e magazine
07/12/2022 16:29
Tình hình Bảo hiểm TNLĐ, BNN trên thế giới, khu vực và Việt Nam

07/12/2022 16:29

Để hoàn thiện hệ thống Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) ở Việt Nam, chúng ta cần nghiên cứu kinh nghiệm lâu dài, đã được thực tế kiểm nghiệm của các nước phát triển, từ đó áp dụng các khía cạnh tích cực và truyền thống tốt nhất của hệ thống Bảo hiểm TNLĐ, BNN của nước ngoài vào thực tiễn.

một số nét Tổng quan tình hình Bảo hiểm TNLĐ, BNN trên thế giới, khu vực và ở Việt Nam

Để hoàn thiện hệ thống Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) ở Việt Nam, chúng ta cần nghiên cứu kinh nghiệm lâu dài, đã được thực tế kiểm nghiệm của các nước phát triển, từ đó áp dụng các khía cạnh tích cực và truyền thống tốt nhất của hệ thống Bảo hiểm TNLĐ, BNN của nước ngoài vào thực tiễn nước ta.

Tổng quan tình hình Bảo hiểm TNLĐ, BNN trên thế giới, khu vực và ở Việt Nam

An sinh xã hội và chính sách bảo hiểm ở Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: TL

Hệ thống bảo hiểm TNLĐ và BNN TRÊN THẾ GIỚI, KHU VỰC

Hiện nay trên thế giới, hoạt động quản lý, đảm bảo ATVSLĐ tại cơ sở sản xuất công nghiệp chủ yếu chuyển sang quản lý rủi ro nghề nghiệp (viết tắt là RRNN). Đây là xu thế tất yếu. Có hai lĩnh vực lớn quan hệ gắn bó với nhau là: Xây dựng hệ thống quản lý RRNN thống nhất từ cơ sở đến các cơ quan quản lý cấp Nhà Nước, trong đó vận hành đầy đủ các nội dung và trình tự quản lý; xây dựng được cơ chế và công cụ kinh tế để góp phần thúc đẩy vận hành quản lý RRNN một cách thống nhất trong quy mô quốc gia, vùng lãnh thổ và các ngành sản xuất công nghiệp.

Trong đó, mỗi lĩnh vực đều có những nghiên cứu cơ bản và hình thành cơ sở khoa học vững chắc cho công tác đảm bảo ATVSLĐ nói riêng, bảo vệ nguồn nhân lực cho phát triển nói chung. Các thành tựu đó cho phép chúng ta nghiên cứu phân tích và áp dụng một cách chọn lọc trong giai đoạn đến 2035 và tầm nhìn xa hơn nữa.

Cụ thể: Những cơ sở khoa học được nghiên cứu liên tục song song với thực tiễn quản lý ATVSLĐ bao gồm: Cơ sở khoa học phục vụ thể chế hóa cơ chế kinh tế, pháp luật và tổ chức quản lý ATVSLĐ tại cơ sở; cơ sở lý thuyết và thực tiễn đánh giá, phân loại rủi ro nghề nghiệp; cơ sở khoa học đánh giá và quy đổi thiệt hại do TNLĐ và BNN gây ra cho NLĐ; cơ chế cứu hộ cứu nạn và chi trả, đền bù thiệt hại cho người lao động chịu rủi ro TNLĐ và BNN; tổ chức thực hiện các giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu RRNN tại nơi làm việc; cơ sở khoa học để xây dựng các quy định thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNLĐ và BNN.

Đối với RRNN, thế giới đã có nhiều phương pháp đánh giá, phân loại. Chủ yếu là các phương pháp tính toán dựa vào các chỉ số thống kê TNLĐ và BNN ở cơ sở. Đối với những nơi chưa thực hiện tốt công tác thống kê thì RRNN được đánh giá trực tiếp bằng số liệu TNLĐ và BNN ở năm vừa qua - Đây là phương pháp đánh giá trực tiếp, sử dụng giá trị tuyệt đối của số liệu [6].

Đối với quy trình quản lý RRNN, thế giới đã xây dựng và gợi ý thể chế hóa thông qua áp dụng tiêu chuẩn OHSAS 18000 và ISO 45001 [5, 6].

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thiệt hại kinh tế do TNLĐ và điều kiện lao động độc hại gây ra chiếm khoảng 4% GDP toàn cầu [3, 4]. Do vậy, việc tạo ra hệ thống Bảo hiểm TNLĐ và BNN hiệu quả có ý nghĩa thực tiễn, cấp bách đối với NLĐ, người tạo công việc (NTCV) cũng như chính phủ các nước[14].

Ở các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, bảo hiểm bắt buộc TNLĐ và BNN một trong số các biện pháp cơ bản, quan trọng để kiểm soát RRNN và hậu quả của chúng. Hơn thế, Bảo hiểm TNLĐ và BNN là biện pháp an sinh xã hội quan trọng đối với NLĐ, phản ánh văn minh sản xuất công nghiệp và trách nhiệm xã hội đối với bảo vệ nguồn lực cho phát triển.

Về cơ chế Bảo hiểm TNLĐ và BNN, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị hơn 150 loại RRNN và gần 1.000 dạng RRNN đối với khoảng 2.000 nghề nghiệp, công việc khác nhau và vẫn coi là chưa quán xuyến thật sự đầy đủ các lĩnh vực đảm bảo An toàn sức khỏe nghề nghiệp cho NLĐ [3, 4, 14].

