Vì sao giấc mơ "an cư lạc nghiệp" của công nhân vẫn còn dang dở?
Người lao động

Vì sao giấc mơ "an cư lạc nghiệp" của công nhân vẫn còn dang dở?

TRẦN LƯU
Tác giả: TRẦN LƯU
Miền Đông Nam Bộ – nơi tập trung đông công nhân lao động nhất cả nước – đang đứng trước thách thức lớn về nhà ở xã hội. Các đô thị lớn như TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai là điểm đến của hàng triệu lao động nhập cư, nhưng thực tế về chốn an cư vẫn còn rất nhiều khó khăn, khiến ước mơ an cư lạc nghiệp của công nhân vẫn còn xa vời…
“Góc sân” công nhân và “khoảng trời” con trẻ

Nỗi lo an cư của người lao động

Chị Nguyễn Thị Hạnh, 35 tuổi, quê ở Nghệ An, đã làm công nhân tại Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai suốt 12 năm. Với mức thu nhập trung bình khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng, chị phải chi trả gần 2 triệu đồng tiền thuê trọ cho một phòng nhỏ 16m², chưa kể các chi phí sinh hoạt khác.

Mặc dù đã tích lũy được một khoản tiền nhỏ, nhưng khi tìm hiểu về các dự án nhà ở xã hội, chị Hạnh nhận thấy giá bán vẫn vượt quá khả năng tài chính của mình. Hơn nữa, các thủ tục để được xét duyệt mua nhà ở xã hội khá phức tạp và mất nhiều thời gian, khiến chị cảm thấy nản lòng.

Theo chị Hạnh, thu nhập thấp và không ổn định là rào cản cốt lõi khiến người lao động thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội. Mức thu nhập phổ biến của công nhân hiện nay chỉ từ 6–10 triệu đồng/tháng. Nhiều người phải nuôi con nhỏ, gửi tiền về quê, hoặc sống trong gia đình đơn thân – không có người cùng gánh kinh tế. Lao động theo ca, tăng ca bấp bênh – khiến thu nhập không ổn định theo tháng.

"Tôi đã làm việc chăm chỉ suốt hơn chục năm, nhưng đến giờ vẫn chưa thể có một mái nhà ổn định cho gia đình. Giấc mơ an cư dường như vẫn quá xa vời", chị Hạnh nói.

Vì sao giấc mơ
Nhiều công nhân lao động vẫn phải sống trong những căn phòng trọ chật hẹp. Ảnh: P.V

Tại Bình Dương – một trong những “thủ phủ” công nghiệp của cả nước, chị Hoàng Thị Hằng, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Shyang Hung Cheng, thành phố Thuận An phản ánh về những khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội.

Theo chị, với thu nhập của công nhân lao động như hiện nay, dù giá nhà ở xã hội thấp hơn thị trường, công nhân vẫn khó dành dụm được khoản tích lũy ban đầu (khoảng 20–30% giá trị căn hộ). Đối với các gói vay ưu đãi thì yêu cầu thủ tục khắt khe, như hợp đồng lao động chính thức, sao kê lương, chứng minh thu nhập ổn định, không có nợ xấu.

Tuy nhiên, người lao động như chị không có tài sản đảm bảo, ngân hàng khó duyệt vay dài hạn. Đó là chưa kể, nhiều công nhân làm việc thời vụ, khoán sản phẩm, không đủ điều kiện theo quy định ngân hàng. Nên dù thuộc diện được hưởng chính sách nhà ở xã hội, chị Hằng vẫn khó có thể tiếp cận được.

“Phòng trọ nhỏ, chật chội, giá thuê ngày càng tăng khiến tôi và nhiều đồng nghiệp khó khăn trong việc tiết kiệm tiền để mua hoặc thuê nhà ở xã hội. Chúng tôi phải chi tiêu rất tằn tiện để đủ trang trải cuộc sống”, chị chia sẻ.

Theo khảo sát hiện nay, phần lớn người lao động có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng đang phải sống trong những căn phòng trọ chật hẹp, thiếu điều kiện sống tối thiểu. Họ đối mặt với tình trạng giá thuê nhà tăng cao, thiếu an toàn và sự yên tâm lâu dài.

Bên cạnh rào cản tài chính, thiếu nguồn cung nhà ở xã hội cũng đang là vấn đề nan giải. Tại TP.HCM, từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 30 dự án nhà ở xã hội được triển khai, cung cấp khoảng 30.000 căn hộ cho người thu nhập thấp và công nhân. Tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của hơn 400.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn.

