“Tôi lo lắng khi mắc bệnh, nhưng được các bác sĩ chăm sóc, cứu chữa nên phần nào yên tâm. Nhưng phải giấu gia đình chuyện mình mắc bệnh vì sợ người ở quê không hiểu, đó là nỗi buồn không dễ nói ra…” – thuyền viên tàu Đại Dương Sea trăn trở. Dựng cột điện đường dây 500kV không sợ bằng tin đồn thất thiệt Sáng nay, anh Ngô Hữu Đại (họ tên nhân vật đã thay đổi), sinh năm 1974 ở một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, rất buồn khi được bác sĩ báo tin mình mắc Covid-19. Anh cho biết, tính đến 10 giờ sáng nay, sau lần xét nghiệm thứ hai, đã có 17/18 thuyền viên của tàu chính thức dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có anh. Đây thực sự là tin sốc với tất cả anh em trên tàu! Nhiều người trong số họ chưa dám thông báo gia đình biết sự việc này. Thay vì sau cách ly, có dịp về thăm nhà, thì giờ đây họ phải chiến đấu với mầm bệnh quái ác trong người: Covid-19. Với nhiều người, trong đó có anh Ngô Hữu Đại, một nỗi sợ lớn hơn đó là có thể họ không nhận được sự thấu hiểu đúng đắn từ chính những người bà con và dân làng ở quê. Trước khi xuống tàu, anh Đại từng lăn lộn từ Việt Nam sang Lào, từ miền Bắc tới miền Trung, miền Nam và làm nhiều nghề để kiếm sống. Vợ anh làm ruộng nương và chăm sóc gia đình. Còn anh đi chuyển đồ, tham gia dựng cột điện đường dây 500kV… để mưu sinh. Vất vả, bươn chải, rồi anh em bạn bè gọi đi biển. Anh xuống tàu Đại Dương Sea đã 3 năm nay. Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, anh có về thăm nhà một lần rồi theo tàu và anh em thủy thủ đi khắp các cảng ở khu vực Đông Nam Á đến nay. |
Chuyến tàu lần này lấy hàng ở cảng Quảng Ninh (Việt Nam) sang Philippines rồi cập cảng Indonesia, làm hàng đưa về Việt Nam. Trên đường về Việt Nam, một số anh em có biểu hiện ho, sốt, rát họng, mệt mỏi, khó thở. Khi đang neo đậu tại vị trí H08, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chờ kiểm dịch và kiểm tra Covid-19 thì cơ quan chức năng phát hiện 12 thuyền viên trên tàu dương tính với SARS-CoV-2. “Khi cán bộ y tế lấy mẫu lần 1, tôi là F1. Tôi được đưa về điểm cách ly tập trung. Sáng nay nhận kết quả dương tính, tôi buồn lắm chứ. Đã mắc bệnh hiểm nghèo thì ai mà không lo lắng. Tôi đi nhiều, làm nhiều nghề để kiếm sống. Điều đáng lo hơn bệnh tật là ở quê nhiều người lo lắng thái quá, nếu không hiểu đúng về bệnh sẽ phiền cho gia đình”, anh Đại băn khoăn. Được biết, đường về nhà anh quanh co đồi núi. Ngồi trên xe ô tô về trung tâm huyện có đoạn còn nhiều ổ gà khó đi. Mẹ anh đã trên 80 tuổi. Con trai anh vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, hiện đã đi làm tự do. Cô con gái cũng đã bước vào năm đầu cấp trung học. |
|
Anh em động viên nhau cố gắng vượt qua Ho một tiếng, anh Đại nói tiếp: “Buồn nữa vì anh em trên tàu “dính” gần hết rồi! Nhưng chú cháu, anh em vẫn động viên nhau rằng, ở khu điều trị Covid-19 dù không được ra ngoài vẫn được tận hưởng nhịp sống của đất liền. Đó là truy cập internet cả ngày, được nghe tiếng ô tô.... So với công việc đặc thù lênh đênh trên biển, có những ngày sóng vùi “chết đi sống lại” thì ở trên đất liền, có sự chăm sóc của các bác sĩ đã là những ngày tháng an yên. Nghĩ vậy nên người lớn tuổi động viên người trẻ chấp hành chỉ định của cán bộ để mau chóng khỏi bệnh” - anh Đại nói. Anh cho biết, 18 thuyền viên tàu Đại Dương Sea sinh sống ở nhiều địa phương khác nhau, có người ở Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng… |
Anh Ngô Hữu Đại (nhân vật được thay đổi tên) đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền. Ảnh: NVCC |
Ở trên tàu, thuyền viên chấp hành quy định và hướng dẫn của công ty cũng như Ban Chỉ huy tàu về phòng, chống dịch Covid-19. Đó là giãn cách mỗi người một phòng riêng, trừ lúc ăn uống, làm việc. Mọi người thường xuyên vệ sinh sát khuẩn và rửa tay bằng xà phòng, đo nhiệt độ, đeo khẩu trang do công ty trang bị. “Những lúc dịch bệnh thế này thấy thương anh em – những người trực tiếp tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm. Mình là thợ máy nên có hạn chế hơn. Làm công việc đặc thù, tàu di chuyển nhiều nơi, những lúc làm hàng anh em tiếp xúc với nhiều đối tượng như đại lý, chủ hàng, công nhân, hoa tiêu hàng hải… nên cũng không hiểu dịch bệnh xâm nhập từ lúc nào. Thuyền viên lại chưa được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 nên nguy cơ càng cao” - anh Đại vẫn hoài nghi nhớ lại. Nhân viên y tế xuống cảng xét nghiệm Covid-19 cho thuyền viên. Ảnh: Đ.H |
Vào khu cách ly, nhớ nhà, anh lại gọi zalo, facebook. Ngay cả khi trên biển, anh em thường xuyên động viên lẫn nhau, dù là đêm giao thừa thiếu thốn hương vị quê nhà khi tàu neo ở khơi xa của Philippines. Điều kéo mọi người gần lại với nhau đó là mục đích mưu sinh và cùng cảnh xa nhà. Với anh Đại, công việc của một thuyền viên có mức lương ổn định, đủ sống, lại không quá vất vả, chỉ có điều phải xa gia đình. Và vì anh cũng không còn trẻ nữa... Biết tin anh mắc bệnh, anh em thuyền viên dù ở Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc… cũng nhắn tin động viên, thăm hỏi rồi chuyển cả tiền! Nghĩa tình của người đi biển là thế. Quay video cho tôi xem căn phòng cách ly sạch sẽ và đồng nghiệp của mình ở chung phòng, anh Đại kể, bạn trẻ ấy là 1 trong 12 thuyền viên đầu tiên của tàu được phát hiện mắc Covid-19. Bạn ấy bằng tuổi con trai anh, mới xuống tàu được vài tháng. “Chú cháu anh em không ngừng động viên nhau. Rằng công việc đặc thù. Nếu không giải tỏa tâm lý, tạo niềm vui thì dễ tạo cho các cháu sự bi quan, chán nản. Động viên họ nhưng cũng là động viên chính mình phải chấp hành thật tốt y lệnh của bác sĩ để sớm khỏi bệnh và được làm việc” - anh Đại nói. |
|
Bài viết: Duy Minh Thiết kế: Duy Minh |