
Thị trường lao động khởi sắc sau Tết |
![]() |
Người lao động tìm việc tại phiên giao dịch việc làm quận Hà Đông (tháng 3/2025). Ảnh: Hải Nguyễn |
Thị trường lao động khởi sắc, nhu cầu tuyển dụng tăng cao
Theo dự báo, trong quý II/2025, Hà Nội sẽ cần tuyển khoảng 120.000 lao động, với nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở sáu nhóm ngành: sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo; dệt may – da giày; thương mại – dịch vụ; chăm sóc sức khỏe; công nghệ thông tin và công nghệ chuyển đổi số.
Ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc TTDVVL Hà Nội cho biết, đây là tín hiệu tích cực từ việc các doanh nghiệp quay lại hoạt động sau kỳ nghỉ Tết, cùng với những chính sách hỗ trợ tăng trưởng từ Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội. Riêng trong tháng 2/2025, Trung tâm ghi nhận gần 29.000 chỉ tiêu tuyển dụng. Khảo sát từ 1.408 doanh nghiệp cho thấy, các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo đang gia tăng nhu cầu nhân lực nhanh chóng.
Đáng chú ý, khoảng 36% nhu cầu tuyển dụng thuộc về nhóm lao động phổ thông – lực lượng lao động chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, 33,12% nhu cầu lại hướng đến nhóm lao động có trình độ đại học trở lên, cho thấy yêu cầu ngày càng đa dạng về chất lượng và trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực.
Lợi thế từ hệ thống sàn giao dịch việc làm chính thống
Trong bối cảnh các nền tảng tuyển dụng trực tuyến ngày càng phát triển, TTDVVL Hà Nội vẫn giữ vững vai trò như một kênh tuyển dụng chính thống, minh bạch, kết nối trực tiếp giữa người lao động và doanh nghiệp. Mỗi năm, Trung tâm tổ chức từ 250–260 phiên giao dịch việc làm, bao gồm các phiên định kỳ, chuyên đề và lưu động. Không chỉ diễn ra trực tiếp tại các quận, huyện trong thành phố, các phiên giao dịch còn kết nối trực tuyến với nhiều tỉnh, thành trong khu vực – tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận cơ hội việc làm trên diện rộng.
Bên cạnh việc kết nối cung – cầu lao động, Trung tâm còn chú trọng đến công tác tư vấn, hướng nghiệp và hỗ trợ kỹ năng. Người lao động được định hướng nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng phỏng vấn và hỗ trợ các thủ tục đi làm trong nước, cũng như xuất khẩu lao động. Đây là những giá trị gia tăng mà các nền tảng trực tuyến khó có thể thay thế.
![]() |
Các phiên giao dịch việc làm luôn thu hút đông người lao động địa phương tới tìm hiểu cơ hội nghề nghiệp. Ảnh: Hải Nguyễn |
Hiệu quả từ những phiên giao dịch việc làm vệ tinh
Thực tiễn tại các điểm giao dịch vệ tinh cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc kết nối việc làm. Trường hợp của Bùi Mạnh Hiếu (19 tuổi, xã Kim Trung, huyện Đông Anh) là một ví dụ điển hình. Sau một thời gian làm công nhân điện tử với thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng, Hiếu quyết định tìm hướng đi mới. Qua Sàn giao dịch việc làm vệ tinh Đông Anh, Hiếu được cán bộ Trung tâm tư vấn, hỗ trợ và kết nối để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, với mức thu nhập dự kiến khoảng 20-30 triệu đồng/tháng.
“Qua Sàn giao dịch việc làm vệ tinh, em thấy yên tâm vì được gặp các doanh nghiệp uy tín, được hỗ trợ tận tình,” Hiếu chia sẻ.
Không chỉ người lao động, nhiều doanh nghiệp cũng đánh giá cao vai trò hỗ trợ tuyển dụng của TTDVVL Hà Nội. Hệ thống phòng khám Maia&Maia – Công ty Cổ phần Y tế Hoàng Khánh là một trong những đơn vị thường xuyên tham gia các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm tổ chức. Nhờ đó, doanh nghiệp đã tuyển được hàng chục nhân sự chất lượng, phục vụ vận hành hiệu quả cơ sở mới tại quận Hà Đông.
Ông Nguyễn Tiến Linh – Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp công ty – cho biết: “Chúng tôi luôn ưu tiên ứng viên có thái độ tốt, cam kết đào tạo và xây dựng lộ trình phát triển rõ ràng. Trung tâm giúp chúng tôi tuyển đúng người, đúng nhu cầu mà không tốn quá nhiều chi phí như khi sử dụng các nền tảng khác.”
Cam kết đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp
Theo ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc TTDVVL Hà Nội, thị trường lao động Thủ đô đang phục hồi rõ nét, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức mới. “Sự biến động về ngành nghề, trình độ và yêu cầu kỹ năng ngày càng cao khiến không ít người lao động gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp,” ông Thành nhận định.