Tổng quan tình hình Bảo hiểm TNLĐ, BNN trên thế giới, khu vực và ở Việt Nam

Một hoạt động ngày hội việc làm do Đại học Jonkoping (Thụy Điển) tổ chức, phối hợp với các công ty tại Thụy Điển. Ảnh: TL

Mô hình Bảo hiểm TNLĐ và BNN của Đức [3, 14] có lịch sử trên 1 thế kỷ bao gồm ba hướng hoạt động kinh tế và có khoảng 110 tổ chức bảo hiểm. Trong đó: 35 tổ chức công nghiệp, hơn 20 tổ chức nông nghiệp, hơn 50 tổ chức cấp thành phố, bảo hiểm cho công chức, viên chức nhà nước, những người không có nghề nghiệp cụ thể, sinh viên, học sinh, giáo viên dạy trẻ. Tư cách thành viên tham gia bảo hiểm là bắt buộc.

Tất cả các tổ chức bảo hiểm đều là chủ thể pháp lý có quyền tự chủ, tự trị hoạt động dưới sự kiểm soát của nhà nước. Về mặt tổ chức và quản lý, các tổ chức bảo hiểm được thiết lập và xác định bởi nhu cầu quản lý hiệu quả và kinh tế.

Về tài chính cũng khác với các loại bảo hiểm khác. Các tổ chức này độc lập với ngân sách nhà nước và kế hoạch của các cơ quan tài chính nhà nước. Phí bảo hiểm được NTCV chi trả theo phương thức bồi hoàn chi phí của năm trước và được phân loại theo các rủi ro được bảo hiểm.

Sự tập trung toàn bộ dịch vụ liên quan đến TNLĐ trong tổ chức bảo hiểm cho phép các công ty bảo hiểm ngăn ngừa hiệu quả TNLĐ và BNN.

Các biện pháp phòng ngừa tại nơi làm việc được khuyến khích về kinh tế. Có 5 loại phí đóng bảo hiểm khác nhau được dự kiến. Trong đó: 4 loại chính (phân biệt lĩnh vực bảo hiểm theo ngành, theo loại rủi ro, thay đổi nhóm rủi ro liên quan đến thay đổi công nghệ sản xuất và tiền thưởng tùy thuộc vào hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn đã thực hiện) và một loại phí thứ cấp (có tính đến các tai nạn đã xảy ra).

Các nguyên tắc cơ bản tổ chức hệ thống bảo hiểm ở Đức là sự thấu đáo trong cung cấp đồng bộ và toàn diện an sinh xã hội cho nạn nhân, thực hiện bằng cách đưa trách nhiệm của NTCV thành nghĩa vụ xã hội và nghĩa vụ pháp lý tương ứng trong hệ thống bảo hiểm.

Bồi thường thiệt hại có đặc thù sau: nạn nhân không phải chịu bất kỳ chi phí nào, ngay cả trong các trường hợp vi phạm quy định an toàn một cách rõ ràng từ phía NLĐ (ngoại trừ cố ý). Việc cung cấp các lợi ích bảo hiểm ở đây được coi là nguyên tắc chung, và vấn đề cảm giác tội lỗi đã được vượt ra ngoài phạm vi của quan hệ giữa người làm công và NTCV.

Bồi thường được thực hiện không phụ thuộc vào sự xác nhận quan hệ bảo hiểm và thông báo yêu cầu của NTCV cho công ty bảo hiểm, điều này đảm bảo dịch vụ an sinh xã hội được chắc chắn và hiệu quả đối với các quyền của người được bảo hiểm. Phục hồi chức năng được thực hiện bởi các bệnh viện chuyên khoa, hoạt động theo các quy định đặc biệt.

Hệ thống Bảo hiểm TNLĐ và BNN tác động tích cực đến công tác phòng ngừa chúng. Hệ thống bảo hiểm miễn trách nhiệm cho NTCV trong vụ tai nạn, nhưng không miễn trách nhiệm phải đảm bảo các điều kiện làm việc an toàn. Sự kết hợp chặt chẽ của phòng ngừa với phục hồi chức năng và bồi thường kinh phí có ý nghĩa quan trọng cơ bản.

Hệ thống Bảo hiểm TNLĐ và BNN của Đức được đặc trưng bởi mức độ độc lập cao của các tổ chức bảo hiểm và sự tham gia hạn chế của nhà nước cũng như bởi quan hệ gắn bó với ngành sản xuất công nghiệp.

Nền tảng Bảo hiểm TNLĐ và BNN ở Thụy Điển [3, 4, 14] là hệ thống nhà nước, được tài trợ từ ngân sách nhà nước và thông qua nộp thuế của các doanh nhân. Hệ thống bao gồm 4,2 triệu người và dựa trên các nguyên tắc: Cam kết trách nhiệm; bổ sung vào hệ thống bảo hiểm chung; cơ chế kinh tế - bồi thường những thiệt hại có thể bồi thường (thiệt hại về tín nhiệm, về đạo đức được bồi thường thông qua các hệ thống bảo hiểm bổ sung - theo thỏa thuận lao động tập thể); bồi thường cho người lao động thu nhập bị mất.

Các đối tượng của bảo hiểm là toàn bộ dân số hoạt động kinh tế: công nhân, người sử dụng lao động, tự làm chủ, sinh viên giáo dục trung học và đại học có khối lượng thực hành công nghiệp kèm theo trong chương trình đào tạo.

Hầu hết thị trường lao động sử dụng một hệ thống bảo hiểm hỗ trợ, bao gồm 3,3 triệu người và dựa trên hợp đồng lao động tập thể giữa các đối tác xã hội: Tổ chức của NTCV và tổ chức Công đoàn. Tại Thụy Điển, phong trào công đoàn được phát triển mạnh mẽ và có 5 tổ chức Công đoàn lớn đang hoạt động.

Ngoài ra, bảo hiểm cá nhân cũng được thực hiện, bao gồm khoảng 400 nghìn người và bảo hiểm nhóm những NLĐ làm việc có tính chất tập thể (ví dụ: vận động viên v.v.), bao gồm 900 nghìn người [9].

