Về một Thầy giáo đặc biệt:“Chưa bao giờ nhớ ngày 20 tháng 11” |
Dòng sông sâu, con sào dài đo được
Lòng người đưa đò, ai biết được sự bao la.
Suốt hơn 10 năm qua, người “thầy giáo công nhân” – Hoàng Trọng Khánh, vẫn luôn lặng lẽ chèo lái con đò tri thức, âm thầm không đợi chờ về một ngày tôn vinh Nhà giáo Việt Nam 20/11.
“Được các con yêu thương thì mỗi ngày với tôi đều 20/11” Khi bắt đầu đặt bút xuống viết những dòng chữ này, không hiểu sao những câu nói của anh Khánh nói với lũ nhỏ hôm nào lại vang vọng bên tai tôi: “Chỉ cần các con cố gắng nỗ lực vì chính cuộc sống của mình thì chú có thể tạm gác lại hạnh phúc riêng…”. Được tận mắt chứng kiến, cảm nhận những việc làm của người đàn ông này, thì mới hiểu hết được rằng phải yêu và thương bọn trẻ lắm mới có thể hy sinh, dành trọn cả tuổi thanh xuân của mình như vậy. Làm một người thầy đứng trên bục giảng vốn đã rất khó khăn, vất vả, lại còn bao công việc bộn bề, mưu sinh. Vậy mà ngót một thập kỷ qua, cứ đều đặn mỗi tối, dù nắng hay mưa, anh Khánh vẫn luôn cố gắng duy trì lớp học, vì anh sợ: “Các con đang tuổi ăn, tuổi chơi. Tôi sợ nếu tối về không có ai ôn bài cho thì kiến thức học trên trường của các con sẽ nhanh quên. Sức khỏe của tôi cũng không được tốt, nhiều khi cũng mệt, muốn nằm nghỉ lắm chứ, nhưng nghĩ tới các con đang đợi chú, nên tôi lại gượng dậy để cùng học với chúng”. |
“ một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy” |
Người ta vẫn nói rằng “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, thế nhưng anh Hoàng Trọng Khánh vẫn luôn cho rằng, bản thân mình chưa xứng đáng với hai chữ “thầy giáo" thiêng liêng ấy. Anh chỉ nghĩ, mình đơn giản như là một người lái đò thầm lặng đưa các con tới được với bến bờ bên kia sông. Trong suốt hơn 10 năm qua, cũng đã có bao lứa thế hệ học trò đến rồi đi, trưởng thành, khôn lớn từ lớp học trên căn gác trọ nhỏ bé ấy, vậy mà khi nhắc về ngày truyền thống Nhà giáo Việt Nam, trong lòng anh Khánh lại chẳng hề mong chờ điều gì, bởi theo như anh chia sẻ: “Ngay từ khi bắt đầu công việc này, mình luôn làm vì cái tâm, sự đồng cảm của mình. Điều này thôi thúc phải làm một điều gì đó cho các em nhỏ không có điều kiện học tập, giống như mình ngày xưa vậy. Cũng chính vì không hy vọng, mong chờ điều gì, nên nhiều khi bước vào lớp nghe các con cùng hô vang câu chúc thì mình cũng mới sực nhớ ra”. |
Người ta vẫn nói rằng “một chữ là thầy, mà nửa chữ cũng là thầy”, thế nhưng anh Hoàng Trọng Khánh vẫn luôn cho rằng bản thân mình chưa xứng đáng với hai chữ “thầy giáo” thiêng liêng.
Nói là không mong chờ, nhưng anh Khánh cũng không giấu nổi sự hạnh phúc khi nhắc tới những kỷ niệm về ngày Nhà giáo Việt Nam của anh trong những năm qua: “Với tôi, chỉ cần mỗi ngày được gặp, được các con yêu thương thì đều là ngày 20/11... Thực ra mỗi năm đến ngày này, bước vào lớp được các con chạy tới ôm, rồi cùng đồng thanh “chúc chú Khánh hạnh phúc” thì trong lòng cũng cảm thấy có một chút gì đó xốn xang lắm. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên được hình ảnh 2 em học sinh cũ, lặn lội bắt xe buýt từ Vĩnh Long lên Sài Gòn chỉ để thăm chú ngày 20/11. Do bản thân tôi làm trong nhà máy, nên không thường xuyên sử dụng điện thoại, buổi chiều về tới nhà, thấy 2 đứa nhỏ ngồi đợi trước cửa từ bao giờ, thấy tôi về chúng chạy vội tới ôm. Điều này làm tôi không thể quên được vì tôi nghĩ bản thân mình có làm được điều gì lớn lao cho các con đâu mà lại nhận được tình cảm lớn như vậy”., anh Khánh xúc động nói.
" Tôi vẫn nghĩ bản thân mình đã làm được điều gì lớn lao cho các con đâu, mà các con lại yêu thương chú nhiều như vậy..." Bây giờ dù đã gần 40 tuổi nhưng anh Khánh vẫn tạm gác lại hạnh phúc riêng của mình, dành hết công sức, thu nhập để có thể duy trì lớp học, dạy cho các con không chỉ những kiến thức mà cả những bài học về cuộc sống và về cách làm người. Thấu hiểu tình cảm của người thầy, người chú suốt bao năm qua, em Nguyễn Phúc Minh nghẹn ngào: “Chú đã vì tụi con nhiều lắm! Con mong chú sẽ sớm có một gia đình hạnh phúc và chúng con vẫn sẽ mãi là những đứa con của chú”. Bài và ảnh: Tùng Nguyễn |