e magazine
20/11/2020 17:38
TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên: “Nhiễm độc thiếc có thể xảy ra từ lâu rồi”

20/11/2020 17:38

Theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, vụ nhiễm độc thiếc xảy ra tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam (Hải Dương) là vụ nhiễm độc thiếc đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện, dù rất khó khăn trong chẩn đoán. Tuy nhiên, ông cho rằng: “Nhiễm độc thiếc có thể xảy ra từ lâu rồi, từ thời kỳ chúng ta mở cửa nền kinh tế, chứ không phải mới”.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên: “Nhiễm độc thiếc có thể xảy ra từ lâu rồi”

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên:

“NHIỄM độc thiếc có thể xảy ra từ lâu rồi”

Theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, vụ nhiễm độc thiếc xảy ra tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam (Hải Dương) là vụ nhiễm độc thiếc đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện, dù rất khó khăn trong chẩn đoán. Tuy nhiên, ông cho rằng: “Nhiễm độc thiếc có thể xảy ra từ lâu rồi, từ thời kỳ chúng ta mở cửa nền kinh tế, chứ không phải mới”.

“Vấn đề là tại sao bây giờ mới phát hiện ra? Bởi nó xảy ra theo cụm, theo nhóm bệnh nhân nên mới phát hiện ra, tuy không dễ chẩn đoán. Nếu nhiễm độc thiếc xảy ra lẻ tẻ sẽ rất khó chẩn đoán vì nó dễ nhầm lẫn với rất nhiều bệnh”, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên nói thêm.

Ông cho biết, thời điểm các công nhân Công ty Quảng Phong Việt Nam nhập viện có những biểu hiện rối loạn tâm thần, kích động, mất trí nhớ, hôn mê, yếu cơ... khiến việc chẩn đoán của các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu các bác sĩ xác định là một vụ ngộ độc, hoặc bệnh nhiễm trùng bởi vụ việc xảy ra theo cụm, có nhiều người cùng triệu chứng.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên: “Nhiễm độc thiếc có thể xảy ra từ lâu rồi”

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

Dù đã kiểm tra nguyên nhân nhiễm trùng và tiến hành xét nghiệm các chất độc thường gặp; tiến hành hội chẩn với các bác sĩ, chuyên gia nước ngoài chuyên về y học lao động, bệnh nghề nghiệp… nhưng vẫn không phát hiện được nguyên nhân.

“Chúng tôi khá lo lắng, nhất là thời điểm ấy đã có 1 ca tử vong, các ca còn lại đang rất nặng. Chúng tôi tiến hành cho lọc máu cấp cứu các bệnh nhân, sau đó thấy họ dần hồi phục. Sau đó thì loay hoay tìm nguyên nhân, tra cứu nhiều tài liệu nước ngoài và may mắn tìm được một cụm ca bệnh có liên quan đến công việc sản xuất nhựa ở Trung Quốc. Các bệnh nhân này họ bị nhiễm độc thiếc hữu cơ, với các triệu chứng rất giống. Với sự giúp đỡ của Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bệnh nhân được chỉ định và làm xét nghiệm định lượng kim loại thiếc. Kết quả nồng độ thiếc trong máu, nước tiểu rất cao. Qua đó khẳng định các bệnh nhân nhiễm độc thiếc”, TS.BS. Nguyên kể lại.

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên: “Nhiễm độc thiếc có thể xảy ra từ lâu rồi”

Anh Nguyễn Kim Cương trong thời gian điều trị nhiễm độc thiếc tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Được biết, qua vụ việc ở Hải Dương, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng phát hiện ra những ca nhiễm độc thiếc ở các địa phương khác và đang tìm nguồn nhiễm nhưng chưa xác định được. Hiện tại Trung tâm cũng đang điều trị một trường hợp nhiễm độc thiếc, song chưa rõ nguồn nhiễm độc. Nạn nhân bị tổn thương não, liệt. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến thận, hạ kali máu, nhiễm toan và tổn thương các vị trí khác.

Nói về mức độ nguy hiểm của nhiễm độc thiếc, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Các nạn nhân nhiễm độc thiếc may mắn thì hồi phục, nếu nặng quá thì sẽ dai dẳng hơn, thậm chí dẫn đến di chứng mù mắt, liệt và có thể tử vong...”

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên: “Nhiễm độc thiếc có thể xảy ra từ lâu rồi”
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên: “Nhiễm độc thiếc có thể xảy ra từ lâu rồi”

Anh Nguyễn Kim Cương sau thời gian cấp cứu điều trị do nhiễm độc thiếc vẫn phải đi khám định kỳ để theo dõi sức khỏe

Theo TS.BS. Nguyên, khi thiếc ra khỏi cơ thể, hoặc trở về nồng độ thấp có thể chấp nhận được, không còn tổn thương trên người, về cơ bản sẽ hết độc, nhưng cũng không lường trước được vì đó là chất mới, phải theo dõi cẩn thận. Bởi vì có những chất ra hết khỏi cơ thể rồi nhưng vẫn còn để lại hậu quả về sau. Ông khuyến cáo các bệnh nhân được điều trị nhiễm độc thiếc sau khi xuất viện cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, theo dõi sức khỏe và kiểm tra định kỳ.

“Quan trọng nhất là phải ngừng tiếp xúc với thiếc. Đấy là nguyên tắc. Nhiệm vụ của công ty gây ra nhiễm độc thiếc là phải đảm bảo an toàn cho môi trường lao động. Các cơ quan chức năng phải vào cuộc chấm dứt tình trạng trên, chứ không nên để doanh nghiệp vì lợi nhuận mà đánh đổi sức khoẻ của người lao động”, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên nói.

Thiếc gồm có thiếc dạng nguyên thể kim loại, các hợp chất thiếc vô cơ và các hợp chất thiếc hữu cơ. Thiếc kim loại và thiếc vô cơ về cơ bản không độc. Các hợp chất thiếc hữu cơ có độc tính rất cao, rất dễ hấp thu qua đường hô hấp, qua da và qua đường tiêu hóa.

Độc nhất là các hợp chất thiếc triethyl và thiếc trimethyl. Đây là các hợp chất có một công dụng là làm chất ổn định nhựa (plastic stabilizer), ổn định nhiệt (heat stabilizer), được cho vào nhựa giúp nhựa bền vững với nhiệt.

Nhiễm độc thiếc hữu cơ gây nhiều tổn thương nặng ở các cơ quan, bao gồm não (gây các rối loạn tâm thần kinh và tổn thương chất trắng), tổn thương gan, thận, miễn dịch, máu…

Ý YÊN

Xem phiên bản di động