Chương trình bảo hiểm tập thể hoạt động theo nguyên tắc “Không có lỗi” khi nộp đơn yêu cầu bồi thường. Hoạt động của hệ thống này không nhất thiết được điều chỉnh bởi pháp luật, nhưng nó hoạt động trên cơ sở hợp tác hiệu quả giữa NTCV với công đoàn.

Nguyên tắc cơ bản của luật pháp Thụy Điển là quy tắc cho rằng tất cả những yêu cầu của người được bảo hiểm với tất cả các đặc điểm của tổ chức nơi họ làm việc đều được chấp nhận để xem xét. Nguyên tắc này có thể dẫn đến những khó khăn đáng kể trong việc đánh giá các vấn đề sức khỏe, vì ở Thụy Điển không có danh sách BNN được ban hành chính thức. Do đó, khó khăn trong việc phân loại bệnh là BNN là một vấn đề rất khó khăn và do đó, là một nhược điểm của hệ thống Bảo hiểm TNLĐ và BNN ở Thụy Điển [7].

Các quy tắc pháp lý của Thụy Điển điều chỉnh việc trả tiền bồi thường cho nạn nhân và các quy tắc pháp lý điều chỉnh việc kiểm soát các biện pháp phòng ngừa tồn tại tách biệt với nhau và không được kết nối với nhau. Mức độ tai nạn không ảnh hưởng đến số tiền đóng góp của NTCV. Không có sự kiểm soát đối với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Các chi phí đảm bảo an toàn và sức khỏe nghề nghiệp trong các doanh nghiệp được bao gồm trong chi phí sản xuất.

Mô hình của Thụy Điển bị nhiều người chỉ trích vì gây ra "sự thụ động trong dân cư". Tuy nhiên, thành tựu chính của hệ thống này là sự an sinh con người được Nhà nước đảm bảo [9, 14].

Mô hình của Thụy Điển có một số tính năng tích cực, đó là: Sự tập trung cao các chức năng vào tay Nhà nước. Hiện nay, tại Thụy Điển, quy trình xử lý khiếu nại của nạn nhân có xu hướng thắt chặt. Bồi thường vật chất được chi trả nếu nhân viên bị tai nạn không tự bù đắp được tổn thất. Chấn thương do hành vi sai trái được xem xét theo một trình tự khác. Thiệt hại sức khỏe do cố ý gây tai nạn sẽ không được bồi thường.

Ở Phần Lan, [14] bảo hiểm tai nạn được thực hiện bởi 16 công ty phi chính phủ, các hoạt động được điều phối bởi Liên đoàn các tổ chức bảo hiểm tai nạn công nghiệp và BNN. Liên đoàn này hợp tác với các tổ chức Công đoàn, NTCV, Bộ An sinh xã hội và Bộ Y tế. Nghị Viện sẽ kiểm soát phạm vi các hoạt động này.

Nhà nước đảm bảo an sinh xã hội cho các nạn nhân TNLĐ cả khi bất kỳ công ty nào trong số 16 công ty bảo hiểm bị phá sản. Liên đoàn các tổ chức bảo hiểm có quyền rút giấy phép hoạt động của công ty bảo hiểm nào có vi phạm pháp luật.

Các công ty bảo hiểm được chia theo mức độ rủi ro bảo hiểm thành 250 nhóm, tỷ lệ bảo hiểm trung bình là 1% quỹ tiền lương và tỷ lệ thực tế nằm trong khoảng 0,5 đến 2,5%. Có khoảng 140 nghìn sự kiện bảo hiểm được đăng ký mỗi năm.

Tại Bỉ, [14] bảo hiểm TNLĐ được thực hiện chủ yếu bởi 19 công ty tư nhân, thống nhất trong Liên minh Bảo hiểm tư nhân, nguyên tắc tổ chức và kiểm soát các hoạt động tương tự như mô hình của Phần Lan.

Liên minh được thành lập để phối hợp thống nhất trong việc thiết lập các mức giá bảo hiểm cho các hoạt động kinh tế. Có khoảng 900 loại hoạt động kinh tế (theo quy định của châu Âu) và cũng khoảng ngần ấy mức đóng bảo hiểm [9, 14].

Mỗi doanh nghiệp được ấn định mức đóng phí bảo hiểm riêng. Mức phí này được thiết lập tương ứng với loại hình hoạt động kinh tế và tình trạng an toàn và sức khỏe nghề nghiệp trong thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

Khi thiết lập mức đóng bảo hiểm riêng cho doanh nghiệp, tính đến xu thế TNLĐ và mức độ nghiêm trọng của chúng. Các công ty bảo hiểm nghiên cứu tình trạng an toàn và vệ sinh tại doanh nghiệp và có thể đề xuất thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần ưu tiên hơn cả.

Bảo hiểm BNN được thực hiện bởi quỹ bảo hiểm nhà nước.

Tại Bỉ, giới hạn thanh toán được đặt ở mức 25 nghìn euro mỗi năm. Như thực tế cho thấy, các công ty bảo hiểm tư nhân không công nhận gần 5% tổng số vụ tai nạn được khai báo [5].

Ở Đan Mạch, [3, 14] có luật xã hội chung, do nhà nước tài trợ và quản lý, và song song với nó là cơ chế bồi thường cho các vụ TNLĐ do NTCV chi trả nhưng được các cơ quan chính phủ quản lý.

