"Vẫn nghĩ như một người công đoàn"
Công đoàn

"Vẫn nghĩ như một người công đoàn"

MINH KHÔI
Tác giả: MINH KHÔI
Chiều tháng Sáu, Thái Bình nóng như đổ lửa. Chúng tôi ngồi trong một quán cà phê nhỏ, trốn cái oi bức đang vây lấy phố phường. Anh Nguyễn Bá Mạnh ngồi đối diện tôi, giọng vẫn ôn tồn như mọi khi. Chỉ có câu chuyện của anh là mang một sức nóng khác, âm ỉ và day dứt.

"Anh vừa đi phỏng vấn ở một công ty tư nhân về. Cũng không đặt nhiều kỳ vọng, nhưng cứ thử xem sao..."

Câu nói nhẹ bẫng như gió thoảng, như một nhát cắt, chia cuộc đời anh làm hai nửa. Nửa trước là một cán bộ Công đoàn tận tụy ở tuổi 45. Nửa sau, là một người đàn ông bắt đầu hành trình tìm việc. Một hành trình xa lạ.

Hai tháng nay, anh cần mẫn rải hồ sơ, gọi điện, dò hỏi. Cánh cửa vẫn chưa mở.

Tôi không hỏi anh về nỗi lo "cơm áo gạo tiền". Tôi biết nó tồn tại. Nhưng điều khiến tôi day dứt hơn là một chi tiết khác anh kể. Giữa những ngày chạy đôn chạy đáo tìm việc cho mình, điện thoại anh vẫn reo lúc nửa đêm. Công nhân lưu số anh cả chục năm trước, hồi anh còn làm cán bộ Công đoàn huyện, giờ gọi hỏi về chính sách pháp luật. Và anh vẫn trả lời họ, tận tình, cặn kẽ, như thể sáng mai anh vẫn sẽ đến văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh và tiếp tục công việc quen thuộc của mình.

"Việc của mình thì chưa đâu vào đâu, nhưng được giúp người lao động là vẫn ham lắm, không bỏ được," anh cười.

Cái "ham" ấy, nó không nằm trong mô tả công việc, cũng không được quy định bởi bất kỳ nghị quyết nào. Nó là một thứ bản năng được tôi luyện qua hơn hai chục năm đi cơ sở, sống cùng hơi thở của nhà máy, xí nghiệp.

Câu chuyện của anh Mạnh không phải là cá biệt. Khắp đất nước này, có ít nhất 574 con người như anh. Họ là những cán bộ Công đoàn chuyên trách, không phải công chức, ký hợp đồng trước một mốc thời gian định mệnh: 15/1/2019.

Và giờ đây, khi guồng máy cải cách hành chính theo Nghị quyết 18 lăn bánh, họ trở thành những người phải rời đi.

Họ là những con số trong một báo cáo tinh giản. Nhưng với tôi, họ là những gương mặt, những câu chuyện. Là chị Bùi Thị Lý ở Quỳnh Phụ, người nói rằng "Công đoàn là nơi mình học cách thương một người mình không quen biết". Là chị Trần Thị Phương ở A Lưới (Huế), người từng suýt bị đá lở đè trúng trên đường về cơ sở mà vẫn mỉm cười "mình không đi thì ai đi?".

Họ chính là những "người giữ lửa", những người góp phần đưa tổ chức Công đoàn thành một biểu tượng của hơi ấm, tình người. Họ là người đứng ra thương lượng bữa ăn ca, là người tổ chức Tết sum vầy, là người có mặt đầu tiên khi một cuộc tranh chấp lao động nổ ra. Họ không chỉ làm đến hết ngày. Họ "làm cho hết việc".

Trong số rất nhiều cán bộ Công đoàn mà tôi trò chuyện, không một ai phủ nhận chủ trương tinh gọn bộ máy là đúng đắn, là cần thiết. Một cỗ máy hành chính cồng kềnh cũng giống như một con tàu chở quá tải, không thể đi nhanh, đi xa. Nhưng khi chúng ta dỡ bớt những "kiện hàng" ra khỏi con tàu ấy, thiết nghĩ cần phải có trách nhiệm với những gì bên trong. Sau mỗi con số "giảm biên chế" là một phận người, một gia đình, một chặng đường thanh xuân đã cống hiến.

