e magazine
30/10/2023 19:26
Việc làm và kỹ năng trong lịch sử loài người

30/10/2023 19:26

Hiểu được sự thay đổi việc làm và kỹ năng của con người qua các giai đoạn lịch sử sẽ giúp chúng ta so sánh và hình dung được sự thay đổi tính chất công việc trong tương lai so với hiện tại để chuẩn bị và hoạch định chính sách phù hợp.

Việc làm và kỹ năng trong lịch sử loài người

Chúng ta đang bước vào thời kỳ hậu công nghiệp - thời kỳ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). CMCN 4.0 được đánh giá là cuộc cách mạng của “sự đứt gãy” bởi sự thay đổi tính chất việc làm và kỹ năng hoàn toàn khác hẳn so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.

Hiểu được sự thay đổi việc làm và kỹ năng của con người qua các giai đoạn lịch sử sẽ giúp chúng ta so sánh và hình dung được sự thay đổi tính chất công việc trong tương lai so với hiện tại để chuẩn bị và hoạch định chính sách phù hợp.

Việc làm và kỹ năng trong lịch sử loài người
Đề án “Công đoàn tham gia đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động (NLĐ) giai đoạn 2020 - 2023 và định hướng đến năm 2023” là một trong những nội dung được bàn thảo tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 13 (khóa XII). Ảnh: CĐ

Trong xã hội nguyên thủy:

Con người chế ngự tự nhiên bằng sức mạnh cơ bắp. Việc làm của con người là săn bắt, hái lượm. Khi còn chưa phát minh ra các công cụ săn bắt, hái lượm, việc làm chủ yếu là thu lượm các sản vật sẵn có trong tự nhiên như thịt thừa của các loài động vật ăn thịt để lại, động vật chết do nguyên nhân tự nhiên, trứng, các loại hạt, quả, nấm…

Càng có sức cơ bắp, con người càng đi được xa và càng thu thập được nhiều sản vật lạ và hiếm. Đây là loại hình kinh tế tự nhiên. Việc làm của con người ở thời kỳ sơ khai của loài người, trong nghiên cứu này, được gọi là việc làm cơ bắp.

Trong xã hội nông nghiệp:

Kể từ khi biết chế tạo và sử dụng công cụ thô sơ, con người dần dần biết trồng trọt và chăn nuôi thay vì chỉ săn bắt và hái lượm. Không chỉ công cụ bằng đá, con người dần dần biết tới các kỹ thuật nung chảy và chế tác kim loại để tạo ra các công cụ bằng đồng, thiếc, sắt và các kim loại khác, giúp con người khai hoang, cày bừa, trồng trọt, chăn nuôi - đánh dấu sự chuyển đổi xã hội từ nguyên thủy sang xã hội nông nghiệp.

Kỹ năng của con người trong xã hội nông nghiệp là kỹ năng giản đơn, bởi con người đơn thuần là sử dụng công cụ thô sơ để tác động tới tự nhiên, thực hiện các công việc nông nghiệp như: đánh bắt, nuôi trồng, khai thác mỏ, lâm nghiệp... để tạo ra lương thực, thực phẩm và các vật phẩm nuôi sống và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của con người.

Với kỹ năng giản đơn, việc truyền bá kỹ năng cũng dễ dàng. Ai cũng có để làm nông nghiệp được nếu được hướng dẫn và đều trở nên thành thạo khi rèn giũa hằng ngày.

Tuy nhiên, nền nông nghiệp của xã hội nông nghiệp khác với nền nông nghiệp của xã hội công nghiệp. Nền nông nghiệp của xã hội nông nghiệp là nền nông nghiệp thuần nông hay nông nghiệp sinh nhai, với đầu vào hạn chế và đầu ra chủ yếu là sản phẩm phục vụ cho chính gia đình của mình.

Không có cơ giới hóa trong nông nghiệp sinh nhai. Với việc làm nông nghiệp sinh nhai, sức cơ bắp vẫn là quan trọng.

Việc làm và kỹ năng trong lịch sử loài người
Đồng chí Lê Thị Sương Mai, Chủ tịch LĐLĐ TP Cần thơ thăm hỏi đoàn viên, công nhân lao động tại một doanh nghiệp trên địa bàn Cần Thơ. Ảnh: Tr.L.

