|
Dịch Covid-19 đã đẩy không ít gia đình người lao động vào cảnh khó khăn, mất việc, giảm thu nhập. Thế nhưng, trong khó khăn, tình cảm gia đình, vợ chồng càng thêm gắn bó, hy sinh và nỗ lực vì nhau! Đã gần 12 giờ đêm, anh Đặng Quang Vinh, trọ trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp, TP.HCM) vẫn còn miệt mài bên chiếc máy may. Gần Tết, anh càng thức khuya hơn bởi “thức khuya thêm một chút là hai con có thêm sữa, vợ đi chợ bớt đắn đo trước một mớ cá thịt”. |
Anh Vinh nhận may ba lô, túi xách tại nhà để kiếm thêm thu nhập. |
Anh Vinh năm nay 32 tuổi, là tài xế giao hàng cho một công ty vận tải. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty ít đơn hàng nên công việc của anh cũng giảm, thu nhập vì thế giảm theo. “Trước đây, chỉ làm tài xế thôi, hết giờ về nhà, lương cũng được gần 15 triệu đồng, nay thì chưa đến 10 triệu đồng mỗi tháng”, anh Vinh cho hay. Khó khăn chồng chất khó khăn khi vợ anh là chị Nguyễn Hồng Tuyết vừa sinh con. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, chị cũng mất việc theo. Giờ đây, tất cả sinh hoạt phí của gia đình 4 người trông cả vào đồng lương của anh Vinh. Chị Hồng Tuyết liệt kê, tiền nhà trọ hơn 2 triệu đồng, tiền gửi con lớn đi nhà trẻ hơn 2 triệu đồng, tiền sữa cho hai con, tiền bỉm sữa cho con nhỏ, tiền ăn của cả gia đình… |
Anh cố gắng tận dụng mọi thời gian rảnh để làm việc. |
“Tiền ăn của vợ chồng tôi luôn được tính toán sau cùng. Có gì ăn đó, tôi không đi làm, một mình chồng gồng gánh, tôi không dám sắm sửa gì nhiều, lắm lúc nhìn bữa cơm, chồng đi làm cực mà ăn uống kham khổ, tôi thương quá mà không biết làm thế nào”, chị Tuyết bộc bạch. Nghe vợ nói, anh Vinh xua tay: “Không, tôi đàn ông sức dài vai rộng, khổ chút xíu không sao cả. Chỉ thương vợ, mới sinh con xong mà không được bồi dưỡng”. Để bù đắp phần thu nhập thiếu hụt, anh Vinh nhận may gia công ba lô, túi xách tại nhà. Anh cho hay, trước đây, khi mới từ Bạc Liêu lên TP.HCM lập nghiệp, anh được nhận vào làm ở một công ty may túi xách nên cũng biết nghề may. Sau đó, khi tích lũy được ít tiền, anh đi học nghề tài xế. Công việc tài xế thu nhập tốt hơn. Lúc chưa có Covid-19, cả hai vợ chồng đi làm thì tổng thu nhập của hai vợ chồng khá ổn, ngoài chi tiêu thì vẫn có dư. “Khi dịch Covid-19 ập đến thì nghề may lại giúp tôi. Được chị chủ trọ giới thiệu, tôi nhận đồ về may, sau giờ làm tài xế, tôi tranh thủ may thêm, tùy tháng mà được thêm từ 1 đến 2 triệu đồng. Thêm được ít tiền, vợ con đỡ lo”, anh Vinh bày tỏ. Nói về cái Tết Tân Sửu sắp đến, anh Vinh cho hay, quê anh ở Bạc Liêu, quê vợ ở Tây Ninh, tính ra đều gần cả nhưng năm nay là một năm quá khó khăn, vợ chồng anh quyết định ở lại TP.HCM ăn Tết. Anh chia sẻ: “Tôi mong dịch Covid-19 được khống chế để Tết này tôi đưa vợ con ra trung tâm thành phố chơi cho biết, mang tiếng gần chục năm ở Sài Gòn mà chưa biết Tết ở trung tâm nó khác Tết ở vùng ven ra sao”. |
Nhiều công nhân làm thêm tại nhà để kiếm thêm thu nhập, trang trải chi phí. |
Xác định ở lại TP.HCM ăn Tết, gia đình chị Kiều Ngọc Thu, có quê Kiên Giang, đang trọ trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) chia sẻ: “Quanh năm tôi không có ngày nghỉ, Tết là dịp để cả nhà tôi nghỉ ngơi, sum họp với nhau”. Chị Thu làm nghề giúp việc gia đình theo giờ, chị cho hay, thời gian cận Tết chính là cao điểm của nghề giúp việc, làm việc không ngơi tay, năm nào đến giao thừa chị mới về đến nhà. |
Nhiều lao động quyết định không về quê ăn Tết. |
“Tôi đi dọn nhà người ta còn nhà mình thì chồng con dọn dẹp. Chồng tôi làm ở một tiệm rửa xe, Tết cũng rất nhiều việc, cũng làm đến giao thừa mới xong. Không chỉ năm Covid mà năm nào vợ chồng tôi cũng ở lại Sài Gòn ăn Tết. Về quê thì vui thật đó nhưng công việc của mình được mấy ngày cận Tết để tăng thu nhập, về tiếc lắm”, chị Thu bộc bạch. Với chị Thu, dù công việc vất vả, thời gian dành cho gia đình những ngày cuối năm của hai vợ chồng chị rất ít nhưng các thành viên trong gia đình đều hiểu cho nhau. Các con thay bố mẹ dọn dẹp nhà cửa nên anh chị cũng an tâm. “Do đó, Tết đối với gia đình tôi đơn giản vô cùng, đó chính là những ngày được nghỉ ngơi hoàn toàn”, chị Thu cho hay. Bà Thu Trang, chủ khu nhà trợ gần 50 phòng trên đường Phạm Văn Chiêu cho hay, qua trò chuyện với anh chị em công nhân, người lao động ở trọ thì năm nay hầu hết anh, chị, em công nhân ở lại Sài Gòn ăn Tết, ít người về quê. Nếu như trước đây, chỉ có anh, chị, em ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc xa xôi, tàu xe khó khăn mới ở lại Sài Gòn ăn Tết thì năm nay anh, chị, em ở các tỉnh miền Tây cũng ở lại. Bà Trang nhận xét: “Mặc dù ai ai cũng bảo khó khăn nhưng tôi thấy mọi người rất lạc quan, ai cũng cố gắng làm thêm việc này việc kia để có tiền trang trải cuộc sống, vợ chồng đồng thuận, thấy cũng vui”. |
Bài viết: AN PHƯƠNG |
Tăng cường, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với tổ chức và hoạt động công đoàn
Tạp chí điện tử Cuộc sống an toàn trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận về “Đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn, ... |
Cô gái 330 tỷ và trí tuệ của người Việt
Thông tin cô gái 28 tuổi ở Cầu Giấy thu nhập 330 tỷ đồng/năm nhờ viết phần mềm trên Google Play và App Store và ... |
Cán bộ công đoàn kỳ vọng sẽ có nhiều quyết sách đúng đắn, có lợi cho người lao động
Theo dõi Đại hội XIII của Đảng, những đảng viên là cán bộ công đoàn trên khắp cả nước đặt nhiều kỳ vọng vào những ... |