|
Năm nay, ngày ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp) lại trùng với ngày Lập Xuân (4/2/2021). Vậy, ngày này cần phải lưu ý gì? Theo đó, một điều hiếm gặp là ngày ông Công, ông Táo (23 tháng chạp) năm nay lại trùng với ngày Lập Xuân. Theo văn hóa Á Đông, Lập Xuân là ngày mở đầu 24 tiết khí trong năm, rất quan trọng. Thông thường, trong ngày 23 tháng Chạp, theo tập tục, sau khi cúng ông Công, ông Táo xong, các gia đình sẽ rút tỉa chân nhang, bao sái lau dọn vệ sinh bàn thờ, đồng thời vệ sinh nơi thờ cúng để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Thế nhưng, theo các chuyên gia phong thủy, vào những năm đặc biệt này thì thủ tục cũng sẽ phải khác hơn. |
Ngày ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp) năm nay lại trùng với ngày Lập Xuân (4/2/2021). Ảnh: N.V |
Do đó, dù cúng ông Công, ông Táo vào ngày nào (trước hay đúng ngày 23 tháng Chạp) thì vẫn phải tiến hành lau dọn bàn thờ, tổng vệ sinh nhà cửa trước khi bắt đầu bước vào tiết Lập Xuân, tiết khí đầu của năm mới. Trên thực tế, năm 2021, Lập Xuân bắt đầu từ 21h59 phút ngày 3/2/2021 (tức đêm 22 tháng Chạp). Chính vì vậy, nếu gia đình nào cúng ông Công, ông Táo sớm (các ngày 19, 20, 21, 22 tháng Chạp) thì nên rút tỉa chân nhang, bao sái, dọn dẹp tổng vệ sinh ngay sau khi cúng. Trong khi đó, nếu gia đình nào cúng ông Công, ông Táo đúng ngày 23 tháng Chạp thì cúng xong để an yên, sang sáng ngày 24 hoặc 25 mới được rút tỉa chân nhang. Vì ngày 23 tháng Chạp trùng ngày Lập Xuân (4/2) nên không thể rút tỉa chân nhang được, sẽ gây bất ổn cho vận khí đầu năm mới. |
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo. Ảnh minh họa. |
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo cần những gì? Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo khá đa dạng, ở các miền có khác nhau một chút. Cụ thể, ngoài mâm cỗ cúng, người miền Bắc thường cúng cá chép sống, người miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Trong khi đó, ở miền Nam, người dân thường chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy. Dưới đây là gợi ý mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo 2021 chi tiết: - Đĩa gạo - Đĩa muối - Lạng thịt vai luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng - Con cá chép sống - Bát canh mọc hoặc canh măng - Đĩa xào thập cẩm - Đĩa giò - Đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng - Đĩa trái cây ngũ quả - Ấm trà sen - Chén rượu - Quả cau, lá trầu - Lọ hoa (số lượng bông là số lẻ) - Tập giấy tiền, vàng mã Theo tục xưa, với những gia đình có trẻ nhỏ, người ta còn cúng ông Công, ông Táo một con gà luộc. Đặc biệt, gà này phải là loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ ông Công, ông Táo xin với Ngọc Hoàng cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ. Thế nhưng, tùy thuộc vào điều kiện và gia cảnh, mỗi gia đình có thể chuẩn bị lễ cúng ông Công, ông Táo cho phù hợp. |
Ảnh minh họa. |
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo của người miền Bắc. Ảnh: PV.
Bài viết: Ngọc Anh Thiết kế: Minh Hằng
|