So với luật chung, sơ đồ bảo hiểm này có các tính năng riêng như sau. Sơ đồ bảo hiểm chỉ bao gồm công nhân trong ngành công nghiệp và thương mại; thực hiện bảo hiểm là NTCV (TNLĐ được coi là RRNN, bồi thường hậu quả của chúng - là một phần của chi phí sử dụng lao động. Điều này bảo đảm cho doanh nghiệp không bị phá sản, đồng thời bảo lãnh cho nạn nhân); sơ đồ bảo hiểm này hoạt động dựa trên các nguyên tắc của bảo hiểm tư nhân.

Khi xem xét nhu cầu phải hỗ trợ một chương trình bảo hiểm tư nhân, người ta thấy nguyên tắc giảm thiểu rủi ro nghề nghiệp bằng cách cải thiện điều kiện làm việc có tầm quan trọng lớn, ảnh hưởng đến các khoản đóng góp của NTCV. Các công ty bảo hiểm hỗ trợ thông tin cho NTCV về tỷ lệ chi phí đóng bảo hiểm và chi phí cho các biện pháp bảo hộ lao động.

Pháp luật đảm bảo bảo hiểm tai nạn bắt buộc cho mọi NLĐ làm việc liên tục hay tạm thời cho chủ lao động, cũng như học sinh và sinh viên. Nếu chủ lao động vi phạm nghĩa vụ bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm bị ảnh hưởng sẽ được đền bù bằng việc ứng trước.

Một điểm khác biệt của luật pháp Đan Mạch là nguyên tắc, theo đó người bị TNLĐ tại nơi làm việc cũng được hưởng các quyền lợi theo luật chung về an sinh xã hội, quy định về Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội dựa trên các nguyên tắc và kết quả thẩm định hỗ trợ cần thiết cho những người cần giúp đỡ.

Pháp luật bảo hiểm TNLĐ là một phần của pháp luật xã hội nói chung, nhưng nó khác ở hai điểm quan trọng là:

1) Luật chỉ liên quan đến những người làm công được thuê mướn;

2) Tài trợ và chi trả không phải bằng tiền thuế của Nhân dân, mà bằng tiền của NTCV và hoạt động không phải trên cơ sở quốc gia, mà trên cơ sở bảo hiểm tư nhân.

Ở Pháp [3, 14] đã phát triển một danh sách 1.200 RRNN, mỗi RRNN được xác định cho từng loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu. Việc phân loại như vậy giúp xác định các yếu tố dành riêng cho sản xuất có rủi ro tương tự.

Tỷ lệ đóng góp được thiết lập riêng cho từng doanh nghiệp. Các nhà sản xuất là thành viên của một doanh nghiệp ở các vùng khác nhau có mức đóng phí bảo hiểm khác nhau, nhưng các phương pháp thiết lập phí bảo hiểm áp dụng cho tất cả các thành viên phụ thuộc vào tổng số nhân viên trong toàn doanh nghiệp.

Chi phí rủi ro của một doanh nghiệp sản xuất cụ thể bằng tổng số tiền bồi thường cho các vụ tai nạn.

Đối với các doanh nghiệp lớn có cơ sở dữ liệu thống kê cho phép phân tích công việc trong quá khứ để bảo hiểm rủi ro trong tương lai với các lỗi tối thiểu, mức đóng phí bảo hiểm được điều chỉnh theo các rủi ro cụ thể của họ. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, không áp dụng mức phí tương tự mà phải thiết lập mức đóng góp bảo hiểm riêng.

Khi thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, hai phương pháp khuyến khích người sử dụng lao động được sử dụng: Tăng tầm quan trọng của việc cá nhân hóa thuế quan và khả năng giảm đóng góp từ các chủ lao động cung cấp nhiều hơn các biện pháp an ninh tối thiểu được cung cấp. Ngoài ra, NTCV phải đóng bổ sung từ 25% đến 200% mức đóng thường xuyên nếu hoạt động sản xuất bị xếp hạng không đạt yêu cầu. Nghị định ngày 16/9/1977 xác định một trong những hình thức gây áp lực đối với NTCV phải chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho NLĐ hoặc tuân thủ các quy tắc an toàn do pháp luật quy định.

Giảm mức đóng góp bảo hiểm cho NTCV chủ động phòng ngừa tai nạn được thực hiện phối hợp với các cơ quan hữu quan trong thời gian 1 năm với số tiền không quá 25%.

Hệ thống Bảo hiểm TNLĐ và BNN của Pháp được coi là một trong những hệ thống phức tạp nhất, nhưng nó chứa đựng các nguyên tắc để thực hiện Bảo hiểm TNLĐ và BNN như là một phần của hệ thống bảo hiểm xã hội nói chung. Quy mô của phí bảo hiểm trong loại bảo hiểm này cần đảm bảo đủ chi phí để ngăn ngừa TNLĐ, đồng thời cung cấp các chi phí cơ bản liên quan đến chúng. Các khoản đóng góp của NTCV ở Pháp từ năm 1946 đã đủ để chi phí bồi thường cho các trường hợp TNLĐ và BNN [3].

Hệ thống bảo hiểm TNLĐ và BNN của Nhật Bản [14] nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ, nơi thu phí bảo hiểm từ chủ lao động, được tính bằng cách nhân tổng số tiền lương trả cho tất cả nhân viên trong doanh nghiệp mỗi năm với mức phí bảo hiểm. Tỷ lệ được xác định cho từng loại doanh nghiệp, có tính đến mức độ tai nạn trong năm qua và các yếu tố khác. Hệ thống định giá được sử dụng để xác định tỷ lệ phí bảo hiểm cho các ngành công nghiệp khác nhau.

Các mức tăng hoặc giảm đóng góp bảo hiểm của các doanh nghiệp lớn được xác định bằng các công cụ của hệ thống định giá. Từ năm 1997, các hệ thống định giá này cũng đã chấp nhận các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã áp dụng các giải pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn và sức khỏe của nhân viên.