Trong xã hội công nghiệp:

Xã hội công nghiệp bắt đầu từ khi con người phát minh ra đầu máy hơi nước, mở đầu cho cuộc CMCN lần thứ nhất (CMCN 1.0), rồi đến CMCN 2.0.

Đây là hai cuộc CMCN điển hình cho sự phát triển của xã hội công nghiệp. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà các quốc gia trên thế giới theo đuổi chính là sự chuyển dịch từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp.

CMCN ra đời làm cho nền sản xuất nông nghiệp thuần nông được thay thế bằng nền sản xuất nông nghiệp cơ giới hóa và ra đời nền công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị, vật dụng phục vụ đời sống con người trong tất cả các lĩnh vực.

CMCN ra đời đưa loài người chuyển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp với việc con người sử dụng máy móc tác động vào tự nhiên để tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Sự phát triển công nghiệp ban đầu là giản đơn, hiệu suất thấp, máy móc đơn giản, chạy bằng hơi nước của thời kỳ CMCN 1.0, dần dần chuyển sang loại phức tạp hơn, năng suất cao hơn, sử dụng năng lượng điện của thời kỳ CMCN 2.0.

CMCN 2.0 tạo ra nền sản xuất quy mô lớn với các dây chuyền sản xuất chuyên môn hóa. Cả máy móc chạy bằng năng lượng hơi nước hay chạy bằng năng lượng điện đều có đặc điểm chung là vận hành bằng năng lượng cơ học.

Việc làm và kỹ năng trong lịch sử loài người
Giờ thực hành của sinh viên ngành Điện công nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Kỹ năng chính của con người trong sản xuất công nghiệp là kỹ năng vận hành máy móc. Trong một dây chuyền sản xuất, sẽ có sự phân công các cá nhân phụ trách chuyên cho từng công đoạn. Mỗi cá nhân hoặc một nhóm người phụ trách một công đoạn cần làm chủ những kỹ năng liên quan tới công đoạn mà họ phụ trách.

Những kỹ năng vận hành máy này phức tạp hơn kỹ năng sử dụng công cụ thô sơ của thời kỳ nông nghiệp, đòi hỏi con người phải được đào tạo ở trình độ nhất định mới có thể làm được.

Mặc dù vận hành máy, song để có năng suất cao, con người vẫn cần tới sức cơ bắp. Trong xã hội công nghiệp, việc làm của con người vẫn là việc làm cơ bắp nhưng với kỹ năng phức tạp hơn.

Xã hội hậu công nghiệp - thời kỳ CMCN 4.0

Xã hội hậu công nghiệp (1) còn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như: xã hội thông tin (information society), xã hội tri thức (knowledge society), xã hội dịch vụ (service society), xã hội siêu công nghiệp (super-industrial society), xã hội mạng (network society), nền kinh tế tham gia (participatory economy), xã hội viễn thông (telematic society).

Xã hội hậu công nghiệp bắt nguồn từ CMCN 3.0 với sự ra đời của máy tính, công nghệ thông tin và tự động hóa, và tăng tốc trong CMCN 4.0 với sự xuất hiện của điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT) và sự kết hợp của các công nghệ này tạo ra sức mạnh tổng thể của các công nghệ. CMCN 4.0 nhấn mạnh vào sự kết hợp của các công nghệ khác nhau thay vì sự vận hành riêng lẻ của từng công nghệ.

Điển hình của CMCN 4.0 chính là hệ thống AI - là hệ thống tự hành và tự điều chỉnh mà không cần có sự hiện diện của con người trong môi trường thực.

Hệ thống AI đang dần dần thâm nhập vào mọi lĩnh vực đời sống con người, từ lĩnh vực dịch vụ tới lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp, và cả trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Dường như hệ thống AI đang dần thay thế con người trong các công việc cơ bắp. Ngày nay, chúng ta chứng kiến máy móc thay thế con người trong những công việc 3D (dirty, dangerous and demeaning - tức là bẩn thỉu, nguy hiểm và mạt hạng).

Trong tương lai, không chỉ việc làm 3D mà mọi việc làm dùng sức cơ bắp đều có thể được máy móc thay thế. Máy móc được tích hợp trí tuệ nhân tạo cùng với kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và điện toán đám mây sẽ trở thành những robot thông minh không thua kém gì con người, thậm chí trong nhiều trường hợp có thể làm tốt hơn con người, đảm nhận gần như toàn bộ các công việc tay chân mà con người đang làm hiện nay. Chính vì vậy, CMCN 4.0 nhắc nhiều tới khái niệm “robot hóa” thay vì khái niệm “tự động hóa” trong CMCN 3.0.


