e magazine
04/01/2024 19:39
Vị “lương y” của những cuốn sách cũ

04/01/2024 19:39

Qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ sách Võ Văn Rạng, những quyển sách cũ, hỏng có tuổi đời hàng chục năm được “sống lại” để tiếp tục sứ mệnh của mình.
Vị “lương y” của những cuốn sách cũ
Vị “lương y” của những cuốn sách cũ

Nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Lý Chính Thắng (quận 3, TP. HCM) có một căn nhà ngập tràn mùi sách cũ. Đó vừa là nơi ở, vừa là nơi làm việc của ông Võ Văn Rạng (64 tuổi).

Chúng tôi đến theo lịch đã hẹn, ông Rạng niềm nở ra đón khách rồi cẩn thận xếp lại mấy quyển sách đang sửa chữa trên mặt bàn rộng trải lớp thảm đỏ. Đôi bàn tay ông gầy guộc, nhẹ nhàng nâng niu những cuốn sách cũ như báu vật.

Ông Rạng nói rằng, chỉ những người thật sự yêu sách mới hiểu được cảm giác sung sướng khi cầm trên tay một quyển sách cũ. Khi lật giở từng trang sách, đôi tay cảm nhận chất giấy, đôi mắt cảm nhận màu thời gian và ngay cả âm thanh sột soạt của giấy cũng khiến tinh thần ông trở nên phấn chấn. Hương giấy hăng nồng của sách cũ, sách cổ cũng khiến những người mê sách không bao giờ bỏ được thói quen nhẩn nha lật giở.

“Mấy đứa thông cảm. Suốt mấy chục năm ăn ngủ với sách riết rồi quen. Bây giờ ngày nào không ngửi được mùi sách giống như không được ăn cơm vậy”, ông cười, nói.

Đập vào mắt tôi là chiếc máy cắt sách đã cũ, trên chiếc bàn lớn đặt đủ mọi thứ, nào sách, nào keo, nào dao cắt chỉ… Đó là những món đồ nghề đã đồng hành cùng người đàn ông này suốt hơn 40 năm qua, trong hành trình "hồi sinh" những quyển sách cũ.

Di chứng sau cơn sốt bại liệt năm 2 tuổi khiến đôi chân ông Rạng không bình thường, đi lại khó khăn. Bởi vậy, ông đành phải gác lại niềm đam mê dạy học của mình. Số phận đẩy đưa ông đến với công việc phục chế sách cũ. Hồi đó, ông Rạng thường qua chơi nhà một người bạn có ba mẹ làm nghề đóng sách. Ông thường phụ giúp gia đình bạn làm việc và tình yêu sách cứ lớn dần theo thời gian. Ông mê mẩn cái mùi thơm của sách cũ lúc nào không hay.

Vị “lương y” của những cuốn sách cũ

Ông Võ Văn Rạng bên những cuốn sách cũ cần phục chế - Ảnh: LĐ&CĐ

Ba mẹ người bạn đã ngỏ lời mời ông về làm. Nghề đóng sách cũ theo ông từ ngày đó.

“Trước khi có internet, thói quen đọc sách của người dân rất phổ biến. Việc đóng sách, sửa sách vì vậy rất thịnh hành, có lúc cả xóm nhận sách về làm tại nhà. Và những tiệm sách cũ cũng mọc lên như nấm sau mưa ở khắp các con đường ở Sài Gòn, lúc nào cũng tấp nập khách hàng”, ông Rạng nhớ lại, đồng thời cho biết thêm, có những thời điểm, các hiệu sách phổ biến và nhiều không đếm xuể ở đất Sài Gòn. Kế bên mỗi trường học đều có một nhà sách để học sinh và thầy cô ghé mua.

Người đàn ông trầm ngâm đúc kết, bấy giờ là thời kỳ vàng son của sách, ai may mắn sở hữu quyển sách trong tay cũng quý trọng, nâng niu vô cùng.

Theo thời gian, khi internet du nhập vào Việt Nam, rồi đời sống nâng lên, việc in ấn, xuất bản, tái bản sách cũng nở rộ với chất lượng sách tốt hơn, đẹp hơn, giá cả phải chăng, vì thế những quyển sách cũ dần nhường chỗ cho sách mới và các hình thức đọc tân tiến hơn. Những người thợ phục chế sách cũng dần bỏ nghề, chuyển sang làm công việc khác kiếm sống, các tiệm sách cũ cũng theo đó mà thưa thớt dần.

“Mấy thằng bạn tôi bỏ nghề qua photocopy hết trơn, làm ăn lẹ hơn. Còn tôi không quan trọng gì. Nhờ đóng sách cũ, tôi được cầm trên tay nhiều cuốn hay lắm luôn. Sửa xong, sẵn mình đọc sách luôn”, ông Rạng chia sẻ.