Có những quốc gia, chẳng hạn như Hà Lan, cung cấp các khoản bồi thường TNLĐ và BNN thông qua luật pháp xã hội nói chung mà không có luật về TNLĐ cụ thể. Một hệ thống tương tự tồn tại ở Na Uy, nhưng trong đó có lợi ích từ chương trình an sinh xã hội chung được bổ sung bằng các khoản thanh toán đặc biệt đối với thương tật lao động được xác nhận về mặt y tế. Kinh nghiệm thế giới chỉ ra một loạt các hình thức bảo hiểm xã hội hợp pháp. Các phương pháp tổ chức quản lý các hệ thống này khác nhau tùy thuộc vào mức độ tham gia của nhà nước (từ toàn quyền kiểm soát nhà nước đến các tổ chức bảo hiểm, được quản lý trực tiếp bởi các thành viên của các hiệp hội và công đoàn). Trong mọi trường hợp, các hệ thống được thiết lập bởi pháp luật được nhà nước bảo trợ. Điều này được hỗ trợ bởi kinh nghiệm thực tế xã hội hóa có sự tham gia của nhà nước với thực tế chỉ có nhà nước quản lý [3, 4, 14].

Ở LB Nga, hiện nay quy định 32 loại RRNN cho mọi công việc, nghề nghiệp trong nền kinh tế quốc dân để phân loại RRNN và làm căn cứ chủ yếu để tính mức đóng góp vào quỹ Bảo hiểm TNLĐ và BNN quốc gia. Mức đóng quỹ dao động từ 0,2% đến 8,5% quỹ tiền lương tại cơ sở và phụ thuộc vào loại hình sản xuất công nghiệp vào thực tiễn đảm bảo điều kiện lao động và tỷ lệ TNLĐ cũng như tỷ lệ mắc các bệnh tật liên quan tới nghề nghiệp [14].

Như vậy, cơ sở để xác định mức đóng quỹ Bảo hiểm TNLĐ và BNN trước hết vẫn là xác định và phân loại được RRNN tại vị trí làm việc và ở cơ sở sản xuất công nghiệp nói chung. Cơ chế Bảo hiểm TNLĐ và BNN là cơ chế kinh tế - đầu tư cho đảm bảo ATVSLĐ tại cơ sở.

Tổng quan tình hình Bảo hiểm TNLĐ, BNN trên thế giới, khu vực và ở Việt Nam

Hiện trường vụ tai nạn tại phường Hải Châu 1, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) khiến một nam công nhân tử vong. Ảnh: V.QUYÊN

Ở khu vực Đông nam Á, chúng ta có thể nêu thêm kinh nghiệm của một số nước như: Thái Lan, Singapore về Bảo hiểm TNLĐ và BNN.

Ở Thái Lan, [3, 4] cơ quan an sinh xã hội nước này chịu trách nhiệm thực hiện các chế độ Bảo hiểm xã hội cho NLĐ, bao gồm cả chế độ TNLĐ, BNN. Tất cả NLĐ làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; người làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, trường tư và nhân viên chính phủ thực hiện theo hệ thống riêng. Nguồn quỹ bảo hiểm do NTCV đóng góp, NLĐ không phải đóng. Mức đóng góp của NTCV dao động từ 0,2 đến 2% so với tổng quỹ lương, phụ thuộc vào tỷ lệ rủi ro. Tỷ lệ đóng góp được tính toán lại hằng năm, bắt đầu từ năm thứ 5 trở đi đối với mỗi đơn vị tham gia.

NLĐ được bồi thường ở tất cả các mức thương tật; được trả các chi phí về y tế. Khi bị thương tật tạm thời hoặc bị thương tật vĩnh viễn thì được hưởng trợ cấp 1 lần hoặc hằng tháng (có quy định thời gian); được hưởng các dịch vụ phục hồi chức năng gồm điều trị y tế, mổ, nằm viện bao gồm cả trang thiết bị nếu như họ bị tàn tật do bị thương để giúp họ có thể trở nên độc lập về thể lực; đào tạo lại nghề. Còn khi bị chết thì NLĐ được hưởng tiền mai táng phí; trợ cấp 1 lần; thân nhân người bị TNLĐ được nhận trợ cấp hằng tháng theo luật định.

Tại Singapore [3, 4] trách nhiệm bảo hiểm là của NTCV.

Luật quy định NTCV phải ký kết hợp đồng bảo hiểm quy định việc thanh toán bồi thường cho NLĐ chân tay; lựa chọn hình thức bảo hiểm được trao cho người sử dụng lao động khi NLĐ làm việc có rủi ro thấp; đối tượng được bảo hiểm là NLĐ có hợp đồng lao động dài hạn; NLĐ có hợp đồng bán thời gian; thực tập sinh; lao động nhập cư; lao động khu vực phi cấu trúc;

Tương tự Thái Lan, ở Singapore, quỹ BH do NTCV đóng góp. Mức đóng góp của NTCV dao động từ 0,2 đến10% tổng quỹ lương, phụ thuộc vào tỷ lệ rủi ro. Tỷ lệ đóng góp được tính toán lại hằng năm, bắt đầu từ năm thứ 5 trở đi đối với mỗi đơn vị tham gia

Bộ Lao động và Nhân lực quy định việc thanh toán bồi thường theo Luật Bồi thường thiệt hại cho TNLĐ. Áp dụng hệ thống chi trả “không có lỗi”. Bảo hiểm được cung cấp thông qua các công ty bảo hiểm tư nhân có phí bảo hiểm được quy định theo điều kiện thị trường.

