Hệ lụy từ việc bị các chủ thầu quỵt tiền công không chỉ là nỗi lo “cơm áo gạo tiền” mà còn không ít những tổn thất khác dồn lên vai người lao động: những sứt mẻ tình cảm giữa họ, sự hiểu lầm từ gia đình, sự xấu hổ với người thân và thậm chí cả những “vết thương” tinh thần có thể sẽ không bao giờ lành...
***
Chuyển từ nhà trọ sang túp lều... tôn
Một trong những nhà trọ mà chúng tôi ghé thăm là căn nhà cấp 4 ở Văn Lâm (Hưng Yên) được quây tường gạch ẩm ướt, rêu mốc với không gian bên trong ước chừng 50m2. Nơi được cho là “mái ấm” của gần 30 người lao động này có nhiều ván gỗ mỏng kê sát vào nhau làm giường, phủ lên là loạt manh chiếu cói xù xì. Họ ở chung, không phân chia rõ ràng chỗ ngủ, và ở đó, vật dụng quý giá nhất qua quan sát của chúng tôi có lẽ là những chiếc nồi cơm điện cũ kỹ.
Nhưng “Thế này là tốt lắm rồi chú ạ, ít ra còn có chỗ ngả lưng về đêm, chứ tuần tới thì anh em chúng tôi cũng chưa biết sẽ ở chỗ nào. Chủ nhà trọ ngày nào cũng đến giục trả tiền thuê nhà. Nếu không đóng tiền, họ sẽ cho người khác thuê. Họ bảo cho chúng tôi hết tuần này. Anh em đang tính tùy nghi di tản, cũng có thể sẽ ngủ tạm ngoài công trình”, anh Hà Văn Kiến (Hàm Yên, Tuyên Quang) cho chúng tôi biết.
Một trong những khu trọ của người lao động mà phóng viên ghi lại
Anh cũng chỉ cho chúng tôi cách đó không xa là nhà của vợ chồng anh Đinh Văn Mẫn (Hòa Bình). Vợ chồng anh này do có con nhỏ sống cùng nên trước đó thuê một phòng trọ riêng, nhưng kể từ ngày bị cai thầu quỵt tiền công thì gia đình anh chuyển sang “tổ ấm” mới - một cái lều nhỏ được quây bằng những tấm tôn tạm bợ.
Khi hỏi chuyện, chúng tôi được biết, thực ra khoảnh đất chỗ vợ chồng anh Mẫn đang ở, từng là chỗ nuôi gà của chủ nhà, sau họ chuyển sang để vật dụng thừa thãi. Vì thương cảm vợ chồng anh Mẫn có con nhỏ nên gia chủ cho vợ chồng anh dọn đồ vào ở nhờ một thời gian ngắn. Căn trọ ấy không rộng quá… 6m2, đủ kê một tấm ván khổ nhỏ làm giường đi kèm với vài ba vật dụng sơ sài.
Ở đó, mọi thứ đều rất nhỏ, chỉ có giấc mơ vẫn còn lớn lắm: giấc mơ một ngày cai thầu trở về trả lại cho họ tiền.
Nhà có đến 9 anh em ruột thịt, dâu - rể bị quỵt tiền công
Đây là câu chuyện của anh Chiêu và 8 lao động khác. 9 người này có mối quan hệ ruột thịt, dâu - rể. Cứ người này rủ rê người kia rời mảnh đất Thái Nguyên và Tuyên Quang đặt chân xuống Gia Lâm (Hà Nội) mưu sinh, duy có anh Chiêu là đến từ Gia Lai. Người bị chủ thầu quỵt tiền nhiều nhất là em vợ anh Chiêu - anh Đức (41 công nhật và 12 giờ làm thêm), số còn lại từ 15 đến 38 công (kèm theo một số giờ làm thêm). Tùy theo mức trả công từ 250 - 350 nghìn đồng, tổng số tiền cai thầu “cuỗm” mất của đại gia đình này tính ra khoảng 70 triệu đồng.
Trở lại với trường hợp của anh Bùi Văn Bằng (như chúng tôi đề cập ở kỳ 1), anh bảo cũng chỉ vì giới thiệu cho bạn của anh từ Mộc Châu (Sơn La) xuống Hưng Yên làm và nay bị chủ thầu quỵt tiền công thì quan hệ giữa anh với người bạn này không còn êm đẹp nữa. Không chỉ những lời trách móc, câu chuyện giữa anh Bằng và người bạn bị đẩy đi xa hơn khi chính người bạn của anh đang nghi ngờ anh “đồng lõa” với cai thầu để xù tiền công.
