e magazine
27/02/2025 12:36
Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Nỗi lo, giải pháp và kỳ vọng

27/02/2025 12:36

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ 14/2/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mang theo kỳ vọng về một sự chấn chỉnh mạnh mẽ trong hoạt động dạy thêm, học thêm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn đó những trăn trở, khó khăn mà các giáo viên cùng với các bậc phụ huynh đang phải đối mặt.
Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Nỗi lo, giải pháp và kỳ vọng
Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Nỗi lo, giải pháp và kỳ vọng

Thông tư 29 quy định: Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp… Quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.

Chị Lê Thị Lan, một giáo viên THPT tại tỉnh Hà Nam cho biết, hiện chị đã tạm dừng tất cả các hình thức dạy thêm để chờ hướng dẫn tiếp theo của Bộ GD&ĐT. “Tuy có sự thay đổi trong hoạt động dạy và học, nhưng vẫn cứ đúng thông tư mà thực hiện. Khó ở đâu gỡ ở đó”. Chị Lan cũng bày tỏ, cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để việc đăng ký dạy thêm trở nên dễ dàng và minh bạch hơn, giảm thiểu nỗi lo cho phụ huynh và học sinh.

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Nỗi lo, giải pháp và kỳ vọngThông tư 29 về dạy thêm, học thêm đang được quan tâm. Ảnh minh họa: VGP

Thực tế cho thấy, trước khi Thông tư 29 ra đời, hoạt động dạy thêm diễn ra khá tự do và có phần “tự phát”. Nhiều giáo viên, đặc biệt là ở các thành phố lớn, tham gia dạy thêm để tăng thu nhập, hỗ trợ học sinh yếu kém hoặc đơn giản là đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Hình thức dạy thêm cũng rất đa dạng: dạy kèm tại nhà, mở lớp tại các trung tâm, dạy online...

Một số giáo viên, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí phải chuyển hướng sang các công việc khác để kiếm thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ngay từ khi có Thông tư, nhà trường đã tập trung làm rõ các điểm mới, thông tin cụ thể đến từng thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh, đồng thời thực hiện các cam kết liên quan.

"Việc dạy kiến thức, rèn kỹ năng là hoạt động chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm nay. Vẫn sẽ có những lo lắng, băn khoăn đối với các em cuối cấp, nhưng tôi tin rằng, với lộ trình, kế hoạch ôn tập, chắc chắn vẫn sẽ đảm bảo nội dung cho các em", ông Cường chia sẻ.

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Nỗi lo, giải pháp và kỳ vọng
Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Nỗi lo, giải pháp và kỳ vọng

Bên cạnh những ý kiến từ giáo viên, nhiều phụ huynh bày tỏ sự ủng hộ đối với việc quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm, nhằm giảm áp lực học tập cho con em mình và hạn chế tình trạng “dạy chay”, “dạy tủ” trên lớp để ép học sinh đi học thêm.

Chị Nguyễn Thu Hương, một phụ huynh có con học lớp 7 tại Hà Nội, chia sẻ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm. Trước đây, con tôi học thêm quá nhiều, thời gian nghỉ ngơi rất ít, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. Tôi hy vọng Thông tư mới sẽ giúp con tôi có thời gian học tập và vui chơi cân bằng hơn”.

Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh lo lắng về việc con em mình không được hỗ trợ đầy đủ nếu không đi học thêm. Họ cho rằng, việc học thêm vẫn cần thiết đối với những học sinh yếu kém hoặc muốn nâng cao kiến thức.

Voice: Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) nhận định về Thông tư 29.

Anh Trần Văn Bình, một phụ huynh có con học lớp 9 tại Thái Bình, cho biết: “Con tôi học lực không tốt, nếu không đi học thêm thì khó mà theo kịp các bạn trong lớp, chưa kể năm nay là năm cuối cấp, kỳ thi vào cấp 3 rất quan trọng. Tôi mong muốn nhà trường và giáo viên có những hình thức hỗ trợ học sinh yếu kém khác, khi việc dạy thêm, học thêm đang tạm dừng”.

