Phan Minh Quý, sinh năm 1990, hiện là chủ một xưởng may nhỏ tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Nhìn thao tác chạy máy nhanh thoăn thoắt, không ai nghĩ chàng trai này từng mất hơn 10 năm để tập đi. Sinh ra với một cơ thể lành lặn, sức khoẻ bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng cơn co giật lúc 3 tháng tuổi đã để lại di chứng, khiến Quý mất khả năng đi lại. Những ngày tháng sau đó là hành trình của cả gia đình đi "tìm lại đôi chân" cho cậu con trai út. “Thương con đau bệnh, thấy ai mách ở đâu tốt tôi đều cố gắng đưa con đến thăm khám nhưng không có kết quả. Tuổi thơ con là những ngày bò lê, bò lết. Lúc đấy nhìn con, chỉ lo cho tương lai khi không có bố mẹ bên cạnh”, ông Phan Mạnh Quyên, bố của Quý nhớ lại. Sức khoẻ có phần hạn chế nhưng Quý vẫn được tạo điều kiện để đi học như bạn bè đồng trang lứa. Sáng bố đưa, chiều mẹ đón. Những ngày bố mẹ bận công việc, thầy cô ở trường lại cõng cậu học trò nhỏ về đến nhà. Cứ như thế, Quý lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè và thầy cô. Tưởng chừng quãng đời học sinh sẽ mãi phải đến trường bằng đôi chân của bố mẹ nhưng may mắn đã mỉm cười với Quý. Năm 2000, Quý được UNICEF tài trợ mổ miễn phí. Sau ba lần lên bàn mổ và ròng rã một năm điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu, Quý đã có thể chập chững đi lại trong nhà. Năm 2002, lần đầu tiên Quý tự đi bộ đến trường. Đến năm lớp 7, Quý bắt đầu tập xe đạp. Quý mất 3 tháng để vững tay lái sau khi hai khuỷu tay đầy vết bầm tím. |
bước ngoặt cuộc đời Thành tích học tập của Quý luôn nằm trong nhóm khá và giỏi của lớp, vì thế ai cũng bất ngờ khi Quý xin nghỉ học sau khi hoàn thành xong chương trình lớp 10. “Thực tình lúc đó mình rất nóng lòng muốn được khẳng định bản thân. Mình muốn chứng minh rằng mình hoàn toàn có thể làm được những công việc như người bình thường”, Quý chia sẻ về quyết định đã tạo bước ngoặt cuộc đời. |
Gia đình tất nhiên không ủng hộ. Quý trốn nhà với số tiền mừng tuổi chưa đến 700 nghìn. Anh bắt xe khách đến khu công nghiệp Hoà Xá, Nam Định. Không có nghề, thể trạng vốn không tốt, Quý xin làm ở rất nhiều nơi nhưng đều bị từ chối. Sau cùng, anh được một xưởng gỗ nhận vào làm thợ đánh giấy ráp, phun sơn. Công việc đầu đời phải thường xuyên phơi nắng ngoài sân mà thu nhập không ổn định đã khiến Quý nhận ra cuộc sống không hề dễ dàng. Năm 2011, biết xưởng may của cô Sáu Toản (huyện Yên Mô, Ninh Bình) nhận dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật, Quý trở về quê, xin học và bắt đầu gắn bó với nghề may từ đó. “Sau công việc đầu tiên, mình vẫn tin vào cơ hội cho những người khuyết tật nhưng có lẽ cánh cửa đó hẹp hơn mình nghĩ. May mắn gặp được cô Sáu Toản, một người khuyết tật nghị lực. Cô đã truyền cho mình rất nhiều động lực để mình vững tin rằng những người kém may mắn hoàn toàn có thể đi trên chính đôi chân của họ và tạo ảnh hưởng tốt cho xã hội”, Quý chia sẻ. 6 tháng khổ luyện, có những ngày chạy máy quên ăn, tay nghề của Quý dần cứng cáp. Anh quyết định trở lại Nam Định một lần nữa để xin việc. Nhưng, một lần nữa, thực tế khiến anh chạnh lòng. Anh đi đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu của nhà tuyển dụng. “Xin việc là một hành trình gian nan, thử thách sự kiên nhẫn và bản lĩnh của người khuyết tật. Mọi người thực sự phải vượt qua được mặc cảm, lời bàn tán và hàng chục lần bị trả hồ sơ vì cùng một lí do: Ở đây không nhận người khuyết tật. Phải thẳng thắn chấp nhận bản thân mình trước, nếu không rất dễ bị tổn thương”, Quý trải lòng. |
