e magazine
22/07/2023 06:18
“Trải qua lúc khó khăn nhất, tôi cũng chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ việc công đoàn”

22/07/2023 06:18

Chị Nhung được mọi người biết đến là một “thủ lĩnh” tận tâm, và đầy sáng tạo trong hoạt động công đoàn. Tuy nhiên, phía sau những thành công đó, là không ít khó khăn mà chỉ có bản lĩnh, sự kiên cường và tình yêu với công nhân lao động mới giúp chị vượt qua.
“Trải qua lúc khó khăn nhất, tôi cũng chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ việc công đoàn”

Đồng chí Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (Bình Dương):

“Trải qua lúc khó khăn nhất, tôi cũng chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ việc công đoàn”

Chị Nhung được mọi người biết đến là một “thủ lĩnh” tận tâm, và đầy sáng tạo trong hoạt động công đoàn. Tuy nhiên, phía sau những thành công đó, là không ít khó khăn mà chỉ có bản lĩnh, sự kiên cường và tình yêu với công nhân lao động mới giúp chị vượt qua.

Không dễ làm công đoàn ở công ty nước ngoài

Đã 28 năm chị Nhung gắn bó với Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam, ngay từ những ngày đầu công ty mới thành lập, và trong đó có 11 năm chị làm Chủ tịch Công đoàn.

Năm 2012, khi đang giữ vị trí Trưởng phòng Tổng hợp, chị Nhung khá bất ngờ khi được đề cử làm Chủ tịch Công đoàn. “Làm công ty nước ngoài, nhất là với người Nhật vốn rất nghiêm khắc, khi họ đã không tin tưởng ai thì khó mà làm được. Khi tôi được tín nhiệm, đích thân Tổng Giám đốc đã gọi tôi lên trò chuyện, động viên tôi cố gắng làm tốt, học hỏi những người đi trước, từ từ hoàn thiện mình nên tôi cũng lấy cái đó làm nền tảng để phấn đấu”, chị Nhung nhớ lại.

Vậy là chị cứ “hồn nhiên” làm công đoàn theo quan sát, học hỏi và sáng tạo của riêng mình. Vốn tiếng Nhật khá tốt, không cần phiên dịch, chị có thể trực tiếp trao đổi với Ban lãnh đạo. Với chị, làm công đoàn ở doanh nghiệp nước ngoài có những khó khăn riêng so với doanh nghiệp nhà nước. Công đoàn giữ vai trò cầu nối giữa ban lãnh đạo và người lao động (NLĐ), không thiên về bên nào, cân đối, hài hòa giữa hai bên.

“Trải qua lúc khó khăn nhất, tôi cũng chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ việc công đoàn”

Chị Nhung (hàng trên, thứ 3 từ phải qua) hạnh phúc khi nhận được nhiều tình cảm của đồng nghiệp trong ngày sinh nhật.

“Thời điểm quan trọng lắm! Khi tiếp nhận những yêu cầu hay quyền lợi gì từ NLĐ thì tùy theo tình huống, thực tế của công ty để mình lựa thời điểm trình bày, lãnh đạo sẽ dễ dàng đồng thuận với mình hơn. Ví dụ, trong bối cảnh công ty đang gặp khó khăn thì dù yêu cầu của NLĐ có chính đáng tôi cũng không vội đề xuất ngay, bởi khả năng cao sẽ thất bại, nên tôi sẽ chọn thời điểm thích hợp”.

11 năm làm công đoàn, chị Nhung vẫn nhớ như in lần thương lượng nâng lương và các phúc lợi năm 2019-2020. Khi đó, Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Trượt giá đang tăng cao, nhìn nhận lại thì những khoản chi phí hiện tại công ty dành cho NLĐ chưa phù hợp nên chị và các thành viên trong Ban Thường vụ đưa ra nhiều phương án, họp thương lượng lương lần thứ 4 mới thống nhất được phương án tạm ổn thỏa có thể giải quyết được mức phúc lợi hợp lý cho NLĐ.

“Sau lần điều chỉnh đó, thu nhập bình quân của NLĐ tăng lên 10%, khá đáng kể, tôi nhận được nhiều sự cảm kích, cảm ơn của NLĐ, đi đâu tôi cũng cảm nhận niềm vui lan tỏa, công nhân lao động trực tiếp dưới chuyền thấy tôi xuống là thân mật, gần gũi lắm… Cho nên, đối với tôi có cực đến mấy, làm thêm ngoài giờ nhiều hơn nữa cũng không có sao!”, chị Nhung chia sẻ.

Vui có, buồn có, nhưng vẫn thích làm Công đoàn!

Ngoài các chế độ phúc lợi công ty dành cho NLĐ, chị Nhung và Ban chấp hành Công đoàn còn phát động hoạt động nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách. Với mỗi hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, Công đoàn viết thư đến từng NLĐ kêu gọi cùng nhau quyên góp, chia sẻ.