Bình Dương, với hơn 1 triệu công nhân lao động, hiện có khoảng 15 dự án nhà ở xã hội với tổng số hơn 20.000 căn hộ, phần lớn nằm ở các khu vực xa trung tâm, gây khó khăn trong việc đi lại cho người lao động.

Đồng Nai cũng đang phát triển một số dự án nhà ở xã hội quy mô, nhưng số lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu của hơn 600.000 lao động công nghiệp trong tỉnh.

Đồng chí Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TP. HCM), nơi có hơn 60.000 công nhân lao động, cho biết, một trong những rào cản lớn khiến người lao động từ các tỉnh khó gắn bó lâu dài với TP.HCM là vấn đề nhà ở. Khi đến thành phố làm việc, họ phải thuê trọ, do đó nếu đưa cả gia đình theo thì chi phí sinh hoạt sẽ tăng cao.

“Từ khi có thông tin về các dự án nhà ở xã hội, người lao động mong muốn mua được nhà để “an cư lạc nghiệp”. Điển hình như Công ty Pou Yuen, nhu cầu về nhà ở của người lao động rất lớn nhưng thực tế Thành phố chưa thể đáp ứng”, ông Nghiệp nói.

Vì sao giấc mơ
Nhu cầu về nhà ở của người lao động thu nhập thấp là rất lớn. Trong anh: Một góc các dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: P.V

Trong các buổi tiếp xúc cử tri, những công nhân lao động thu nhập thấp ở Bình Dương đã không giấu được nỗi niềm canh cánh về chốn ở bấp bênh và chi phí thuê trọ ngày một tăng cao. Họ tha thiết gửi gắm kiến nghị đến Quốc hội thông qua đại biểu của mình.

Trong kiến nghị, người lao động nhấn mạnh: “Một mái nhà nhỏ nhưng ổn định là nền tảng của mọi sự phấn đấu, là chốn để quay về sau những giờ lao động nhọc nhằn, là nơi nuôi dưỡng hạnh phúc, yêu thương và niềm tin vào tương lai. Nhưng với mức thu nhập phổ biến trên dưới 10 triệu đồng/tháng, chi phí cho tất cả mọi sinh hoạt, phần lớn người lao động chúng tôi vẫn phải chật vật sống trong những căn phòng trọ tạm bợ, chật chội, thiếu ánh sáng, thiếu an toàn, thiếu cả sự yên ổn lâu dài”.

“Chúng tôi vui mừng khi Quốc hội xem xét Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù về phát triển nhà ở xã hôi. Và tha thiết mong rằng, bên cạnh số lượng dự án, cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng chính sách để làm sao để giá nhà ở xã hội tương xứng với thu nhập thực tế của người lao động. Đừng để nhà ở xã hội trở thành một dạng bất động sản trá hình, mang danh nghĩa vì dân nhưng lại bị điều chỉnh bởi lợi nhuận thị trường”, kiến nghị nêu.

Người lao động cũng cho biết: “Chúng tôi không đòi hỏi được tặng nhà – chỉ mong có thể mua được, hoặc thuê được, với giá phù hợp. Để không phải vật lộn trả nợ cả đời, hay thấp thỏm mỗi tháng khi đến kỳ đóng tiền trọ. Một chính sách nhà ở xã hội đúng nghĩa không chỉ mang lại chỗ ở, mà còn đem lại niềm tin người lao động không bị bỏ lại phía sau”.

Nhà ở xã hội – lối thoát và hy vọng

Mới đây, tại phiên thảo luận về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đại biểu Quốc hội (đoàn Bình Dương) đã có những phát biểu đại diện cho ý kiến của hàng triệu người lao động thu nhập thấp – đang ngày đêm cống hiến thầm lặng, và khát khao một mái ấm thực sự, bền vững để “an cư lạc nghiệp”.

Vì sao giấc mơ
Một dự án NƠXH trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh; P.V

Theo bà Trân, người lao động mong ước rất giản dị là có một mái nhà nhỏ, ổn định để yên tâm làm việc, nuôi dạy con cái và phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng trong khi tiền lương của họ gần như không tăng, thì giá nhà và chi phí sinh hoạt lại không ngừng leo thang; nên việc tiếp cận nhà ở xã hội trở nên ngày càng khó khăn, gần như là giấc mơ xa vời đối với họ. Nhiều người không đủ điều kiện, hoặc không dám gánh thêm nợ vì cuộc sống vốn đã chật vật.