Tại Hoa Kỳ [3, 4, 14], bảo hiểm RRNN được tổ chức chủ yếu trên nguyên tắc bảo hiểm tư nhân. Mỗi tiểu bang công bố luật riêng về tổ chức bảo hiểm RRNN. Đồng thời, trong nước, Hiệp hội Quốc gia về đại diện bảo hiểm đặt ra luật mẫu.

Bảo hiểm TNLĐ và BNN có ở tất cả các bang. Một số bang, bảo hiểm này được quản lý bởi các dịch vụ công, một số bang khác lại do các công ty bảo hiểm, do đó, hệ thống bảo hiểm này bao gồm 50 chương trình độc lập của các tiểu bang và một số chương trình đặc biệt của liên bang.

Nguyên tắc cơ bản của việc tổ chức Bảo hiểm TNLĐ là chi trả bằng tiền mặt và chăm sóc y tế được cung cấp mà không làm rõ bất kỳ mức độ tội lỗi nào của doanh nghiệp cũng như của NLĐ. Bảo hiểm loại này không liên quan đến việc thiết lập cảm giác tội lỗi của mỗi nạn nhân. Bản chất của Bảo hiểm TNLĐ và BNN là đảm bảo an sinh xã hội của NLĐ, chứ không phải để phạt lỗi của bất cứ ai. Nó đặt gánh nặng chi trả hoàn toàn lên NTCV.

Tư tưởng bỏ qua lỗi không có nghĩa là NTCV không có nghĩa vụ đảm bảo an toàn tại nơi làm việc. Mức tăng phí bảo hiểm liên quan đến mức rủi ro trong công việc gián tiếp buộc họ phải làm tốt công tác ATVSLĐ. Ngoài ra, luật an toàn lao động của liên bang và tiểu bang đã đưa ra các quy tắc an toàn và vệ sinh công nghiệp có liên quan trong hầu hết các công việc rủi ro nghề nghiệp cao, và NTCV phải chịu hình phạt dân sự và thậm chí là hình sự nếu không tuân thủ.

Bảo hiểm TNLĐ là bắt buộc ở tất cả các tiểu bang, ngoại trừ 3 tiểu bang. Nguyên tắc bắt buộc này đảm bảo cho NLĐ bị mất khả năng lao động phải được chăm sóc y tế và trợ cấp tiền mặt, ngay cả khi NTCV bị phá sản.

NTCV đóng góp không chỉ cho các chương trình bảo hiểm của tiểu bang, mà còn cho các chương trình bảo hiểm của liên bang, đảm bảo hoạt động cho ba loại tổ chức bảo hiểm:

1) Các công ty bảo hiểm thương mại tư nhân;

2) Hệ thống bảo hiểm của chính NTCV; đây thường là những công ty lớn có dự trữ đủ để đảm bảo thanh toán bồi thường đúng hạn;

3) Quỹ bảo hiểm của các tiểu bang.

Ở hầu hết các tiểu bang, NTCV được phép sử dụng hai loại bảo hiểm đầu tiên (thông qua các công ty tư nhân hoặc tự mình nếu khả năng chấp nhận rủi ro được chứng minh). Ở 12 tiểu bang cũng đã thành lập thêm quỹ của mình để đảm bảo an sinh xã hội cần thiết.

Ở 2 tiểu bang Bắc Dakota và Wyoming, quỹ nhà nước là cơ chế bảo hiểm duy nhất. Trong 4 tiểu bang Nevada, Ohio, Washington và West Virginia, NTCV chỉ có thể chọn hoặc bảo hiểm qua quỹ tiểu bang hay tự bảo hiểm.

Cách tiếp cận pháp lý cuối cùng để giải quyết xung đột lao động là đưa ra Tòa án. Vai trò cuối cùng của tòa án là quan trọng để đảm bảo quyền được bồi thường của NLĐ.

Ủy ban Bảo hiểm TNLĐ Quốc gia (NCCI) đóng vai trò chính trong việc phát triển các phương pháp đánh giá RRNN.

Phân loại theo nhóm rủi ro được thực hiện như sau: Bước đầu tiên, phí bảo hiểm trung bình trong tiểu bang được xác định dựa trên số liệu thống kê được các công ty bảo hiểm báo cáo lên NCCI. Cơ sở của các khoản đóng góp hiện tại là tỷ lệ của các khoản bồi thường và chi phí dự kiến, dựa trên mức bồi thường trong năm được xem xét, với toàn bộ số tiền đóng góp, lần lượt, dựa trên các khoản đóng góp hiện tại. Chi phí trung bình được tính cho mỗi tiểu bang được phân bổ theo hai giai đoạn, khoảng 600 loại rủi ro, được phân loại theo loại hoạt động: Sản xuất; xây dựng; tất cả các hoạt động còn lại.

Sự thay đổi trung bình trong định mức được phân phối giữa ba hình thái hoạt động trên. Sau đó mới tính đến tính chất đặc thù của mỗi loại hoạt động và mức độ RRNN tương ứng.Ví dụ, để bảo hiểm cho NLĐ thực hiện công việc không đòi hỏi nỗ lực thể chất, tỷ lệ bảo hiểm là 0,25÷1% quỹ tiền lương. Công nhân tham gia vào các hoạt động nguy hiểm, chẳng hạn như công nhân xây dựng hoặc lái xe, được NTCV bảo hiểm với tỷ lệ 10÷15% quỹ tiền lương.

Kể từ năm 2009, 25 tiểu bang đã tham gia vào một chương trình Bảo hiểm TNLĐ và BNN do chính phủ tài trợ. Ở 4 tiểu bang Bắc Dakota, Wyoming, Washington và Ohio, NTCV buộc phải mua hợp đồng bảo hiểm nhà nước.

Chi phí tiềm năng trong lĩnh vực này, theo ước tính của một số nhà khoa học Mỹ, sẽ tăng từ 6 đến 20 tỷ đô la trong 40 năm tới [3, 4].

