Sẽ có hơn 70.000 công nhân lao động ngành Điện không được hưởng chế độ thưởng an toàn điện cho lao động đặc thù theo Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Chế độ thưởng an toàn điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đã 21 năm, căn cứ vào Quyết định số 121/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiền lương và thu nhập của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Tại Quyết định này, Thủ tướng cho phép Tổng Công ty Điện lực Việt Nam được áp dụng chế độ thưởng vận hành an toàn điện với các mức 15% và 20% lương cấp bậc công việc và được tính vào đơn giá tiền lương, áp dụng đối với công nhân, viên chức làm các công việc có liên quan trực tiếp đến vận hành an toàn mạng lưới điện và cung cấp.
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg về chế độ đặc thù cho công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong công ty nhà nước, quy định chung các chế độ đặc thù như ăn định lượng, tiền thưởng an toàn, phụ cấp thợ lặn... cho các ngành nghề có tính chất đặc thù như điện lực, hàng không, hàng hải, dầu khí. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 1, Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg, chế độ thưởng an toàn theo hai mức 15% và 20% lương cấp bậc, chức vụ. Chế độ thưởng an toàn được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh, không tính vào trong đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương của công ty.
Công nhân truyền tải điện kiểm tra, vận hành hệ thống. |
Công nhân Công ty Điện lực Sơn La. |
Căn cứ vào đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng và ban hành Quy chế thưởng an toàn điện, áp dụng cho tất cả các đơn vị liên quan trực tiếp đến quản lý vận hành trong Tập đoàn. Quỹ thưởng văn hóa an toàn điện được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh và không nằm trong quỹ tiền lương của công ty. Sau 21 năm thực hiện, chế độ thưởng an toàn điện đã trở thành một phần thu nhập, khuyến khích người lao động nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý vận hành hệ thống điện quốc gia. Đây là chế độ đặc thù phân biệt mức thu nhập giữa người lao động (NLĐ) tham gia vận hành hệ thống điện và NLĐ quản lý gián tiếp. Từ đó động viên lao động trực tiếp chịu nhiều áp lực khi làm việc trong môi trường nguy hiểm, phấn đấu bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội.
Công ty Truyền tải Điện 1 (thuộc Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia) có tổng số hơn 2.000 cán bộ, công nhân lao động. Trong đó có gần 1.200 NLĐ trực tiếp vận hành trong điều kiện đặc thù như lưới điện cũ, quá tải cục bộ; phương thức vận hành thay đổi liên tục nên tiềm tàng nhiều nguy cơ gây sự cố. Nhiều đường dây đi qua các vùng có mật độ sét lớn, xác suất sự cố cao. Nhiều công trình thi công nâng công suất, đầu tư xây dựng xen lẫn với thiết bị đang vận hành. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp (nắng nóng, mưa bão, lụt lội xảy ra trên diện rộng, liên tiếp, kéo dài…). Khối lượng quản lý vận hành tăng nhiều, trong khi định mức lao động ở các trạm thấp (đặc biệt là sau khi triển khai trạm biến áp không người trực, tổ thao tác lưu động). Trụ sở làm việc của người lao động nằm trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, phương tiện thiếu thốn, đi lại khó khăn…
Đồng chí Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam phát biểu đề dẫn về chế độ cho lao động đặc thù, trong đó có ngành Điện. |
Sửa chữa đêm. |
Cả Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia có hơn 7.000 cán bộ, công nhân lao động. Theo đồng chí Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty: “Tổng Công ty được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, sửa chữa hệ thống điện truyền tải cấp điện áp từ 220kV đến 500kV trên phạm vi toàn quốc. Lực lượng lao động trực tiếp bao gồm đội ngũ quản lý vận hành, sửa chữa, dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện, quản lý các dự án đầu tư xây dựng lưới truyền tải điện. Trong toàn bộ chuỗi hoạt động đó đều tiềm ẩn nguy cơ rủi ro gây mất an toàn cho hệ thống truyền tải và NLĐ trong quá trình làm việc. Đặc biệt là đối với các trạm biến áp cải tạo, sửa chữa, nâng công suất, mở rộng trạm thì vừa đảm bảo vận hành vừa đảm bảo thi công. NLĐ làm việc đan xen giữa các loại hình công tác trong trạm, xen kẽ giữa các môi trường có điện nên rất nguy hiểm”.
Còn Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng có 800 cán bộ, công nhân lao động. Đồng chí Ngô Thị Thu Hiền - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng cho biết: “Đặc thù vận hành và sửa chữa nhà máy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn như cháy nổ, áp suất cao, từ trường, hóa chất… Chế độ thưởng an toàn điện là cơ sở để cán bộ công nhân viên chấp hành kỷ luật lao động, áp dụng chủ yếu với khối lao động vận hành sửa chữa. Thực chất, tiền lương và tiền công của công nhân điện lực chỉ khác công nhân các ngành nghề khác ở tiền thưởng an toàn điện (thực hiện ở Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng là 20%)".
Theo Công đoàn Điện lực Việt Nam, quy chế thưởng an toàn điện đã gắn trách nhiệm từ người công nhân vận hành trực tiếp đến người quản lý kỹ thuật trong các đơn vị với công việc được giao. Công nhân làm việc tại các tổ đội nếu để xảy ra tai nạn lao động ngoài việc cắt thưởng của các tổ đội tùy theo mức độ nặng nhẹ mà công ty và Tổng Công ty cũng bị cắt giảm thưởng an toàn điện tương ứng. Qua đó đã khuyến khích toàn bộ công nhân, viên chức nâng cao tinh thần trách nhiệm với việc bảo đảm vận hành an toàn điện trên toàn hệ thống, bảo đảm cung cấp điện an toàn.
Ngày 03/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo đó, tại Khoản 29 Điều 1 bãi bỏ Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg ngày 26/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong các công ty nhà nước.
Việc này gây ảnh hưởng đến tư tưởng và đời sống của NLĐ đang trực tiếp quản lý vận hành hệ thống điện trong giai đoạn khó khăn về dịch bệnh, thời tiết nắng nóng hiện nay. Trên 70.000 lao động trực tiếp vận hành hệ thống điện của Tập đoàn bị giảm từ 15% đến 20% thu nhập. Trong khi đó, tiền thưởng văn hóa an toàn điện được đánh giá chiếm khoảng 12% tiền lương bình quân sản xuất kinh doanh điện của NLĐ nhưng mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc bãi bỏ chế độ đặc thù này trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, năng suất lao động và tiền lương năm 2020 không tăng so với năm 2019 sẽ không động viên được NLĐ.
Từ khi có Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản yêu cầu tất cả các đơn vị tạm dừng thực hiện chế độ thưởng an toàn điện cho NLĐ. Tập đoàn đề nghị Cục Quan hệ lao động và Tiền lương xem xét, trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép Tập đoàn tạm thời tiếp tục thực hiện chế độ thưởng an toàn điện từ năm 2020 theo quy định tại Quyết định 234/2005/QĐ-TTg.
Khi Chính phủ ban hành Nghị định tiền lương và các chế độ đặc thù mới cho công ty nhà nước, Tập đoàn sẽ thực hiện theo quy định mới của Chính phủ. Công đoàn Điện lực Việt Nam đã kiến nghị với Tổng Liên đoàn đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xem xét chế độ này để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, ổn định tư tưởng, đời sống NLĐ. Đồng thời khuyến khích NLĐ trong các đơn vị của ngành Điện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cung cấp điện ổn định phục vụ cho nền kinh tế - xã hội.
Bài: Duy Minh
Ảnh: ST
Đồ họa: Duy Minh