e magazine
19/11/2020 14:47
Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An không ngừng vươn lên

19/11/2020 14:47

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An đã từng bước vươn lên khẳng định vị thế trong đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An và khu vực. Không thể kể hết các thế hệ học sinh của nhà trường đã trở thành những thợ cả, hạt nhân, giáo viên truyền nghề và chủ doanh nghiệp. Dù ở nơi đâu, học sinh của trường cũng khẳng định được niềm đam mê với nghề đã chọn.
Không ngừng vươn lên để khẳng định vị thế

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An đã từng bước vươn lên khẳng định vị thế trong đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An và khu vực. Không thể kể hết những thế hệ học sinh của nhà trường đã trở thành thợ cả, hạt nhân, giáo viên truyền nghề và chủ các doanh nghiệp. Dù ở nơi đâu, học sinh của nhà trường cũng khẳng định được niềm đam mê đối với nghề đã chọn.

Nơi giáo viên và học sinh tâm huyết với nghề

Nhiều năm có cơ hội làm việc với Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An nên tôi luôn ấn tượng về ngôi trường có nhiều điều đặc biệt này. Đó là nơi những học sinh còn ít tuổi đến từ các vùng còn nhiều khó khăn nhưng sớm ý thức việc học nghề để có việc làm, có thu nhập hỗ trợ cho gia đình; đó là những dãy nhà học đã cũ nhưng luôn có đủ học sinh cần mẫn thực hành, là những phòng học vui nhộn tiếng bào cưa, tiếng đục điêu khắc, tiếng máy may. Tất cả không gian, không khí học tập và thực hành luôn toát lên sự tỉ mỉ, cầu kỳ như thổi hồn vào từng sản phẩm, cuốn hút người xem.

Tôi vẫn nhớ về Vi Thị Diệu Vui, cô học sinh của trường đã mang về giải Nhất đầu tiên cho Nghệ An sau 10 năm chờ đợi tại kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ X năm 2018. Câu nói của Diệu Vui khiến tôi ấn tượng và cảm mến về tình yêu nghề được hun đúc từ lòng biết ơn và niềm tự hào đối với ngôi trường theo học. Diệu Vui nói rằng: "Là người con gái dân tộc Thái, em thấy mình may mắn vì được thừa hưởng truyền thống thêu thùa, dệt vải của gia đình, thôn bản. Và may mắn thứ hai là từ cô bé nhút nhát đến từ huyện miền núi, em đã được nhà trường đào tạo, rèn luyện cho kiến thức, kỹ năng, sự tự tin và niềm đam mê với nghề. Sự tâm huyết của các giáo viên và uy tín của nhà trường đã cho em niềm tự hào để sải bước đi muôn nẻo làm nghề".

Không ngừng vươn lên để khẳng định vị thế
Không ngừng vươn lên để khẳng định vị thế
Không ngừng vươn lên để khẳng định vị thế

Học sinh của nhà trường đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi tay nghề cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, tại kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ XI năm 2020, Lô Thị Tình, cô học sinh của Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An đã đạt giải Nhì nghề Công nghệ thời trang. Một cuộc thi đầy khó khăn, thách thức và Lô Thị Tình đã vinh dự mang giải thưởng về cho tỉnh Nghệ An. Thành tích của Lô Thị Tình xứng đáng cho những tháng ngày miệt mài học nghề. Đồng thời là minh chứng cho chất lượng đào tạo của nhà trường đang ngày càng vươn cao.

Lô Thị Tình chia sẻ: “Dù trước đó đã được tập luyện dày đặc để “cọ xát” tại các cuộc thi tay nghề giỏi cấp tỉnh và đạt giải nhất nhưng khi đến với cuộc thi cấp quốc gia, sự cạnh tranh và áp lực vượt ra ngoài sự hình dung của em. Các bạn dự thi đều đến từ các trường đào tạo có tiếng trong cả nước, cuộc thi diễn ra liên tục trong cả tuần, trải qua rất nhiều vòng thi và có rất đông các thành viên ban giám khảo. Để chiến thắng được các thí sinh khác trong phần thi Công nghệ thời trang thực sự không dễ dàng. Em thấy tự hào về kết quả đã đạt được”.