Về công cụ tính toán RRNN, tại các nước phát triển đã ban hành đồng bộ phương pháp xác định RRNN, phân loại chúng và tính toán các mức đóng quỹ Bảo hiểm TNLĐ và BNN một cách chi tiết đi kèm với các quy định tuân thủ thể chế một cách chặt chẽ và sát sườn cơ sở sản xuất công nghiệp bởi các đòn bẩy và lợi ích kinh tế định lượng. Tuy vậy, không tìm thấy các công bố về cơ sở khoa học để xây dựng và thực hiện đồng bộ các chính sách, cơ chế cũng như các quy định đóng góp, đền bù chi trả TNLĐ và BNN như nêu trên.

Một vấn đề quan trọng trong xây dựng mức đóng bảo hiểm và các chính sách chi quỹ là ước lượng được phân bố RRNN theo thời gian. Các nghiên cứu xây dựng mô hình phân bố RRNN này cũng được quan tâm nghiên cứu, kiểm chứng và điều chỉnh qua thời gian.

Kết quả khảo sát tại một số nước về các chương trình Bảo hiểm TNLĐ và BNN.

Nghiên cứu, được thực hiện với sự tham gia của các bộ và các cơ quan an sinh xã hội, chứa các thông tin sau:

  • Loại chương trình Bảo hiểm TNLĐ và BNN đang có hiệu lực ở mỗi quốc gia.
  • Khung pháp lý của chương trình.
  • Điều kiện tham gia của người sử dụng lao động/doanh nghiệp.
  • Quy mô bảo hiểm.
  • Kiểm soát và các chức năng hành chính.
  • Dịch vụ và thanh toán, kể cả các biện pháp phòng ngừa.

Kết quả khảo sát thể hiện trong bảng sau:

Tình hình Bảo hiểm TNLĐ, BNN trên thế giới, khu vực và Việt Nam

Tình hình BHXH bắt buộc TNLĐ và BNN trong nước

Từ khi Luật ATVSLĐ [1] có hiệu lực (T7/2016), Viện Khoa học ATVSLĐ đã triển khai nghiên cứu xác định rủi ro ATVSLĐ ở một số ngành sản xuất công nghiệp và đề xuất nội dung quản lý ATVSLĐ áp dụng theo OHSAS 18000 và ISO 45001. Các công trình này đã thu được một số kết quả về mặt lý luận.

Tuy nhiên, khái niệm rủi ro ATVSLĐ phải có nội hàm ra sao? Liệu chúng có chính là khái niệm RRNN cần được hiểu thống nhất với thuật ngữ RRNN được quy định trong OHSAS 18000 cũng như ISO 45001? Từ đó việc đánh giá, phân loại RRNN tại cơ sở cần phải thực hiện ra sao để có kế hoạch quản lý, giám sát, can thiệp giảm thiểu và can thiệp ngăn chặn chúng một cách hữu hiệu, v.v.

Hệ thống quản lý ATVSLĐ cũng có những bước chuyển từ hệ thống quản lý ATVSLĐ sang xây dựng, bổ sung và áp dụng theo mô hình OHSAS 18000. Quá trình này mới bắt đầu chưa được bao lâu thì nay lại chuyển sang mô hình ISO 45001. Thực tiễn là bước chuyển đổi đan xen chưa có các quy định thống nhất về các chỉ số đánh giá cũng như việc thực hiện Luật ATVSLĐ chưa được hướng dẫn một cách chuẩn chỉ, căn cơ, chưa tạo ra được bước chuyển vững chắc và hiệu quả sang quản lý RRNN.

Về chính sách và công cụ kinh tế thúc đẩy quản lý RRNN, các cơ quan quản lý nhà nước chưa tạo ra được cơ chế phù hợp để thúc đẩy công tác đảm bảo ATVSLĐ cho NLĐ một cách hài hòa với phát triển.

Đây là điểm còn yếu kém về mặt thể chế Nhà nước. Ví dụ: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định mức bắt buộc tối đa đóng quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN là 0,5% quỹ tiền lương đối với mọi doanh nghiệp. Quy định này không được hỗ trợ bằng căn cứ khoa học và thực tiễn phù hợp [1, 2].

Theo số liệu của Cục An toàn lao động, tổng số lao động trên cả nước hiện dao động trong khoảng 56 đến 60 triệu người. Trong đó, khu vực có quan hệ lao động khoảng 22 triệu người. Còn lại khoảng 34 đến 38 triệu là lao động tự do (không có hợp đồng lao động). Bảo hiểm TNLĐ, BNN cho lực lượng lao động này theo Luật ATVSLĐ sẽ theo cơ chế Bảo hiểm tự nguyện.

Việc quỹ Bảo hiểm TNLĐ và BNN còn bị chi phối bởi Luật Bảo hiểm là một rào cản lớn trong cấu trúc chi, khi về nguyên lý cũng như thông lệ Quốc tế, Quỹ Bảo hiểm TNLĐ và BNN ngoài chi trả đền bù thiệt hại còn cần chi đầu tư cho các dự án giảm thiểu TNLĐ và BNN nữa(*).

Về động lực thúc đẩy và về mặt kinh tế, mức bắt buộc đóng quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN phải được căn cứ vào các mức thiệt hại danh định do TNLĐ và BNN gây ra cho NLĐ và doanh nghiệp - chủ thể được bảo hiểm.

Về mặt thực tiễn, mức bắt buộc đóng quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN không được cào bằng và phải căn cứ vào các mức rủi ro danh định được đánh giá tại các vị trí làm việc cụ thể của doanh nghiệp. Mức rủi ro cao hay thấp thì mức đóng bảo hiểm cũng phải cao hay thấp tương ứng.

