e magazine
15/02/2024 20:43
“Thợ ăn ong” bên rạch An Nô

15/02/2024 20:43

Được sự động viên của “những người bạn ăn ong”, tôi vào vai một thợ học việc với ổ ong đầu tiên là một ổ ong ruồi đóng trên một cây mai nhỏ.
“Thợ ăn ong” bên rạch An Nô

An Nô là tên con rạch lớn ở xã Thạnh Thới An (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Vùng đất có tên xưa là Bâng Ân S’nô – có nghĩa “Bưng cây điên điển”. Vì là “bâng – bưng”... nên nền đất trũng, xưa cỏ dại, cây hoang mọc ken dày, là nơi trú ngụ lý tưởng của những bầy ong mật.

“Thợ ăn ong” bên rạch An Nô

Ông Lâm Văn Tiến (Sáu Tiến - 70 tuổi) ở ấp Thanh Nhàn kể rằng: “Vùng đất An Nô trước năm 1975 và một đỗi sau này lúa chỉ làm được 1 vụ nhờ nước trời. Vườn tược rậm rạp như rừng. Ong mật thì đóng tùm lum. Mà thời đó thì cũng chưa có “thợ ăn ong” nhiều như bây giờ”.

Rạch An Nô bây giờ “thẳng băng” vì là con rạch chính để tiêu thoát nước cho những cánh đồng ngút mắt. Cặp hai bên bờ rạch là những vườn dừa, rồi bần, vườn cây tạp rậm rạp... Tới mùa ong về lấy mật tuy không nhiều như xưa nhưng vẫn còn khá.

“Thợ ăn ong” bên rạch An Nô

"Thợ ăn ong" Vương Nhất Toàn.

“Thợ ăn ong” có tiếng ở đây là Vương Nhất Toàn – anh có nhiều kinh nghiệm trong việc sửa ổ, giữ bầy..., và được xem là thủ lĩnh của nhóm 3 người: Nhất Toàn; Kính (Lâm Văn Kính một “cao thủ leo trèo”) thường được chỉ định để xử lý những ổ ong đóng trên những cây cao, đòi hỏi “kỹ năng lên cây cũng như sức khỏe” mới có thể lấy mật và sửa ổ một cách an toàn. Nhân vật cuối cùng là Hồ Nguyễn Chinh Chiến – một người ham vui và cũng mê “chuyện ăn ong”. Tới mùa lấy mật, hễ được hú hí thì sẵn sàng tham gia để đùa vui với lũ ong rừng.

Chuyện hình thế của những kèo ong, tập tính của ong rừng đóng tập trung và đặc thù mật ong ở An Nô, Nhất Toàn rành rẽ bởi sau những ngày rảnh rang việc đồng ruộng, chăm lo cho mấy con bò sữa là anh và nhóm bạn thường xuyên rảo theo những bờ vườn rậm rạp hoặc ven rạch, ven sông... tới mùa thì xuống luôn cả những dải rừng bần ven sông Hậu, Cổ Cò để tìm mật.

“Thợ ăn ong” bên rạch An Nô

Rạch An Nô nhìn từ trên cao.

Ong mật (ong rừng) thường đóng trên những cành cây lớn vươn dài ra ngoài thân, “cong cong như nửa cánh cung” và thường hướng về phía mặt trời mọc. Nhưng còn tùy thuộc vào mùa gió vì ổ ong phải “nằm ở thế chẻ gió chớ hổng hứng bản về hướng gió”. Có những ổ đóng tuốt trên cành bần cao gần 20m, nhưng cũng có những ổ đóng dưới tàn cây bình bát thấp tầm từ 1 đến 2 mét, thợ ăn ong khỏi cần tốn sức leo trèo cũng lấy được mật. Có những ổ ong đóng đã lâu, “tàn ong” (tên gọi chung cho ổ ong rừng) lớn chẳng thua gì “cái mặt bàn ăn cơm”, nhưng cũng có khi mới đóng lớn chưa bằng cái rổ thì đã bị “dân ăn tạp” phá ổ lấy mật!?