Tôi bỗng nhớ lại câu chuyện về những sân ga xép và người cán bộ đường sắt lương ba cọc ba đồng. Họ vẫn ở đó, vận hành những tuyến đường lỗ, gánh những trách nhiệm công mà không ai muốn gánh. Những cán bộ Công đoàn như anh Mạnh cũng vậy. Họ đã chọn con đường không dễ dàng, chọn làm việc ở một nơi mà thước đo thành công không phải là tiền bạc, mà giản dị lắm – chỉ là một lời cảm ơn, một nụ cười của người công nhân.

Và giờ đây, chính sách lại đang có một "khoảng trống". Những người đã ký hợp đồng trước năm 2019 (hầu hết làm việc 10 năm đến hơn 20 năm) dù làm những công việc không khác gì công chức, lại không thuộc diện được hưởng các chính sách hỗ trợ khi nghỉ việc theo các nghị định hiện hành. Họ, những người đã dành cả sự nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho người khác, giờ đây lại đứng trước những lo toan của riêng mình.

Thật vui mừng! Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhìn thấy điều đó. Ngày 11/5/2025, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Nguyễn Xuân Hùng đã có công văn số 4113/TLD-ToC gửi Bộ Nội vụ, đề nghị bổ sung các cán bộ Công đoàn chuyên trách ký hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ, hiện đang công tác tại liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố và công đoàn cấp trên cơ sở vào đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP.

Kiến nghị gửi Bộ Nội vụ không chỉ là một văn bản hành chính. Với tôi, nó là một hành động mang tính biểu tượng. Nó cho thấy tổ chức không quên những người đã góp phần làm nên giá trị cốt lõi của mình. Nó là sự thừa nhận rằng, sự đồng hành không thể chỉ là khẩu hiệu, nó phải được thể hiện bằng hành động cụ thể.

Người ta có thể nói rằng đó chỉ là một nhóm nhỏ, 574 người. Nhưng trong câu chuyện lớn về cải cách, chính cách chúng ta đối xử với những nhóm nhỏ, những người yếu thế nhất, lại phản ánh rõ nhất tính nhân văn của cả một hệ thống. Việc hỗ trợ họ hôm nay không phải là một sự ban ơn. Đó là một sự tri ân. Là lời cảm ơn cho những đêm thức trắng làm hồ sơ, những ngày dầm mưa đi cơ sở, những cuộc điện thoại lúc nửa đêm để giải quyết một vụ việc nóng.

Anh Mạnh nói với tôi một câu cuối, trước khi chúng tôi ra về: "Bỗng một ngày không còn là cán bộ Công đoàn, cảm giác như mất đi một phần con người mình. Nhưng chắc chắn, mình vẫn sẽ nghĩ như một người công đoàn".

Tôi tin anh. Bởi những người đã quen "giữ lửa" cho người khác, ngọn lửa ấy sẽ không bao giờ tắt trong tim họ. Nhưng tôi cũng tin rằng, đã đến lúc chính sách cần đáp lại ngọn lửa ấy bằng một hơi ấm của sự công bằng và ghi nhận. Để hành trình mới của họ, dẫu còn nhiều chông gai, sẽ không bắt đầu từ một khoảng trống. Để không ai, đặc biệt là những người đã dành cả đời để đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau", phải bước đi trong đơn độc.

Đã đến lúc chính sách cần nhìn thấy họ, ghi nhận họ, và hỗ trợ họ – như một phần không thể thiếu trong ký ức đẹp đẽ của Công đoàn Việt Nam.