Để thích ứng với tình hình mới, Trung tâm không chỉ tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, mà còn đẩy mạnh công tác tư vấn, đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng phỏng vấn – đặc biệt cho đối tượng lao động trẻ và lao động chuyển đổi nghề. “Một lợi thế nổi bật của Trung tâm là khả năng tiếp xúc trực tiếp, đa chiều giữa người lao động và nhà tuyển dụng. Chúng tôi không chỉ kết nối, mà còn cam kết đồng hành với cả hai phía,” ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, không ít người lao động sau khi tìm được công việc phù hợp vẫn giữ liên lạc, bày tỏ sự biết ơn vì đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ các phiên giao dịch việc làm.
![]() |
Hoạt động phỏng vấn trực tuyến của người lao động với doanh nghiệp tại Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 06 tỉnh, thành phố phía bắc: Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang - Thái Nguyên - Ninh Bình - Thái Bình ngày 20/3/2025. Ảnh: Hải Nguyễn. |
Mục tiêu phát triển toàn diện và thích ứng chuyển đổi số
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Tây Nam – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội – cho biết: “Năm 2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 169.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 3%. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đóng vai trò hạt nhân trong việc tổ chức và kết nối thị trường lao động.”
Theo kế hoạch, trong năm 2025, thành phố dự kiến tổ chức 255 phiên giao dịch việc làm, trong đó bao gồm các phiên định kỳ, chuyên đề và lưu động – nhằm đưa cơ hội việc làm đến gần hơn với người dân, đặc biệt tại các quận, huyện ngoại thành.
Đáng chú ý, Trung tâm hiện đang tổ chức các phiên kết nối việc làm hằng ngày tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội trung tâm tại trụ sở chính (số 215 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), Trung tâm còn triển khai hoạt động tại 14 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện, gồm: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Mê Linh, Ứng Hòa, Hoài Đức, Long Biên, Sóc Sơn, Thường Tín, Đông Anh, Ba Vì, Phú Xuyên, Đan Phượng và Thạch Thất. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp kết nối với các địa phương khác trong khu vực phía Bắc – tạo thành mạng lưới liên kết rộng khắp, linh hoạt, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong công tác giải quyết việc làm hiện nay.
Trong bức tranh thị trường lao động nhiều biến động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội không chỉ là nơi cung cấp thông tin tuyển dụng, mà còn là nơi tạo dựng niềm tin, kết nối cơ hội, và góp phần ổn định nguồn nhân lực Thủ đô. Với phương châm đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp, Trung tâm đang chứng tỏ vai trò không thể thay thế trong chiến lược phát triển thị trường lao động bền vững của Hà Nội.
Video: Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành chia sẻ thông tin với PV Tạp chí Lao động & Công đoàn.
![]() Phiên giao dịch việc làm dưới hình thức Festival tuyển dụng do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp cùng Trường Đại ... |
![]() Ngày 27/10, Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì năm 2024 (Hà Nội) thu hút sự tham gia của 32 đơn ... |
![]() Thị trường lao động Hà Nội trong tháng 12 ghi nhận sự phục hồi tích cực. Nhu cầu tuyển dụng tăng cao, với khoảng 41.262 ... |
Đọc nhiều
Tin mới hơn

Tổng Công ty May 10 tuyển dụng hơn 500 công nhân làm việc tại tỉnh Thái Bình và Hà Nội

Khi công đoàn vào cuộc, tuyển dụng lao động không còn là bài toán khó

Tuyển dụng lao động phù hợp: Bí quyết giữ chân nhân sự trong khu công nghiệp
Tin tức khác

Nữ sinh bị đánh vì “tiền tip”: Rủi ro tìm việc và vai trò "bà đỡ" từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Hơn 170 vị trí việc làm tại Công viên Hồ Tây dịp hè 2025

Những sai sót phổ biến khi đi xin việc thời 4.0 và cách khắc phục

Chuyện chưa biết về những người "xây" nhịp cầu việc làm ở Thủ đô

K-market tuyển dụng nhiều vị trí, thu nhập ổn định, phúc lợi tốt, cơ hội phát triển lâu dài
