Từ cuộc khảo sát 500 công nhân dùng thẻ ATM: Những con số không thể làm ngơ
Từ cuộc khảo sát 500 công nhân dùng thẻ ATM: Những con số không thể làm ngơ

Các công nhân nằm trong cuộc khảo sát của Tạp chí Lao động và Công đoàn đang làm việc tại các 22 công ty tại các tỉnh, thành tập trung nhiều công nhân, khu công nghiệp. Trong đó, có 7 công ty tại Bình Dương, 2 công ty tại Bắc Giang, 2 công ty tại Hà Tĩnh, 2 công ty tại Thừa Thiên - Huế, 2 công ty tại Cần Thơ, 1 công ty tại Bắc Ninh, 1 công ty tại Hải Phòng, 1 công ty tại Hà Nội, 1 công ty tại Hải Dương, 1 công ty tại Bình Phước, 1 công ty tại Hậu Giang, 1 công ty tại Đà Nẵng.

Cụ thể ra sao?

Có 60,1% số công nhân dùng từ 2 thẻ ATM (loại thẻ ghi nợ nội địa - debit card, dùng rút tiền, giao dịch tự động) trở lên; 54,1% số công nhân có từ 1 thẻ ATM trở lên không thường xuyên sử dụng. Đặc biệt, có đến 50,5% số công nhân không biết thẻ không sử dụng vẫn bị trừ phí; trong khi đó số công nhân có 4 - 6 thẻ ATM là 4,6% và hầu hết số này thì chỉ dùng 1 – 2 thẻ, số còn lại như bỏ đi. Đáng chú ý, 38,3% công nhân ứng xử với những chiếc thẻ dư dùng là việc cất chúng đi hoặc không biết xử lý thế nào.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn, bên cạnh một vài ngân hàng miễn phí phí thường niên với thẻ ATM, hiện các ngân hàng vẫn thu phí thường niên với thẻ ATM, từ 50 - 60 nghìn đồng/năm/thẻ.

Từ cuộc khảo sát 500 công nhân dùng thẻ ATM: Những con số không thể làm ngơ

Như vậy, với những khách hàng có 3-4 thẻ không dùng, ít dùng thì “mất oan” mỗi năm lên 200 – 300 ngàn đồng/thẻ (đối với loại thẻ ghi nợ nội địa - debit card, loại thẻ công nhân thường dùng rút tiền lương). Nhiều năm cộng lại thì khách hàng phải “gánh” một khoản phí tiền triệu, trong khi họ cứ ngỡ những chiếc thẻ ấy sẽ “ngủ yên”. Đấy là chưa nói nếu khách hàng sử dụng thẻ tín dụng (credit card), tức “chi tiêu trước, trả tiền sau”, thì các khoản phí, mức phí thường niên còn lớn hơn gấp nhiều lần với loại thẻ debit card.

Từ cuộc khảo sát 500 công nhân dùng thẻ ATM: Những con số không thể làm ngơ

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn, thông thường thời hạn của mỗi thẻ ATM khoảng 4 - 5 năm, nhưng có ngân hàng hạn thẻ đến 8 năm.

Ví như đối với Ngân hàng Quốc tế VIB, việc khóa thẻ ATM sẽ theo yêu cầu chủ thẻ; hoặc chủ thẻ không thanh toán phí duy trì thẻ theo quy định của VIB cũng bị khóa thẻ. VIB có quyền khóa thẻ mà không cần thông báo trước cho chủ thẻ. Thẻ ATM của VIB có thời hạn sử dụng 8 năm, nếu hết thời gian không gia hạn và đổi thẻ mới thì thẻ sẽ tự động khoá. Phí chậm thanh toán sẽ cộng dồn, khách hàng có nhu cầu sử dụng lại thẻ, hoặc mở thẻ mới của VIB phải thanh toán.

Còn với Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - HDBank, loại thẻ HDBank MasterCard có mức phí thường niên là 220.000 đồng/năm/thẻ và nếu tài khoản đủ số dư, hệ thống sẽ thu tự động...

Một số ngân hàng khác cũng có cách thu phí tự động tương tự. Nghĩa là ngân hàng bao giờ cũng nắm phần chủ động, “phần cán”, việc tiếp tục thu phí hay ngừng sau khi thẻ không sử dụng, ít sử dụng thì quyền chủ động vẫn nằm phía ngân hàng. Đối với công nhân, người lao động, phần lớn trả lời qua cuộc khảo sát là họ “không biết” ngân hàng có thu phí thường niên hay không, họ có biến thành con nợ hay không khi thẻ còn, mà giao dịch thì không.

