e magazine
24/06/2023 08:28
Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tòa án Nhân dân tối cao ký chương trình phối hợp công tác

24/06/2023 08:28

Chiều 23/6, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao tổ chức Hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023 – 2028.
Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tòa án Nhân dân tối cao ký kết Chương trình phối hợp công tác

Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tòa án Nhân dân tối cao ký chương trình phối hợp công tác

Chiều 23/6, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao tổ chức Hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023 – 2028.

Lễ ký kết diễn ra vào thời điểm tổ chức Công đoàn vừa hoàn thành công tác tổ chức đại hội công đoàn cấp cơ sở, đang tập trung tổ chức đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, chuẩn bị cho đại hội công đoàn cấp tỉnh, ngành, tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Tham dự Lễ ký kết có sự tham gia của các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tối cao; Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo TAND tối cao, các đồng chí Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, …

Phát huy các nguồn lực để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đại diện, bảo vệ người lao động

Phát biểu tại Lễ ký kết, đồng chí Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả phối hợp của 2 ngành đạt được trong thời gian qua, đồng thời thể hiện sự quyết tâm thiết thực cùng phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết, ngày 30/3/2016, TAND tối cao và Tổng LĐLĐ Việt Nam ký kết chương trình phối hợp công tác số 431. Trong 7 năm qua, chương trình được triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương bằng các kế hoạch cụ thể. Các hoạt động phối hợp đã bám sát theo chương trình đã đề ra, qua đó giúp nâng cao trách nhiệm của cán bộ công đoàn, công chức tòa án các cấp trong việc đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật, giải quyết kịp thời các vụ việc lao động, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tòa án Nhân dân tối cao ký kết Chương trình phối hợp công tác

Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Lễ ký kết. Ảnh: NGỌC CHÂM

Nổi bật là hai bên đã phối hợp tham gia ý kiến, đề xuất, xây dựng, sửa đổi nội dung giải quyết tranh chấp lao động trong Bộ Luật lao động 2019; ban hành Nghị quyết số 05 ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động…

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, bước vào giai đoạn mới với những thay đổi nhanh chóng của tình hình thực tiễn, có những yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra đối với mỗi cơ quan trong đó đối với tổ chức Công đoàn là sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng công nhân, lao động ngoài khu vực nhà nước, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự xuất hiện của tổ chức đại diện lao động tại doanh nghiệp bên cạnh công đoàn cơ sở… đặt ra những yêu cầu mới trong thu hút, tập hợp đoàn viên, trong thực hiện vai trò đại diện bảo vệ công nhân, lao động.

Chương trình phối hợp giai đoạn 2023 - 2028 được xây dựng với 4 nhóm nội dung chính quan trọng, về cơ bản đã xác định các giải pháp khắc phục hạn chế của chương trình phối hợp giai đoạn trước, bám sát nhiệm vụ trong tình hình mới. Thông qua đó, 2 ngành thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hiệu quả để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ cần phối hợp trong giai đoạn mới, gắn với với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo sự điều hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương và trách nhiệm của 2 ngành, trong đó tập trung vào các nội dung như phối hợp xây dựng, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chia sẻ những thông tin về lao động, công đoàn, giải quyết các tranh chấp, ...

Thước đo của chương trình ký kết là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động

Phát biểu tại Lễ ký kết, đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh: "Công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động là nhiệm vụ vô cùng quan trọng quyết định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn và cũng là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức. Trong khi đó, TAND có chức năng chính trị là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nói chung, trong đó có người lao động. Thực tế trong thời gian vừa qua, tổ chức Công đoàn đã thể hiện rõ nét vai trò bảo vệ người lao động thông qua nhiều hoạt động cụ thể, ý nghĩa, được đánh giá rất cao. Đây có thể nói là những đóng góp lớn của tổ chức Công đoàn".

"Thước đo của chương trình ký kết này là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động".

Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tòa án Nhân dân tối cao ký kết Chương trình phối hợp công tác

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tối cao đánh giá cao những hoạt động thiết thực của tổ chức Công đoàn. Ảnh: NGỌC CHÂM

Nhìn lại chương trình phối hợp giữa hai bên trong 7 năm qua có thể thấy chương trình đã phát huy những giá trị nhất định, khẳng định những đóng góp của tổ chức Công đoàn và Tòa án trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động như giáo dục pháp luật, xây dựng thể chế, tạo các hành lang pháp lý trong việc giải quyết các tranh chấp.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho rằng, trên cơ sở đánh giá lại những mặt tích cực và hạn chế của chương trình hợp tác từ giai đoạn 2016 đến nay, chương trình ký kết giai đoạn 2023 – 2028 có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh những vi phạm, những tranh chấp liên quan đến sử dụng lao động, lợi ích của người lao động có xu thế gia tăng đặt ra một cấp bách là chúng ta phải hướng đến làm sao để bảo vệ quyền lợi cho người lao động một cách tốt nhất, khắc phục được những hạn chế đã chỉ ra được trong thời gian vừa qua. Thước đo của chương trình này là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Đồng chí mong muốn những thông điệp của chương trình ký kết ngày hôm nay sẽ được truyền tải sâu rộng và mạnh mẽ đến các tổ chức trong hệ thống công đoàn và tòa án, đặc biệt là những địa bàn có đông công nhân lao động, trung tâm kinh tế của đất nước để thông qua đó, vai trò bảo vệ người lao động được thể hiện một cách rõ nét và toàn diện nhất.

Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tòa án Nhân dân tối cao ký kết Chương trình phối hợp công tác

Tổng LĐLĐ Việt Nam và TAND tối cao tiến hành ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023 - 2028. Ảnh: NGỌC CHÂM

Về nội dung chương trình phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và TAND Tối cao giai đoạn 2023 - 2028, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, hai ngành sẽ tập trung vào công tác xây dựng, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật như thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hiệu quả để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ về lao động, công đoàn… Bên cạnh đó, sẽ phối hợp trong một số nhiệm vụ cụ thể như: công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác trao đổi, cung cấp thông tin…

TAND tối cao giao Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học và Tổng LĐLĐ Việt Nam giao Ban Quan hệ Lao động làm đầu mối thường trực tham mưu triển khai thực hiện Chương trình phối hợp công tác này. Thông qua đó, các đơn vị đầu mối có trách nhiệm tham mưu triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá, tổng hợp kết quả và kịp thời tham mưu cho lãnh đạo hai bên trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết chương trình phối hợp.

Bài viết: MINH ANH

Ảnh: NGỌC CHÂM

Thiết kế: M.A

Xem phiên bản di động