e magazine
22/10/2020 11:30
Thực trạng cai thầu quỵt tiền lao động tự do - Kỳ 1: “Cai thầu trốn mất rồi”

22/10/2020 11:30

Đó là câu nói quen thuộc thốt lên từ những người lao động tự do khi chúng tôi tiếp xúc, về một số cai thầu bất lương - những người nhận thầu các hạng mục công trình từ các tập đoàn, công ty… Họ chịu trách nhiệm trả tiền công trực tiếp cho người lao động nhưng lại quỵt tiền công và “lặn không tăm tích”.
Thực trạng chủ thầu quỵt tiền lao động tự do - Kỳ 1: “Chủ thầu trốn mất rồi”

Đó là câu nói quen thuộc thốt lên từ những người lao động tự do khi chúng tôi tiếp xúc, về một số cai thầu bất lương - những người nhận thầu các hạng mục công trình từ các tập đoàn, công ty… Họ chịu trách nhiệm trả tiền công trực tiếp cho người lao động nhưng lại quỵt tiền công và “lặn không tăm tích”.

***

Danh sách nạn nhân đếm đến… mỏi mắt

Trường hợp người lao động là nạn nhân của thực trạng trên như vợ chồng anh Bùi Văn Bằng (quê Thuận Châu, Sơn La) không phải hiếm. Anh kể, vợ chồng anh chị xuống Hưng Yên được hơn 1 năm, làm việc dưới 3 cai thầu khác nhau. Một trong hai cai thầu trước đó không trả công đúng hạn và người cai thầu thứ ba hiện nay vẫn “mai danh ẩn tích”, để lại khoản tiền công nhật của cả 2 vợ chồng anh là hơn 70 công, tương đương với khoảng thời gian làm việc trong gần 2 tháng.

Thực trạng cai thầu quỵt tiền lao động tự do - Kỳ 1: “Chủ thầu trốn mất rồi”

Vợ chồng anh Bùi Văn Bằng và quyển sổ tự chấm công mà anh cho phóng viên xem.

“Chủ thầu nó bỏ trốn đi đâu rồi chú ạ, từ đầu tháng 9 cơ. Anh chị gọi cả 3 số điện thoại của nó có được đâu. Tiền công của anh chị nó tính là 250 nghìn mỗi ngày, vậy tính ra là gần 20 triệu đồng. Giờ muốn tìm nó để đòi tiền mà không biết tìm ở đâu. Chú thấy thế có khổ không cơ chứ…”, anh Bằng buồn bã nói với chúng tôi. Anh bảo chẳng riêng gì vợ chồng anh, tổ làm việc của anh chị có gần 20 người nữa, tất cả đều bị cai thầu xù tiền. Một số anh chị em lao động ngậm ngùi bỏ về quê, số khác vẫn bám trụ lại Hưng Yên hoặc chuyển đến các khu vực ngoại thành Hà Nội để tìm việc mới.

Thực trạng cai thầu quỵt tiền lao động tự do - Kỳ 1: “Chủ thầu trốn mất rồi”

Đây là một trong những dãy nhà trọ của người lao động bị quỵt tiền.

Theo lời vợ chồng anh Bằng, chúng tôi tìm đến những người lao động khác cũng bị quỵt tiền. Hết người này đến người kia. Chúng tôi không có đủ thời gian để tiếp cận hết những người lao động cùng cảnh ngộ như anh Bằng. Điều đáng nói, không chỉ có một, hai hay ba cai thầu biệt tích, quỵt tiền công mà con số đó trải dài ở nhiều khu vực khắp các tỉnh thành, các vùng ngoại ô những thành phố lớn nơi có nhu cầu sử dụng số lượng lớn lao động tự do, lao động thời vụ…

7 tháng đổ mồ hôi, chẳng thấy tiền đâu

Trong 35 người lao động bị cai thầu quỵt tiền mà chúng tôi đã dành thời gian để tiếp xúc thì chị Q.Thị Nụ (sinh năm 1965, ở Đại từ - Thái Nguyên) là người bị cai thầu nợ tiền nhiều nhất. Như cách nói của một bạn lao động trẻ có mặt ở đó thì“Cô Nụ ở đây bị nặng đòn. Chủ thầu nợ của cô ý hơn nửa năm nay rồi”.

Thực trạng chủ thầu quỵt tiền lao động tự do - Kỳ 1: “Chủ thầu trốn mất rồi”

Trước sự có mặt của nhiều lao động khác từng làm việc cùng nhau tại Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm, Hà Nội), chị Nụ kể lại, chị bắt đầu làm việc cho một cai thầu tên Hiếu (sinh năm 1986, ở Hòa Bình) từ tháng 02/2020. Hiếu nhận thầu lại một trong các hạng mục công trình từ Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đăng Sơn (có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tháng đầu chị được Hiếu trả đủ nhưng bắt đầu từ tháng thứ hai khi chuyển lên công trình ở Hà Nội, cai thầu này liên tục khất nợ.

