e magazine
16/08/2022 13:36
Võ Chí Công - nhà cách mạng tận trung, tận hiến

16/08/2022 13:36

Đồng chí Võ Chí Công tên khai sinh là Võ Toàn, bí danh là Xuân, Năm Công, sinh ngày 7/8/1912, mất ngày 8/9/2011, quê quán: xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Võ Chí Công - nhà cách mạng tận trung, tận hiến
Võ Chí Công - nhà cách mạng tận trung, tận hiến

Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thì ảnh hưởng thời trẻ với đồng chí Võ Chí Công là những danh nhân lúc đầu như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, về sau là Nguyễn Ái Quốc.

Khi tham gia cách mạng, đồng chí đã không quản khó khăn, nguy hiểm đêm ngày bám dân, bám cơ sở, bám địa bàn để thường xuyên nắm vững tình hình và tâm tư, nguyện vọng quần chúng.

Sau nhiều lần theo dõi, từ năm 1943 đến 1945 thực dân Pháp đã bắt đồng chí đưa đi giam ở nhà đầy Buôn Ma Thuột với mức án 25 năm cầm cố. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí được tự do và lại quay về quê hương hoạt động và tham gia lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa thành công nhanh chóng tại Quảng Nam tháng 8 năm 1945.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, đồng chí Võ Chí Công luôn có mặt ở những địa điểm xung yếu và ác liệt và đã có nhiều cống hiến trong công tác Đảng, xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang Liên khu V.

Võ Chí Công - nhà cách mạng tận trung, tận hiến

Sau năm 1954, tình hình cách mạng miền Nam đã có nhiều chuyển biến. Mỹ đã tiến hành từng bước thay chân Pháp chiếm đóng miền Nam. Lịch sử cách mạng bước sang một trang mới với một cuộc trường chinh đằng đẵng và khốc liệt.

Là một người am hiểu thực tế và có những nhận định sắc bén, kịp thời, phù hợp với diễn biến, đồng chí Võ Chí Công đã đóng góp cho Nghị quyết 15 để có sự chuyển biến kịp thời cho phương pháp đấu tranh cách mạng miền Nam trong tình hình mới. Lúc ấy, đã có quan điểm hữu khuynh, thiên về đấu tranh chính trị, đấu tranh hòa bình mà xem nhẹ đấu tranh vũ trang.

Đồng chí Võ Chí Công đã mạnh dạn góp ý cần chú trọng hình thức đấu tranh này để thích hợp với bối cảnh miền Nam lúc bấy giờ. Và Nghị quyết 15 với sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn đã phản ánh đúng tư tưởng tiến công cách mạng là đúng đắn, đặc biệt là nhấn mạnh vai trò của đấu tranh vũ trang bên cạnh các hình thức đấu tranh khác.

Thực tiễn đã minh chứng cho sự chuyển hướng chiến lược cách mạng ở miền Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Võ Chí Công - nhà cách mạng tận trung, tận hiến

Cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, lúc đầu bên ta dự kiến giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Vào mùa Xuân 1975, riêng với Đà Nẵng đã có chủ trương dùng lực lượng chính quy giải phóng Đà Nẵng. Nhưng đồng chí Võ Chí Công với trọng trách là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, thông hiểu tình hình Đà Nẵng đã đề xuất với Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn là sớm giải phóng Đà Nẵng và dùng lực lượng tại chỗ là chủ yếu với sự chi viện của bộ đội chính quy.

Phương án này được chọn và quả nhiên đúng như dự đoán, đã thành công mỹ mãn. Thành phố nhanh chóng được giải phóng, ít tốn xương máu và đô thị lớn nhất miền Trung và Tây Nguyên vẫn được giữ gần như nguyên vẹn. Đó là một thắng lợi không dễ gì có được.

Võ Chí Công - nhà cách mạng tận trung, tận hiến

Sau ngày đất nước thống nhất, vào giai đoạn 1980-1981 đồng chí Võ Chí Công là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Lúc này khi hòa bình mới lập lại, hậu quả chiến tranh nặng nề, cơ chế quan liêu bao cấp trì trệ cộng với sự cấm vận của nước ngoài đã khiến nước ta lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Đặc biệt giai cấp nông dân "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" làm xã viên trong các hợp tác xã mà nhiều người cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Đồng chí Võ Chí Công lúc ấy theo dõi mảng nông nghiệp đã lặn lội về các địa phương, cơ sở, các hợp tác xã để nắm thực chất tình hình.

