Thuyền viên muốn nghỉ việc phải thông báo trước 120 ngày

Theo quy định của Chính phủ, một số ngành, nghề, công việc đặc thù trong ngành Hàng không, Hàng hải khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động 120 ngày.

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 thì khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì người lao động phải tuân thủ quy định về thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Ngày 14/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Nghị định quy định người lao động làm ngành, nghề, công việc đặc thù đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên.

Kỹ sư bảo dưỡng máy bay cũng phải thông báo cho người sử dụng lao động 120 trước khi nghỉ việc

Ảnh: ST

Thuyền viên muốn nghỉ việc phải thông báo trước 120 ngày

Cụ thể, điều 7, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết những ngành, nghề, công việc đặc thù và thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 35 và Điểm d Khoản 2 Điều 36 của Bộ luật Lao động bao gồm: Thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay. Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài. Trường hợp khác do pháp luật quy định.

Thuyền viên muốn nghỉ việc phải thông báo trước 120 ngày

Các hãng hàng không từng tăng cường tuyển dụng phi công. Ảnh: ST

Khi người lao động làm ngành, nghề, công việc trên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với những người lao động này thì thời hạn báo trước như sau:

a) Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên;

b) Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.

Trước đó, vấn đề quy định thời hạn báo trước đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động được quy định tại điều 37 Bộ luật Lao động 2012. Theo đó, thời hạn người lao động phải báo trước khi thực hiện đơn phương chấm dứt HĐLĐ tùy thuộc vào loại hợp đồng và căn cứ chấm dứt, bao gồm các loại thời hạn: ít nhất 3 ngày làm việc; ít nhất 30 ngày; ít nhất 45 ngày; hoặc được thực hiện theo thời hạn quy định tại điều 156 bộ luật Lao động.

Sỹ quan, thuyền viên phải báo trước 120 ngày nếu muốn nghỉ việc

Ảnh: Vinalines

Thuyền viên muốn nghỉ việc phải thông báo trước 120 ngày

Ngày 30/6/2017, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2011/TT-BGTVT ngày 27/1/2011 của Bộ trưởng GTVT ban hành bộ Quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay. Trong đó, tại mục 3 Phụ lục X Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT ngày 30/6/2017 của bộ trưởng Bộ GTVT có quy định về chấm dứt hợp đồng lao động:

“ Nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho Người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay ít nhất 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động để Người khai thác tàu bay lập kế hoạch duy trì hoạt động đảm bảo khai thác tàu bay theo kế hoạch đã được phê duyệt”.

Đặc thù của ngành Hàng không, Hàng hải là yêu cầu cao về đảm bảo tính nghiêm ngặt về an toàn, an ninh hàng không, hàng hải (thuộc danh mục cấm lao động đình công).

Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/2/2021 đã quy định rõ thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù. Nghị định cũng bổ sung nhiều điểm mới về thời gian báo nghỉ của một số các ngành nghề mà trước đây chưa được quy định.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/2/2021.

Bài viết: Duy Minh

Ảnh: ST