Đối với ông Rạng, cái nghề “trị bệnh” cho sách cũ này không chỉ là công việc mưu sinh mà nó còn là một niềm đam mê. Quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời ông dành cho sách cũ, chẳng dễ gì bỏ được. Cũng nhờ công việc này, ông có thể đọc những cuốn sách yêu thích trong lúc chủ nhân của chúng chưa kịp đến lấy. Điều đó giúp ông mở mang thêm nhiều kiến thức.

Vị “lương y” của những cuốn sách cũ

Biết bao nhiêu cuốn sách cũ, hỏng được "hồi sinh" nhờ đôi bàn tay của người thợ sách Võ Văn Rạng - Ảnh: LĐ&CĐ

Vừa tiếp chuyện, ông Rạng vừa tập trung cao độ vào cuốn sách xem chừng đã hư hỏng rất nặng. Ông chia sẻ: “Đầu tiên, khi tiếp nhận một quyển sách cũ, tôi sẽ tỉ mỉ xem xét các chỗ hư hại của nó để biết quyển sách ấy "bệnh" gì. Đa phần những quyển sách đưa đến đây đều bị xúc trang, hỏng bìa. Với những quyển bìa hỏng, tôi sẽ dùng giấy bồi đắp thêm vào và dán lại. Những quyển nào bìa bị hư hại quá nặng, không thể sửa, tôi sẽ dùng giấy bồi hoặc bìa cứng để tạo phần bìa mới. Còn những trang sách bị xúc hoặc rách, tôi phải cẩn thận tháo từng trang một, sau đó dùng kéo cắt những phần giấy thừa, tiếp đến sẽ sắp xếp lại các trang giấy đã được khâu theo thứ tự, rồi dùng chỉ may lại từng trang một. Và sau cùng là dùng hồ dán những trang vào bìa. Vậy là “hồi sinh” một quyển sách cũ”.

Vị “lương y” của những cuốn sách cũChiếc máy cắt giấy - vật dụng đã gắn bó với ông Rạng hàng chục năm nay - Ảnh: LĐ&CĐ

Hơn 40 năm qua, ông Rạng chỉ dùng phương pháp thủ công để sửa sách, từ khâu, cắt và ép bìa. Ngay cả phần keo để dán sách cũng do ông tự làm theo công thức riêng để đảm bảo những quyển sách được sửa hoàn thiện nhất.

Theo ông Rạng, những quyển sách làm theo cách thủ công sẽ có độ bền cao hơn. Ngoài ra, khi làm theo cách thủ công thì sách sẽ giữ được nguyên vẹn những nét đẹp thời gian.

Khi nghe ông chia sẻ về quá trình sửa sách với những công đoạn thủ công, tỉ mỉ, tôi hỏi: “Sao chú phải vất vả thế, cái gì mua được thì mình mua cho khỏe, đỡ mất công làm?”.

“Keo của người ta nó dính quá, dán sách sẽ bị nhăn, hư sách. Mình phải tự chế keo để phù hợp với từng loại giấy, lúc dán vào sách mới đẹp được”, ông giải thích.

Vị “lương y” của những cuốn sách cũ

Ông Rạng quét lớp keo lên gáy sách - một trong những công đoạn trong quá trình phục chế sách cũ - Ảnh: LĐ&CĐ

Nhìn cách ông Rạng chăm chút, tỉ mỉ, cẩn thận nhấc lên, đặt xuống từng trang giấy, đủ để hiểu rằng người đàn ông ấy đã dành trọn toàn bộ tâm huyết của cuộc đời mình trong việc phục chế những cuốn sách cũ.

Một trong những bí quyết giúp ông Rạng giữ được “thương hiệu” của mình, đó chính là ngoài “điều trị” cho những cuốn sách đang từ rách bươm, xúc gáy thành lành lặn, thì ông còn giữ nguyên cho chúng vẻ đẹp thời gian – điều mà người sưu tầm, lưu giữ sách cũ, sách cổ thích thú nhất.

Không chỉ đảm bảo về độ bền của những cuốn sách mình sửa, vị “lương y sách” lão luyện này còn có tư duy thẩm mỹ rất cao. Với những quyển sách đã hỏng bìa, không thể phục hồi, ông xem qua nội dung và tư vấn cho khách lựa chọn bìa thay thế phù hợp. Chẳng hạn, sách có nội dung về tình mẫu tử, ông tư vấn khách dùng bìa màu đỏ - thể hiện tình cảm thiêng liêng. Hay như quyển sách về lịch sử thì dùng bìa màu xanh rêu để tôn cái vẻ cổ kính...