Không ngừng vươn lên để khẳng định vị thế
Không ngừng vươn lên để khẳng định vị thế
Không ngừng vươn lên để khẳng định vị thế
Không ngừng vươn lên để khẳng định vị thế

Cô Nguyễn Thị Như Trang - Trưởng khoa May và Thiết kế thời trang, Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An.

Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, hướng dẫn học sinh dự thi kỹ năng nghề quốc gia, cô Nguyễn Thị Như Trang - Trưởng khoa May và Thiết kế thời trang, Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An chia sẻ: “Để đạt kết quả cao trong kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia đối với một học sinh còn ít tuổi, theo học hệ trung cấp như em Lô Thị Tình là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của cô và trò nhà trường. Bởi các em không chỉ có niềm đam mê, sự tâm huyết và tay nghề mà còn được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Mỗi năm, có rất nhiều học sinh theo học nghề May và Thiết kế thời trang tại nhà trường. Đây là nghề có cơ hội việc làm cao và thu nhập ổn định. Rất đông học sinh của nhà trường hiện đang làm việc cho các công ty lớn chuyên về may mặc trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh, thành trong cả nước”.

Tại căn phòng nhỏ là văn phòng của khoa May và Thiết kế thời trang, cô Nguyễn Thị Như Trang luôn tự hào giới thiệu với mọi người về các bộ trang phục đạt giải của học sinh. Cô say sưa nói về màu sắc, kiểu dáng, chất vải, sự tỉ mỉ khi thiết kế và may một bộ trang phục; về những trăn trở, đổi mới phương pháp dạy học nghề May và Thiết kế thời trang. Người xem luôn cảm nhận rõ sự đam mê và tâm huyết của cô dành cho nghề, dành cho học sinh và điều đó được lan tỏa trong nhà trường như cô chia sẻ, rằng nhà trường đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau và tất cả giáo viên ai cũng miệt mài truyền nghề và truyền tải tinh thần đó đến với học sinh. Tập thể cán bộ, giáo viên luôn coi trọng chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường”.

Không ngừng vươn lên để khẳng định vị thế

Cô Nguyễn Thị Như Trang có nhiều năm giảng dạy, hướng dẫn học sinh dự thi kỹ năng nghề quốc gia.

Cũng tại kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia năm 2020, Lê Ngọc Nam, học sinh lớp K19 nghề Mộc mỹ nghệ của Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An đã đạt giải Khuyến khích. Dự thi ở một nghề đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và kinh nghiệm thực hành quả là không dễ dàng đối với một học sinh mới 18 tuổi. Lê Ngọc Nam chia sẻ: "Mộc mỹ nghệ là nghề truyền thống, nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kỳ và tính thẩm mỹ. Các cuộc thi đã cho em nhiều trải nghiệm để hoàn thiện kỹ năng nghề. Trước đó, nhiều người khuyên em lựa chọn các cơ sở đào tạo phía Bắc để học nghề hoặc có thể đến học trực tiếp tại các cơ sở sản xuất. Thế nhưng em muốn học kiến thức, kỹ năng bài bản ở trường rồi sau đó mới đi làm và em đã chọn Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An. Sau hai năm học ở trường, em tự tin với tay nghề của mình và thấy nhiều cơ hội việc làm ở phía trước".

Khẳng định vị thế

Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An tiền thân là Trường Dạy nghề Tiểu thủ công nghiệp Nghệ An được UBND tỉnh Nghệ An thành lập năm 2001. Trường có chức năng, nhiệm vụ là đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Những năm qua, nhà trường đã thực hiện tuyển sinh, đào tạo lao động có trình độ sơ cấp và trung cấp; bao gồm các ngành nghề: Sản xuất hàng mây tre đan, Dệt thổ cẩm, Thêu ren mỹ thuật, Mộc mỹ nghệ, Gia công và Thiết kế sản phẩm Mộc, Điêu khắc đá, Kỹ thuật dâu tằm tơ, Chế biến nông, lâm, hải sản, May và Thiết kế thời trang, Cơ khí, Điện công nghiệp, Điện tử, Tin học, Ngoại ngữ.

