|
Nếu có dịp đến các vùng biển Trà Vinh, Cà Mau…, không khó để bắt gặp những hàng đáy được đóng giữa biển khơi. Đây là một trong những nghề đánh bắt thủy sản lâu đời ở vùng biển Tây Nam bộ. Không ai rõ nghề này có ở đây từ bao giờ, chỉ nghe các bậc cao niên kể lại, vào những năm cuối thế kỷ 19, khi ngư dân miền Tây đang quẩn quanh đánh bắt thủy sản ở sông rạch, thì có ông Cao Văn Huyền (Bến Tre) đến cửa sông Cổ Chiên (tỉnh Trà Vinh), nhìn đất đai ngó biển trời mà ra một quyết định táo bạo: “Dời hàng đáy trên sông ra biển”.
Rồi ông thuê trai tráng lặn giỏi, kiếm cột kèo chắc chắn cùng ra biển để dựng đáy. Khi những hàng đáy ban sơ được dựng lên thành công, cũng là lần đầu bà con vỡ òa trước luồng tôm cá biển đầy ắp mỗi khi thu đáy. Thế là trai tráng xin theo nghề, phụ nữ ở nhà lo các công đoạn phơi khô, lựa cá, vá lưới... Từ đó, nghề đáy hàng khơi đánh bắt thủy sản ở những vùng biển xa bờ được hình thành… Đối với nghề đóng đáy của người dân phương Nam, căng đáy ra trên sông gọi là đáy sông, đem ra xa bờ dưới 10 hải lý gọi là đáy hàng cạn, còn đem ra trên biển từ 10-20 hải lý (18-36 km), nước sâu trên 10 sải tay (hơn 18m) gọi là đáy hàng khơi. Mỗi hàng đáy gọi là 1 sở đáy, có từ 8-18 miệng đáy, mỗi miệng rộng khoảng 18m. |
|
Nhìn những rượng đáy liên tục lắc lư theo dòng nước biển chảy siết, anh Lê Thái Âu và anh Lê Văn Trung (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) tin chắc cá tôm đã vào lưới. Những cơn sóng to, gió mạnh như muốn “nuốt chửng” hai người đàn ông khỏe mạnh; nhưng họ vẫn di chuyển thoăn thoắt trên những “chiếc cầu khỉ trên không”, từ miệng đáy này sang miệng đáy khác. Họ giật những cây “nọc cài” cho miệng đáy khép lại, bắt đầu kéo đáy đổ đụt thu hoạch tôm cá. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, anh Âu và đồng nghiệp mới hoàn tất công việc kéo đáy đổ đụt, ước tính có trên 1 tấn tôm cá, ruốc các loại… “Bữa nay coi bộ cũng kiếm ăn được, có cái để chiêu đãi nhà báo rồi”, anh Âu nói vui khi vẫn còn đang thở dốc vì mệt sau khi hoàn tất việc lên xong một khẩu đáy. Anh Âu và anh Trung được gọi là “bạn đáy” hay “bạn chòi” của nghề đáy hàng khơi.
Có thể hiểu nôm na như thế này: Đáy hàng khơi là công cụ đánh bắt thủy hải sản xa bờ của ngư dân. Trên vùng biển cách đất liền khoảng từ 10 đến 12 hải lý (khoảng từ 15 đến 20 km cách bờ tùy theo địa hình và dòng chảy của luồng nước biển ven bờ). Ở đó, người ta dựng đáy với những cột trụ (làm từ thân dừa hay thân cây sao, rượng, đõi, nèo…). Cột trụ đáy thường được ngư dân cắm cách nhau khoảng 5 -10m, cắt ngang dòng chảy. Giữa các cột đáy có rượng đáy được cột cố định bằng cây tre hoặc dây kẽm nằm ngang, cách mặt nước biển chừng 1,5-2,5m vừa để giữ vững cột đáy, vừa làm cầu cho “bạn đáy” đi lại từ miệng đáy này sang miệng đáy kia. Phía dưới là miệng đáy (khẩu đáy) rộng khoảng 50m, được làm bằng loại lưới dài, đuôi thắt, bắt cố định vào những thân cột to, cắm sâu xuống đáy biển để bắt tôm cá... Để dựng lên một dải đáy hàng khơi, công việc đầu tiên của những người làm nghề này là cần định vị đúng dòng chảy của luồng lạch để cắm những hàng cột đáy nối tiếp nhau ngang luồng lạch. Những sợi dây thừng được mắc giữa các cột đáy là phương tiện duy nhất để những người bạn chòi di chuyển qua lại thả đáy và kéo đáy. Họ thành thạo những thao tác như đi dây, đu dây, thả lưới, kéo lưới đến mức độ nhanh thoăn thoắt khiến người ta cứ ngỡ họ là nghệ sĩ xiếc trên biển cả.
Sinh ra ở vùng cửa biển Cung Hầu (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), với anh Âu, tình yêu biển cả đã ăn sâu vào máu thịt. Người đàn ông sinh năm 1990, với thân hình săn chắc; bắp tay, bắp chân nổi rõ gân guốc vì quen lao động nặng nhọc. Dù tuổi chưa đến tứ tuần, nhưng làn da rám nắng, sạm màu vì phơi mình dưới nắng và gió biển, cùng ánh mắt tinh tường để có thể quan sát biển và thời tiết, khiến anh trông đứng tuổi hơn Vừa trò chuyện, đôi bàn tay thô ráp, chai sạn của anh Ân vẫn thoăn thoắt làm việc. Anh kể: “Hồi đang học cấp 3, tôi bỗng nổi cơn “ghiền” đi biển rồi bỏ học ngang theo ông già (cha) đi biển. Hồi đó, tôi mới 16 tuổi phải học bơi lặn thật giỏi, đi ghe thành thục. Vừa làm vừa học để biết “đọc biển” theo con nước, coi sao, nghe gió, coi mây trên trời để dự đoán về thời tiết biển hay mưa bão bất thường. Phải mất hơn 2 năm tôi mới tương đối rành rẽ mọi thứ để có thể tự mình ra biển làm nghề đáy hàng khơi”. Theo anh Âu, với nghề đáy hàng khơi, người bỏ tiền của mua sắm ghe thuyền, sắm sửa và đầu tư để dựng hàng đáy được gọi là chủ đáy; còn người làm công cho chủ đáy gọi là “bạn đáy”. “Bạn đáy” cũng chia làm hai loại, người theo ghe khuân vác vận chuyển tôm cá vào bờ thì gọi là bạn ghe; người trụ trên đáy hàng khơi lo buông đáy, kéo đáy, đổ đụt như anh thì gọi là bạn chòi. Đến con nước xuống đáy bắt cá tôm thì bạn chòi được chủ đáy chở từ trong bờ ra các miệng đáy (mỗi tháng hai lần theo con nước). Sau đó, bạn chòi ở lại chòi cho đến khi hết con nước rong mới vô đất liền, về nhà. Còn với anh Trung, nghề biển cùng những con sóng bạc đầu, những chuyến đi dài ngày miên man đã trở thành phần không thể thiếu trong đời sống của người dân miền biển. Những lần ra đáy, anh và đồng nghiệp trú ngụ trong căn chòi nằm chơ vơ giữa biển, được dựng từ những vật liệu đơn sơ... Ngước nhìn lên cao, cách mặt nước chừng 3-4m, một chòi lá và gỗ nho nhỏ như tổ chim ôm lấy cây cột đáy, lắc lư từng chập theo theo sóng gió. Căn chòi rộng chưa tới 10m2 là nơi cư trú tạm thời của khoảng 2-3 “bạn đáy” trong mùa đánh bắt.
Trên biển, thức ăn không đa dạng như trên bờ. Mỗi chuyến ra khơi, họ chỉ mang theo gạo, nước ngọt, một ít cá khô, rau củ và gia vị. Cá tươi câu, lưới được đôi khi ăn không hết thì phải phơi khô hoặc muối lại. Một bữa ăn thường đơn giản với cơm, canh rau, cá kho hoặc nướng. Khi biển động, sóng lớn khiến bếp lửa khó nhóm, họ chỉ có thể ăn cơm nguội với nước mắm. Một ngày của “bạn đáy” bắt đầu từ sáng sớm, khi mặt trời vừa lên đâm mây ngang. Họ kiểm tra lưới đáy, kéo lên những mẻ cá, mực, tôm theo con nước. Công việc này đòi hỏi sức khỏe và sự kiên nhẫn, vì phải kéo hàng trăm mét dây đáy nặng trĩu sản vật của biển cả. Thủy sản sau khi thu hoạch, được các bạn chòi phân loại ngay trên chòi. Cá lớn, tôm, cua sẽ được cho vào thùng để bảo quản…thường thi ghe, tàu của chủ đáy hoặc bạn hàng sẽ ra trước khi thu đáy để mau chóng đưa sản vật vào bờ ngay sau khi lên đáy. |
|
Đêm đến, biển cả trở nên mênh mông và huyền bí. Gió mưa thi thoảng rít mạnh từ cơn qua những cột đáy, sóng dập mạnh từng hồi theo cơn gió vào những trụ đáy khiến chòi đáy cứ lắc lư, những nút dây cọ nhau phát ra những tiếng rít kèn kẹt rất khó chịu. Trong bối cảnh đêm đen sóng gió, chỉ le lói ánh “đèn bão cô đơn” báo hiệu vị trí của hàng đáy cho tàu bè qua lại, người bạn chòi chập chờn trong giấc ngủ sau khi đã kiểm tra và sắp xếp, chuẩn bị những vật dụng cần thiết để đề phòng sự cố. “Làm nghề này, mình phải thức khuya, dậy sớm, canh con nước”, anh Trung nói và cho biết thêm: “Vào ban đêm, công việc của những bạn chòi sẽ vất vả hơn ban ngày. Khi bóng tối bao trùm, sự thay đổi của dòng nước, thủy triều có thể mang lại nguồn thủy sản dồi dào hơn, nhưng cũng tiềm ẩn vô số nguy hiểm. Điều quan trọng nhất là không được “ngủ gục, nên mỗi người phải làm mọi cách để tỉnh ngủ, như: xoa bóp sau gáy vài cái cho mạnh, thậm chí là tự gõ đầu, nhổ tóc… Mỗi đêm, bạn chòi thường có 2 – 3 lần kéo lưới để thu hoạch cá. Chúng tôi dùng đèn pin soi xuống nước, kéo lưới lên rồi nhanh chóng gỡ từng con cá, tôm, cua mắc vào lưới. Những hôm cá tôm nhiều, phải làm liên tục, tay chân ướt lạnh dưới sương đêm. Nếu có gió chướng hoặc biển động, việc kéo lưới càng khó khăn hơn, có khi phải bám chặt vào cọc chòi để giữ thăng bằng”.
Sợ nhất là khi biển động, gió thổi ào ào suốt ngày đêm, khiến những cột đáy rung lắc dữ dội. Những con sóng cao có khi đến 4-5 mét đánh mạnh vào chòi, làm nước tràn vào, khiến “bạn đáy” lúc nào cũng ướt sũng, rét buốt. Chỉ cần một cơn gió giật mạnh, những chiếc chòi đáy có thể đổ sập xuống biển, cuốn theo cả người và dụng cụ. Cũng chính vậy mà trong số những kỹ năng và vật dụng phòng hộ của nghề đáy hàng khơi, bạn chòi ai cũng có bên mình một cuộn dây và một con dao bén. Với họ, mỗi khi xảy ra sự cố, chỉ cần “trong chớp mắt”, thì họ đã có thể hoàn thành một vòng dây để cố định mình với trụ đáy, còn chuyện ‘bơi lội các kiểu” thì đã là điều hiển nhiên nên khỏi kể. “Hồi chưa có nhiều dụng cụ cứu sinh như bây giờ, những đêm thời tiết xấu, lúc đi ngủ, anh em thường cột theo vài can nhựa loại lớn bên mình. Phòng khi giông bão, chòi bị sập, bị rơi xuống biển còn kịp trở tay, vì đó là “chiếc phao” duy nhất”, anh Âu nhớ lại.
Trải dài từ vùng biển Cần Giờ đến tận mũi Cà Mau, phải có trên hàng nghìn hộ theo nghề đáy. Với họ, làm cái nghề “hạ bạc” để kiếm chén cơm chưa bao giờ là dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Bột, chủ đáy hàng khơi ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cho biết, chuyện bạn chòi rơi xuống biển xảy ra như cơm bữa. Có lần, hai bạn chòi của ông là anh Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Cọt bị lốc xoáy cuốn phăng xuống biển lúc nửa đêm. Cả hai ôm phao trôi dạt nhiều giờ trên biển, may mắn được ghe đánh cá cứu sống. Còn ông Nguyễn Văn Hùng (74 tuổi) đến nay vẫn nhớ như in sự cố xảy ra vào tháng 11/1997. Khi đó ông là bạn chòi đáy hàng khơi ở Vàm Lũng, huyện Ngọc Hiển. Lúc đang chở 42 miệng đáy từ cửa sông Vàm Lũng ra đóng đáy, bị mưa, bão ập đến làm cho ghe lật nhào, chìm giữa biển. Gió giật cấp 10, cấp 11. Ông và 8 bạn chòi rơi xuống biển phải đeo bám đuôi ghe 2-3 giờ mới có tàu thuyền đến cứu thoát nạn. Về đất liền định bỏ nghề luôn, nhưng vì yêu nghề, ông Hùng lại tiếp tục làm bạn chòi. “Dù mấy lần thoát chết, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác sợ biển. Sau tai nạn trở về cứ nhìn ra biển là nhớ, không dứt đi được, giống như ngoài đó có một ma lực vậy”, Hùng ông tâm sự. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Âu và anh Trung vui vẻ nói: “Nghề này sống được anh à!. Trung bình một tháng em đi khoảng 25-30 chiều đáy. Một chiều là 100.000 đồng. Nuôi vợ con được. Lúc rảnh thì làm thêm mấy việc khác nữa”. Hoá ra một “chiều” là một chiều con nước lên đáy, xuống đáy. Người đi bạn chòi sẽ làm những công việc như: lặn xuống những cọc đáy để cài đáy, kiểm tra mành lưới… còn chiều lên đáy thì làm ngược lại nhưng cực hơn nhiều vì còn dọn rác, lựa cá, tôm và phân loại sản phẩm.