công nhân đặc biệt giữa 15.000 nhân sự Sau nhiều lần thất bại, Quý nộp đơn vào Công ty TNHH Youngone, nơi có tới 15.000 công nhân. Mặc dù phòng nhân sự từ chối nhưng câu chuyện của anh lại đến được với quản đốc. Người này báo cáo lãnh đạo công ty về trường hợp của Quý và đích thân vị giám đốc người Hàn Quốc đã xuống nhà máy để kiểm tra tay nghề. Trước hội đồng, Quý bình tĩnh hoàn thành bài kiểm tra, đạt yêu cầu tuyển dụng của công ty. Lần đầu tiên công ty có một thợ may là người khuyết tật. Gắn bó với công ty 4 năm, Quý xin nghỉ việc và thử sức ở nhiều công việc khác: Đi hát thuê, chế tác mỹ nghệ… “Thu nhập ở công ty cũ ổn định, so với mặt bằng chung không phải là một mức lương thấp nhưng mình vẫn trăn trở vì muốn được đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng người khuyết tật nên quyết định nghỉ làm, tìm cơ hội mới”, Quý giải thích cho quyết định của bản thân lúc đó. |
quyết định khởi nghiệp Đến năm 2019, Quý xin làm thuê cho một công ty. Chưa được bao lâu thì dịch bệnh bùng phát. Tháng 4/2020, công ty cho nghỉ làm tạm thời theo yêu cầu giãn cách xã hội. Không phải là người an phận, một lần nữa Quý xin nghỉ và xin phép gia đình tự mở xưởng may của riêng mình. “Dịch bệnh bùng phát, mình nghĩ sẽ có rất nhiều người khuyết tật gặp khó khăn khi đi xin việc nên mình quyết định bắt đầu khởi nghiệp ở thời điểm đó”, Quý chia sẻ. |
Những năm tháng lăn lộn với nhiều công việc khác nhau, Quý đã tích cóp được một số vốn kha khá. Chi phí mở xưởng khoảng 6-700 triệu nằm trong dự tính Quý nhưng trong quá trình hoàn thiện, con số phát sinh lên đến 800 triệu. Để giảm thiểu chi phí, Quý và bố làm phụ hồ cho ba công nhân xây dựng nhà xưởng. Gần đến ngày khai trương, Quý đến từng nhà vận động người khuyết tật theo danh sách xin từ chính quyền địa phương huyện Nho Quan. Anh nhớ lại những ngày ngược xuôi: “Mình ấp ủ mở xưởng may cho anh chị em khuyết tật từ lâu rồi. Mình muốn có một chỗ dạy nghề cho người khuyết tật và cả người bình thường. Vừa dạy nghề vừa trao cho họ cơ hội việc làm vì mình biết, với người khuyết tật, có nghề thôi là chưa đủ.” Chia sẻ về những ngày đầu phải “xin” công nhân đi làm, dù mức lương trả không hề thấp, anh nói: “Nhiều người khuyết tật không muốn hoà nhập với cộng đồng vì mặc cảm, nhiều người lại quen với sự ưu tiên, chăm sóc đặc biệt của gia đình nên khi mình đến vận động, họ muốn được đưa đón và có chính sách đãi ngộ riêng. Để tuyển dụng được người lao động khuyết tật, không phải chuyện đơn giản”. Trong lúc đó, Quý gặp được anh Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Ninh Bình. Quý được anh Chính trao đổi về cách nắm bắt tâm lý của người khuyết tật, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ về các thủ tục pháp lý. |
