e magazine
31/10/2020 20:30
Trực xuyên đêm, bác sĩ ngậm ngùi cảnh nhà cửa tan hoang... vì mưa lũ

31/10/2020 20:30

Theo thống kê chưa đầy đủ của Công đoàn ngành Y tế 6 tỉnh miền Trung, đến nay, có 1 cán bộ y tế bị chết, 3 y, bác sĩ bị thương do mưa lũ, 1 cán bộ y tế có chồng là một trong 13 chiến sĩ hy sinh trong khi cứu trợ tại Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế)… Nhiều nhân viên y tế bị hư hại nhà cửa vì không kịp sơ tán.
Hết mình cứu chữa bệnh nhân, nhà cửa tan hoang… 'tặc lưỡi' với đất trời vì mưa lũ

Theo thống kê của Công đoàn ngành Y tế 6 tỉnh miền Trung, đã có 1 cán bộ y tế bị thiệt mạng, 3 cán bộ y tế bị thương khi đang làm nhiệm vụ cứu chữa bệnh nhân. Trong đó, 1 cán bộ y tế có chồng là 1 trong 13 liệt sĩ hy sinh trong khi cứu trợ tại Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế)… Nhiều nhân viên y tế bị hư hại nhà cửa vì không kịp sơ tán.

Hết mình cứu chữa bệnh nhân, nhà cửa tan hoang… 'tặc lưỡi' với đất trời vì mưa lũ

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy, vợ chồng bác sĩ Nguyễn Trung Dũng (Trưởng khoa Ngoại) và bác sĩ Trần Thị Ngọc Hoa (Trưởng khoa Nội) đi trực 7 ngày xuyên lũ. Khi lũ rút, vợ chồng bác sĩ trở về nhà thì bàng hoàng vì trong nhà không còn một thứ gì nguyên vẹn.

Vợ chồng bác sĩ Dũng - Hoa cùng đồng nghiệp đã bám trụ tại bệnh viện cùng 200 bệnh nhân trong điều kiện thiếu nước sạch, thực phẩm và điện. Bác sĩ Dũng đã phải dùng đèn pin để phẫu thuật cấp cứu một số bà con bị chấn thương thông thường do mưa lũ. Bác sĩ Hoa trực trưởng tua phải quán xuyến thăm khám, điều trị hằng ngày cho tất cả các bệnh nhân đang điều trị nội trú.

Biết là ngôi nhà của mình có nguy cơ ngập và mọi vật dụng trong nhà có thể bị hỏng nhưng hai vợ chồng đành tặc lưỡi phó thác ngôi nhà cho đất trời. Khi trở về nhà, hai vợ chồng không khỏi bàng hoàng dù đã chuẩn bị trước tâm lý. Ti vi, tủ lạnh, xe máy… bị hỏng hoàn toàn. Chỉ còn lại bùn đất in dấu trên tường cao tới 2m. Vợ chồng bác sĩ Dũng công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy đã 23 năm. Họ nhiều năm sống trong khu tập thể bệnh viện. Dành dụm, tích cóp, họ làm được ngôi nhà cấp 4 này.

Vợ chồng tôi xem như trắng tay. Tất cả là con số không và còn khoản nợ ngân hàng rất lớn do tôi đang vay để xây nhà mới. Nhưng bây giờ nước lũ làm đông cứng toàn bộ khối xi măng đã tập kết để xây nhà" - bác sĩ Nguyễn Trung Dũng xót xa nói.

Ngất xỉu và không cầm được nước mắt khi trở về nhà, bác sĩ Trần Thị Lệ Hoa nói: “Tôi cùng đồng nghiệp vật lộn với cơn lũ để mong sao đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Đứa con gái cùng mẹ già phải gửi hàng xóm nơi có nhà cao tầng để vợ chồng yên tâm đi trực. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng thật sự, bây giờ gia đình chúng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để khắc phục và ổn định cuộc sống".

Tập trung cứu chữa bệnh nhân, nhà cửa tan hoang… tặc lưỡi với đất trời vì mưa lũ

Một cơ sở y tế ngập trong nước lũ. Ảnh: ST

1 nhân viên y tế thiệt mạng, 3 nhân viên y tế bị thương nặng do mưa lũ

Những ngày này, cán bộ, nhân viên y tế vẫn phải căng mình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong điều kiện thiên tai, nguy hiểm rình rập.

Theo Công đoàn Y tế Việt Nam, đến nay, tại 6 tỉnh miền Trung đã có 1 cán bộ y tế bị thiệt mạng, 3 người bị thương khi đang làm nhiệm vụ. Có 1 cán bộ y tế có chồng là 1 trong 13 liệt sĩ hy sinh khi đi cứu hộ công nhân tại Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Về tài sản có nhà cửa của 4 cán bộ y tế bị cuốn trôi, đổ sập. Có 2.532 căn nhà của y, bác sĩ bị ngập nước, thiệt hại ước tính khoảng gần 13 tỷ đồng. Về tài sản của cơ sở y tế có 3 trạm y tế bị sập, cuốn trôi. Có 85 cơ sở y tế bị ngập nước, ước tính thiệt hại khoảng 6,3 tỷ đồng. Tổng thiệt hại sơ bộ của ngành Y tế tại các tỉnh miền Trung khoảng gần 20 tỷ đồng.

