Chương trình bình chọn “Doanh nghiệp an toàn tiêu biểu” ngành Dệt May được đánh giá dựa trên bộ 50 tiêu chí được chia ra 4 lĩnh vực: Tổ chức hoạt động an toàn vệ sinh lao động chung (tổ chức quản lý, chế độ chính sách, huấn luyện); An toàn lao động và phương tiện bảo vệ cá nhân; Môi trường lao động và bảo vệ môi trường; Quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động.
Trong bộ tiêu chí đánh đánh giá, xếp hạng thực hiện Pháp luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Bảo vệ môi trường (BVMT), lĩnh vực đầu tiên được đề cập là những vấn đề ATVSLĐ chung gồm 14 tiêu chí, được dựa trên các Nghị định, Thông tư của Chính phủ. Cụ thể như sau:
Tiêu chí 1: Tổ chức an toàn bộ máy ATVSLĐ và hoạt động của bộ máy đó tại cơ sở, theo Nghị định số 39/NĐ-CP. Các doanh nghiệp phải tổ chức bộ máy ATVSLĐ, bộ phận y tế, hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở. Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề theo Khoản 1 Điều 37 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, bao gồm: Ngành nghề chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, khai khoáng, sản xuất sản phẩm dệt, may, da, giày, sản xuất than cốc, sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, tái chế phế liệu, vệ sinh môi trường, sản xuất kim loại, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất vật liệu xây dựng.
Bộ máy y tế phải đảm bảo các quy chuẩn: Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 300 người lao động phải (NLĐ) có ít nhất 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp; Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 500 NLĐ phải có ít nhất 01 bác sĩ/y sĩ và 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp; Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 NLĐ phải có ít nhất 01 bác sĩ và mỗi ca làm việc phải có 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp; Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 1.000 lao động trở lên phải thành lập cơ sở y tế theo hình thức tổ chức phù hợp quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận y tế tại cơ sở bảo đảm các yêu cầu tối thiểu về số lượng và trình độ người làm công tác y tế.
Tuân thủ Điều 38 Nghị định 39/2016/NĐ-CP về tổ chức hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở theo Khoản 1 Điều 75 Luật An toàn, vệ sinh lao động được quy định: Người sử dụng lao động phải thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động lao động cơ sở; Cơ sở sản xuất, kinh doanh khác với cơ sở sản xuất, kinh doanh quy định tại Khoản 1 Điều này thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động nếu thấy cần thiết và đủ điều kiện để hoạt động. Đồng thời thành lập mạng lưới ATVSLĐ theo Điều 74 – Luật ATVSLĐ.
Tiêu chí 2: Hoạt động chung về ATVSLĐ. Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch về ATVSLĐ trong đó có kế hoạch về an toàn lao động và phương tiện bảo vệ cá nhân, kế hoạch về quan trắc môi trường lao động và kiểm soát phát thải các tác nhân ô nhiễm, kế hoạch về quản lý lao động và sức khỏe NLĐ.
Doanh nghiệp cần có những quy định về ATVSLĐ, bao gồm quy trình kiểm soát các yếu tố có hại tại nơi làm việc theo Khoản 1, 3, 5 Điều 18 Luật ATVSLĐ; có nội quy hướng dẫn ATVSLĐ; thực hiện đánh giá rủi ro ATVSLĐ, tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động; đồng thời có thống kê, báo cáo, sơ kết, tổng kết về công tác ATVSLĐ.
Tiêu chí 3: Hợp đồng lao động cần quy định rõ đảm bảo các quyền của NLĐ về vệ sinh lao động theo Khoản 1 Điều 6 Luật ATVSLĐ.
Tiêu chí 4: Tham gia đầy đủ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tiêu chí 5: Thực hiện trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với NLĐ được giám định mức suy giảm khả năng lao động lần đầu.
Toàn cảnh Hội nghị triển khai chương trình bình chọn “Doanh nghiệp an toàn tiêu biểu” ngành Dệt May Việt Nam năm 2020. |
Tiêu chí 6: Giải quyết trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với NLĐ được giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi thương tật, bệnh tật tái phát.
Tiêu chí 7: Giải quyết chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với NLĐ đã hưởng trợ cấp một lần hoặc hằng tháng mà bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mới hoặc nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được giám định tổng hợp.
Tiêu chí 8: Thực hiện huấn luyện cho 6 nhóm đối tượng huấn luyện an toàn lao động, theo Điều 1 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 về sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội của Chính phủ và đối tượng tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
Tiêu chí 9: Doanh nghiệp cần có nội dung huấn luyện ban đầu, huấn luyện định kỳ cho 6 nhóm đối tượng được huấn luyện nêu trên.
Tiêu chí 10: Quy định về thời gian và chương trình khung; chương trình, tài liệu huấn luyện.
Tiêu chí 11: Có đầy đủ chứng nhận, chứng chỉ huấn luyện cho người lao động.
Tiêu chí 12: Huấn luyện cho người lao động khi chuyển đổi công việc, huấn luyện lại, huấn luyện định kỳ.
Tiêu chí 13: Thực hiện chương trình huấn luyện.
Tiêu chí 14: Trách nhiệm cơ sở.
Đây là bộ tiêu chí dựa trên các quy định của Nhà nước bao gồm Luật, Thông tư, Nghị định. Do đó, bộ tiêu chí dành cho tất cả các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực trên đất nước Việt Nam, chứ không chỉ riêng đối với ngành Dệt May. Trong quá trình thực tế, khi gửi bộ tiêu chí tới các doanh nghiệp, để họ tiếp nhận và tham gia phản hồi, chúng ta sẽ rút ra được những tiêu chí riêng, phù hợp với ngành Dệt May, bên cạnh các tiêu chí tất yếu phải có theo đúng quy định của Nhà nước.
TSKH. VSTT Viện Khoa học An toàn & Vệ sinh Lao động
Phạm Quốc Quân
Bài: Kỳ Anh