Từ chuyện Làng Nủ nghĩ về đất nước Việt Nam - Kỳ 2: Hành trình hồi sinh

Lần hai trở lại với Làng Nủ, chẳng thể ngờ, những con đường gập ghềnh đất đá, nhão nhoẹt bùn đất, giờ đã được trải nền bê tông phẳng lì, uốn lượn quanh từng ngọn đồi. Dưới nền trời xanh biếc, khu tái định cư Làng Nủ nằm ở đồi Sim, rộng khoảng 10 ha với địa hình cao, an toàn, gồm 40 căn nhà khang trang, sạch đẹp dựng san sát. Con dốc tiến về khu trung tâm được trang trí một lá cờ Việt Nam khéo léo ghép từ 6.000 gốc hoa vàng, hoa đỏ và lá, cùng dòng chữ “Tiến tới hạnh phúc”. Tất cả hiện lên như một bức tranh cổ tích, đẹp bởi sự hồi sinh từ đau thương, mất mát.

Nhà mới được xây dựng bởi sự quyết liệt, quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước, bởi tinh thần làm việc hăng say ngày đêm của lực lượng thi công, bởi tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Đặc biệt, đóng góp hình thành công trình ý nghĩa này, còn có sự tham gia của những “kiến trúc sư” đặc biệt, chính là bà con Làng Nủ. Tạo hình kiểu nhà sàn từ đây mà có, để vừa có nét hiện đại, tươi mới, kiên cố, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của đồng bào Tày nơi đây.

Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Tư - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh, trước khi xây dựng, dưới sự chỉ đạo của huyện, xã đã họp với bà con và thống nhất từng nội dung, từng chi tiết nhỏ, đến cách bài trí trong ngôi nhà mới. Viên gạch nền màu gì, màu sơn, hoặc cầu thang đặt bên trái hay đặt bên phải, đều xin ý kiến bà con, để làm sao tạo cảm giác thân thuộc nhất.

Mỗi căn nhà rộng 96m2 được trang bị đầy đủ tiện nghi cơ bản, như: tivi, tủ lạnh, mạng internet, bình nóng lạnh,... Trong căn nhà số 19, chị Hoàng Thị Cảnh (36 tuổi) lúi húi dọn dẹp chờ đón hai cậu con trai đi học dưới trung tâm huyện Bảo Yên về nhà cuối tuần. Cẩn trọng bày trí bàn thờ, chị Hoàng Thị Cảnh vừa “than”: “Đấy, trước giờ có anh nhà tôi làm hết, có phải đụng tay đụng chân gì đâu. Giờ anh theo lũ đi, mình làm gì cũng luống cuống. Thiếu thốn đấy nhưng cũng phải cố gắng có đủ những thứ cơ bản, qua năm còn đón anh ý về, bởi theo phong tục cở đây, phải qua năm cũ (tính theo Âm lịch) mới được tính là qua giỗ và đưa người thân qua đời về thờ tại nhà”.

Lần đầu gặp cách đây ba tháng, tôi hỏi chị Hoàng Thị Gịt về điều mong muốn nhất, chị nói muốn “có cái nhà kiên cố, an toàn để ở”. Giờ đây, cả nhà đã chuyển về căn nhà số 5 của khu tái định cư, khuôn mặt Gịt không giấu nổi niềm hạnh phúc.

Tết Ất Tỵ đã cận kề, trước ban công ngoài hai lá cờ Tổ quốc, một số gia đình đã bắt đầu sắm sửa, trang trí thêm đèn lồng. Bên cạnh những đồ dùng sinh hoạt trong nhà là do các tổ chức, cá nhân tài trợ, nhiều người chủ động xuống chợ huyện để sắm thêm, tự tay trang hoàng tổ ấm mới.

Nằm trên đồi cao rộng 10 ha còn có nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300m2; một điểm trường rộng 200m2 gồm hai lớp tiểu học và hai lớp mẫu giáo, đầy đủ hệ thống viễn thông, điện nước. Cả khu làng mới bắt đầu rộn tiếng trẻ ê a tập học chữ, những bài hát yêu Tổ quốc, yêu quê hương, hay thậm chí là cả tiếng khóc đòi mẹ vì chưa quen tới lớp. Những âm thanh rất đỗi đời thường sau ba tháng vắng bóng đã dần trở lại trên vùng tái định cư này.

