Từ 1/1/2021, lương của chồng có thể chuyển thẳng vào tài khoản vợ: cần hiểu đúng
Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội, nhiều người chia sẻ các thông tin hoặc các bài viết như: “Từ ngày 01/01/2021, tiền lương của chồng có thể chuyển thẳng vào tài khoản của vợ” hay “Từ ngày 01/01/2021, vợ có thể được nhận lương thay chồng”. Điều này khiến nhiều người hiểu rằng theo quy định mới, mỗi người lao động được lựa chọn chuyển lương cho vợ hoặc người khác. Tuy nhiên, để có thể chuyển lương của chồng cho vợ còn phải có những điều kiện cần và đủ khác. |
Thông tin lương của chồng có thể chuyển thẳng cho vợ được phụ nữ quan tâm trong những ngày qua |
Vợ có thể là người được ủy quyền hợp pháp Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định: “Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”. Như vậy, theo quy định trên, vợ có thể là người được ủy quyền hợp pháp để nhận lương của chồng và tiền lương của chồng có thể được chuyển thẳng vào tài khoản vợ. Để lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ phải đáp ứng các điều kiện: chồng (người lao động) không thể nhận lương trực tiếp; vợ là người được chồng ủy quyền hợp pháp; chồng đăng ký số tài khoản của vợ để nhận lương. Việc ủy quyền này có thể được thông báo bằng văn bản hoặc email cho người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, Điều 94 Bộ Luật Lao động 2019 cũng quy định: Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định. Về hình thức trả lương, Bộ luật Lao động 2012 quy định khi trả lương qua tài khoản, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về các loại phí liên quan đến việc mở và duy trì tài khoản. Bộ luật Lao động 2019 quy định: Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Và lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương. |
Vợ có thể là người được ủy quyền hợp pháp để nhận lương của chồng |
Cần hiểu đúng Trở lại quy định tại Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019: “Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”. Cần hiểu đúng như sau: - Thứ nhất, người lao động không thể nhận lương trực tiếp, có nghĩa là chỉ khi người lao động không thể nhận lương trực tiếp, như bị bệnh, nằm viện… không thể đến công ty nhận lương được mà phải cần người nhận thay thì mới được ủy quyền (đây là điều kiện cần). Nếu chồng khỏe mạnh, đủ khả năng để đến công ty nhận lương nhưng vợ khuyên chồng không đến công ty nhận lương mà ủy quyền cho vợ, yêu cầu công ty chuyển tiền lương của chồng qua tài khoản của vợ thì không thỏa mãn điều kiện cần này. - Thứ hai, người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp, có nghĩa là cho dù đáp ứng điều kiện cần nêu trên nhưng người sử dụng lao động từ chối trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp thì cũng không được nhận lương thay; vì luật quy định là có thể chứ không quy định bắt buộc. Chỉ khi người sử dụng lao động đồng ý trả lương cho người nhận thay theo ủy quyền thì mới được nhận thay (đây là điều kiện đủ). Thực tế, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi chính đáng của người lao động, tránh các hệ lụy tranh chấp rắc rối về tiền thì nhiều cơ quan, doanh nghiệp không cho người khác nhận thay tiền lương của người lao động; nếu người lao động bị bệnh không thể đến công ty nhận lương thì công ty cử người đến phát lương tận tay người lao động. Trong trường hợp này, các công ty từ chối trả lương cho người nhận thay là phù hợp với thực tế và đúng quy định của pháp luật. Không phải đến ngày 01/01/2021, người được người lao động ủy quyền hợp pháp mới được nhận lương thay người lao động. Ở thời điểm hiện tại, nếu người lao động không thể đến công ty nhận lương trực tiếp và công ty đồng ý để người được người lao động ủy quyền nhận lương thay thì công ty vẫn chuyển lương cho người nhận thay. |
Để có thể chuyển lương của chồng cho vợ phải có điều kiện cần và đủ |
Bài: Mai Liễu