Nghị quyết thí điểm lần này là niềm hy vọng lớn nhất đối với người lao động thu nhập thấp. Họ không cần nhà cao cấp, chỉ mong có một nơi ở tươm tất, với giá thuê hoặc mua phù hợp với khả năng. Quốc hội cần xem xét bổ sung các cơ chế hỗ trợ thiết thực.

Đóng góp ý kiến về Điều 4 – Quỹ nhà ở quốc gia trong Dự thảo Nghị quyết; bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, cho biết, quy định hiện hành chưa phân biệt giữa các vùng có nhu cầu nhà ở xã hội khác nhau.

Ở các khu đô thị lớn, nơi tập trung đông khu công nghiệp như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai…, hàng trăm nghìn công nhân đang sống trong nhà trọ chật hẹp, tạm bợ. Do đó kiến nghị cần phân loại địa phương theo nhóm có nhu cầu cao – trung bình – thấp, để từ đó có cơ chế phân bổ Quỹ phù hợp, tránh dàn trải, thiếu hiệu quả.

Vì sao giấc mơ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương). Ảnh: Phạm Thắng

Ngoài ra, cần quy định khung giá trần hoặc giá sàn nhà ở xã hội theo khu vực. Nếu không có khung giá, người lao động có thể tiếp tục rơi vào cảnh có "nhà ở xã hội nhưng không với tới được" vì giá vẫn vượt xa thu nhập. Nhà ở xã hội phải tương xứng với đồng lương của người lao động, cả khi mua hoặc thuê.

Cạnh đó, quy định hiện tại chưa đặt trọng tâm vào khả năng chi trả thực tế của người lao động. Mặc dù có cơ chế quyết toán và hoàn trả phần chênh lệch nếu giá thấp hơn giá hợp đồng, nhưng chưa có khung giá trần theo thu nhập người lao động. Nhà ở xã hội – nếu đúng là xã hội – thì không nên để người dân phải 'cắm mặt trả nợ' suốt đời.

Bà Trân đề nghị Nhà nước xây dựng khung giá trần nhà ở xã hội theo từng vùng, gắn với mức thu nhập bình quân. Đồng thời, cần có các gói tín dụng ưu đãi dài hạn, lãi suất thấp và linh hoạt phương thức thanh toán, để người lao động có thể an cư chứ không chỉ mơ ước có nhà.

“Cuối cùng – và quan trọng nhất, tôi đề xuất Nhà nước cần có cơ chế trợ giá, bù giá nhà ở xã hội cho người lao động thu nhập thấp để họ có thể an cư mà không phải mang nợ cả đời. Nhà ở xã hội không phải là nhà thương mại trá hình, cũng không nên trở thành gánh nặng nợ nần cho người nghèo. Mục tiêu của chúng ta là giúp người lao động “an cư để lạc nghiệp” – có chốn về, có hy vọng, có niềm tin để cống hiến”, bà Trân nhấn mạnh.

Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội đang mở ra cơ hội lớn, thắp lên hy vọng mới cho hàng triệu công nhân lao động tại miền Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Nếu được triển khai hiệu quả, đây sẽ là bước tiến quan trọng giúp họ có được mái ấm thật sự, an cư bền vững và yên tâm lập nghiệp. Giấc mơ an cư không còn xa vời, mà đang dần trở thành hiện thực – nơi mà người lao động có thể xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, gắn bó lâu dài với mảnh đất họ đã chọn làm quê hương thứ hai.

Ngoài tài chính và nguồn cung, vẫn còn nhiều rào cản khác khiến người lao động thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội. Cụ thể như thủ tục rườm rà: Hồ sơ xét duyệt phức tạp, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh thu nhập, tình trạng cư trú... khiến nhiều người chùn bước.

Vị trí xa trung tâm: Nhiều dự án được xây dựng ở khu vực xa nơi làm việc, thiếu phương tiện công cộng, gây bất tiện trong sinh hoạt và di chuyển. Thiếu thông tin minh bạch khi người lao động thiếu kênh tiếp cận thông tin chính thức, dễ bị nhiễu loạn bởi tin đồn hoặc môi giới không chính thống. Cùng với đó, chất lượng sống chưa đảm bảo, một số khu nhà ở xã hội thiếu trường học, y tế, chợ, hạ tầng kỹ thuật và xã hội… khiến người lao động e ngại chuyển về sinh sống lâu dài.