Ông Rạng bộc bạch: “Người ta sửa sách là vì kỷ niệm và đôi khi là dòng bút tích, đề tặng trong đó. Họ trân quý những giá trị của những cuốn sách”. Cũng bởi vậy, ông luôn cố gắng làm sao trả lại hình dáng nguyên bản của những cuốn sách cũ - bảo vật của nhiều người.

Vị “lương y” của những cuốn sách cũ

Vốn ham đọc sách từ nhỏ cùng với mấy chục năm “làm bạn” với từng trang sách, ông Rạng không chỉ đơn thuần là một người thợ sửa sách lành nghề, mà trong ông còn toát lên sự thâm trầm, uyên bác của một ông giáo.

Trong lúc trò chuyện, ông Rạng ngẫu hứng ngâm bài “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan với chất giọng đặc trưng Nam Bộ:

“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường

Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

Nước còn cau mặt với tang thương

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ

Cảnh đó người đây luống đoạn trường”

Ông thuộc vanh vách và hiểu sâu sắc nhiều điển tích, điển cố trong lịch sử, đến những tác phẩm văn học cổ điển trong nước và thế giới.

Với ông Rạng, sách không chỉ là thứ đem lại thu nhập cho bản thân, mà hơn hết ông làm việc này để gìn giữ những giá trị thuộc về tri thức, văn hóa.

Người thợ sách uyên bác này có một quy tắc làm nghề, đó là không sửa sách cho những người không quý sách và không hiểu giá trị của sách.

Ông chia sẻ: “Đôi khi có một vài người mang sách lại sửa, nói với tôi giá sửa sách cao hơn giá mua. Những trường hợp đó tôi nhất quyết không nhận sửa, bởi theo tôi đó là những người không biết được giá trị của sách. Thậm chí tôi sẵn sàng sửa không lấy tiền cho khách nếu đó thật sự là một người yêu sách và hiểu được giá trị của sách”.

Vị “lương y” của những cuốn sách cũ

Anh Đặng Duy Khôi (38 tuổi, quận 6, TP. HCM) chia sẻ: “Tôi cũng là người đam mê và sưu tầm sách. Một lần tôi tìm mua được bộ tiểu thuyết “Nhà Thờ Đức Bà Paris” xuất bản từ năm 1985 và xem đó như một vật quý. Gần đây, bộ tiểu thuyết bắt đầu hư hỏng. Nghe bạn bè giới thiệu, tôi tìm đến ông Rạng. Mấy ngày sau, quyển sách được sửa đến độ không chê vào đâu được. Không chỉ lành lặn mà quyển sách còn giữ được “cái hồn” của kỷ vật cũng như vẻ cũ kỹ của thời gian. Tôi nghĩ, những người không có niềm đam mê mãnh liệt với sách sẽ không bao giờ làm được việc đó”.

Ông H. - hàng xóm của ông Rạng tấm tắc: “Ổng giỏi lắm, có những cuốn sách bị mục nát, mối ăn mà ổng sửa được. Người ta xem qua mạng, họ tìm tới nhiều lắm. Có lúc ổng không dám nhận nhiều vì nhà bé xíu không có đủ chỗ để”.

Đối với ông Rạng, công việc sửa sách giúp lưu lại những kỷ niệm và phục hồi lại các giá trị văn hóa, tri thức của một thời đã qua.

Mỗi ngày, ông nhận sửa 2-3 cuốn sách, mức thu nhập khoảng 100.000 đồng. Dù có thể tìm một công việc khác tốt hơn nhưng ông vẫn tâm huyết giữ nghề, mặc những ngày không sửa được quyển sách nào.

Ông tâm sự: “Bản thân tôi độc thân, nhu cầu tiêu xài cũng ít nên dù có nhiều thì tôi cũng không biết xài vào đâu. Tôi chỉ lo một ngày không còn sách để mình sửa”.

Căn nhà chừng khoảng 50m2 hiện là nơi sinh sống của 4 anh em ông Rạng, tất cả đều độc thân. Dẫu hoàn cảnh chẳng mấy khấm khá nhưng tình yêu sách vẫn luôn cháy trong người đàn ông ngoài 60 tuổi.

“Tôi chọn cái nghề này với mong muốn góp phần lưu giữ những giá trị cổ xưa và những ký ức vui buồn của bao người giữa lòng thành phố”, ông Rạng nói.

Vị “lương y” của những cuốn sách cũ

Bài viết: NGỌC HUYỀN - PHÚC NGUYÊN

Thiết kế: AN NHIÊN

Ảnh, Video: NHÓM PV

Xem phiên bản di động