Có công đoàn viên con bị bệnh tim, chi phí mổ lên gần 500 triệu đồng, chỉ trong vòng một tuần kêu gọi, Công đoàn đã quyên góp được hơn 300 triệu hỗ trợ gia đình trang trải chi phí mổ tim cho con.

Chị Nhung không nhớ được hết tất cả các trường hợp như thế, bởi, trung bình mỗi năm có 2-3 trường hợp, nhờ sự ủng hộ từ mọi người mà gia đình đã có được chi phí trang trải, đa số đều vượt qua được bệnh tật, dần khỏe mạnh để hòa nhập cuộc sống.

Mỗi người ủng hộ một ít, tùy theo sức của mình, con số đóng góp của một người tuy không lớn nhưng 12.000 đoàn viên của công ty đóng góp thì sẽ tạo được quỹ không hề nhỏ. “Góp gió thành bão”, lần nào Công đoàn gửi thư kêu gọi cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi người, con số ủng hộ đều từ 100 triệu đồng trở lên, đủ để giúp gia đình đoàn viên vượt qua khó khăn trước mắt.

“Cũng có những trường hợp Công đoàn đã gửi thông điệp đi cho toàn thể cán bộ công nhân viên, vừa phát hành quyên góp xong, gia đình đã đưa bé về quê ở Đồng Tháp. Mình lập tức về Đồng Tháp trao quỹ ủng hộ cho gia đình. Nhưng 1 tuần sau, nhận được tin bé không qua khỏi do bệnh quá nặng, lúc đó, chúng tôi không ai kìm lòng được…”, chị Nhung xúc động nhớ lại.

- Chị Phạm Thị Tuyết Nhung là một trong 10 cán bộ Công đoàn xuất sắc vinh dự được nhận giải thưởng Nguyễn Văn Linh năm 2022 do Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng.

- “Được mọi người tín nhiệm, Đại hội vừa rồi, tỷ lệ ủng hộ tôi là 98%, nhiều người nói vui “Chắc tôi sẽ gắn bó với việc công đoàn cho đến khi về hưu luôn!”, chị Nhung chia sẻ.

“Trải qua lúc khó khăn nhất, tôi cũng chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ việc công đoàn”“Trải qua lúc khó khăn nhất, tôi cũng chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ việc công đoàn”

Chị Nhung trong những lần trao tặng tiền quyên góp từ thiện của toàn thể nhân viên Công ty Yazaki EDS Việt Nam

Vừa chăm con ốm vừa làm chuyên môn và Công đoàn

Chị Nhung có hai con trai, cháu lớn đang học năm cuối đại học, cháu nhỏ năm nay lên lớp 9. Các con đều học giỏi, hiếu thảo. “Hai con tôi lại sợ mẹ hơn bố, tuy tôi ít rầy la. Có lẽ, do tính tôi quyết đoán, cái gì nói được là được mà không là không. Nhưng, tôi cũng rất tôn trọng sở thích, mong muốn của con, động viên con theo đuổi đam mê của mình”.

Con trai lớn của chị hiện đang học chuyên ngành Nhật ngữ trường Đại học Công nghệ TP. HCM – Hutech. Sở thích tiếng Nhật bắt nguồn từ lần được tham gia trại hè ở Nhật Bản theo chế độ của công ty mẹ (năm lớp 8), sau khi về, cháu tự động xin mẹ đăng ký học tiếng Nhật và theo đuổi đam mê này đến bây giờ. Hiện tại, cháu đạt trình độ tiếng Nhật mức N2, có thể dễ dàng giao tiếp, đọc hiểu như người bản xứ, nhờ đó, cháu còn kiếm được tiền nhờ công việc dạy thêm tiếng Nhật ở trung tâm ngoại ngữ.

“Trải qua lúc khó khăn nhất, tôi cũng chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ việc công đoàn”

Chị Nhung bên hai con trong lần ra thăm lăng Bác.

Để đạt được thành quả như hôm nay, vợ chồng chị đã trải qua không ít gian khó, khi ngày bé cháu mắc bệnh hen suyễn mãn tính. Chị chia sẻ: “Cứ 1 tháng thì cháu ở viện 3 tuần, liên tục như vậy cho đến khi ngoài 6 tuổi mới đỡ. Vợ chồng tôi thay nhau xin nghỉ việc đi chăm con, làm được bao nhiêu thì dồn lại mua thuốc cho con hết. Có nhiều đêm con bệnh, hai vợ chồng cực chẳng đã phải thuê taxi chở xuống Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM (cách nhà 30 km – PV)… Giờ mỗi khi nhớ lại, tôi cũng không hiểu, vì sao lúc đó tôi lại vượt qua được…”.

Thời điểm con bệnh, cũng là lúc chị Nhung mới nhận công tác công đoàn. Mọi thứ còn đang mới mẻ, nhiều khó khăn, nên không thể kể hết nhưng vất vả, gian khó. “Tuy cực như thế, nhưng với tôi, công việc công đoàn hay chuyên môn thì dù khó đến đâu tôi cũng không nản chí, vì tôi làm vì nhiệt huyết, đam mê, tôi chỉ sợ nhất cách đối nhân xử thế không vừa lòng nhau thì cái đó mới là đáng sợ!”, chị Nhung bộc bạch.