Từ đó, sau khi nghiền ngẫm và bàn bạc để thực hiện cơ chế khoán mới (thay vì khoán chiu). Mặc dù có những ý kiến trái chiều, thậm chí phản đối nhưng đồng chí Võ Chí Công vẫn kiên định vì thấy rằng chủ trương khoán là đúng đắn, đem lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu nông dân. Và điều đó là tối thượng.

Võ Chí Công - nhà cách mạng tận trung, tận hiến

Chỉ thị 100 của Ban Bí thư ra đời đã như một luồng gió mới thổi vào những cánh đồng của người nông dân, mở ra cánh cửa từng bước đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu. Nông dân và lãnh đạo các địa phương mừng khôn xiết.

Và như Lê Nin từng nói: "Hãy để nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ" thì nay họ đã hoan hỉ vì làm chủ được đất đai, làm chủ được năng suất, chất lượng và hiệu quả từ đồng ruộng. Khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động thực chất là hiện thực hóa bước đầu mơ ước của bao đời của nhà nông là "dân cày có ruộng".

Từ thắng lợi này, Bộ Chính trị đã cử đồng chí Võ Chí Công làm Trưởng Ban cải tiến cơ chế quản lý của Trung ương. Trên cương vị này, đồng chí đã lắng nghe và ghi nhận thông tin rồi có chỉ đạo kịp thời với Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần hình thành những chính sách đổi mới của Đảng vào thập kỷ 80 của thế kỷ XX.

Sau năm 1986, đồng chí giữ cương vị là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (tương đương Chủ tịch nước hiện nay) đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Sửa đổi Hiến pháp đã chủ trì sửa đổi Hiến pháp 1980 và cho ra đời Hiến pháp 1992, một bản lề lập hiến của thời kỳ đổi mới, trong đó có những bộ luật rất quan trọng được ra đời như : Luật Hình sự, Luật Lao động, Luật Đầu tư nước ngoài...

Võ Chí Công - nhà cách mạng tận trung, tận hiếnPhiên họp của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992 của Quốc hội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Ủy ban Võ Chí Công. Ảnh tư liệu.

Đồng chí ra sức chủ trương xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Phát biểu trước Quốc hội vào tháng 6/1987, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công nhấn mạnh:

“Trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng “lấy dân làm gốc”, thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cần bảo đảm cho Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp và luật định, nhằm góp phần tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa".

Võ Chí Công - nhà cách mạng tận trung, tận hiến

Đồng chí Võ Chí Công là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt cả cuộc đời đồng chí tận tụy, thủy chung phụng sự những mục tiêu cao cả vì cách mạng, vì Nhân dân, vì Tổ quốc.

Trong những ngày tháng sau khi đồng chí qua đời, đồng chí và Nhân dân vẫn nhớ. Người dân Quảng Nam vẫn nhăc lại rằng, đồng chí từng tâm sự lúc sinh thời khi đã nghỉ hưu: “Nghe lãnh đạo tỉnh thông báo tình hình làm được nhiều việc như vậy là đáng mừng, nhưng đó mới là ta nói với nhau, còn phải lắng nghe Nhân dân đánh giá khen chê thế nào. Những năm đến các đồng chí nói sẽ làm nhiều việc hơn nữa, với quyết tâm như vậy là đáng hoan nghênh, nhưng nhất thiết phải tính xem, trong các công việc dự định làm ấy thì có lợi gì cho Nhân dân. Nhân dân mới là quan trọng nhất, trong tất cả công việc của chúng ta. Chúc các đồng chí Quảng Nam thành công!”.

Võ Chí Công - nhà cách mạng tận trung, tận hiếnChủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công về thăm một xí nghiệp may huyện Núi Thành (Quảng Nam) năm 1992

Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Lễ tang đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Võ Chí Công có đoạn như một tổng kết rất quan trọng về một cuộc đời của một chiến sĩ cộng sản tiền bối:

"Đồng chí Võ Chí Công là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí luôn thể hiện phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, làm hết sức mình để giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; sống giản dị, khiêm tốn, được đồng chí, đồng bào tin yêu, quý mến; được bạn bè quốc tế trân trọng".

Võ Chí Công - nhà cách mạng tận trung, tận hiến

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân

PHẠM XUÂN DŨNG

Đồ họa: AN NHIÊN

Xem phiên bản di động