Việc làm và kỹ năng trong lịch sử loài người
Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho lao động của Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh luôn được chú trọng. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Rất nhiều kỹ năng của con người sẽ mất đi cho hệ thống AI. Khi xã hội công nghiệp chuyển sang xã hội hậu công nghiệp, các kỹ năng vận hành máy móc, vận hành hệ thống của con người sẽ được thực hiện bởi hệ thống AI.

Các robot với trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế cho máy móc được con người vận hành bằng tay hiện nay. Khi đó, con người cần có các kỹ năng mới để sáng tạo trong vận hành, điều chỉnh và cải tiến hệ thống AI, hay hệ thống robot tự động, theo hướng ngày càng gọn nhẹ nhưng với chất lượng, hiệu quả và hiệu suất ngày càng cao hơn.

Hệ thống AI vận hành toàn bộ quy trình, nghĩa là kỹ năng của con người phải liên quan tới toàn bộ quy trình, thay vì kỹ năng chuyên môn trong từng công đoạn cụ thể như giai đoạn hiện nay.

Việc thiết kế hệ thống AI cũng như điều chỉnh và cải tiến hệ thống AI đòi hỏi con người phải am hiểu toàn bộ quy trình chuyên môn, đòi hỏi con người phải có đa kỹ năng. Điểm này khác hẳn với xã hội công nghiệp có đặc trưng là đơn kỹ năng hay chuyên môn hóa kỹ năng.

Việc am hiểu, làm chủ toàn bộ quy trình là rất khó đối với bộ óc sinh học hữu hạn của con người nếu làm việc cá nhân; do đó sự phối hợp của cả nhóm là rất quan trọng cùng với sự hỗ trợ của hệ thống AI để phát huy trí tuệ tập thể, đáp ứng yêu cầu về liên tục về cải tiến và sáng tạo.

Việc làm và kỹ năng trong lịch sử loài người
Học viên Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh trong giờ học. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Một điểm cần quan tâm trong xã hội hậu công nghiệp là kỹ năng dữ liệu (data skills). Trong xã hội công nghiệp, con người vận hành hệ thống sản xuất cơ học. Chẳng hạn trong một dây chuyền sản xuất sản phẩm may công nghiệp, bao gồm trải vải, cắt vải, may các chi tiết cổ áo, tay áo, thân áo, may ráp các chi tiết, sau đó là ủi và đóng gói, con người phụ trách từng công đoạn sẽ vận hành các máy móc, thiết bị của công đoạn đó để tạo ra sản phẩm của công đoạn đó.

Nếu máy móc, thiết bị hỏng hóc thì đó là lỗi cơ học, con người sẽ thực hiện chỉnh sửa, bảo trì, bảo dưỡng cơ học. Nhưng trong xã hội hậu công nghiệp, quá trình sản xuất do hệ thống AI thực hiện liên quan tới dữ liệu.

Nếu hệ thống AI có lỗi thì đó có thể là lỗi cơ học nhưng cũng có thể là lỗi dữ liệu. Vì vậy, kỹ năng của con người không chỉ là chỉnh sửa, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống cơ học mà còn phải xử lý về dữ liệu liên quan tới sửa chữa và cải tiến các thuật toán.

Trong xã hội hậu công nghiệp, sức mạnh cơ bắp không quan trọng, mà tri thức mới là quan trọng. Việc xử lý dữ liệu đòi hỏi con người phải có tri thức ở tầm cao mới có thể xây dựng thuật toán và sử dụng thuật toán để phân tích, lựa chọn, tổng hợp thông tin phù hợp, từ đó chỉnh sửa hệ thống dữ liệu phù hợp.

Chính vì vậy, xã hội hậu công nghiệp được gọi là xã hội thông tin. Con người làm việc trong xã hội thông tin cần có kỹ năng dữ liệu đi kèm với các kỹ năng khác như kỹ năng chuyên môn, kỹ năng xử lý hệ thống, kỹ năng phản biện và sáng tạo,…, hay nói cách khác là đa kỹ năng để làm được việc.

Chắc chắn là các kỹ năng nền không thể thiếu của thời đại thông tin là kỹ năng tin học và kỹ năng dữ liệu.

