e magazine
03/10/2020 13:45
Vấn đề việc làm và thu nhập cho người già ở nông thôn

03/10/2020 13:45

Dân số thế giới đang già hóa. Đó là một thành tựu của sự phát triển kinh tế xã hội trong hàng thập kỷ qua. Nhưng điều đó cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Có một vấn đề khá đồng dạng là giải quyết việc làm và thu nhập cho người già như thế nào trong quá trình hiện đại hóa?

VẤN ĐỀ VIỆC LÀM VÀ THU NHẬP CHO NGƯỜI GIÀ Ở NÔNG THÔN

Dân số thế giới đang già hóa. Đó là một thành tựu của sự phát triển kinh tế - xã hội trong hàng thập kỷ qua. Nhưng điều đó cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Có một vấn đề khá đồng dạng là giải quyết việc làm và thu nhập cho người già như thế nào trong quá trình hiện đại hóa?

Vấn đề việc làm và thu nhập cho người già ở nông thôn

Nông thôn Việt Nam giờ đây có những căn nhà khang trang hơn, những con đường sạch sẽ hơn, nhưng đang sống chủ yếu trong đó là tầng lớp người già, những người từng gắn liền với văn hóa làng xã, cuộc sống bao cấp trong khi những trải nghiệm quá trình hiện đại hóa vô cùng hạn chế. Nghệ An là một ví dụ. Tính đến cuối 2019, toàn tỉnh có 352.457 hội viên Hội Người cao tuổi, chiếm hơn 11,6% dân số cả tỉnh. Trong đó, có hơn 80% số người già sinh sống ở vùng nông thôn, miền núi. Khảo sát một xóm thuộc xã Thanh Yên (huyện Thanh Chương) có hơn 120 hộ gia đình với hơn 600 nhân khẩu thì số người trên 60 tuổi là 81 người (13,5% dân số). Nếu tính cả những người trên 50 tuổi thì con số này là 146 người (chiếm hơn 24,3%).

Tuy nhiên, phần lớn thanh niên trong độ tuổi lao động đều đi làm việc xa nên số người già lại chiếm một tỷ lệ lớn số người sinh sống thường xuyên tại địa phương. Cuộc sống của người già hiện tại còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ. Trong số 81 người trên 60 tuổi, chỉ có 16 người có lương hưu hay chế độ trợ cấp xã hội (chiếm 19,75%), còn lại sống phụ thuộc vào thu nhập của con cái. Hầu hết những người già ở đây tiếp thu các thông tin ngoài xã hội qua phương tiện truyền thông nhà nước như đài truyền hình, đài phát thanh, không có người nào đặt và đọc báo địa phương hay trung ương. Có 47/81 người sử dụng điện thoại di động (chủ yếu để liên lạc với con, cháu đi làm xa), không có ai sử dụng internet hay các mạng xã hội qua các thiết bị công nghệ, mặc dù đây là một địa phương thuộc khu vực trung du khá phát triển.

Trong sự già cỗi của nông thôn như vậy, cuộc sống của người già sẽ đảm bảo như thế nào? Trước đây, người ta vẫn quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”. Điều đó có thể hiểu được khi nền tảng cuộc sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thô sơ, cần nhiều sức lực cơ bắp. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi, người già vẫn có những năng lực để làm việc, cũng có nhu cầu làm việc, nhu cầu hạch toán và tự chủ thu nhập. Cái khó là hệ thống quản trị xã hội sẽ giải quyết vấn đề việc làm cho người già như thế nào, chứ không thể đưa họ vào sự hiện đại hóa với tư cách người phụ thuộc.

