
Những “người lái đò” thầm lặng cống hiến
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 – 19/5/2025), tỉnh Lâm Đồng tổ chức tôn vinh gương điển hình tiên tiến ngành Giáo dục giai đoạn 2020 - 2025.
Thông tin kết quả phong trào thi đua yêu nước, ông Phạm Kim Quang - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng khẳng định, những tập thể, cá nhân được vinh danh lần này là những gương sáng nhất trong chặng đường thi đua 5 năm qua. Họ là đại diện tiêu biểu cho hơn 22.000 cán bộ, giáo viên, người lao động ngành Giáo dục ở Lâm Đồng.
![]() |
Ông Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể. Ảnh: ĐVCC |
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cũng bày tỏ, phía sau những tấm bảng vinh danh, hay dưới sắc màu lung linh của hoa và ánh sáng sân khấu, là biết bao công sức, mồ hôi; là sự tâm huyết phấn đấu không ngừng nghỉ; là cả những hy sinh quyền lợi bản thân mình để cống hiến cho sự nghiệp “gieo chữ, trồng người” suốt thời gian qua.
Đó là tập thể cán bộ, giáo viên, người lao động Trường THPT Trần Phú – một tập thể đoàn kết, nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đây cũng là ngôi trường được đánh giá thuộc nhóm hàng đầu bậc THPT của tỉnh, cả về chất lượng đại trà lẫn mũi nhọn. Nơi đây đã bồi dưỡng nhiều giáo viên, học sinh giỏi với các đề tài, dự án đổi mới phương pháp dạy học, gắn với ứng dụng thực tiễn.
Với những thành tích này, nhiều năm liền, nhà trường đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; được UBND tỉnh Lâm Đồng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ tặng bằng khen, cờ thi đua.
Hay như cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền – Trường THCS Quang Trung, TP Bảo Lộc – người dành trọn tình yêu với nghề dạy học. Cô vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, toàn quốc; nhận nhiều bằng, giấy khen – và hơn hết, là sự trân quý của đồng nghiệp, bao thế hệ học trò.
Cô Huyền chia sẻ, suốt hơn 23 năm gắn bó với nghề, đã không ít lần được cấp trên cất nhắc, nhưng cô Huyền đều gác lại quyền lợi bản thân để tận tâm với việc giảng dạy môn hóa học.
Điều mà cô giáo Huyền luôn trăn trở là giúp các em học sinh yêu thích môn học được xem là khô cứng này. Bởi vậy, mỗi bài giảng, cô luôn tìm hiểu, nghiên cứu, đổi mới phương pháp, truyền lửa tạo cảm hứng cho học sinh. Đó là các video, bài giảng điện tử, game học tập, ôn luyện kiến thức… giúp học sinh “học mà chơi, chơi mà học”.
“Phải tạo được không khí vui nhộn để các em có được tâm lý thật thoải mái trong mỗi giờ học. Có như thế mới khơi dậy ở các em ý thức tự học, tự hoạt động, chiếm lĩnh kiến thức một cách hiệu quả nhất”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền tâm sự.
![]() |
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền - Trường THCS Quang Trung, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng dành trọn tình yêu với nghề dạy học. Ảnh: NVCC |
Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Định An (huyện Đức Trọng) – cô giáo Lê Thị Cảnh – được nhiều người biết đến là một nhà giáo mẫu mực, với hơn mười năm ở vậy thờ chồng, dành trọn tình yêu thương cho bao thế hệ trẻ mầm non như chính con ruột của mình.
Với tất cả tâm huyết, không quản sớm khuya, vất vả, cô cùng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã đoàn kết, nỗ lực vượt khó. Dù là trường vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Trường Mẫu giáo Định An vẫn vươn lên, đạt chuẩn quốc gia.
Liên tục 8 năm liền đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, 2 lần được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Khiêm tốn, cô Cảnh chia sẻ: “Có được thành tích này là nhờ sự đoàn kết, quyết tâm của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.”
Gắn liền với thành tích của Trường Mẫu giáo Định An, cô giáo Lê Thị Cảnh cũng vinh dự được vinh danh tại nhiều diễn đàn tôn vinh, biểu dương do ngành Giáo dục, Đảng và chính quyền các cấp tổ chức.
Đó còn là tấm gương thầy giáo Trần Đình Hiếu, với hơn 30 năm gắn bó cùng sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa huyện Đạ Huoai. Là cô giáo Thiều Thị Thu, người đã dành trọn tình yêu thương từ tuổi thanh xuân đến cuối chặng đường công tác cho bao thế hệ học trò, góp phần đổi thay diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đam Rông.
Mỗi tấm gương được vinh danh lần này đều là những “người lái đò” thầm lặng, tận tụy cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” – xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những người thầy giáo tốt là những người vẻ vang nhất, là những anh hùng vô danh.”