Một vấn đề khác khiến nhiều phụ huynh băn khoăn sau khi Thông tư 29 được ra đời là việc không biết gửi con ở đâu khi “con tan học sớm nhưng bố mẹ chưa tan làm”. Chị Nguyễn Thị Huyền (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây các con được gửi đi học thêm, đến khoảng 18h30 vào 3 hôm ít tiết ở trường, tôi tan làm về đón con là vừa. Nhưng giờ sau Thông tư, không thể đưa con đến công ty, tôi đành phải tìm trung tâm dạy kỹ năng mềm gần trường để con sang học. Tuy nhiên, việc này đồng nghĩa với sẽ phải tốn thêm khoản chi phí không nhỏ cho việc học tập của con”.

Một số phụ huynh khác cũng bày tỏ lo ngại về việc các lớp học thêm “chui” sẽ mọc lên sau khi Thông tư mới có hiệu lực, gây khó khăn cho việc quản lý và kiểm soát chất lượng.

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Nỗi lo, giải pháp và kỳ vọng
Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Nỗi lo, giải pháp và kỳ vọng

Trước những luồng ý kiến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã có chia sẻ trong cuộc phỏng vấn mới đây: “Thông tư 29 vừa ban hành đã trải qua quy trình xây dựng căn cứ vào thực tiễn và những quy định đã ban hành trước đó, lấy ý kiến rộng rãi vì đây là quy định quản lý một vấn đề “lớn, khó” là dạy thêm. Việc tiếp theo của quá trình thực hiện là hiểu, làm đúng trách nhiệm của các bên”. Đây là những yếu tố quyết định để thông tư 29 thực sự đi vào cuộc sống.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng cho biết: Quan điểm của Bộ GD&ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc…

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Nỗi lo, giải pháp và kỳ vọng

Chia sẻ nhận định về Thông tư 29 mới đây, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, tinh thần xuyên suốt của Thông tư là đem đến giải pháp để tất cả các đối tượng liên quan nâng cao chất lượng giáo dục trong giờ chính khóa, đảm bảo quyền lợi học sinh được học những môn học và hoạt động giáo dục với một đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường được phát huy tối đa.

“Tối đa ở đây là tối đa về công năng sử dụng, tối đa về định mức giờ dạy của giáo viên và tối đa về trách nhiệm của giáo viên trong giờ đứng lớp. Kiến thức các em được học trong giờ chính khóa tốt rồi thì việc dạy thêm, học thêm sẽ không phải áp dụng cho tất cả các đối tượng nữa”, ông Tài nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc ban hành các quy định cụ thể để quản lý việc dạy thêm, học thêm, ông Tài cho rằng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác. Trong đó, làm tốt công tác tuyên truyền đến từng đối tượng, để hiểu rõ bản chất, nội dung và tinh thần xuyên suốt của Thông tư 29, hướng đến hình thành thói quen học tập cho các em và tăng tính trách nhiệm, tăng tính tôn vinh đối với thầy cô giáo.

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Nỗi lo, giải pháp và kỳ vọng

Bên cạnh đó, các bên liên quan như Ủy ban Nhân dân các cấp cần tăng cường tạo điều kiện cho việc dạy thêm trên địa bàn, nhưng cùng với đó là tăng cường kiểm tra, quản lý đối tượng này để tăng tính minh bạch ngay từ đầu.

Thông tư 29 là một bước tiến quan trọng trong việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, để Thông tư này thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả tích cực, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các nhà trường và sự đồng thuận từ phía phụ huynh. Nhà trường cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ học sinh yếu kém, nâng cao chất lượng dạy và học chính khóa. Phụ huynh cần chủ động phối hợp với nhà trường và giáo viên để tạo điều kiện tốt nhất cho con em mình phát triển toàn diện.

Chỉ khi nào có sự đồng thuận, thấu hiểu và chia sẻ từ tất cả các bên liên quan, chúng ta mới có thể xây dựng được một môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng và chất lượng, nơi mà giáo viên được tôn trọng, học sinh được phát triển toàn diện và phụ huynh cảm thấy yên tâm.

PHƯƠNG MAI

Đồ họa: TRƯỜNG SƠN

Phương Mai

Xem phiên bản di động