Ngay cả những nước giàu, có thu nhập bình quân cao như Nhật Bản thì vấn đề tạo việc làm và thu nhập cho người già cũng trở nên cấp thiết. Trước hết, nó giải phóng một lực cản, một sức nặng cho sự phát triển nếu có cơ cấu việc làm cho họ hợp lý. Mặt khác, nó tạo nên sự cân bằng trong nguồn nhân lực, hạn chế những khó khăn do quá trình già hóa dân số mang lại; tạo sự phát triển liên tục các giá trị văn hóa, làm cho chuỗi giá trị văn hóa không bị đứt đoạn. Giải quyết việc làm cho người già còn có ý nghĩa cân bằng lại cuộc sống xã hội, cân bằng lại các nguồn đầu tư. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thì cần phải nhận thức được thế mạnh của người già là những gì? Và họ đang thiếu những gì để tiếp tục làm việc và đóng góp vào cho xã hội?

Vấn đề việc làm và thu nhập cho người già ở nông thôn

Về lợi thế, trước hết, người già có một nền tảng văn hóa truyền thống vững chắc, đó là sự chịu khó, kiên trì, gắn bó… Những người già cũng từng trải cuộc sống hơn, có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, trong đối nhân xử thế cũng như trong ứng xử với môi trường, với thiên nhiên.

Trong các ngành nghề thủ công nghiệp, người già có nhiều kỹ năng độc đáo, là kho tàng nắm giữ nhiều tri thức dân gian, tri thức cộng đồng và kỹ năng nghề nghiệp. Đây là cơ sở nền tảng để khôi phục các làng nghề, các mặt hàng thủ công truyền thống, vốn là thế mạnh cho nhiều địa phương trong quá trình phát triển.

Không chỉ nắm vững kỹ năng, những người già cũng có khả năng truyền đạt, truyền dạy nghề cho lớp sau tốt hơn. Đó không chỉ đơn thuần là quá trình chuyển giao nghề nghiệp, mà còn là quá trình chuyển giao các giá trị văn hóa truyền thống qua các thế hệ.

Và một yếu tố nữa cần nói đến là người già có tâm lý vững vàng hơn trước sự thay đổi nhanh chóng từ các làn sóng văn hóa khác biệt, điều mà lớp trẻ không dễ gì có được.

Vấn đề việc làm và thu nhập cho người già ở nông thôn

Bên cạnh những lợi thế nói trên, người già cũng gặp nhiều hạn chế: Thứ nhất, khả năng truy cập thông tin còn ít ỏi, hầu hết người già ở nông thôn chỉ nắm được một số thông tin qua truyền hình hoặc phát thanh, vốn là một lượng thông tin còn khiêm tốn trong khi xã hội đang bùng nổ thông tin dữ dội.

Thứ hai, đó là sự hạn chế trong khả năng tiếp cận và vận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, như các thiết bị, công cụ sản xuất, các loại máy móc hiện đại. Sản xuất nông nghiệp và một số ngành khác đang được hiện đại hóa nhanh chóng, từ việc cày kéo bằng trâu bò đang chuyển sang thành máy móc, rồi nhiều loại máy móc chế biến hiện đại. Tuy nhiên, số người già có thể tiếp cận và làm chủ được những công cụ, thiết bị này rất ít ỏi.

Thứ ba là khả năng tiếp cận thị trường. So với lớp trẻ thì người già do không làm chủ được thông tin và thiết bị công nghệ nên khó tiếp cận được thị trường. Có những người là thợ thủ công giỏi, sản xuất được những mặt hàng đẹp nhưng không biết cách để đưa nó ra thị trường nhằm tăng thu nhập.

Vấn đề việc làm dành cho người già phải dựa trên các yếu tố giá trị văn hóa truyền thống làm nền tảng, vận dụng được các kỹ năng nghề nghiệp và kinh nghiệm cuộc sống, không cần nhiều sức lực nhưng cần sự khéo léo, kiên trì và không cần phải di chuyển nhiều… Như vậy, trước hết cần quan tâm đến là khôi phục và phát triển các ngành thủ công nghiệp một cách hợp lý.

