
Công đoàn – nơi anh bắt đầu với một giấc mơ khác
Anh Nguyễn Thành Đạt sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng biến cố cuộc đời đã đưa anh đến với công việc công nhân – nơi những ca làm tám tiếng trong môi trường bụi bặm và nặng nhọc khiến anh nhiều lúc hoang mang, lạc lõng.
Thế nhưng, trong anh luôn âm ỉ một khát khao được thể hiện, được vươn lên và trở thành một người thủ lĩnh. Từ vị trí tổ phó đến tổ trưởng, anh dần nhận ra: người công nhân không chỉ cần thu nhập, mà còn cần niềm vui, sự gắn bó và định hướng trong công việc – điều chỉ có một tổ chức đủ thấu hiểu và đủ mạnh mới có thể mang lại: đó là Công đoàn.
Bước ngoặt đến vào một buổi tối, khi công ty chuẩn bị điều chỉnh chế độ làm thêm giờ – vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của anh và đồng nghiệp. Trong nỗi lo lắng, anh Đạt lần đầu tham dự một buổi họp Công đoàn – điều mà trước đó anh chưa từng quan tâm. Nhưng cũng chính tại đây, lần đầu tiên anh cảm nhận được sự lắng nghe, tôn trọng và đồng hành thực sự. Những cán bộ Công đoàn không chỉ phân tích rõ tình hình, mà còn đưa ra phương án bảo vệ quyền lợi người lao động. Từ buổi họp ấy, một ngọn lửa nhỏ đã được thắp lên trong anh.
![]() |
Anh Nguyễn Thành Đạt - Trưởng phòng Hành chính Nhân sự, kiêm Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Tân Nam Trung. Ảnh: ĐVCC |
Từ tò mò, anh chuyển sang tìm hiểu sâu về vai trò của Công đoàn – từ ngỡ ngàng đến thấu hiểu và cuối cùng là đồng hành. Anh nhận ra, Công đoàn không phải là một tổ chức hành chính khô khan như anh từng nghĩ, mà là một “vòng tay” vững chắc, là chỗ dựa của người lao động mỗi khi gặp khó – từ pháp lý đến tinh thần, từ đời sống đến công việc.
Không chỉ dừng lại ở việc tham gia, anh Đạt chủ động dấn thân vào công tác Công đoàn. Không ai giao việc, anh vẫn sẵn sàng xắn tay áo, hỗ trợ từng hoạt động, học hỏi từ những người đi trước. Anh không ngồi yên ở hàng ghế mát mẻ mà tìm đến nơi ban tổ chức đang đổ mồ hôi chuẩn bị chương trình. Anh bị cuốn hút bởi sự chuyên nghiệp của người dẫn chương trình, bởi sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các báo cáo viên, và cả bởi chính sự nhiệt huyết, giản dị của những người làm Công đoàn – những con người “chân chính” với đôi lúc áo quần xộc xệch nhưng ánh mắt sáng rực đam mê. Đó là cách anh trưởng thành – trong âm thầm, học hỏi và chiêm nghiệm. Từ đó, hình mẫu “người làm Công đoàn chân chính” trở thành kim chỉ nam cho anh: không hào nhoáng, nhưng bền bỉ, trách nhiệm và dám hy sinh.
Trên cương vị tổ trưởng, rồi cán bộ Công đoàn, anh Đạt đã đóng góp nhiều sáng kiến: mô hình “Ba không, ba có” và phong trào “Mỗi công nhân là một người KCS” – thúc đẩy tinh thần tự kiểm tra chất lượng sản phẩm ngay trong quá trình sản xuất. Anh đứng sau nhiều hoạt động văn hóa, phong trào thi đua, chương trình chăm lo đời sống công nhân – luôn âm thầm hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng nghiệp tỏa sáng.
Anh chọn lùi một bước – để tập thể tiến lên. Không chọn đứng trên bục nhận bằng khen, anh hạnh phúc khi thấy đồng nghiệp được vinh danh. Dù không có tên trong danh sách khen thưởng, anh vẫn luôn có mặt ở hậu trường, lo từng phần việc không ai thấy. Anh tham gia nhiều hoạt động của Công đoàn cấp trên không chỉ để góp sức, mà để quan sát, học hỏi cách xây dựng một chương trình, để hiểu rõ từng chi tiết nhỏ làm nên thành công. Niềm vui của anh là được tiếp cận tri thức, được chứng kiến những người làm Công đoàn cống hiến hết mình, dù phải đổ mồ hôi, dù đôi khi phải hy sinh cả sự thảnh thơi.
