e magazine
26/09/2020 07:29
Tổ chức Đảng góp phần làm hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp và người lao động

26/09/2020 07:29

“Việc thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp FDI không ảnh hưởng gì tới các mục đích của họ, không mâu thuẫn với lợi ích của chủ doanh nghiệp mà còn có tác dụng làm hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp và người lao động”; đó là chia sẻ của TS. Vũ Trung Kiên, Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Khu vực II, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Tổ chức Đảng góp phần làm hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp và người lao động

“Việc thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp FDI không ảnh hưởng gì tới các mục đích của họ, không mâu thuẫn với lợi ích của chủ doanh nghiệp mà còn có tác dụng làm hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp và người lao động”, đó là chia sẻ của TS. Vũ Trung Kiên, Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Khu vực II, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với phóng viên Cuocsongantoan.vn.

Tổ chức Đảng góp phần làm hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp và người lao động

PV: Thưa Tiến sĩ, việc phát triển Đảng ở khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được Đảng ta chú trọng và đặt mục tiêu phát triển như thế nào?

TS. Vũ Trung Kiên: Các mục tiêu cụ thể về phát triển Đảng ở khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện nay được quy định tại Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư “Về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”. Chỉ thị số 33 đã đề ra các tiêu chí cụ thể trên lĩnh vực này, đó là:

Một là, đối với các doanh nghiệp đã có tổ chức Đảng: Các cấp uỷ, tổ chức Đảng tiến hành rà soát, nắm chắc số lượng, đánh giá kỹ thực trạng tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng, đề ra giải pháp cụ thể để củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động…

Hai là, đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, cấp uỷ cấp huyện và tương đương chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức Đảng trực thuộc rà soát, nắm chắc số đảng viên đang làm việc ổn định trong các doanh nghiệp, nhưng vẫn sinh hoạt đảng ở nơi khác, nếu có đủ 3 đảng viên chính thức trở lên và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định thì thành lập chi bộ. Nếu chưa đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ thì chuyển số đảng viên này về sinh hoạt với một tổ chức Đảng phù hợp và tích cực chuẩn bị các điều kiện để thành lập chi bộ. Đối với những doanh nghiệp chưa có đảng viên, nhưng có tổ chức Công đoàn, cấp uỷ cơ sở nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính phân công cấp uỷ viên và đảng viên có kinh nghiệm phối hợp với các đoàn thể trong doanh nghiệp phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên…

Tổ chức Đảng góp phần làm hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp và người lao động

PV: Vì sao đặt ra mục tiêu như vậy và cần làm gì để đạt được mục tiêu đó?

TS. Vũ Trung Kiên: Đảng Cộng sản Việt Nam được Hiến pháp hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vì vậy, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam là ở bất cứ địa bàn nào, tổ chức nào, lĩnh vực nào cũng phải có sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có cả ở các doanh nghiệp FDI. Và rõ ràng, đặt mục tiêu như vậy để ở tất cả các đơn vị, địa phương, loại hình kinh tế đều có sự lãnh đạo của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa X khẳng định vị trí, vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam, đó là: “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Là giai cấp có vị trí, vai trò quan trọng thì giai cấp đó phải là một giai cấp tiên tiến về nhiều mặt, phải được lãnh đạo bằng một tổ chức tiền phong, đó chính là Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp FDI chắc chắn nhằm tới mục tiêu này là lớn nhất.

Đặt ra các mục tiêu nhưng để hoàn thành các mục tiêu ấy là điều không dễ dàng, nhất là đối với vấn đề thành lập các tổ chức Đảng, kết nạp đảng viên, vấn đề sinh hoạt Đảng trong các doanh nghiệp FDI. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu này cần có sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức Công đoàn, các tổ chức đoàn thể ở các địa phương, doanh nghiệp FDI. Đặc biệt là vai trò quan trọng của giới chủ để họ ủng hộ chủ trương này và mỗi người công nhân trong các doanh nghiệp FDI cũng cần có hiểu biết về chính trị để tích cực tham gia vào quá trình này.

Khi đã có tổ chức Đảng, các cơ quan có trách nhiệm cần có các hướng dẫn nội dung, hình thức sinh hoạt Đảng phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tình hình của từng nơi. Các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp FDI phải xây dựng quy chế hoạt động và quy chế phối hợp giữa cấp uỷ với ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các tổ chức Đảng hoạt động cũng như để phát hiện, giới thiệu, tiến cử đảng viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp và việc phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích chính đáng của người lao động…

Tổ chức Đảng góp phần làm hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp và người lao động

Một cuộc trao đổi giữa bà Tung, Jo Chiao, quyền Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Astro Engineering Việt Nam với Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Công ty tại phòng Công đoàn.

PV: Chúng ta có “đo đếm” sự đồng thuận, ủng hộ của chủ doanh nghiệp đối với việc thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp FDI không? Thời gian tới cần làm gì để nhận được sự ủng hộ nhiều hơn của chủ doanh nghiệp là người nước ngoài?

TS. Vũ Trung Kiên: Nói “đo đếm” thì chắc chắn không, song chúng ta quan tâm đến sự đồng thuận, ủng hộ của chủ doanh nghiệp đối với việc thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp FDI là có. Vì sao vậy? Vì đối với các chủ doanh nghiệp FDI, khi đầu tư ở Việt Nam hay bất cứ nơi đâu, điều họ quan tâm nhất là lợi nhuận - đó là quan tâm hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, với đặc thù nhất nguyên về chính trị, chỉ duy nhất một Đảng cầm quyền, với đặc thù về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam nên rõ ràng chúng ta rất cần hài hòa lợi ích, nhu cầu giữa các bên. Vì vậy, hẳn nhiên chúng ta mong muốn sự đồng đồng thuận, ủng hộ của chủ doanh nghiệp đối với việc thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp FDI.

Còn việc làm thế nào để nhận được sự ủng hộ nhiều hơn của chủ doanh nghiệp là người nước ngoài? Theo tôi lại phải quay lại mục đích của các chủ doanh nghiệp người nước ngoài là lợi nhuận. Để có lợi nhuận, họ mong muốn có đội ngũ công nhân tuân thủ kỷ luật lao động, làm việc có tinh thần trách nhiệm cùng chung sức gắn bó và đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và cùng hưởng thành quả chung từ lao động thông qua việc trả lương và các chính sách xã hội khác. Vì vậy, để chủ doanh nghiệp là người nước ngoài ủng hộ việc thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp FDI thì điều đầu tiên chúng tôi cho rằng các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam cần làm là để giới chủ doanh nghiệp là người nước ngoài hiểu rằng việc thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp FDI không ảnh hưởng gì tới các mục đích của họ, không mâu thuẫn với lợi ích của chủ doanh nghiệp mà còn có tác dụng làm hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp và người lao động

Tổ chức Đảng góp phần làm hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp và người lao động

PV: Thời gian qua, đảng viên, tổ chức Đảng ở cơ sở, cũng như các cấp ủy Đảng đã có những chỉ đạo, hành động như thế nào để khẳng định được sự cần thiết của việc thành lập tổ chức Đảng ở doanh nghiệp FDI, cũng như góp phần khẳng định sức mạnh của Đảng ta?

TS. Vũ Trung Kiên: Có lẽ ngay từ khi mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn thấy tầm quan trọng này và đã có những giải pháp cụ thể xây dựng các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, dấu mốc quan trọng có thể thấy là việc Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 07-CT/TW ngày 23/11/1996 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Sau gần 15 năm thực hiện chỉ thị này, ngày 29/7/2010, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.

Sau quá trình thực hiện, nhận thấy: “Một số cấp uỷ, tổ chức Đảng chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương về phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nên chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phát triển tổ chức Đảng, đảng viên, tỉ lệ số tổ chức Đảng trên tổng số đơn vị cũng như số đảng viên trên tổng số lao động trong khu vực kinh tế tư nhân còn rất thấp. Vai trò của tổ chức Đảng, đảng viên còn mờ nhạt; nội dung và phương thức hoạt động còn lúng túng; chất lượng sinh hoạt Đảng còn nhiều hạn chế. Việc kết nạp công nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng có chuyển biến, nhưng kết quả chưa cao”, vì vậy, ngày 18/3/2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW “Về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân” như đã nêu trên.

Trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu thực tế, chúng tôi nhận thấy những tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã quan tâm đến vấn đề này rất sớm và có nhiều giải pháp cụ thể trong thực thi. Đặc biệt, ở Đồng Nai, trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết 20 về công nhân thì Tỉnh ủy Đồng Nai đã có Nghị quyết về vấn đề này rất sớm với nhiều giải pháp cụ thể, khả thi.

Việc thành lập tổ chức Đảng ở doanh nghiệp FDI, theo chúng tôi không chỉ góp phần khẳng định sức mạnh của Đảng ta mà còn thể hiện trách nhiệm của Đảng đối với một lực lượng quan trọng và có đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển đất nước, đó là công nhân trong các doanh nghiệp FDI...

PV: Qua tìm hiểu và ghi nhận của phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn (cuocsongantoan.vn), ở doanh nghiệp FDI, để có sự hiện diện của tổ chức Đảng, tổ chức Đảng được doanh nghiệp ủng hộ, thì trước tiên tổ chức Công đoàn ở đó phải mạnh. Ông đánh giá như thế nào về sự tương quan đó?

TS. Vũ Trung Kiên: Đó là điều hoàn toàn chính xác. Các chủ doanh nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài, có thể do đặc thù ở đất nước họ, hoặc do sự thấu hiểu giữa hai bên chưa thật sự nhuần nhuyễn nên họ vẫn rất e ngại đối với các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp do họ làm chủ. Tuy nhiên, dù tên gọi có khác nhau, chức năng nhiệm vụ có thể có những khác biệt đôi chút, nhưng tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động ở đâu trên thế giới này cũng có. Ở Việt Nam hiện nay, tổ chức đó là Công đoàn Việt Nam. Vì lẽ ấy, rõ ràng ở doanh nghiệp FDI, để có sự hiện diện của tổ chức Đảng, tổ chức Đảng được doanh nghiệp ủng hộ, thì trước tiên tổ chức Công đoàn ở đó phải mạnh.

PV: Xin cảm ơn TS. Vũ Trung Kiên về cuộc trao đổi này!

Bài, ảnh: Lê Tuyết
Đồ họa: Ngô Thụy

Xem phiên bản di động