“Thợ ăn ong” bên rạch An Nô

Chuyến “học lóm nghề” đầu tiên của tôi là theo Nhất Toàn lấy mật ở ổ ong đóng trên cây mù u trong vườn của chú Sáu Tiến. Ổ này đóng trên kèo cao tầm 6 thước. Thợ ăn ong đi từ nhà chỉ mang theo một thùng nhựa đeo bên mình để đựng bầu mật, tàn ong non khi “lên kèo”. Hầu như loài ong nào cũng sợ khói, đặc biệt là những loài ong cho mật như ong rừng, ong ruồi hay ong dú. Vậy nên công việc đầu tiên của thợ ăn ong là chuẩn bị một “cây cúi” sao cho khi đốt lên phải cho ra thật nhiều khói.

“Thợ ăn ong” bên rạch An Nô

Thợ ăn ong nổi lửa cây cúi, lên kèo lấy mật

Nguyên liệu thật đơn giản vì chỉ cần gom quanh vườn là đã có một cây cúi vừa ý. Một mớ lá dừa khô, thêm mớ cành lá tươi, chủ yếu để tạo nhiều khói xua bầy ong, cắt bầu mật, sửa ổ. Ổ ong này thuộc dạng “kèo đẹp” vì không cao quá, thợ ăn ong dễ lên.

Nổi lửa cây cúi, Nhất Toàn lên kèo lấy mật. Chỉ chưa tới 3 phút, Toàn đã lấy xong bầu mật bỏ vào thùng và đậy nắp. Sau đó là cắt sửa tàn ong con sao cho bầy ong vẫn đóng lại trên kèo và xây lại ổ. Tùy theo mùa hoa mà có thể chỉ sau mười bữa, nửa tháng…thợ ăn ong đến thăm và tiếp tục lấy mật.

Với thợ ăn ong, để giữ được những điểm có bầy ong làm tổ, những nhóm thợ thường có hai cách để giữ ổ cho mình. Một là dặn chủ nhà giữ ổ để chia mật theo phương thức 5/5. Hai là giữ ổ đến khi thợ ăn ong đến lấy thì tùy theo số mật ít hay nhiều mà thợ ăn ong sẽ gửi lại cho chủ nhà một số tiền tương ứng cũng theo dạng 5/5.

“Thợ ăn ong” bên rạch An Nô
“Thợ ăn ong” bên rạch An Nô

Chuyến đi lấy mật ở khu vườn của chùa Luông Bassas (Chùa Bãi Xàu cũ, ấp Chợ Cũ, TT. Mỹ Xuyên) thì “cao thủ" Văn Kính lên kèo bởi ổ ong đóng trên một nhánh sao lớn cao hơn 20m và “de ra mé ngoài” chừng 7m. Gốc sao lớn một người ôm không giáp, thẳng băng mà Kính một bên đeo thùng, miệng cắn cây cúi leo lên tới chảng ba chưa đầy 2 phút.

Thổi lửa, khói lên đủ là Kính ra kèo ong làm việc. Vì trống trải nên Kính phải “xông khói kỹ” cả hai bên. Bầy ong túa ra bay tán loạn quanh ổ nhưng vẫn còn không ít con ham mật vẫn đeo dính bầu mật và tàn ong non. Tay không vậy mà Kính thoải mái phủi bầy ong rớt lả tả ra khỏi bầu mật. Dao thứ nhất rọc tách bầu mật với tàn ong non. Dao thứ hai tách rời “miếng mứt” này ra khỏi ổ bỏ vào thùng. Dao thứ ba tách xong bầu mật. Dao thứ năm, thứ sáu cắt tàn, sửa ổ. Xong việc. Xuống thôi. Sạch...

“Thợ ăn ong” bên rạch An Nô

Cận cảnh những ổ ong.