Ở doanh nghiệp, tên anh có thể chưa được nhắc đến, nhưng dấu ấn của anh hiện diện trong sự đoàn kết, tinh thần gắn bó của tập thể. Anh lùi về phía sau không vì thiếu năng lực, mà bởi anh hiểu: người thắp lửa cần kiên nhẫn, cần tinh tế, và cần biết đặt cái tôi sang một bên.
Anh Đạt đặc biệt quan tâm đến bình đẳng giới, chủ động thúc đẩy vai trò của lao động nữ trong công ty, tạo điều kiện để họ được bầu chọn vào các vị trí quản lý. Với anh, Công đoàn không chỉ là nơi đại diện quyền lợi người lao động, mà còn là nơi gieo mầm cho một môi trường làm việc công bằng – nơi mọi người, bất kể giới tính hay hoàn cảnh, đều có cơ hội phát triển như nhau.
Mỗi cán bộ Công đoàn là một chuyên viên công tác xã hội
Tại Việt Nam, đã có nhiều hội thảo khoa học quốc tế xoay quanh chủ đề “Công tác xã hội với người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong bối cảnh hội nhập quốc tế” – một minh chứng rõ nét cho sự gắn bó giữa an sinh xã hội và công tác xã hội. Trong đó, tổ chức Công đoàn chắc chắn sẽ là cánh tay nối dài và đặt lực trong công cuộc này. Bởi lẽ, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên hiện chiếm khoảng 52,94% dân số Việt Nam (tương đương 53,2 triệu người trong tổng số 100,5 triệu người – theo số liệu quý IV/2024). Đây là nguồn lực khổng lồ cần được bảo vệ, hỗ trợ và tiếp sức bằng những phương pháp bài bản, nhân văn.
Theo anh Nguyễn Thành Đạt - Trưởng phòng HCNS kiêm trợ lý Giám Đốc tại Công ty, công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người lao động giải quyết những khó khăn trong cuộc sống và môi trường làm việc. Đây là ngành nghề tập trung vào việc chăm lo cho những đối tượng yếu thế, giúp họ tự tin đưa ra quyết định cho chính cuộc đời mình, góp phần tạo dựng một xã hội công bằng và giàu lòng nhân ái.
![]() |
Anh Nguyễn Thành Đạt (áo đen) cùng đồng nghiệp. Ảnh: ĐVCC |
Trong môi trường doanh nghiệp, những đối tượng yếu thế ấy là ai? Đó có thể là phụ nữ – đặc biệt là phụ nữ mang thai, người khuyết tật, người đang gặp vấn đề sức khỏe hoặc hoàn cảnh cá nhân cản trở công việc. Đó cũng có thể là những người gặp khó khăn về tâm lý, tài chính, hoặc vướng mắc trong mối quan hệ đồng nghiệp. Công tác xã hội trong doanh nghiệp góp phần hỗ trợ họ vượt qua rào cản, đồng thời giải quyết các mâu thuẫn nội bộ, nâng cao tinh thần đoàn kết, ổn định và phát triển nguồn nhân lực.
Cũng giống như ngành công tác xã hội, người làm Công đoàn cần tuân thủ những chuẩn mực đạo đức: tôn trọng quyền con người, bảo mật thông tin, không phân biệt đối xử... Trong một xã hội phát triển nhanh chóng như hiện nay, hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần sát cánh bên nhau – để “không một ai bị bỏ lại phía sau” – một tinh thần cao đẹp đã in sâu trong truyền thống của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời. Anh Nguyễn Thành Đạt tin rằng, đó cũng chính là giá trị cốt lõi mà Công đoàn hướng đến.