Mỗi năm nhà trường đào tạo từ 1.000 - 1.500 chỉ tiêu, trong đó hệ trung cấp từ 450-500 chỉ tiêu; hệ sơ cấp từ 800 - 1000 chỉ tiêu; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt từ 90 - 95%. Chất lượng đào tạo không ngừng được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt từ 30 - 35%; tại các kỳ thi học sinh giỏi nghề các cấp, học sinh nhà trường đều đạt giải cao; 90% học sinh ra trường có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề trong và ngoài tỉnh, với mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng.

Không ngừng vươn lên để khẳng định vị thế
Không ngừng vươn lên để khẳng định vị thế
Không ngừng vươn lên để khẳng định vị thế

Mỗi năm, nhà trường đào tạo từ 1.000 đến 1.500 chỉ tiêu học nghề.

Hiện nay, trong bối cảnh tuyển sinh đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn thì nhà trường vẫn tuyển sinh đủ chỉ tiêu và liên kết đào tạo hiệu quả. Gần 20 năm thành lập, Trường đã đào tạo gần 26.000 lao động có tay nghề từ sơ cấp đến trung cấp, trong đó, nhiều nghề đã khẳng định thế mạnh của nhà trường như nghề May thời trang, May công nghiệp, Thêu ren mỹ thuật, Sản xuất hàng mây tre đan, Dệt thổ cẩm, Mộc mỹ nghệ. Không chỉ là nơi cung cấp nhân lực để xây dựng các làng nghề và hàng trăm làng có nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhà trường còn là địa chỉ đào tạo nghề cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Xuân Phượng – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “20 năm qua, nhà trường luôn đón nhận sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH và các địa phương trong tỉnh. Từ một trường dạy nghề quy mô nhỏ, cơ sở vật chất xuống cấp, điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, đến nay, nhà trường đã tạo dựng được chỗ đứng trong hệ thống đào tạo nghề của tỉnh và khu vực. Để có được vị thế như hiện nay, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã luôn đoàn kết, vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng giảng dạy, xây dựng và giữ gìn uy tín của nhà trường. Sự tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo, giáo viên nhà trường đối với công tác dạy nghề đã cho kết quả xứng đáng”.

Không ngừng vươn lên để khẳng định vị thế

Ông Nguyễn Xuân Phượng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An

20 năm xây dựng và phát triển, Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An đã được UBND tỉnh Nghệ An, Bộ LĐ-TB&XH trao tặng nhiều bằng khen và cờ thi đua. Đặc biệt, nhà trường đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2010 và Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2016.

Không ngừng đổi mới để phát triển

Hiện nay, Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An đang không ngừng đổi mới toàn diện, từ chất lượng đào tạo, quy mô đào tạo, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Nhà trường đang hướng tới xây dựng theo mô hình tự chủ. Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, nhà trường đã đề ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể.

Đó là tích cực tìm kiếm các mô hình liên kết đào tạo nghề tại các doanh nghiệp, làng nghề uy tín để tranh thủ được kiến thức truyền nghề của các nghệ nhân; đồng thời tiếp tục đi sâu đào tạo những ngành nghề có thế mạnh, tạo bản sắc riêng của nhà trường. Nâng cao chất lượng dạy nghề, đảm bảo học sinh sau khi ra trường có kiến thức, kỹ năng nghề tiếp cận được với xu thế phát triển của xã hội; gắn kết chặt chẽ đào tạo với doanh nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, nhà trường sẽ nghiên cứu mở rộng các loại hình, ngành nghề đào tạo; đẩy mạnh đào tạo nhóm nghề kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, nông thôn và các khu công nghiệp, du lịch, thương mại, mở rộng đào tạo các nghề kinh tế và liên kết đào tạo với các trường cao đẳng, đại học. Đồng thời tiếp tục tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, gắn đào tạo với sản xuất, đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp và đào tạo lao động phục vụ nhu cầu xuất khẩu lao động.

Không ngừng vươn lên để khẳng định vị thế

Bài:Mai Liễu

Xem phiên bản di động