Ngày 10/10/2020, xưởng may của Quý chính thức khai trương. 3-4 tháng đầu, đơn hàng chưa có, mọi người lại không biết việc, Quý chấp nhận bỏ tiền nuôi cơm trưa để giữ chân công nhân. Sau đó, xưởng bắt đầu có những đơn hàng nhỏ, trị giá vài trăm nghìn rồi dần dần đơn hàng đều, công việc vào guồng ổn định. Thời điểm đông nhất, xưởng có 15 nhân sự, trong đó có 3 người khuyết tật. Tuy nhiên, do người khuyết tật có những hạn chế về sức khoẻ nên nhân sự của xưởng thường xuyên biến động. Đến nay, xưởng có 8 công nhân, trong đó có 2 người khuyết tật. Dù đơn hàng ít hay nhiều, nhân sự thay đổi, Quý luôn cố gắng đảm bảo lương tối thiểu của mỗi lao động đạt 4 triệu/tháng. Với những công nhân có tay nghề cao, đi làm đầy đủ, thu nhập hằng tháng có thể lên đến hơn 7 triệu. Trải qua một đợt dịch, Quý đã có kinh nghiệm hơn trong việc chèo lái doanh nghiệp. Anh vừa duy trì sản xuất các đơn hàng truyền thống, vừa sản xuất các mặt hàng thời vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường như mũ, khẩu trang, găng tay,… Bên cạnh đó, anh chủ động tìm kiếm đối tác tại nhiều tỉnh, thành. |
Chia sẻ về hơn một năm khởi nghiệp, Quý nhớ lại một kỷ niệm: “Trước đây xưởng có nhận một bạn nam có tiền sử động kinh. Sau khi trao đổi rất kỹ với gia đình, biết chu kỳ phát bệnh chỉ 1-2 lần trong tháng, mình nghĩ hoàn toàn có thể giúp đỡ và đồng hành cùng bạn. Trong quá trình học việc, bạn ấy rất cố gắng nhưng tần suất phát bệnh ngày một dày. Đỉnh điểm nhất, có đợt bạn lên cơn 3 ngày liền. Công nhân trong xưởng ai cũng hoảng loạn, mọi người thay nhau giữ tay và chân. Công việc bị đình trệ hoàn toàn. Cuối cùng, mình đành phải đến gặp gia đình bạn để xin lỗi và cho bạn nghỉ việc. Đấy là trường hợp đầu tiên và cũng là duy nhất đến thời điểm này mình từ chối nhận vào đào tạo. May mắn là chuyện nghỉ việc lần đó không ảnh hưởng quá nhiều đến tâm lý của bạn. Giờ hai anh em vẫn duy trì liên lạc, trò chuyện thường xuyên. Nếu có hàng làm tại nhà, mình vẫn hứa sẽ gửi đến cho bạn”. Anh Quý tiếp lời: “Trong xưởng, có một công nhân mà mình rất thân thiết. Đó là anh Lý Văn Đồng, sinh năm 1986. Anh Đồng bị khuyết tật vận động và gặp khó khăn trong giao tiếp. Anh nói chuyện không được mạch lạc, rõ ràng nhưng vượt qua những khiếm khuyết đó, với sự kiên trì và nỗ lực của bản thân, anh Đồng giờ là một trong những công nhân lành nghề nhất trong xưởng. Anh chính là một trong những công nhân khuyết tật đầu tiên của xuởng và gắn bó đến bây giờ”. |
Anh Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Ninh Bình phấn khởi cho biết: “Mình tự hào khi những người em, người bạn kém may mắn trở thành những người được xã hội công nhận và đánh giá cao. Trên hành trình của Quý, mình có đóng góp ý kiến, giúp đỡ và định hướng cho em. Mình rất vui vì đã nhìn đúng người có tài và có tâm”. Mới đây, Quý đã nhận một đơn hàng lớn, đảm bảo công việc cho công nhân đến mùa hè năm sau. Quý cũng chia sẻ, dù công việc nhiều lúc rất bận nhưng luôn để trống 2-3 máy để bất cứ khi nào có các bạn khuyết tật đến xin học nghề, xưởng luôn rộng cửa chào đón. |
Ngọc Châm
|