Việc làm và kỹ năng trong lịch sử loài người
NLĐ tham gia hội thi tay nghề do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức. Ảnh: PVN

Tóm lại, sự phát triển của lịch sử loài người gắn liền với sự thay đổi việc làm và kỹ năng của con người. Qua các thời kỳ, việc làm của con người đang dịch chuyển từ việc làm cơ bắp sang việc làm trí tuệ với kỹ năng từ đơn giản đến phức tạp.

Nhưng ngay cả như vậy, kỹ năng làm việc của con người vẫn là kỹ năng cơ học từ xã hội nguyên thủy đến xã hội công nghiệp. Với xã hội hậu công nghiệp dựa trên công nghệ thông tin, kỹ năng con người chuyển từ kỹ năng cơ bắp sang kỹ năng tri thức và từ đơn kỹ năng sang đa kỹ năng.

Bên cạnh kỹ năng cơ học, con người còn cần có kỹ năng dữ liệu, kỹ năng thông tin. Làm việc với điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, con người không thể thiếu kỹ năng dữ liệu, chẳng hạn tìm kiếm dữ liệu, phân tích và xử lý dữ liệu, phán đoán và ra quyết định dựa trên dữ liệu, v.v…

Những kỹ năng này là hoàn toàn mới, không có trong xã hội nông nghiệp và công nghiệp trước đây.

Việc làm và kỹ năng trong lịch sử loài người

Ghi chú: khái niệm “kỹ năng” trong nghiên cứu này được sử dụng theo nghĩa rộng, phản ánh loại việc làm đặc trưng của mỗi thời kỳ phát triển và liên quan tới sử dụng công cụ, máy móc và thiết bị đặc trưng của mỗi thời kỳ CMCN.

Còn khi đi sâu vào các công việc cụ thể, sẽ cần các kỹ năng cụ thể, chẳng hạn, một người làm bánh, dù không dùng một công cụ nào, thuần túy là thủ công cũng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, kỷ xảo mới có thể làm được bánh ngon. Người không có kỹ năng, kỹ xảo sẽ làm bánh dở.

Xã hội hậu công nghiệp có đặc điểm là NLĐ có tri thức trở thành lực lượng chiếm đa số, đông đảo và tiêu biểu trong xã hội. Nếu trong các xã hội trước đây, lực lượng lao động tri thức được xem là giới tinh hoa, thì có thể hình dung là trong xã hội hậu công nghiệp, mọi NLĐ đều là lao động có tri thức và mức độ tri thức sẽ phân tầng dựa vào kỹ năng tin học, kỹ năng dữ liệu, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số và các kỹ năng khác.

Những người ở tầng thấp chỉ có kỹ năng tin học cơ bản và ở tầng cao có kỹ năng dữ liệu, am hiểu và viết các thuật toán đi kèm với các kỹ năng khác.

Trong xã hội hậu công nghiệp, kiến thức và kỹ năng không thể truyền lại bằng kinh nghiệm như trước đây, bởi kiến thức và kỹ năng của thời đại thông tin không phải là kiến thức và kỹ năng “biết và làm theo” mà là kỹ năng “tư duy và ra quyết định” dựa trên phân tích dữ liệu sao cho phù hợp với tình huống và hoàn cảnh cụ thể của hệ thống.

Điều này đòi hỏi tính tự chịu trách nhiệm rất cao của mỗi cá nhân. Mỗi NLĐ hay nhóm NLĐ phải là một chủ thể tự chịu trách nhiệm cho hệ thống mà mình phụ trách.

(1) Thuật ngữ tiếng anh post-industrial society được Daniel Bell gọi tên từ năm 1973, xuất hiện trong cuốn Xã hội hậu công nghiệp đang tới, nói về một trật tự xã hội mới được dẫn dắt bởi và về công nghệ thông tin (Bell, D., 1974). Trước đó, khái niệm này cũng được Touraine sử dụng trong cuốn "Xã hội hậu công nghiệp. Lịch sử xã hội của ngày mai: Giai cấp, Xung đột và Văn hóa trong xã hội được lập trình (Touraine, A., 1971). Ý tưởng này xuất hiện ngay cả trước khi máy tính cá nhân, Internet và email ra đời.

Thực hiện: TS. PHẠM THU LAN

Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn

Xem phiên bản di động