Vai trò đại diện cho NLĐ của Công đoàn Việt Nam ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn
Việc đại diện của NLĐ tại doanh nghiệp bao gồm rất nhiều nội dung như đại diện tham gia đảm bảo việc làm, tiền lương, hợp đồng lao động, đào tạo nghề, đối thoại, thương lương, ký kết thỏa ước lao động tập thể, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, an toàn, vệ sinh lao động, BHXH, BHYT, lãnh đạo đình công, ... |
Cơ sở pháp lý
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, Nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam. Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, được sự giúp đỡ của bạn bè trên thế giới, Nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tại Điều 10 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: "Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động (NLĐ) được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho NLĐ, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ; tuyên truyền, vận động NLĐ học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Xuất phát từ quy định Hiến pháp 2013, Khoản 4, Điều 3, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: "Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở là Ban Chấp hành (BCH) công đoàn cơ sở (CĐCS) hoặc BCH công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi chưa thành lập CĐCS". Tuy nhiên, Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định khác, đó là: "Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của NLĐ tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở bao gồm CĐCS và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp". Điều này được hiểu là, BCH công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không còn là đại diện đương nhiên cho NLĐ ở những nơi chưa thành lập CĐCS mà chỉ đại diện cho NLĐ khi có yêu cầu. Ngoài yêu cầu của các tiêu chuẩn lao động quốc tế, ngụ ý ở đây là về mặt thực tiễn: Nếu pháp luật có giao cho BCH công đoàn cấp trên cơ sở là đại diện đương nhiên cho NLĐ ở những nơi chưa thành lập CĐCS thì vì nhiều lý do, công đoàn cấp trên cơ sở cũng không thể thực hiện được đầy đủ vai trò đại diện cho NLĐ thay CĐCS tại doanh nghiệp được. Vì việc đại diện của NLĐ tại doanh nghiệp bao gồm rất nhiều nội dung như đại diện tham gia đảm bảo việc làm, tiền lương, hợp đồng lao động, đào tạo nghề, đối thoại, thương lương, ký kết thỏa ước lao động tập thể, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, an toàn, vệ sinh lao động, BHXH, BHYT, lãnh đạo đình công... Thêm vào đó, qua thực tiễn triển khai nhiệm vụ quan hệ lao động, ngay cả ở những nơi có tổ chức CĐCS, việc thực hiện quyền đại diện thương lượng, tổ chức lãnh đạo, đình công, việc khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, ATVSLĐ cũng khá khó khăn do BCH CĐCS được NSDLĐ trả lương. Nhiều ý kiến đề nghị cần trao các quyền này (giao nhiệm vụ) cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở mới hiệu quả. |
Hội nghị đối thoại giữa người sử dụng lao động và NLĐ Công ty CP Viglacera Hạ Long năm 2022. Ảnh: CĐXDVN |
Chính vì vậy, mặc dù Bộ luật Lao động năm 2012 thừa nhận BCH công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là tổ chức đại diện đương nhiên cho NLĐ nơi chưa thành lập CĐCS, song Điều 17 Luật Công đoàn 2012 lại quy định: "Ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập CĐCS, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ khi được NLĐ ở đó yêu cầu". Căn cứ Điều 17 Luật Công đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 305/HD-TLĐ ngày 25/3/2014 về việc thực hiện quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với nơi chưa thành lập CĐCS. Như vậy, Hiến pháp và thực tiễn sinh động vẫn là cơ sở lý luận quan trọng khẳng định vai trò đại diện cho NLĐ của Công đoàn Việt Nam ở những nơi chưa có tổ chức Công đoàn cần phải được tiếp tục thúc đẩy trong thời gian tới. Nội dung thực hiện quyền và trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ Theo Hướng dẫn số 305/HD-TLĐ ngày 25/3/2014, việc thực hiện quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với nơi chưa thành lập CĐCS cụ thể như sau: 1. Hướng dẫn, tư vấn cho NLĐ về quyền và nghĩa vụ khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động. 2. Đại diện cho tập thể NLĐ thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể theo nội dung Hướng dẫn số 1840/HĐ-TLĐ ngày 04/12/2013 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, hướng dẫn thực hiện quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể. 3. Tham gia với người sử dụng lao động xây dựng và giám sát thực hiện thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động theo quy định của pháp luật. 4. Tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc theo nội dung Hướng dẫn số 1755/HD-TLĐ, ngày 20/11/2013 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, hướng dẫn Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. 5. Tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho NLĐ theo quy định của pháp luật và của Tổng LĐLĐ Việt Nam. 6. Đại diện cho tập thể NLĐ trong giải quyết tranh chấp lao động, đình công theo quy định của pháp luật và nội dung Hướng dẫn số 47 1861/HD-TLĐ ngày 09/12/2013 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, hướng dẫn thực hiện quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công. 7. Kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể NLĐ hoặc NLĐ bị xâm phạm. Tiến hành thương lượng với người sử dụng lao động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật. 8. Thực hiện quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc thành lập CĐCS tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của Điều 16, Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Mục 12, Mục 13, Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, bao gồm những nội dung chủ yếu như sau: a. Hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ gia nhập Công đoàn: - Cung cấp thông tin, tài liệu miễn phí đến NLĐ để tuyên truyền về pháp luật lao động, Công đoàn, về quyền, lợi ích của NLĐ khi gia nhập Công đoàn. - Hướng dẫn, tư vấn cho NLĐ về trình tự, thủ tục gia nhập tổ chức Công đoàn. - Hướng dẫn, tư vấn về cho NLĐ về điều kiện tổ chức Ban vận động thành lập CĐCS và bầu Trưởng Ban vận động thành lập CĐCS. - Hướng dẫn, giúp đỡ Ban vận động chuẩn bị nội dung của Đại hội thành lập CĐCS, gồm: + Báo cáo quá trình vận động NLĐ gia nhập Công đoàn và tổ chức thành lập CĐCS. + Báo cáo danh sách NLĐ có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn. + Văn bản tuyên bố thành lập CĐCS. + Các nội dung liên quan đến bầu Ban Chấp hành CĐCS. + Chương trình hoạt động của CĐCS. - Hướng dẫn, giúp đỡ Ban Chấp hành CĐCS được bầu tại đại hội thành lập CĐCS chuẩn bị hồ sơ công nhận đoàn viên, CĐCS, Ban Chấp hành CĐCS, bao gồm: + Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, CĐCS và Ban Chấp hành CĐCS. + Danh sách đoàn viên, kèm theo đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam của NLĐ. + Biên bản hội nghị thành lập CĐCS. + Biên bản kiểm phiếu bầu cử BCH CĐCS (có trích ngang lý lịch kèm theo). c. Xem xét, quyết định công nhận về đoàn viên, CĐCS và BCH CĐCS theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, bao gồm: - Quyết định công nhận đoàn viên, theo danh sách đoàn viên. - Quyết định công nhận CĐSCS. - Quyết định công nhận BCH và các chức danh trong BCH. d. Trường hợp NLĐ yêu cầu hoặc khi xét thấy chưa đủ điều kiện công nhận đoàn viên, CĐCS và BCH CĐCS thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện trình tự, thủ tục quyết định kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS, chỉ định BCH, Ủy ban kiểm tra lâm thời Công đoàn và các chức danh trong BCH, Ủy ban kiểm tra lâm thời Công đoàn theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam. 9. Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn. Quản lý, sử dụng kinh phí cho hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và hoạt động tuyên truyền phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam. |
Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức Đối thoại Hội đồng Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động. Ảnh: CĐ |
Điều kiện và trình tự thực hiện 1. Điều kiện, trình tự thực hiện quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với nơi chưa thành lập CĐCS. a. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện quyền và trách nhiệm đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ khi có yêu cầu bằng văn bản của cá nhân NLĐ hoặc tập thể NLĐ (sau đây gọi chung là NLĐ) đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp) chưa thành lập CĐCS. b. Tiếp nhận và xử lý yêu cầu của NLĐ theo 2 trường hợp sau: - Trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi, đối tượng phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thì cử cán bộ công đoàn đến nơi làm việc xác minh và tổ chức gặp gỡ, lấy ý kiến NLĐ để thực hiện quyền đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể NLĐ nơi đó. - Trường hợp không thuộc phạm vi, đối tượng phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi tiếp nhận yêu cầu của NLĐ, có trách nhiệm liên hệ hoặc hướng dẫn NLĐ liên hệ với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó để xử lý yêu cầu của NLĐ theo Hướng dẫn này. c. Thông báo bằng văn bản hoặc trực tiếp trao đổi và thông báo bằng văn bản với người sử dụng lao động về việc thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể NLĐ tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. d. Giữ bí mật về nhân thân của NLĐ khi NLĐ đề nghị không công