e magazine
12/10/2020 17:40
Thực trạng việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ an toàn, vệ sinh lao động

12/10/2020 17:40

Việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ an toàn, vệ sinh lao động của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 29/CT-TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”.

THỰC TRẠNG VIỆC XÂY DỰNG BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP

Việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ an toàn, vệ sinh lao động của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 29/CT-TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”.

Thực trạng việc xây dựng  bộ chỉ số đánh giá mức độ an toàn, vệ sinh lao động

Căn cứ về xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ an toàn, vệ sinh lao động

Năm 2013, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”. Trong đó, ban hành các tiêu chí, chuẩn mực về ATVSLĐ trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Luật ATVSLĐ năm 2015 đã quy định rõ hệ thống kiểm soát rủi ro trong lao động, bao gồm: Ở cấp độ doanh nghiệp có bộ phận ATVSLĐ (bao gồm cả hệ thống giám sát), bộ phận y tế, an toàn, vệ sinh viên, Hội đồng ATVSLĐ cơ sở; lập kế hoạch ATVSLĐ, tiến hành đánh giá rủi ro tại nơi làm việc, lập kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, tổ chức lực lượng ứng cứu, tự kiểm tra, thống kê, báo cáo về ATVSLĐ và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Thực trạng việc xây dựng  bộ chỉ số đánh giá mức độ an toàn, vệ sinh lao động

Điều 44 Luật ATVSLĐ, quy định: Người sử dụng lao động (NSDLĐ) hằng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của NLĐ vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chính phủ quy định chi tiết mức đóng vào quỹ hiện nay là 0,5%.

Các quy định đang được trình ban hành về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đưa ra những nguyên tắc quy định doanh nghiệp làm tốt công tác ATVSLĐ như giảm tần suất tai nạn lao động, không vi phạm pháp luật về ATVSLĐ sẽ được giảm mức đóng thấp hơn so với mức hiện hành, từ 0,5% xuống 0,3%. Các tiêu chí để giảm mức đóng vào quỹ áp dụng cho doanh nghiệp tiến hành giảm tần suất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thực hiện tốt việc đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Như vậy, việc xác định rõ các tiêu chí một cách khoa học, đầy đủ là rất cần thiết.

Còn nhiều hạn chế trong việc xây dựng các tiêu chí, chuẩn mực về ATVSLĐ

Qua báo cáo sơ kết 05 năm triển khai Chỉ thị số 29-CT/TW và kết quả 03 năm thực hiện Luật ATVSLĐ của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, việc xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về ATVSLĐ mới chỉ được chú ý ở một số doanh nghiệp có áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tiên tiến và xây dựng văn hóa an toàn, điển hình là trong lĩnh vực dầu khí, sản xuất và vận hành hệ thống điện, xây dựng công nghiệp, sản xuất, chế biến.

Một số doanh nghiệp đã đưa ra các mục tiêu an toàn thông qua các phong trào “không tai nạn lao động”, qua đó xây dựng các tiêu chí, chuẩn mực về “số giờ làm việc an toàn”, “số ngày công an toàn”.

Thực trạng việc xây dựng  bộ chỉ số đánh giá mức độ an toàn, vệ sinh lao động

Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH.

Trong khi đó, hiện nay, tần suất tai nạn lao động chết người và tần suất tai nạn lao động của các nước đều đã giảm do các chương trình cải thiện điều kiện lao động và phát triển bền vững, cũng như nâng cao năng lực quản lý nhà nước và quản trị rủi ro về ATVSLĐ trong doanh nghiệp. Đây là kinh nghiệm mà các doanh nghiệp tổ chức của nước ta cần tham khảo, học tập.

Hiện nay, hệ thống báo cáo trong lĩnh vực ATVSLĐ đang lấy chỉ số tần suất tai nạn lao động làm tiêu chí so sánh mức độ tai nạn lao động hay mức độ an toàn giữa các doanh nghiệp và giữa các địa phương, lĩnh vực, ngành và quốc gia hay giữa các thời kỳ.