Trân trọng mời độc giả nghe Podcast Những trái tim công đoàn chưa từng rời nhiệm sở TẠI ĐÂY

Tin mới hơn

Bình tĩnh và tin tưởng vào công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Bình tĩnh và tin tưởng vào công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 7, khóa XIII diễn ra trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang quyết liệt thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy. Không đơn thuần là một kỳ họp định kỳ, hội nghị lần này thực sự là điểm “bản lề” về tư duy, nhận thức và hành động của tổ chức Công đoàn.
Hướng dẫn mới về công đoàn xã và công đoàn đặc khu

Hướng dẫn mới về công đoàn xã và công đoàn đặc khu

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai về công đoàn xã, công đoàn đặc khu cụ thể như sau:
Truyền thông cho đoàn viên, người lao động là quá trình dẫn dắt cảm xúc và xây dựng niềm tin

Truyền thông cho đoàn viên, người lao động là quá trình dẫn dắt cảm xúc và xây dựng niềm tin

Bài nghiên cứu phân tích sự thay đổi trong hành vi tiếp cận thông tin của người lao động ngành Dệt May trong bối cảnh chuyển đổi số. Trên cơ sở phỏng vấn sâu, nhóm tác giả chỉ ra hiệu quả, rào cản và đề xuất giải pháp nâng cao truyền thông nội bộ. Truyền thông không chỉ là cung cấp thông tin, mà còn là quá trình tạo niềm tin và gắn kết người lao động với doanh nghiệp, công đoàn.

Tin tức khác

Đón đọc Tạp chí Lao động và Công đoàn số tháng 6/2025

Đón đọc Tạp chí Lao động và Công đoàn số tháng 6/2025

Tạp chí Lao động và Công đoàn tháng 6 với 100 trang, in màu trên giấy couche, xuất bản - phát hành ngày 10/6/2025 đến các cấp công đoàn trên toàn quốc.
Tháng Công nhân ở Huế: Lan tỏa trách nhiệm, đồng hành cùng người lao động

Tháng Công nhân ở Huế: Lan tỏa trách nhiệm, đồng hành cùng người lao động

Trong Tháng Công nhân 2025, các cấp công đoàn thành phố Huế đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân, chia sẻ và đồng hành với đoàn viên, người lao động, đặc biệt là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Tháng 5 khép lại bằng nhiều câu chuyện cảm động, thể hiện tinh thần nhân ái và sự gắn kết giữa tổ chức Công đoàn với đoàn viên, người lao động được lan tỏa mạnh mẽ.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi thư chúc mừng nhân 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi thư chúc mừng nhân 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - gửi thư chúc mừng các cán bộ, nhà báo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đang công tác tại các cơ quan báo chí của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tạp chí Lao động và Công đoàn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Cuộc thi "Suy nghĩ hay, hành động đẹp": Khắc họa chân dung người lao động Thủ đô thời đại mới

Cuộc thi "Suy nghĩ hay, hành động đẹp": Khắc họa chân dung người lao động Thủ đô thời đại mới

Hơn 1.000 tác phẩm báo chí, video clip, ảnh nghệ thuật gửi về dự thi. Mỗi dòng chữ, mỗi khuôn hình, mỗi khuôn mặt hiện lên đều là một mảnh ghép sinh động cho bức tranh rộng lớn về công nhân lao động Thủ đô trong hành trình kiến tạo Hà Nội văn minh, hiện đại.
Tháng Công nhân ở Quảng Trị: Chia sẻ khó khăn, đồng hành vì người lao động

Tháng Công nhân ở Quảng Trị: Chia sẻ khó khăn, đồng hành vì người lao động

Tháng Công nhân năm 2025 ở Quảng Trị vừa khép lại với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Từ đó, nhiều đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn chăm lo chu đáo về vật chất cũng như tinh thần, tạo động lực để họ thi đua lao động sản xuất, góp sức xây dựng đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.
Giao Tổng LĐLĐ Việt Nam là đơn vị dự toán cấp I trong hệ thống tài chính công đoàn

Giao Tổng LĐLĐ Việt Nam là đơn vị dự toán cấp I trong hệ thống tài chính công đoàn

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 7, khóa XIII, đồng chí Đỗ Văn Chiến – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam – đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công đoàn trong quản lý tài chính.
Xem thêm