|
Có 9 nhóm công việc của lao động thuyền viên được bổ sung vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Công việc của thuyền viên đã được xếp vào Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện loại IV) và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại V, VI) theo Thông tư số số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. |
Thuyền viên thường xuyên lênh đênh trên biển. Ảnh: ST |
Cụ thể, theo Cục Hàng hải Việt Nam, Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành đã bổ sung các công việc của thuyền viên như: Sỹ quan thủy thủ, thuyền viên trên tàu vận tải; Sỹ quan, thuyền viên tàu chở xăng, dầu trên biển; Thuỷ thủ, thuyền viên, thợ máy tàu lai dắt; Thuyền viên, kỹ thuật viên, thợ máy tàu vận tải thuỷ chở vật liệu nổ; Sỹ quan, thuyền viên, kỹ thuật viên, thợ máy các tàu công trình. Ngoài ra còn có các công việc: Sỹ quan, thuyền viên các tàu vận tải sông có công suất từ 90CV trở lên; Sỹ quan, thuyền viên sà lan, tàu chở xăng, dầu trên sông; Thuỷ thủ, thuyền viên, kỹ thuật viên thợ điện, thợ máy tàu công trình thuỷ lợi; Thuyền viên trên các tàu: đánh bắt hải sản ngoài khơi và ven biển, tàu kiểm ngư, tàu nghiên cứu nguồn lợi hải sản và tàu thu mua, vận tải thuỷ sản trên biển. |
Môi trường làm việc trên biển thường xuyên gặp sóng, gió. Ảnh: ST |
Trước đó, theo quy định tại Điều 166 Bộ Luật Lao động 2019, người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao, hàng hải, hàng không được áp dụng một số chế độ phù hợp về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, hợp đồng lao động, tiền lương, tiền thưởng, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Chính phủ. “Khi được đưa vào Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thuyền viên sẽ được hưởng một số quyền lợi như: Ưu tiên về tuổi nghỉ hưu sớm; được giảm học phí trong đào tạo. Việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phép hàng năm, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, người sử dụng lao động chủ động rà soát, đánh giá Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo phương pháp của Bộ để đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và quản lý trong từng thời kỳ đã giúp cơ quan có thẩm quyền xây dựng nghị định về đặc thù cho ngành Hàng hải. Từ đó đảm bảo quyền lợi và thu hút được nguồn lao động chất lượng cao trong lĩnh vực hàng hải", đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết. |
|
Thuyền viên là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao. Ảnh: ST |
Thuyền viên thuộc nhóm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể được nghỉ hưu sớm tới 10 năm. Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định tuổi nghỉ hưu năm 2021 của lao động nam là đủ 60 tuổi 03 tháng, nữ đủ 55 tuổi 04 tháng (quy định trước đây là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi). Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người lao động được nghỉ hưu trước 10 tuổi (nam đủ 50 tuổi 03 tháng, nữ đủ 45 tuổi 04 tháng). Trong đó có nhóm đối tượng là người có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Lao động về hưu trước 10 tuổi được hưởng lương hưu khi có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được tính mức hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội. Cụ thể, mức lương hưu của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với lao động nam vào năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. |
|
Bài viết: Duy Minh Thiết kế: Duy Minh |