May mắn của nữ cán bộ công đoàn

Chồng và các con chị Nhung cũng đã quen với việc chị thường xuyên làm thêm giờ, và về muộn. Nhiều ngày thứ 7, Chủ nhật chị vẫn “ôm” máy tính để làm việc và thông thường đó là những việc của Công đoàn, vì thời gian trên công ty chị còn phải hoàn thành công việc chuyên môn của một Trưởng phòng Tổng hợp.

Đến mức, Giám đốc nhiệm kì trước còn lo ngại hỏi chị: “Bạn cứ làm việc về muộn riết thế này ở nhà có ai nói gì không?”, chị cười, nói người ta còn lo lắng thay cho mình. Nhưng rất may chị có ông xã luôn thông cảm, thấu hiểu, không ngại chăm con và làm việc nhà mỗi khi chị bận rộn.

May mắn của nữ “thủ lĩnh” công đoàn ấy chính là có gia đình làm hậu phương vững chắc. Không chỉ chồng, mà mẹ chồng, anh chị em nhà chồng đều rất thương và thông cảm, ủng hộ công việc chị đang làm. “Khi hai vợ chồng tôi đều bận thì ông bà, các cô chú lại kêu các con tôi lên nhà nấu cho ăn, chăm bẵm cho chúng từ tấm bé đến giờ nên các con tôi kêu các cô bằng má vậy đó!”.

“Trải qua lúc khó khăn nhất, tôi cũng chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ việc công đoàn”
Chị Nhung (đứng giữa, hàng trước) vinh dự là một trong 10 cán bộ Công đoàn xuất sắc vinh dự được nhận giải thưởng danh giá Nguyễn Văn Linh năm 2022 do Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng.

Tận đáy lòng mình, chị Nhung luôn dành cho chồng và gia đình chồng sự biết ơn. Bản thân chị cũng tự nhủ, phải biết cân bằng giữa công việc và gia đình, nên khi có thời gian rảnh, chị dẹp bỏ hết các cuộc hẹn vui chơi, mà dành toàn bộ cho gia đình, tranh thủ nấu một bữa ăn ngon cho chồng con, trò chuyện cùng bố mẹ chồng hay đưa các con thăm thú đây đó…

Đối với chị, “tùy cơ ứng biến” là bí quyết để cân bằng cuộc sống, tùy theo trường hợp nào mình cần ứng xử theo cách nào, nên tính toán kĩ. “Tôi luôn phân chia công việc theo thứ tự ưu tiên, việc nào gấp làm trước, việc chưa gấp làm sau. Hôm nào có việc gì thật gấp thì tôi mới mang về nhà. Mà kể cả có “đem về rồi” cũng cần “quan sát tình hình”, thấy ổn thì mới làm, không ổn thì ngưng ngay!”, chị cười chia sẻ.

“Điều gì khiến chị gắn bó với công tác Công đoàn hơn chục năm nay? Phải chăng là có thêm phụ cấp?”, tôi tò mò hỏi chị.

Chị cười đáp: “Phụ cấp chỉ mang tính chất khuyến khích thôi em, chứ không đáng kể gì so với thu nhập từ chuyên môn và với công sức mình bỏ ra. Nhưng, chừng nào lãnh đạo và NLĐ còn tín nhiệm, còn tin yêu, thì làm được gì để nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho NLĐ, tôi đều cố gắng hết sức mình. Đa số công nhân Bình Dương nói chung và công ty nói riêng đều là người nhập cư, đi thuê trọ, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nên tôi luôn trăn trở, làm sao để bớt được phần nào khó khăn cho họ thì hay chừng đó!”

------

"Đồng chí Nhung là một Chủ tịch CĐCS tiêu biểu của tỉnh Bình Dương. Đặc biệt là trong và sau khoảng thời gian dịch Covid-19, đồng chí đã hoàn thành tốt vai trò kết nối giữa NLĐ và doanh nghiệp. Chính đồng chí cũng đã "3 tại chỗ", đồng hành với NLĐ và đề xuất với lãnh đạo Công ty để có những chính sách hỗ trợ, cảm ơn NLĐ ở lại với doanh nghiệp. Công ty Yazaki Eds Việt Nam vẫn là doanh nghiệp có số lượng NLĐ ổn định nhất sau dịch. Đồng chí cũng đã thành công trong việc thương lượng với chủ doanh nghiệp đồng ý đưa ra những chính sách mang tính lâu dài, có lợi cho NLĐ như: Siêu thị phúc lợi Công đoàn - nơi có những nhu yếu phẩm đạt chất lượng với giá thành rẻ hơn giá thị trường; nhân rộng mô hình trường mầm non cho con em công nhân, NLĐ…"

Đồng chí Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương

Bài viết: HỒNG NHUNG

Ảnh: NVCC

Xem phiên bản di động