khai nhân thân. 2. Yêu cầu của NLĐ cần đảm bảo các điều kiện như sau: a. Yêu cầu của NLĐ nhất thiết phải bằng văn bản và phải là người đang làm việc tại cơ quan tổ chức, doanh nghiệp đó mà chưa thành lập CĐCS. b. NLĐ phải cung cấp thông tin chính xác về nhân thân, số điện thoại hoặc địa chỉ liên hệ với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trong trường hợp cần thiết có quyền yêu cầu công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở giữ bí mật về nhân thân. c. Văn bản yêu cầu của NLĐ có thể là của cá nhân hoặc của nhiều NLĐ ký tên. d. Nội dung văn bản yêu cầu của NLĐ cần đảm bảo những nội dung chủ yếu sau đây: - Thông tin chính xác về tên gọi, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà NLĐ đang làm việc. - Thông tin về nội dung yêu cầu đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. |
Điều kiện làm việc của NLĐ ngành Điện tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Ảnh: CĐĐLVN |
Nhận định chung
1. Vai trò đại diện cho NLĐ của Công đoàn Việt Nam ở những nơi chưa có tổ chức Công đoàn là hoàn toàn có cơ sở và đặc biệt quan trọng trong bối cảnh có tổ chức khác của NLĐ tại doanh nghiệp. 2. Cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn số 305/HD-TLĐ ngày 25/3/2014 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc thực hiện quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với nơi chưa thành lập CĐCS cho phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Công đoàn 2012 (sửa đổi) và thực tiễn yêu cầu đòi hỏi của NLĐ trong bối cảnh mới. Bộ luật Lao động 2019 quy định nhiều nội dung phải lấy ý kiến tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, cần nghiên cứu để có vai trò đai diện cho NLĐ ở những nơi chưa có tổ chức Công đoàn: - Khoản 6 Điều 42: Việc cho thôi việc đối với NLĐ chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà NLĐ là thành viên. - Khoản 2 Điều 44: Khi xây dựng phương án sử dụng lao động, ngưởi sử dụng lao động phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở. - Thực hiện nội dung đối thoại tại nơi làm việc theo Điều 63. - Thực hiện quyền thương lượng tập thể theo Điều 69. - Thực hiện thương lượng tập thể ngành, thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia. - Khoản 3 Điều 93: NSDLĐ phải tham khảo ý kiên của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động. - Khoản 2 Điều 104: Quy chế thưởng do NSDLĐ quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khải ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở. - Khoản 3 Điều 118: Trước khi ban hành nội quy lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, NSDLĐ phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở. - Khoản 1 Điều 122: điểm b: phải có sự tham gia của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà NLĐ đang bị xử lý kỷ luật là thành viên. - Khoản Điều 136: Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoạt đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền lợi ích của phụ nữ. - Điều 178: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở trong quan hệ lao động gồm: Thương lượng tập thể; đối thoại; tham khảo ý kiến xây dựng và giám sát thực hiện thang, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, thưởng, nội quy lao động và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của NLĐ; đại diện giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cả nhân khi được ủy quyền; tổ chức và lãnh đạo đình công; tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật; các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định. - Khoản 4 Điều 180: Một trong những nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động là bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. 3. Khi xác định vai trò quan trọng của công đoàn cấp trên trong đại diện bảo vệ quyền lợi không chỉ của đoàn viên mà còn cả NLĐ ở những nơi chưa có tổ chức Công đoàn sẽ phải cân nhắc đến nguồn lực (số lượng) và năng lực (chất lượng) cán bộ công đoàn chuyên trách cấp trên cơ sở mới có thể thực sự gánh vác được vai trò này. 4. Nếu chỉ bảo vệ quyền, lợi ích đoàn viên, NLĐ ở nơi có tổ chức Công đoàn mà không đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ ở những nơi chưa có tổ chức Công đoàn, tổ chức Công đoàn sẽ không thể đạt được mục tiêu tổng quát "là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và NLĐ cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước" mà Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đã nêu. Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 02-NQ/TW là đến năm 2030: Phấn đấu có 16,5 triệu đoàn viên công đoàn; nơi chưa có tổ chức đại diện NLĐ thì phần lớn NLĐ được tập hợp, tham gia một số hoạt động của Công đoàn Việt Nam. |
Bài viết: Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam |