp, tìm việc cũng khó khăn, hằng ngày tôi đi làm tự do, có việc gì thì làm nấy. Tết vừa qua là một cái Tết buồn, không chỉ riêng tôi mà tất cả những người dính vào sàn chứng khoán này”, anh H. nói.

Vỡ mộng “sàn chứng khoán quốc tế”: Công nhân điêu đứng vì nợ nầnCông nhân vướng vào vòng xoáy nợ nần vì tham gia đầu tư tại Sàn chứng khoán quốc tế Scope Markets - Ảnh: SỸ CÔNG

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện có hàng nghìn người bị mất tiền vào Sàn chứng khoán quốc tế Scope Markets, người ít thì vài chục triệu, người nhiều thì mất cả trăm, thậm chí hàng tỷ đồng.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có rất nhiều công ty tự giới thiệu là đối tác của các sàn chứng khoán quốc tế, với thế mạnh là dịch vụ đầu tư tài chính hiện đại. Họ ráo riết đăng tuyển hàng trăm nhân sự để tư vấn, mời chào nhà đầu tư.

Để hiểu rõ hơn về bản chất hoạt động của các công ty này cũng như cái gọi là sàn chứng khoán quốc tế, phóng viên có buổi làm việc với đại diện một công ty môi giới, quảng bá cho Sàn Scope Markets.

Mời quý độc giả đón đọc kỳ cuối: Ngang nhiên hoạt động môi giới dù không được cấp phép

Ý YÊN - SỸ CÔNG

Xem phiên bản di động