Về nguyên lý, các doanh nghiệp và NLĐ có quyền lựa chọn các gói bảo hiểm và tương ứng là các mức tự nguyện đóng quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN. Tuy nhiên, đó là các sản phẩm của quỹ Bảo hiểm TNLĐ và BNN phát triển thêm trên nền các mức bảo hiểm bắt buộc.

Về mặt khoa học, chưa thấy những công trình nghiên cứu hoàn thiện cơ sở khoa học và các tiêu chí lồng ghép nội dung quản lý RRNN vào hệ thống quản lý ATVSLĐ các cấp;

Phương pháp đánh giá RRNN tại cơ sở và quy trình quản lý chúng cũng mới được quan tâm nghiên cứu vài ba năm trở lại đây, đặc biệt, cơ chế bảo hiểm TNLĐ và BNN phù hợp đối với điều kiện Việt Nam đến 2035 cũng như phương pháp xác định các mức đóng bảo hiểm bắt buộc của doanh nghiệp vào quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN Quốc gia chưa được nghiên cứu, xây dựng phù hợp với nền kinh tế chuyển đổi và hội nhập với thế giới.

Để hoàn thiện hệ thống Bảo hiểm TNLĐ và BNN ở Việt Nam, chúng ta cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm lâu dài, đã được thực tế kiểm nghiệm của các nước phát triển, từ đó áp dụng các khía cạnh tích cực và truyền thống tốt nhất của hệ thống Bảo hiểm TNLĐ và BNN của nước ngoài vào thực tiễn của nước ta.

Về mặt quản lý nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chưa có cơ sở khoa học và thực tiễn đầy đủ để phục vụ công tác xây dựng chế độ, chính sách đảm bảo ATVSLĐ một cách phù hợp và hội nhập.

Tài liệu tham khảo

1. Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015;

2. Thông tư số 26/2017/BLĐTBXH ngày 20/9/2017 Quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ Bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc;

Tài liệu tiếng Anh:

3.InternationalLabourOfficeProgrammeonSafetyandHealthatWorkandtheEnvironment.employmentaccidentbenefit/occupationalaccident/occupationaldisease/developedcountries/developing countries, 02.11 ISBN: 9789224309830 (web)

4.StrengtheningtheRoleofEmploymentInjurySchemestoHelpPreventOccupationalAccidentsandDiseases,ILO,2013.ISBN 978-92-2-127091-1 (web)

5. OHSAS 18001:2007;

6. ISO 45001:2018.

Tài liệu tiếng Nga:

7.АбрамовС.В.,КуделинаЛ.А.,МелехинА.И.Германская модель социального страхования от несчастных случаев на производстве и профессиональных заболеваний//Вестник ФСС, 2001. - №3. (Mô hình Bảo hiểm TNLĐ và BNN của Đức);

8. В. Д. Роик, Страхование от несчастных случаев на производстве и профессиональных заболеваний – Экономика, Финансы и Право; Казань 2014, 575 стр.(Bảo hiểm TNLĐ và BNN – Kinh tế, Tài chính và Pháp Luật; Kazan 2014);

9.Збышко Б.Г. Пути совершенствования страхования от несчастных случаев на производстве и профессиональных заболеваний// Справочник специалиста по охране труда.–2003, № 11. (Con đường hoàn thiện hệ thống bảo hiểm TNLĐ và BNN//Sổ tay BHLĐ. 2003, N11);

10. Методика расчета инвидуального профессионального риска в зависимости от условий труда и состояния здоровья работника, НИИ Медицины труда РАМН, М. 2011.(Phương pháp tính toán RRNN cá nhân tùy thuộc vào ĐKLĐ và trạng thái sức khỏe của NLĐ, Viện Y học lao động, Moscow 2011);

11.Обязательное социальное страхование от несчастных случаев на производстве и профессиональных заболеваний. Учебное пособие /Подред.В.Н.Говоркова.–М.:НЦ ЭНАС,2003.-160с.(Bảo hiểm bắt buộc TNLĐ và BNN. Tài liệu giáo khoa tham khảo);

12. Постановление Правительства Российской Федерации от 1 декабря 2005г. №713 «Об утверждении Правил отнесения видов экономической деятельности к классу профессионального риска»(Nghị định Chính Phủ Liên Bang NgaN713 “Phê duyệt quy định các hình thái hoạt động kinh tế theo cấp RRNN” ngày 1/12/2005);

13. Страхование от несчастных случаев на производстве и профессиональных заболеваний. Международная организация труда. Бюро МОТ для стран Восточной Европы и Центральной Азии. – М.: МОТ, 2010(Bảo hiểm TNLĐ và BNN. ILO.2010);

14. ФильевВ.И. Социальное страхование в России и зарубежных странах. Практическое пособие.–М.:Интел-Синтез, 1997.-176с. (Bảo hiểm xã hội ở Nga và nước ngoài. Tài liệu thực hành. Moscow.Nhà Xuất bản Intel-Sintez, 1997);

15. Энциклопедия по безопасности и гигиене труда (перевод с Англ.) Международная организация Труда. Женева. В 4-х томах, 4-е издание. М. 2001 Т.4, стр.8. (Từ điển bách khoa toàn thư về An toàn và Vệ sinh lao động (Dịch từ tiếng Anh). Tổ chức Lao động quốc tế - ILO. Giownever. Xuất bản lần thứ 4, Moscow 2001 Tập 4)

(*) Gần đây, quỹ Bảo hiểm TNLĐ và BNN đã được chuyển sang thực hiện theo Luật ATVSLĐ.

.

Bài viết: TS. Đỗ Trần Hải và cộng sự

Xem phiên bản di động