Từ cuộc khảo sát 500 công nhân dùng thẻ ATM: Những con số không thể làm ngơ
Từ cuộc khảo sát 500 công nhân dùng thẻ ATM: Những con số không thể làm ngơ

Theo Báo cáo Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tính đến cuối năm 2023, các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước có khoảng hơn 4,15 triệu lao động trực tiếp. Thông thường việc trả lương của chủ sử dụng lao động cho công nhân, người lao động là qua ngân hàng. Theo đó hàng triệu tài khoản ngân hàng đã được mở, tất nhiên thẻ ATM là một trong những lựa chọn phổ biến hiện nay, bên cạnh những tài khoản dùng “app” internet banking - thẻ phi vật lý vốn ít phổ biến hơn với công nhân, người lao động.

Vậy có bao nhiêu người trong số 4,15 triệu người lao động ấy có 1 thẻ ATM trở lên không dùng, nhưng họ vẫn phải trả phí? Hiện chưa có thống kê đầy đủ, nhưng theo logic của cuộc khảo sát, có 51,4% số công nhân được hỏi có 1 thẻ ATM trở lên không dùng thường xuyên. Giả sử với tỷ lệ này, tương ứng với khoảng 2 triệu người có 1 thẻ ATM trở lên không dùng, ít dùng, với mức phí thường niên 50.000 đồng/thẻ/năm mà các ngân hàng thu, hẳn công nhân, người lao động sẽ “mất oan” cả trăm tỷ đồng.

Còn nếu tính trong số khoảng 17 triệu công nhân ở Việt Nam hiện nay, số người lao động, công nhân chi trả cho những chiếc thẻ “bỏ không” ấy thật khó mà làm phép tính nhân, vì chúng quá lớn, cần một báo cáo đầy đủ hơn và cuộc khảo sát quy mô hơn. Tất nhiên, chỉ có ngân hàng mới biết đích xác họ đã thu “tự động” từ những chiếc thẻ ngủ yên này như thế nào, bao nhiêu tiền và tính mức dư nợ thế nào nếu thẻ chưa bị khóa, hủy và vẫn trong trạng thái hoạt động.

Từ cuộc khảo sát 500 công nhân dùng thẻ ATM: Những con số không thể làm ngơ

Đó là mong muốn của phần lớn số công nhân trên cả nước trả lời khảo sát của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Cụ thể, có 51,4% ý kiến bày tỏ mong muốn ngân hàng không thu phí dịch vụ với thẻ không sử dụng, 33% ý kiến mong muốn nếu thẻ không hoạt động trong một thời gian thì sẽ được ngân hàng tự động khóa.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất, khi tổ chức phát hành thẻ các nhân viên ngân hàng nên tư vấn kỹ càng với khách hàng về quyền, trách nhiệm của họ khi sử dụng thẻ ATM nói riêng và các loại thẻ của ngân hàng nói chung; chủ thẻ được thông báo thu phí kể cả khi không đăng ký biến động số dư qua SMS.

“Các loại phí ngân hàng tính cho khách cần phải thanh toán phải gửi thông báo đến khách hàng thông qua tin nhắn, email để tránh trường hợp phát sinh phí cao mà khách hàng không nắm được đầy đủ, gây ảnh hưởng đến khách hàng. Đây cũng là mong muốn của nhiều người lao động khác trong công ty” - chị B. T. K. D., công nhân Công ty CTCP Thuỷ sản Minh Phú (Hậu Giang), nêu.

Còn chị Đ.T.B., công nhân Công ty TNHH Hài Mỹ (Bình Dương) chia sẻ: “Nếu thẻ không sử dụng thường xuyên hoặc không sử dụng, tốt nhất nên cải cách lại, không nên thu bất kỳ khoản phí nào để khuyến khích người lao động duy trì sử dụng các loại thẻ ngân hàng như thẻ ATM, thẻ tín dụng”...

“Đối với thẻ ít, không sử dụng thường xuyên, khi thu phí tôi đề xuất nên dựa vào số lần giao dịch. Ví dụ khách hàng giao dịch trên 20 lần thì thu một bậc phí khác, giao dịch dưới 20 lần thì thu một bậc phí khác” - anh N.C.T., công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình (Bình Dương) cho biết.

Đề cập đến thực trạng trên, anh Nguyễn Lý, Công ty CP Phong Điền, Thừa Thiên Huế, bày tỏ: “Khi tham gia cuộc khảo sát, chúng tôi nhận ra nỗi lo âu của công nhân là có lý do. Vậy để sớm giải tỏa nỗi lo, cũng làm rõ những tấm thẻ ATM họ không dùng có bị âm nợ không, có bị truy thu không, chúng tôi mong Tạp chí Lao động và Công đoàn giúp công nhân chúng tôi sớm có câu trả lời từ phía các ngân hàng”.

Từ cuộc khảo sát 500 công nhân dùng thẻ ATM: Những con số không thể làm ngơ

Từ cuộc khảo sát 500 công nhân dùng thẻ ATM: Những con số không thể làm ngơ

Từ cuộc khảo sát 500 công nhân dùng thẻ ATM: Những con số không thể làm ngơ

Bài, ảnh: Đình Toàn - Minh Nguyệt

Thiết kế: Dũng Choai