Nghề đáy ngày nay trúng nhất có lẽ chỉ còn ở vùng cửa Mỹ Thanh với những hàng đáy thuộc làng chài Mỏ Ó (tỉnh Sóc Trăng). Dù vậy nếu so với những ngày trước thì đã kém hẳn. Những lão ngư dân cựu trào vẫn còn nhớ như in những ngày xưa, khi mà mỗi chiều đáy, một miệng đáy lên được cả trăm ký tôm cá. Ông Nguyễn Văn Heo, năm nay đã hơn 80 tuổi, tự hào là người đã có ba đời làm nghề đáy kể rằng: “Đáy hàng khơi có thể khai thác quanh năm, nhưng mỗi năm có hai vụ chính: mùa nam từ tháng 3 đến tháng 6, mùa chướng từ tháng 9 đến tháng chạp âm lịch. Mỗi mùa đều có những sản vật đặc thù. Nghề này có một quy luật bất thành văn trong mối quan hệ giữa chủ đáy và “bạn đáy”. Cứ mỗi hàng đáy từ 10-15 miệng đáy, “bạn đáy” được chọn 2 miệng đáy thuộc về mình để thu hoạch sản phẩm. Rất khó để quy ra số tiền cụ thể, chính xác; nhưng nói chung là sống được”, ông nói. Bây giờ đã có điện thoại di động, nên bạn chòi đã bớt cô đơn, nhưng vẫn không thể so sánh với những tiện nghi trên đất liền. Nhưng bạn chòi như anh Trung, không ít lần đi ra biển lại quên mang theo thẻ nạp tiền điện thoại. Lại thêm gặp lúc điện thoại hết pin, mà pin sạc dự phòng bị chai, ổ điện “lâm bệnh”, thì chỉ biết nhìn ngồi nhìn sóng nước. |
|
“Thách thức lớn nhất mà “bạn đáy” phải đối mặt là sự thiếu thốn về vật chất và những mối nguy hiểm rình rập trên biển. Và quan trọng nhất, chúng tôi phải tập quen với bóng tối và sự cô đơn để tiếp tục bám nghề”, anh Trung chia sẻ. Hiện nay, nghề đáy hàng khơi đang dần mai một do việc khai thác quá mức, sử dụng ngư cụ tận diệt của những hình thức đánh bắt khác – đã làm suy giảm lượng cá, tôm. Ngư dân không còn đủ sản lượng để trang trải chi phí, dẫn đến bỏ nghề. Cùng với đó, một giàn đáy hàng khơi tốn hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng để đầu tư và duy trì. Trong khi giá nhiên liệu, nhân công tăng cao, còn sản lượng đánh bắt lại bấp bênh, khiến các chủ đáy không còn mặn mà với nghề.
Ông Nguyễn Văn Dài, Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, cho biết, thời hoàng kim, làng nghề đóng đáy hàng khơi ở địa phương có hơn 200 hộ chủ đáy, với hơn 750 khẩu đáy, cùng hơn 800 lao động làm các công việc “bạn chòi”, “bạn ghe” và lựa tôm cá. Nhưng nay, số khẩu đáy hàng khơi hiện nay đã giảm hơn một nửa so với trước. Nguyên nhân do sản lượng tôm cá ven bờ dần càng cạn kiệt. Nhiều gia đình chủ đáy có tiền đầu tư hàng đáy mới ở xa bờ hơn hoặc chuyển sang nghề cào, lưới. Những gia đình chủ đáy không đủ nội lực sẽ thu hẹp dần số khẩu đáy. Nghề nào cũng vậy. Ắt có lúc thịnh lúc suy. Nhưng với những bạn chòi, dù đã bao phen trở về từ cõi chết, nhưng họ vẫn bám trụ với nghề. Với họ, tình yêu biển không chỉ đơn thuần là một tình cảm mà còn là sự gắn bó máu thịt với đại dương. Biển không chỉ là nguồn sống mà còn là người bạn, người thầy dạy họ cách sinh tồn, thậm chí là một phần linh hồn họ. Như lời ông Nguyễn Văn Heo: “Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, dù công nghệ có hiện đại hơn, tình yêu biển của chúng tui vẫn vẹn nguyên. Bởi hằn sâu trong máu thịt, biển đã là quê hương thứ hai, là một phần cuộc đời không thể tách rời”.
|
|
|