Một số người trong khu vực nhóm nghiên cứu khảo sát trao đổi rằng họ rất thích sản xuất một số đặc sản như nhút, tương và vẫn thường xuyên gửi cho con cháu ở nơi xa. Một số vẫn thích làm nghề mộc, nghề rèn, đan lưới đánh cá… nhưng họ chỉ làm trong gia đình vì sản phẩm không trở thành hàng hóa. Ở nhiều địa phương khác, có nhiều nghề thủ công thú vị, từ dệt thêu, đan lát, lấy thuốc nam, sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ… thì người già có vai trò quan trọng.

Vấn đề việc làm và thu nhập cho người già ở nông thôn

Để tổ chức khôi phục và phát triển thủ công nghiệp thì cần tập hợp được người già lại vừa góp phần vào sản xuất nhưng quan trọng là có thể truyền nghề cho lớp trẻ. Có nhiều việc người già cũng tập trung lại cùng làm việc với nhau. Phát triển các dịch vụ kinh doanh nhỏ có sự đóng góp của người già và các dịch vụ xã hội để phát huy lợi thế của người già là một hướng phát triển cần quan tâm. Các dịch vụ dạy nghề thủ công, tư vấn xã hội, hay các loại hình kinh doanh nhỏ mà người già có thể tham gia bên cạnh lớp trẻ.

Dù đây là những hướng giải quyết việc làm và thu nhập cho người già khá hợp lý, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện. Trong số 81 người già ở xóm khảo sát thì những người có lương hưu lại tiếp cận được việc làm dễ hơn. Trong số đó, 4 người có vốn và kỹ năng nên có thể mở hàng quán hoặc bán hàng ở chợ, thu nhập thêm được từ 2 - 3 triệu/tháng; 1 người mở cửa hàng thuốc Tây và 2 người làm thêm bằng vẽ truyền thần hay sửa áo quần. Số còn lại không tiếp cận được việc làm và chủ yếu tập trung vào việc trông cháu hay giữ nhà. Cơ hội để họ tăng thu nhập vẫn rất khó khăn.

Vấn đề việc làm và thu nhập cho người già ở nông thôn

Trong vô vàn những khó khăn gặp phải khi tìm cách giải quyết việc làm và thu nhập cho người già thì việc liên kết, tập hợp và tổ chức làm việc là vướng mắc quan trọng. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa người già và lớp trẻ trong công việc cũng gặp khó khăn mà bắt đầu là trong tâm lý. Với người trẻ, thuê người già làm việc giống như một hành vi thiếu đạo đức, thiếu kính trọng đối với họ. Còn với con, cháu để cho ông bà, cha mẹ mình đi làm cũng có cảm giác không được hiếu đạo lắm. Và bản thân người già, khi phải đi làm thuê cho người khác cũng có tâm lý bị hạ thấp, bất đắc dĩ chứ không vui vẻ gì.

Chúng ta cần phải thay đổi quan niệm khi cho rằng người già không cần phải làm gì, họ cần nghỉ ngơi, cần được phụng dưỡng. Có thể điều đó không sai, bởi sau cả cuộc đời chăm lo, phục vụ con cái rồi đến lúc già cần phải được con cái chăm lo, phục vụ lại.

Trong một bài viết mới đây về già hóa dân số, GS Pierre Darriulat (Pháp) nhấn mạnh rằng: “Kéo dài sự sống trong cộng đồng là một điều tiến bộ nếu đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều người sống tới tuổi già trong tình trạng sức khỏe tốt, thay vì chúng ta chỉ đơn giản là cộng thêm tuổi thọ cho tất cả mọi cá nhân. Tiến bộ nghĩa là sống tốt hơn chứ không chỉ là lâu hơn; tiến bộ nghĩa là tăng thêm giá trị cuộc sống cho mỗi năm tháng chứ không phải là cộng thêm năm tháng vào cuộc sống”. Muốn vậy, cần phải tạo điều kiện cho họ làm chủ cuộc đời mình trong nhiều thời gian nhất chứ không phụ thuộc, không phó mặc cho con cháu hay cho xã hội.

Bài: Thiên Trang
Ảnh: Minh Khôi, Nông thôn việt

Xem phiên bản di động