Tan học trở về nhà, Nguyễn Hoàng Hiếu Học vội vã cất cặp, lấy từ góc trên cùng chiếc bàn còn thơm mùi sơn mới một hộp nhôm vuông vắn. Bên trong là vài món đồ chơi nhỏ và một xấp những tờ giấy ô ly được gấp gọn gàng. Hiếu Học gọi đó là “gia tài tình bạn”.

Hiếu Học, Thanh Phương và Viện học cùng nhau. Trong trận lũ kinh hoàng, chỉ Hiếu Học may mắn thoát nạn. Cậu học trò lớp 4 giữ thói quen viết thư kể về sự thay đổi của Làng Nủ qua từng ngày, về những tình cảm mà người dân nơi đây nhận được từ đồng bào cả nước và về nỗi nhớ dành cho những người bạn của mình. “Em cất ở đây để dành khoe khi hai bạn được “trở về”. Còn giờ em sẽ cố học giỏi, học thay cả phần các bạn nữa”, Hiếu Học vừa nói vừa lấy tay áo lau vết bụi bám trên nắp hộp, ánh mắt em sáng lên niềm hy vọng.

Mẹ của em là chị Hoàng Thị Miên, từng là một trong những “hiệp sĩ thôn Nủ”, cứu sống hàng xóm, người thân trong bình minh định mệnh đó. Những ngày này, chị đang tất bật với luống rau sau nhà và chuẩn bị trang hoàng chuồng trại để đón lứa gà giống và nuôi. Những ngọn rau cải ngọt, bắp cải, hành, xà lách,... đã lên tươi tốt, nhuộm xanh cả một góc vườn. Theo lời chị Miên, giống rau được chính quyền xã Phúc Khánh cấp cho người dân gieo trồng trước khi bàn giao nhà mới.

- Sắp tới mình sẽ quây chỗ này lại để làm cái chuồng nuôi gà. Xã cấp cho hơn 20 con rồi, mua thêm độ chục con nữa, vừa để ăn, vừa để bán, kiếm thu nhập - Vừa nói, Miên vừa hào hứng chỉ xuống khoảng đất phía dưới sau vườn rau.

Dường như mọi kế hoạch đã được dự tính sẵn trong đầu Miên. Ngoài rau, gà, gia đình chị sẽ tiếp tục làm nương ngô, sắn,... Sau đó, tiếp tục tham gia lớp học nghề của địa phương, hướng dẫn chăn nuôi theo tiêu chuẩn, tiếp cận với các chính sách vay vốn, hỗ trợ để cơi nới vật nuôi thêm trâu, lợn, phục vụ kinh doanh.

Đây cũng là một trong những nội dung được xã Phúc Khánh thực hiện giúp người dân có thêm kiến thức, kỹ năng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khôi phục sinh kế.

Chị Cảnh cũng chọn quay về mảnh đất từng “cắm rìu” trước đây để gây dựng lại cơ nghiệp. Vượt qua nỗi sợ về ký ức đau buồn, người phụ nữ giờ đây vừa làm mẹ, vừa làm cha, lấy chính nơi từng được vun xới bởi tình yêu của một gia đình hạnh phúc, biến thành chất dưỡng nuôi lớn hai con ăn học.

“Nhớ thì vẫn nhớ, nhưng phải đứng dậy làm lại thôi, mình còn con cái nữa. Đất chỗ cũ tốt cho cây, bỏ đi phí lắm. Lúc đầu về cũng khóc đấy, giờ thì ổn rồi. Mình nghĩ dù sao nơi đây cũng là nơi từng rất hạnh phúc, có tình yêu, có tình làng nghĩa xóm, chắc chắn sẽ làm thành nguồn dinh dưỡng để phát triển”, chị Cảnh tâm sự.

Tại khu đất cũ, nhà tưởng niệm các nạn nhân trong vụ lũ quét cũng được xây dựng, với các điểm lưu giữ các kỷ vật của người dân làng Nủ, đài tưởng niệm đồng bào xấu số và khu trưng bày hình ảnh. Khu tưởng niệm được thiết kế và đặt tại vị trí trang trọng, để thấy được nơi này đã từng đau thương nhưng vẫn ấm áp tình người thế nào.