Để được mua nhà ở xã hội, người lao động phải thỏa các điều kiện là người chưa có nhà ở, hoặc có nhưng diện tích dưới mức tối thiểu (25m2). Có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú dài hạn (KT3) tại địa phương… Tuy nhiên, nhiều công nhân không có hộ khẩu hoặc chỉ tạm trú ngắn hạn, nên bị loại. Có những trường hợp ở chung với người thân, nhà chật nhưng vẫn bị xem là "có nhà" – không đạt tiêu chí…

Tin mới hơn

Tại sao công nhân hay bị mất ngủ?

Tại sao công nhân hay bị mất ngủ?

Không phải mất ngủ vì quá vui, cũng không phải vì đang yêu… Mà là thứ mất ngủ mỏi mệt – một kiểu trằn trọc, vô định, chẳng rõ vì đâu mà mắt cứ mở to suốt đêm.
Lợi ích kép từ tăng thuế thuốc lá: Cơ hội vàng để bảo vệ sức khỏe và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Lợi ích kép từ tăng thuế thuốc lá: Cơ hội vàng để bảo vệ sức khỏe và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và cải thiện chất lượng sống của người dân, chính sách thuế - đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá - đang nổi lên như một công cụ kinh tế - xã hội đa chiều, không chỉ giúp tăng thu ngân sách mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm chi phí y tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những bàn chân công đoàn chưa dừng bước

Những bàn chân công đoàn chưa dừng bước

Họ là những cán bộ Công đoàn từng đi khắp nẻo cơ sở, lắng nghe người lao động, vun đắp niềm tin vào tổ chức. Khi công việc buộc phải dừng lại, họ lặng lẽ tiếp tục làm nốt những việc còn dang dở... Hành trình ấy thấm đẫm tinh thần của những con người đã từng ngày cống hiến, gìn giữ giá trị cốt lõi của công đoàn bằng chính sự tận tâm và lòng yêu nghề.

Tin tức khác

Những gương sáng "Học không bao giờ cùng" ở Lâm Đồng

Những gương sáng "Học không bao giờ cùng" ở Lâm Đồng

Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng vừa phối hợp cùng Hội Khuyến học tỉnh xét chọn, tôn vinh và trao học bổng “học không bao giờ cùng” cho đoàn viên, người lao động tiêu biểu trong phong trào tự học.
Những “đóa hoa Tháng 5” ở Lâm Đồng

Những “đóa hoa Tháng 5” ở Lâm Đồng

Với những cách làm hiệu quả triển khai thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công nhân lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng xét chọn và tôn vinh 50 công nhân lao động tiêu biểu trong Phong trào thi đua “Công nhân Lâm Đồng làm theo lời Bác”.
Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 2: Khi pháp luật “chạm” tới từng phận người

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 2: Khi pháp luật “chạm” tới từng phận người

Sau 6 năm kể từ ngày những công dân Lào đầu tiên nhập quốc tịch Việt Nam - có thể thấy rõ những đổi thay không chỉ diễn ra trên giấy tờ mà đã thấm vào từng nếp sống của người dân nơi biên cương.
60% công nhân Thủ đô sống chật chội, tạm bợ: Nhà ở xã hội cần bước ngoặt mới

60% công nhân Thủ đô sống chật chội, tạm bợ: Nhà ở xã hội cần bước ngoặt mới

Không gian sống chật chội, thiếu thốn tiện ích và chi phí thuê trọ cao đang là gánh nặng đè nặng lên vai hàng vạn công nhân tại Thủ đô. Tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và công nhân lao động năm 2025, những tâm tư, nguyện vọng về nhà ở xã hội đã được nói thẳng, nói thật, từng bước tháo gỡ.
Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 1: Hành trình từ bóng tối ra ánh sáng

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 1: Hành trình từ bóng tối ra ánh sáng

Sau nhiều năm sống mặc cảm, không hợp pháp trên đất Việt, giờ đây, họ chính thức có quyền công dân, được sinh sống và lao động, sản xuất một cách “danh chính ngôn thuận” với gia đình, làng bản.
Tiếp cận thông tin - “chìa khóa” phát triển bền vững của người lao động Dệt May Việt Nam

Tiếp cận thông tin - “chìa khóa” phát triển bền vững của người lao động Dệt May Việt Nam

Đề tài khoa học cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Tăng cường năng lực tiếp cận thông tin của người lao động Dệt May Việt Nam” do đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm làm chủ nhiệm không chỉ có ý nghĩa lý luận, mà còn mang tính ứng dụng thiết thực trong việc xây dựng môi trường lao động minh bạch, dân chủ và bền vững.
Xem thêm