Bên trong căn phòng của một cặp vợ chồng là hàng xóm với anh Bằng.
Liên quan đến chị Q.Thị Nụ (Đại từ - Thái Nguyên) ở kỳ trước, chị thổ lộ cởi mở với chúng tôi: “Khổ lắm em ạ. Giờ chị chỉ biết khóc thôi. Sáng dậy chị khóc, trưa nghỉ ngơi được tí chị cũng khóc, tối đi làm về chị lại khóc. Nhiều khi không muốn khóc nhưng cứ nghĩ đến là nước mắt nó lại chảy ra”. Như chị giải thích, chị có uẩn khúc, khi bị quỵt tiền thì xấu hổ đến mức không dám gặp người thân và gia đình. “Đầu năm (tháng 02/2020 - pv), chồng con ngăn chị đi xuống đây làm nhưng chị không nghe. Từ đó chị chỉ gửi được một lần về nhà 3 triệu. Hôm giỗ mẹ chồng, chị không vay được chỗ nào 100 nghìn để bắt xe khách về. Chị xấu hổ lắm. Con dâu chị nó gọi điện chị cũng không dám nghe. Giờ có về thì cũng không biết ăn nói thế nào với chồng và các con chị. Khi nào lấy được tiền chủ thầu nó nợ thì chị mới dám về quê...”, chị Nụ lại khóc và cũng chẳng biết khi nào sẽ về lại với vùng đất chè xanh ấy.
Không mang tiền về nhà, bị gia đình nghi ngờ là... hư hỏng
Khi gặp anh Quyết (Điện Biên), anh với ngay quyển sổ chấm công của anh cho chúng tôi xem. Tất cả là 61 công và 10 tiếng làm thêm giờ (18.800.000 đồng). Đây là số nợ mà cai thầu sẽ phải thanh toán cho anh, đồng nghĩa hơn 2 tháng nay anh chưa gửi về cho vợ đồng nào. “Cả tuần nay, đầu anh lúc nào cũng đau như búa bổ”, anh nhăn mặt than vãn.
Số là khi còn ở quê nhà Điện Biên, anh Quyết đã trót “vụng trộm” một lần và bị vợ anh phát hiện. Anh khẳng định với chúng tôi từ đó đến nay anh không “hư hỏng” thêm một lần nào nữa song vợ anh nhất định không tin, vì lý do suốt hơn 2 tháng anh không gửi tiền về nhà. “Anh thề với chú (pv), anh không gái gú gì nhưng anh trình bày thế nào vợ anh nó cũng không nghe, anh nhờ anh em ở đây gọi điện giải thích vợ nó cũng không nghe, rồi nó đi rêu rao với bên nhà ngoại là anh đem hết tiền nuôi gái ở dưới này. Vợ nó bảo là sẽ li dị, dọa đi với thằng khác và cấm cửa anh về nhà…”, anh Quyết nói, nửa cười nửa mếu.
Có một trường hợp làm chúng tôi cảm thấy dường như đã bị dẫn vào ngõ cụt, hụt hẫng, bế tắc, là chị Loan (Tuyên Quang), chồng chị mất cách đây không lâu. Theo lời chị Nụ và những người đồng hương của chị Loan ở Thái Nguyên: “Trước khi chồng nó (chị Loan) mất thì cũng ốm một thời gian rồi. Đợt chồng nó bệnh nặng, nó cũng muốn về nhưng không lấy được tiền công nên nó không về. Nó cứ đợi mãi, đến sát ngày chồng nó đi (mất) thì gia đình gọi điện giục, nó mới về. Giờ nó ở lại trên quê…”.
Dựa vào số điện thoại chị Nụ cung cấp, chúng tôi gọi cho chị Loan hỏi han và chia sẻ với hoàn cảnh của chị. Khi chúng tôi hỏi liệu chị có nhờ người tìm chủ thầu quỵt khoản tiền công của chị nữa không thì chị im lặng một vài giây rồi bảo: “Chồng em mất rồi, em cũng chẳng thiết tha đến công xá nữa…”
Mời độc giả đón đọc kỳ 3: "Chiêu trò của cai thầu" vào 11h30 phút ngày 24/10
Bài: Mạnh Khánh
Ảnh và đồ họa: Mạnh Khánh