Đàn ong bắt đầu bu đen tổ. Từ lúc bó cúi, lên kèo, lấy mật rồi sửa ổ chưa tới 15 phút. Cả nhóm rút nhanh vì đây là một ổ ong trên cao, khói mau tan nên “Ong mau tỉnh. Tới nó chịu đánh thì đeo “dính tới chấu”… lần sau quay lại thợ ăn ong dễ “bị phản kèo”. Tức là mới vừa tiếp cận dưới gốc cây đã bị bầy ong phía trên ào xuống chích. Có những ổ ong dữ, “đánh rát” đến mức lắm khi thợ ăn ong phải bỏ ổ, bữa khác mới dám quay lại lấy.

“Thợ ăn ong” bên rạch An Nô

Đã là “thợ ăn ong” thì chuyện bị ong đánh có thể nói là “chuyện cơm bữa”. Dân ăn ong gọi đây là “phản kèo”. Với thợ ăn ong bây giờ thì đồ bảo hộ đơn giản chỉ là quần, áo dầy, trên đầu trước khi lên kèo thì chụp một túi lưới mùng để phòng bọn ong chích lỡ “trúng con mắt” thì coi như xong. Còn tay, chân thì chủ yếu là để trần. Bị vài mũi vào tay hoặc có khi bị bu chích dầy trên lưng, về dỡ áo ra gỡ kim cũng mệt thì là chuyện thường. Vậy nhưng có những bầy ong “đánh rát” đến mức cả nhóm thợ ăn ong phải chạy “cong đuôi”! Đó là chuyến đi ăn ong ở ven rừng bần Mỏ Ó.

Ngay mùa bông bần nở rộ. Toàn và Kính tin chắc “sẽ trúng” khi rảo một vòng đã thấy từ xa “một chùm 4 - 5 ổ” gần nhau. Dưới thấp có, trên cao cũng có. Cả hai chia cúi, phân chia kèo cao thì Kính lên, kèo thấp thì Toàn lên rồi ban vào. Oái oăm là cả hai đều không thấy một ổ khá lớn đóng ở một cây mấm gần đó vì chỉ lo “ngước nhìn trời”. Cứ nhắm hướng đọt bần mà “ban ào ào vô”…khi chui ngang bụi cây mấm rậm rạp thì nghe rào rào rồi... tối tăm mặt mũi bởi lúc đó, ngoài quần áo, thùng đựng bầu mật thì chưa đến lúc chụp túi lưới lên đầu. Cả hai tuôn chạy theo hướng ngược lại mà khổ nỗi, bãi bồi sình lún nửa bắp chân làm sao chạy nhanh cho được?

“Thợ ăn ong” bên rạch An Nô

Một bầu mật ngon “tới mật".

Nhất Toàn kể: “Cái lưng áo lúc đó cứ như có ai đang cầm nắm sỏi chọi mình liên tục nghe bực, bực, bực. Còn trên đầu thì thôi…đen luôn! Chạy được hơn 50 chục thước mà bầy ong vẫn bám theo đánh dữ. May là ra tới gần bờ đê thì thấy một đám bui bui rậm nên cả hai nhào vô đó ngồi mọp đầu xuống. Bầy ong bay rào rào qua đầu. Tới lúc đó, cả hai mới “lên khói 2 cây cúi” rồi lủi lên bờ đê nằm thở! Chuyến đó về rêm mình hai ba bữa”.