“Chị đi làm cho nó từ hồi còn ở Hải Phòng vào tháng 2/2020, nó trả công chị được tháng đầu, đến 2 tháng sau nó cũng tạm ứng 2 triệu rưỡi mỗi tháng nhưng nó lại vay của chị mất 3 triệu chưa trả. Toàn bộ tiền công lúc thiếu đến nay nó chưa trả đồng nào. Nhiều lần chị muốn nghỉ nhưng nó cứ hứa hẹn và năn nỉ làm tiếp. Đầu tháng này (10/2020), chị bắt đầu không liên lạc được với nó nữa. Nó trốn mất rồi em ạ. Bây giờ đi tìm nó kiểu gì đây…”, chị kể với chúng tôi tỉ mỉ và chi tiết, rồi cho chúng tôi xem bảng công chị tự chấm trong quá trình làm việc với tổng số tiền ước tính khoảng 60 triệu đồng. Như chị Nụ tiết lộ thì chị cùng với các lao động khác đã đến Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đăng Sơn để khiếu nại và được công ty này trả lời, sau khi nghiệm thu đã quyết toán đủ cho cai thầu Hiếu, trong đó đợt thanh toán gần nhất là 165 triệu đồng. Số lượng người lao động tại nơi làm việc của chị Nụ và được Hiếu chịu trách nhiệm trả công là 57 người, đa phần bị Hiếu quỵt tiền từ 8-15 triệu đồng, số ít từ 2-5 triệu đồng. Cũng có trường hợp chỉ bị “xù” 3 công nhật, tương đương với 750 nghìn đồng. Tổng số tiền Hiếu “ôm” của tổ lao động này ước tính khoảng 400 triệu đồng.

Thực trạng chủ thầu quỵt tiền lao động tự do - Kỳ 1: “Chủ thầu trốn mất rồi”

Bên trái là bảng chấm công tự chấm của người lao động.

Tiếp tục hành trình thu thập thông tin, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Vạn (Dương Xá, Gia lâm, Hà Nội - chủ dãy trọ cho người lao động thuê) giới thiệu đến gặp một nhóm người lao động cũng bị cai thầu nợ tiền công ở Hà Đông (Hà Nội). Tại đây, chúng tôi ấn tượng bởi sự rụt rè của anh Moong Lê Vong, 18 tuổi, là người dân tộc Khơ Mú sinh sống ở Nghệ An. Bạn trẻ này được nhóm lao động trọ nhận xét là “nó quá đen” bởi Vong vừa chân ướt ráo rời quê ra Hà Nội, lần đầu tiên đi làm và sau 2 tháng “khởi nghiệp” đến nay Vong vẫn chưa nhận được đồng nào. “Tiền công của em là 15 triệu anh ạ, 2 tháng, em làm đủ hết nhưng chưa thấy tiền đâu cả. Cai thầu thì trốn rồi, em cũng muốn đi tìm nhưng không biết nó ở đâu. Giờ em chỉ biết chờ thôi, có thông tin chỗ ở của cai em sẽ đến đòi; nhưng biết được chỗ của nó để đi đòi chắc cũng vất vả lắm anh ạ…” , chàng trai chưa lập gia đình này bẽn lẽn nói và cho biết đã có người giới thiệu cho anh đi làm ở một công trình khác cũng trên địa bàn Hà Đông (Hà Nội).

Thực trạng cai thầu quỵt tiền lao động tự do - Kỳ 1: “Chủ thầu trốn mất rồi”

Anh Nguyễn Văn Vạn (Dương Xá, Gia lâm, Hà Nội) - chủ dãy trọ cho người lao động thuê.

Cũng nhờ anh Nguyễn Văn Vạn, chúng tôi được biết rằng không chỉ có các cai thầu ở công ty vừa và nhỏ mà ngay cả những cai thầu nhận thầu các hạng mục của các tập đoàn lớn cũng quỵt tiền của người lao động tự do, trong đó có nhiều trường hợp bỏ trốn để lại những khoản nợ công không hề nhỏ với những người làm công. Những sự việc như thế này từng diễn ra và được cảnh báo nhưng vẫn “nở rộ” tràn lan như một cơn bão lớn càn quét giới lao động tự do, lao động thời vụ và lao động không có hợp đồng pháp lý rõ ràng..., ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ, như những trường hợp của chị Loan (Tuyên Quang), anh Quyết (Điện Biên)… mà chúng tôi sẽ phản ánh đến bạn đọc ở kỳ tiếp theo.

Thực trạng cai thầu quỵt tiền lao động tự do - Kỳ 1: “Chủ thầu trốn mất rồi”

Mời độc giả đón đọc kỳ 2: "Đã rách lại thêm nát" vào 11h30 trưa 23/10

Bài và ảnh: Mạnh Khánh

Đồ họa: Mạnh Khánh

Xem phiên bản di động