Hết mình cứu chữa bệnh nhân, nhà cửa tan hoang… 'tặc lưỡi' với đất trời vì mưa lũ
Công đoàn Y tế Việt Nam kêu gọi ủng hộ đoàn viên, người lao động ngành Y tế các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Tỉnh Quảng Ngãi đang là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất do bão số 9, nhiều trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh phải ngừng hoạt động do bão. Bão số 9 đang làm nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề. Đã có hơn 10 trạm y tế phải dừng hoạt động. Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ngãi tốc mái dãy nhà 2 tầng khoảng 1000m2. Trạm Y tế xã Trà Giang (Trà Bồng) tốc hết mái. Trạm Y tế xã Trà Bình bị tốc nửa mái tôn khu nhà ngang, khu tập thể Tây Trà cũ đang sạt lỡ, các cán bộ, nhân viên làm việc tại đây đang được sơ tán về khu bệnh viện (cơ sở 2). Trạm Y tế xã Ba Khâm, Trung tâm Y tế huyện Lý Sơn, Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Ngãi, Trung tâm Y tế Nghĩa Hành và Trạm Y tế xã Hành Thịnh cũng tan hoang nặng nề sau lũ.

Trong khó khăn, các cán bộ, nhân viên y tế vẫn bám trụ để khám chữa bệnh cho người dân. Đặc biệt trong điều kiện mất điện nhưng Trung tâm Y tế Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) vẫn hoàn thành ca mổ đẻ thành công. Các trường hợp cấp cứu được xử lý tại chỗ và sau đó đã chuyển về bệnh viện đa khoa tỉnh an toàn. Bệnh nhân được đảm bảo thực phẩm, nước uống và thuốc. Bệnh nhân nghèo được bệnh viện hỗ trợ suất ăn.

Tập trung cứu chữa bệnh nhân, nhà cửa tan hoang… tặc lưỡi với đất trời vì mưa lũ

Chuyến xe cứu trợ đầu tiên tới đoàn viên, người lao động ngành Y tế các tỉnh miền Trung. Ảnh: ST

Trước những thiệt hại do mưa lũ gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam đã kêu gọi, vận động đoàn viên, người lao động ngành Y tế quyên góp ủng hộ đồng nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ. Đối tượng được ưu tiên nhất là cán bộ y tế trực tiếp cấp cứu bệnh nhân, khắc phục sự cố xử lý môi trường sau lũ và cán bộ, nhân viên y tế có hoàn cảnh khó khăn… Ngay trong đợt đầu tiên phát động đã có 10 cơ sở y tế hưởng ứng ủng hộ với tổng số tiền 294 triệu đồng. Đó là Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Công ty Cổ phần Hóa Dược phẩm Mekophar, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 2…

Công đoàn Y tế Việt Nam đã trao số tiền ủng hộ trên tới Công đoàn ngành Y tế 5 tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, mỗi tỉnh 50 triệu đồng. Riêng gia đình cán bộ nữ hộ sinh Lê Thị Nghỉ (Trạm y tế Lâm Đớt, Trung tâm Y tế huyện A Lưới) trên đường về nhà bị lũ cuốn trôi được hỗ trợ 5 triệu đồng cùng 1 thùng sữa trị giá 7,2 triệu đồng của Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan. Đồng thời hỗ trợ gia đình đoàn viên Phùng Hữu Hoàng Trang (thuộc bộ phận Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế) có chồng hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ cứu trợ tại Thủy điện Rào Trăng 3). Công đoàn Y tế Việt Nam cũng hỗ trợ 3 cán bộ bị thương nặng khi đang làm nhiệm vụ tại các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Quảng Trị số tiền 2 triệu đồng/người cùng thùng sữa trị giá 7,2 triệu đồng của Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan.

Theo PGS. TS Phạm Thị Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam: "Tổng kinh phí và hiện vật hỗ trợ đợt 1 cho cán bộ y tế tại các tỉnh miền Trung là 307 triệu đồng. Trong đó, nguồn huy động từ các doanh nghiệp trị giá 41 triệu đồng. Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đã báo cáo sơ bộ thiệt hại về người và tài sản của cán bộ y tế và tài sản của các cơ sở y tế để Bộ Y tế hỗ trợ các cơ sở y tế bị thiệt hại và người lao động khó khăn, thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung”.

Bài: Duy Minh
Ảnh: YT
Đồ họa: Duy Minh

Xem phiên bản di động