Những nguyên nhân mà ổ ong thường “phản kèo thợ ăn ong” thì có nhiều, nhưng nhiều nhất đều có nguyên do trước đó đã bị người ta chọc, phá! Chuyện của anh Cảnh ở Cổ Cò là một điển hình. Ngay đầu đường nước nhà anh có một ổ ong mật lớn đóng trên nhánh bần, anh cũng tính đợi vài bữa thì sẽ “kêu Nhất Toàn vô coi sao”. Bữa đó anh đang lui cui móc đường nước thì ông em bạn rể đi ngang qua lấy cục đất chọi vô giữa ổ ong rồi bỏ chạy. Bầy ong túa xuống “dập” cái người đang lui cui móc mương. “Tui với con chó phèn chạy tuốt ngoài đồng hơn 500 thước, nó mới hết bu theo. Hơn 200 con vịt đẻ nhốt ở mé sông bị đánh phù đầu nằm la liệt. 4 con heo của tui trong chuồng ong đánh bầm mình nằm vừa la vừa thở. Mặt tui thì sưng chù ụ... ngồi gỡ kim cho con phèn mà nó cứ rên ử ử. Tui điện ra hỏi thằng em bác sĩ thú y chớ giờ cứu sao? Nó trả lời... Kêu lái vô coi họ cân hông? Rút cuộc bán 4 con heo chỉ được phân nửa giá”!

Nhất Toàn hướng dẫn tôi bài học vỡ lòng để “lỡ có bị phản kèo thì còn đường để đỡ” là: “Khi bị ong mật đánh thì đừng bao giờ đứng đó mà đập! Cứ để tự nhiên khi nào nó bỏ kim thì thôi. Còn chạy thì nên chạy xuôi theo hướng gió và để ý tìm những lùm cây rậm rạp mà chui vô đó ngồi hoặc nằm sát xuống. Bầy ong mật đụng bụi cây rậm sẽ “dội ra”... khi đó mới quơ lá khô, lá mục để “lên khói” xua bầy ong đi. Ong mật sợ khói nên nếu có thấy ai bị ong mật đánh thì chỉ cần bó vài cây đỏi rồi lên lửa, lên khói vô xua đi chứ đừng lấy chà chôm mà đập! Càng đập thì bầy ong càng bu vô”!

“Thợ ăn ong” bên rạch An Nô

Được sự động viên của “những người bạn ăn ong”, tôi vào vai một thợ học việc ăn ong với ổ ong đầu tiên là ổ ong ruồi đóng trên một cây mai nhỏ. Chỉ với 1 cây kéo cắt cành, 1 điếu thuốc lá và vài lần phun khói vào ổ ong này, tôi đã có thể thoải mái di dời ổ ong đến nơi tôi muốn.

Chuyến học việc thứ hai của tôi dưới sự hướng dẫn của Nhất Toàn là một ổ ong rừng lớn, đóng trên một kèo của cây ngái chỉ cao tầm 2m. Chuyến này, tôi được thủ kỹ với áo vải dầy và bao lưới trùm đầu để đề phòng bất trắc. Chưa tính đến chuyện vì “nhát gan” nên chuyện “khói lửa của tôi cũng mù mịt” cả góc vườn. Ổ đóng thấp, lại nằm trong bờ trúc kín gió nên có chuyến “học việc” này của tôi cũng diễn ra suôn sẻ!

Đúng là “tổ đãi” khi cuối con hẻm nhà tôi đi ra ruộng có một khu đất rộng trồng bạch đàn, cỏ cây dại lên um tùm. Trong một lần ra ruộng chơi, tôi phát hiện một ổ ong mật lớn đóng trong bụi bình bát mà kèo chỉ cao chưa tới 2 thước. Ổ ong lớn đóng kín từ dưới gốc lên tới đầu kèo. Đúng là “trúng mánh”!!! Buổi sáng, tôi vô sát cận ổ ong tầm 2m và chỉ dừng lại khi thấy bầy ong “rung cánh lên dọa”!? Ổ quá hiền!!! Hăng máu... đợi sáng thứ bảy tôi bèn rủ một người bạn (BS.Q) cùng cậu con trai tên Khánh “đi ăn ong”. Hai cha con thủ một cây cúi lớn, riêng tôi 1 cây cúi và chỉ mang theo cây dao nhỏ cùng 1 bịch nilông đựng bầu mật và tàn ong non khi sửa ổ. “Lên khói... vô kèo”... Đúng là “tay ngang” nên khói mù mịt cả góc vườn, bọn ong tán loạn. Tôi “thực hành đúng bài” là khói lên dầy, un từ dưới thấp lên vừa nhanh, vừa đều cả hai bên. Vẫn còn một đám bu kín bầu mật nên lấy dao gạt xuống (không dám dùng tay không)... Chỉ sau 3 phút là đã xong 3 dao để lấy bầu mật bỏ vào bịch nilông. Dao thứ 4 sửa ổ... lấy tàn ong non. Xong... chưa đầy 5 phút. Bầu mật còn hơi non nên chỉ được tầm hơn 1 lít nhưng là mật “bông cau” vàng ươm, thơm lừng. Bữa trưa hôm đó thì Khánh được mẹ chế biến món “nhộng ong tẩm bột chiên giòn” quá đã!