Trên thế giới hiện có hai cách tính tần suất tai nạn lao động. Cách thứ nhất, tần suất tai nạn lao động được tính theo nguyên tắc số người bị tai nạn lao động tính trên 1.000 người lao động (đơn vị tính là phần ngàn -%O), trong cách tính này khi tính tần suất tai nạn lao động chết người, chúng ta thường tính trên 100.000 lao động. Cách tính thứ hai là tần suất tai nạn lao động được xác định theo nguyên tắc số người bị tai nạn lao động tính trên 1 triệu giờ làm việc.

Ở Việt Nam, tần suất tai nạn lao động chung của cả nước hoặc theo từng địa phương không thể tính được do tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ báo cáo tai nạn lao động định kỳ chỉ dưới 10% tổng số doanh nghiệp. Nếu theo các báo cáo định kỳ hàng năm của Bộ LĐ-TB&XH và báo cáo chưa đầy đủ của các doanh nghiệp thì chưa phản ánh chính xác tần suất tai nạn lao động.

Thực trạng việc xây dựng  bộ chỉ số đánh giá mức độ an toàn, vệ sinh lao động
Đoàn cán bộ của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Công an đã trực tiếp đến hiện trường vụ sập công trình xây dựng ở Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) khiến 10 người tử vong để làm rõ nguyên nhân tai nạn.

Cần tiếp tục hoàn thiện Bộ chỉ số đánh giá mức độ an toàn

Với kết quả nghiên cứu và so sánh với các nước trong khu vực, thì số liệu thống kê tai nạn lao động không phản ánh đúng tình hình thực tế, qua đó không đánh giá sát tình hình ATVSLĐ của từng ngành, lĩnh vực, địa phương và cả nước. Hơn nữa, chỉ số tần suất tai nạn lao động, nếu được thống kê đầy đủ cũng mới phản ánh một phần tình hình mất ATVSLĐ.

Chúng ta còn chỉ số về tình hình bệnh nghề nghiệp, sức khỏe của NLĐ, đến nay rất ít được đưa ra đánh giá và cũng chưa có điều kiện để đánh giá. Vì theo báo cáo của Bộ Y tế, trong những năm qua, chỉ có khoảng trên 30 tỉnh, thành phố thực hiện công tác khám phát hiện và báo cáo đối với 31/34 bệnh nghề nghiệp. Nhiều địa phương chưa quan tâm hoặc chưa có cơ sở y tế hoặc phòng khám phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp.

Thực trạng việc xây dựng  bộ chỉ số đánh giá mức độ an toàn, vệ sinh lao động
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị thăm hỏi sức khỏe người lao động trong mùa dịch bệnh Covid-19.

Các chỉ số tần suất tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cũng chỉ phản ánh lịch sử của công tác ATVSLĐ của doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực, địa phương, cũng như cả nước trong năm hoặc một giai đoạn; nó cũng phản ánh một phần hiện trạng ATVSLĐ, tuy nhiên chưa có tính dự báo cụ thể, còn thiếu các yếu tố quản trị rủi ro từ các khâu công nghệ sản xuất, nguyên vật liệu, người lao động và cả trình độ quản lý của doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực, năng lực quản lý của các cấp…

Để triển khai tốt Chỉ thị 29-CT/TW, cũng như giúp các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Luật ATVSLĐ, chủ động đánh giá, quản lý rủi ro và phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rất cần nghiên cứu, xây dựng các chỉ số, bộ chỉ số đánh giá cụ thể, sát thực và mang tính dự báo cao để giúp các doanh nghiệp có biện pháp, kế hoạch kịp thời khắc phục.

Bài: ThS. NGUYỄN ANH THƠ

Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Đồ họa: Hoàng Hà

Xem phiên bản di động