Ở khu tái thiết Làng Nủ, người dân ban ngày thường có thói quen ngồi tụ họp dưới cửa nhà, cùng trò chuyện, ăn uống, để đỡ “trống vắng”. Ai giỏi việc gì hơn thì giúp nhà khác, cứ thế dìu nhau qua cơn bĩ cực những ngày đầu. Ngày khu tái định cư được bàn giao, có ba hộ dân đã viết đơn xin từ chối nhận nhà để nhường cho những người khó khăn hơn, với lý do “cả gia đình đã mất hết”, mặc dù họ đều được các cấp có thẩm quyền tỉnh Lào Cai họp bàn, thẩm định đủ tiêu chuẩn nhận nhà.

Mỗi hình ảnh, mỗi câu chuyện, thêm một lần nữa gợi lại biểu tượng “lá chắn thép” của người Làng Nủ. Tình láng giềng ấm áp không chỉ sáng lên giữa lúc hoạn nạn, hiểm nguy, mà ngay cả trong những ngày dựng xây cuộc sống mới, họ vẫn nghĩ cho nhau.

Trời dần về tối, ngồi tựa vào cột nhà còn thơm mùi sơn mới, chị Hoàng Thị Gịt bỗng lặng người, nắm chặt đôi bàn tay đang run lên bần bật.

- Ban ngày nhiều người đến còn đỡ, tới tối ai về nhà nấy thì trống vắng lắm. Nhà nào đông nhất thì có bốn người, nhà nào ít thì một người, có nhà thì đồ đầy ra đấy nhưng chẳng có ai ở…

Chị dường như vẫn chưa thôi nhớ nhung về cuộc sống lúc nào cũng rộn rã tiếng cười dù ngày hay tối trước đây. Tất cả những người còn may mắn sống sót ở Làng Nủ cũng vậy. Vết thương lòng do mất mát người thân vẫn còn âm ỉ, bất giác ám ảnh họ trong mỗi giấc mộng.

Ngay sát nhà chị Cảnh là căn nhà số 18 ghi tên “Hoàng Thị Ngọc Lan” chưa có người ở. Lan mới lên 6, mất cả bố, mẹ và hai anh trai sau trận lũ, em đang sống với bà ngoại.

Đâu đó trong những căn nhà mới, vẫn phảng phất những nỗi buồn chưa thể nguôi ngoai như vậy…

Cuộc sống đã có nhiều thay đổi tích cực, nhưng vẫn còn đó những khó khăn, thách thức với người Làng Nủ. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và các chính sách hỗ trợ, cũng như những biện pháp mới trong phát triển nông nghiệp vẫn còn là rào cản, với những người trước đây vốn chỉ quen với ruộng nương, “tự sản tự tiêu”.

Thấu hiểu điều đó, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đang tiếp tục nỗ lực để hỗ trợ người dân Làng Nủ. Các chương trình an sinh xã hội, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tiếp tục được triển khai, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Trong vụ Đông - Xuân, xã đã vận động tuyên truyền, xuống giống được 43ha đất và cây vụ Đông, vượt kế hoạch đề ra, để bù lại những thiếu hụt cho bà con sau lũ. Bên cạnh đó, đưa vào những cây giống và con giống phù hợp với đặc điểm của địa phương, trình độ sản xuất và canh tác của các hộ dân, tạo việc làm và thu nhập. Xã cũng đang có những kiến nghị, đề xuất với cấp trên để có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho thôn Làng Nủ, như: san lấp, cải tạo khu vực thôn bản trước đây để đưa vào đó hoạt động sản xuất, khi bà con đồng thuận, sẽ trở thành những mô hình đẹp sau này.

Bà Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh, cho biết: “Chúng tôi luôn đồng hành cùng người dân Làng Nủ, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó đưa ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp từ đời sống vật chất đến tinh thần”.

Làng Nủ đã đi qua một hành trình đầy gian nan và thử thách. Họ đang nỗ lực từng ngày, mang trong mình niềm tin, hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Một câu chuyện về sự tái sinh kỳ diệu đang dần được viết nên. Ở đó còn là câu chuyện về ý chí kiên cường, sự đoàn kết và lòng nhân ái, cùng sự chung tay của cả cộng đồng, về khát vọng vươn lên trước nghịch cảnh.

Bài viết: Phương Mai

Ảnh, Video: Phương Mai, Lê Phú

Thiết kế: Dũng Choai