“Thợ ăn ong” bên rạch An Nô

Một kèo ong dài khoảng 2m đóng trong bụi bình bát đã lấy mật được 5 lượt. mỗi lượt trung bình hơn 4 lít.

Quá phấn khích nên tầm 3 tuần sau tôi đã bị “dính đạn” khi đầu giờ chiều chủ nhật đã “nhấm nháp chút đỉnh nên hăng máu” rủ người bạn V.L xuống chụp ảnh tôi và ổ ong này khi anh vừa sắm chiếc máy ảnh Sony A.6000. Thủ sẵn cây cúi lớn để phòng ngừa... khoảng gần 6 giờ, nắng gần tắt tôi và anh ra ổ ong. Xui xẻo thế nào mà khi vừa vào cách ổ ong tầm 2 thước thì vấp một chùm dây rau muống và ngã thẳng vào ổ ong. Vừa chống tay thì chỉ nghe... rào... rào... rào... Bọn ong đã bu kín mặt! Để nguyên vậy và lùi ra tôi nhắc... “lên lửa liền đi”! Xui tận mạng khi chiều hôm đó có mưa lớt phớt nên bó cúi lá cau bị ẩm... đốt không cháy. Bầy ong đã “bu đen mặt” và V.L cũng bắt đầu bị chích vài mũi. “Vậy thì ông chạy đi”... và tôi đành để nguyên như vậy đi về nhà. Sau lưng áo bọn ong vẫn lao vào bực... bực... Còn đám đang bu trên đầu, trên mặt thì đã chích xong đang loay hoay “bỏ kim”. Đi hơn 100 thước vô đến nhà... vơ vội đống giấy báo trên bàn và “ra sân lên lửa”... Cuộn giấy báo lớn lúc này làm cây đuốc ướt bén lửa và khói lên mịt... Bầy ong giãn ra hết.

Bước vào nhà và lên giường nhờ vợ và con gái lấy nhíp nhổ kim, đầu tiên là vùng mặt, sau đó rải ra vùng cổ, rồi trong tóc... Tất nhiên là “quá xá nhức”! Vợ tôi cứ nằng nặc đòi “gọi xe cấp cứu” nhưng tôi cản lại “Cứ từ từ...” dù mắt lúc này mở hết lên rồi?! Đêm đó tôi bắt đầu “nóng lạnh từng đợt”. 8 giờ hôm sau từ cơ quan vợ điện về hỏi: “Anh đi bệnh viện chưa?”. “Đi làm gì?”. Thật ra lúc này tôi đang “thực hành bài cuối cùng” là khi bị phản kèo dữ thì việc đầu tiên là theo dõi nước tiểu của mình, nếu tiểu gắt nhưng nước tiểu vẫn màu vàng hoặc vàng hơi sậm thì vẫn ổn! Nhưng nếu nước tiểu chuyển sang màu hơi hồng thì... “đi nhà thương cho gấp”! Hóa ra tôi đã “cãi thầy” khi quên bài học đầu tiên khi lớ xớ gần mấy ổ ong là “không được phép có rượu, bia trong mình. Không xài dầu thơm, dầu gió”.

“Thợ ăn ong” bên rạch An Nô

Phóng sự của MINH LY – TRẦN LƯU

Video: NHÓM PV

Đồ họa: AN NHIÊN

Xem phiên bản di động