![]() |
Đồng chí Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trao tặng Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 9 nhà giáo. Ảnh: ĐVCC |
Nỗ lực để viết tiếp trang sử vàng
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái khẳng định, hội nghị lần này là dịp để cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến – những "bông hoa thắm" trong vườn hoa thi đua của ngành Giáo dục.
Đây cũng là dịp khơi dậy, tạo động lực thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần nghị quyết Trung ương; đồng thời đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hoạt động dạy – học trên địa bàn tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, giai đoạn 2020–2025, ngành Giáo dục Lâm Đồng đã nỗ lực vượt khó, đạt nhiều kết quả đáng tự hào. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, tỷ lệ trường phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia đạt trên 83%, vượt chỉ tiêu đề ra.
![]() |
Thầy giáo Trần Đình Hiếu, hơn 30 năm gắn bó với nghề dạy học ở cùng sâu, vùng xa ở huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng (bìa trái) vinh dự được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba. Ảnh: NVCC |
Góp phần vào những kết quả nổi bật của ngành, là những thầy cô giáo miệt mài bám trường, bám lớp nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là những cán bộ quản lý dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đưa ra sáng kiến nâng cao chất lượng dạy học và công tác quản lý.
Không chỉ là niềm tự hào của ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng, các tập thể, cá nhân được vinh danh lần này còn lan tỏa cảm hứng, tạo động lực để toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu, xây dựng Lâm Đồng phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên số.
“Toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh cần tiếp tục phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, chung sức vì sự nghiệp 'trồng người', viết tiếp trang sử vàng của ngành Giáo dục Lâm Đồng”, đồng chí Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen, tôn vinh 250 tập thể, cá nhân tiêu biểu của ngành giáo dục giai đoạn 2020–2025; đồng thời tuyên dương, khen thưởng 98 học sinh xuất sắc năm học 2024–2025 – những tấm gương vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp sáng tạo.
Video cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền - Trường THCS Quang Trung, thành phố Bảo Lộc
Giai đoạn 2020–2025, ngành Giáo dục Lâm Đồng đạt nhiều thành tích nổi bật: 1 tập thể được trao Huân chương Lao động hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba và 1 tập thể đạt danh hiệu Anh hùng Lao động. Có 15 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; 16 tập thể, 41 cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 20 tập thể nhận Cờ thi đua của Chính phủ; 1 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Ngoài ra, có 118 tập thể và 304 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; 3 tập thể nhận Cờ thi đua của Bộ; 182 tập thể và 652 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 147 tập thể nhận Cờ thi đua của tỉnh; 630 tập thể được công nhận Tập thể lao động xuất sắc và 243 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Trong năm học 2024–2025, Lâm Đồng có 46 học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (1 Nhất, 5 Nhì, 8 Ba, 32 Khuyến khích); 1.243 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh trên tổng số 2.146 thí sinh dự thi. Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh thu hút 83 dự án từ 156 học sinh, với 3 dự án dự thi quốc gia và đạt 1 giải Tư, 1 giải Triển vọng. Tại Chung kết Olympic Tin học miền Trung – Tây Nguyên, Lâm Đồng giành 1 HCV, 5 HCB, 8 HCĐ và 4 giải Khuyến khích. Ở cuộc thi lập trình Hue-ICT Challenge 2025, đạt 1 giải Nhất, 1 Ba và 5 Khuyến khích. |
Tin mới hơn

Tại sao công nhân hay bị mất ngủ?

Lợi ích kép từ tăng thuế thuốc lá: Cơ hội vàng để bảo vệ sức khỏe và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Những bàn chân công đoàn chưa dừng bước
Tin tức khác

Những gương sáng "Học không bao giờ cùng" ở Lâm Đồng

Những “đóa hoa Tháng 5” ở Lâm Đồng

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 2: Khi pháp luật “chạm” tới từng phận người

60% công nhân Thủ đô sống chật chội, tạm bợ: Nhà ở xã hội cần bước ngoặt mới

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 1: Hành trình từ bóng tối ra ánh sáng