Một dự án hay một hoạt động hỗ trợ đúng cách phải tránh tư duy "làm thay" hay "cho sẵn", mà thay vào đó là trao cơ hội, tiếp sức đúng lúc và đúng cách – như hình ảnh “trao cần câu, không trao con cá”. Anh Đạt luôn tin rằng Công đoàn có thể trở thành cầu nối giúp người lao động yếu thế tìm lại giá trị bản thân, vượt lên hoàn cảnh, lan tỏa tinh thần nhân ái và khẳng định thông điệp: Không ai bị bỏ lại phía sau.
Từng là một “bụi than” – lặng lẽ, khiêm nhường giữa guồng quay công nghiệp – anh Nguyễn Thành Đạt đã vươn mình thành “ánh lửa” từ trong lớp bụi ấy. Ánh lửa ấy không chỉ soi đường cho riêng anh, mà còn sưởi ấm cho biết bao đồng nghiệp. Giờ đây, trên cương vị Trưởng phòng Hành chính Nhân sự kiêm Trợ lý Giám đốc tại Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Tân Nam Trung, anh Đạt vẫn giữ nguyên tinh thần của một “Người Công đoàn chân chính” – tận tụy, trách nhiệm, và không ngừng lan tỏa những giá trị nhân văn.
![]() |
Anh Nguyễn Thành Đạt (đeo kính) trong một chương trình hoạt động của Công đoàn. Ảnh: ĐVCC |
Công đoàn và công tác xã hội – hai khái niệm tưởng chừng khác biệt – nhưng lại giao thoa trong cùng một sứ mệnh: hỗ trợ, bảo vệ và nâng bước người lao động. Từ nhận thức đó, anh Đạt luôn đau đáu với một mong muốn: “Mỗi cán bộ Công đoàn sẽ là một chuyên viên công tác xã hội” – am hiểu con người, đồng hành đúng cách, lan tỏa lòng trắc ẩn bằng hành động thiết thực.
Hành trình từ “bụi than” đến “ánh lửa Công đoàn” là một chặng đường dài – đòi hỏi học hỏi không ngừng, cả trong sách vở lẫn thực tiễn. Từ một người công nhân chập chững bước vào đời, đến vị trí lãnh đạo đội nhóm và hiện nay là người kiến tạo môi trường lao động nhân văn – anh luôn giữ vững sứ mệnh: thắp lên ánh lửa Công đoàn, tiếp thêm động lực cho những phận đời khó khăn, để họ không bị bỏ lại phía sau.
Anh Nguyễn Thành Đạt tự xác định và sẵn sàng gánh vác trên vai sứ mệnh đó – bằng sự tử tế, bền bỉ và đam mê. Với niềm vinh dự là một đoàn viên ưu tú, ước mơ của anh không chỉ là trở thành cán bộ Công đoàn tiêu biểu, mà còn là người đồng hành, người truyền lửa, người mà mọi người có thể tin tưởng và dựa vào. Hành trình ấy đang được anh viết tiếp – mỗi ngày – bằng chính phẩm chất của một “Người Công đoàn chân chính” mà anh hằng theo đuổi.
Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ V do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cổ vũ những trường hợp đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn chăm lo, bảo vệ thiết thực, hiệu quả; nhờ đó có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống. Thông qua bài viết nêu bật nỗ lực của tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi đại diện bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; góp phần khẳng định Công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động. Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: vongtaycongdoan.ldcd@gmail.com |
Tin mới hơn

Người hiệu trưởng truyền cảm hứng từ những điều giản dị

Vòng tay công đoàn trong tâm bão

Công đoàn Z129 – Điểm tựa vững chắc của người lao động trong “làng quân giới”
Tin tức khác

Vòng tay Công đoàn: Chắp cánh khát vọng đường dây 500kV mạch 3

"Mái ấm công đoàn" nuôi dưỡng những trái tim yêu nghề

Những vòng tay không khoảng cách

Người "thắp lửa yêu thương" trong ngôi nhà công đoàn

Sức mạnh đoàn kết từ màu áo xanh công đoàn
